Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Đồ án quy hoạch chung TPHCM: khắc phục điểm nghẽn, hướng đến phát triển bền vững

Đồ án quy hoạch chung TPHCM: khắc phục điểm nghẽn, hướng đến phát triển bền vững

Viết email In

Làm thế nào để TPHCM phát triển bền vững, không gây áp lực về đất đai, cơ sở hạ tầng, dịch vụ và khắc phục các điểm nghẽn, huy động được các nguồn lực cho phát triển đô thị bền vững hơn.

Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, tôn trọng quy hoạch để có một thành phố, đô thị phát triển đi vào trật tự, quy củ… là một số nội dung hội thảo “Tiến tới đồ án quy hoạch chung TPHCM: Những vấn đề và giải pháp cho hạ tầng đô thị, liên kết các chức năng trong vùng” do Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM tổ chức.


TPHCM đang phát triển nhanh, đi kèm đó là rất nhiều vấn đề về quá tải hạ tầng giao thông, điện nước, viễn thông, thiếu nhà ở xã hội, ngập lụt, ô nhiễm môi trường.
(Ảnh: Minh Hoàng)

Ông Đặng Huy Đông, nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng hiện nay TPHCM vẫn quy hoạch theo nhu cầu của doanh nghiệp và cư dân, chỗ nào đất trống là thành hình khu dân cư, khu công nghiệp. Thế nên từ khâu nghiên cứu lập dự án phát triển hạ tầng đến triển khai, đã phát sinh hàng loạt vấn đề: giải phóng mặt bằng, đền bù, tái lấn chiếm; dự án “ngâm” lâu khiến chi phí tăng; dự án được triển khai lại vướng kết nối hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, khu vực văn hóa – thể thao…

Theo ông Đông, trong quy hoạch đô thị hiện đại, TPHCM nên tiếp cận định hướng TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng). TOD chính là triển khai quy hoạch phải có chiến lược, gắn với giao thông công cộng, giao thông đi đến đâu, phát triển cơ sở hạ tầng, nhà ở đến đấy. Nếu các hoạt động đô thị bám sát với hoạt động giao thông công cộng và theo mô hình TOD, TPHCM sẽ cởi bỏ được hàng loạt tồn tại, vướng mắc trong quy hoạch, định hướng phát triển đô thị thời gian qua. Ông Đông nói.

Đánh giá vấn đề hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng trong quy hoạch chung TPHCM, KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng thành phố cần quan tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo định hướng TOD. Như tuyến Metro số 1 nếu triển khai lên hướng Đồng Nai theo nguyên tắc TOD có thể thu hút 1 triệu dân. Người dân vẫn đảm bảo nhu cầu sống mà không cần vào trung tâm, từ đó nội thành sẽ thông thoáng hơn.

Ngoài ra, với mô hình TOD, trên cơ sở hình thành Vành đai 3 và tiến tới Vành đai 4, vấn đề liên kết vùng sẽ được đẩy mạnh, có thể hình thành những khu đô thị mới giúp thành phố cùng các địa phương liền kề phát triển.

Ông Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận, trong liên kết vùng không nhất thiết cái gì TPHCM cũng phải nhất, như cảng lớn nhất vùng là Thị Vải – Cái Mép nằm ở Bà Rịa – Vũng Tàu, sân bay quốc tế Long Thành ở Đồng Nai, còn ga lớn nhất nằm ở Bình Dương.

Với tiềm lực, vị trí trung tâm, TPHCM có thể đóng vai trò “nhạc trưởng”, tác động các địa phương lân cận thông qua các chính sách, chương trình liên kết. Từ đó, TPHCM có thể khai thác hạ tầng của địa phương bạn và chia sẻ lợi ích kinh tế mà không nhất thiết sở hữu hạ tầng đó. KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

Theo chuyên gia Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, TPHCM có nhiều lợi thế để phát triển đô thị kinh tế biển khi có các con sông Lòng Tàu, Soài Rạp, Thị Vải bao quanh cùng khu sinh quyển Cần Giờ rộng hơn 600km2 chưa được khai thác hết.

Ông Chính cho rằng, tác động của lấn biển là chắc chắn có, nhưng nếu tác động để tạo dựng kinh tế lớn thì cũng cần nghiên cứu. Bởi việc mở rộng không gian đô thị cho TPHCM còn để thực hiện chức năng điều phối nước lụt của thành phố, duy trì không gian mở dọc các sông lớn, giảm nguy cơ ngập lụt.

Ông Nguyễn Trung Việt, nguyên chánh văn phòng Phòng biến đổi khí hậu TPHCM, có góc nhìn khác về quy hoạch chung TPHCM. Theo ông, tất cả dự án phát triển kinh tế xã hội tại TPHCM đều liên quan đến việc giảm phát thải hiệu ứng nhà kính. Nếu thành phố không đánh giá đúng hiện trạng, nguồn tiền đầu tư vào các cơ sở hạ tầng: đường, cầu, hệ thống cấp thoát nước… liên quan đến biến đổi khí hậu, sẽ không hiệu quả, có thể gây lãng phí rất lớn.

Theo ông Việt, ngập triều cường do biến đổi khí hậu là một trong các vấn đề nghiêm trọng. Bên cạnh mực nước biển dâng, lượng mưa trên địa bàn TPHCM những năm gần đây cũng tăng nhanh là đáng báo động. Cách đây 10 năm, trận mưa thường có cường độ 80mm/3 giờ, cách 4 năm mới có 1 lần. Nhưng bây giờ 1 năm 4 lần, thậm chí cao hơn nên cơ sở hạ tầng năng lực không đáp ứng kịp… Ông Việt nói.

Hiện nay TPHCM có 26.000 héc-ta đất đang để trống, việc xây hồ điều hòa là rất cấp bách, song việc tìm quỹ đất để xây hồ điều hòa lại gặp rất nhiều khó khăn.

Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cho biết, đô thị Việt Nam, đặc biệt là TPHCM đang phát triển nhanh, đi kèm đó là rất nhiều vấn đề quá tải hạ tầng giao thông, điện nước, viễn thông; thiếu nhà ở xã hội, ngập lụt, ô nhiễm môi trường và nhiều nhức nhối khác: thay đổi quy hoạch, quy hoạch treo… gây bức xúc trong xã hội.

Một đồ án quy hoạch chung TPHCM với cách nêu vấn đề khoa học cũng như đưa ra giải pháp tốt cho hạ tầng đô thị, liên kết các chức năng trong vùng, sẽ có tác động lớn đến tốc độ phát triển của TPHCM. Sở đánh giá cao các ý kiến đóng góp và sẽ cân nhắc, lựa chọn để trình UBND thành phố quyết định đưa vào đồ án quy hoạch chung.

Thái Huy

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo