Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Phản biện Nâng cao hiệu quả công tác quản lý kiến trúc nông thôn là yêu cầu tất yếu

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý kiến trúc nông thôn là yêu cầu tất yếu

Viết email In

Công tác quản lý kiến trúc nông thôn là một điểm then chốt nhằm hình thành bộ mặt nông thôn hiện đại, đồng bộ, phát triển bền vững và tạo môi trường sống thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, cần nhanh chóng khắc phục để kiểm soát tốt việc xây dựng mới, chỉnh trang cảnh quan khu vực và định hướng kiến trúc trong xây dựng, phát triển nông thôn.

Công tác quản lý kiến trúc nông thôn cần phải đổi mới


Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Ngày 4/11, Viện Kiến trúc Quốc gia đã tổ chức Hội thảo Nâng cao hiệu quả công tác quản trị kiến trúc nông thôn nhằm đánh giá sự phát triển kiến trúc tại nông thôn trong những năm gần đây. Hội thảo nằm trong khuôn khổ thực hiện triển khai Luật Kiến trúc, Nghị định 85/2020/NĐ-CP quy định về quản lý kiến trúc đô thị và nông thôn.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ThS.KTS Vũ Đình Thành, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kiến trúc Quốc gia cho biết, nông thôn truyền thống Việt Nam là một tổ chức cộng đồng xã hội được cấu trúc chặt chẽ và gắn kết bởi các mối quan hệ trong cuộc sống và lao động sản xuất. Trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, mỗi vùng nông thôn ở nước ta đã có những di sản kiến trúc, cảnh quan tự nhiên và các giá trị đặc sắc khác. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng cùng với những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác đang khiến những giá trị tốt đẹp của nông thôn dần bị mai một.

Hiện nay, việc xây dựng ở nông thôn khá tùy tiện, không có hướng dẫn định hướng cho kiến trúc trong xây dựng nhà ở nông thôn cho người dân. Vì vậy, cấu trúc làng xã đã biến dạng, kiến trúc pha tạp đang làm mất dần bản sắc nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, các văn bản pháp quy về lĩnh vực này còn nhiều bất cập, chưa đủ sâu về khía cạnh thực tiễn, năng lực cán bộ quản lý còn thấp, trách nhiệm của chính quyền các cấp chưa rõ ràng; trách nhiệm của cơ quan chuyên môn kiến trúc, quy hoạch, xây dựng, tư vấn kiến trúc và nhà thầu chưa được luật hoá.

Mặc dù đã có chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của văn bản quy phạm pháp luật, nhưng thực tế là nhiều tỉnh, thành phố vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý kiến trúc nông thôn tại địa phương.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, chúng ta cần nhanh chóng thực hiện tốt công tác quản lý kiến trúc và sớm xây dựng quy chế quản lý kiến trúc tại nông thôn. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng để giúp kiểm soát việc xây dựng mới, chỉnh trang toàn khu vực, đồng thời hướng dẫn định hướng cho kiến trúc trong xây dựng và phát triển nông thôn.

“Trong bối cảnh mới, khu vực nông thôn đang thay đổi nhanh chóng và điều này sẽ yêu cầu công tác quản lý kiến trúc nông thôn cũng phải thay đổi theo. Hội thảo hôm nay sẽ là dịp để Viện Kiến trúc Quốc gia tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và các nhà khoa học nhằm xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ mới trong công tác quản lý kiến trúc nông thôn chất lượng hơn”, Phó Viện trưởng Vũ Đình Thành chia sẻ.

Công tác xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc phải đi đầu

Phát biểu tại Hội thảo, TS.KTS Tạ Quốc Thắng, đại diện Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Bộ Xây dưng đã chia sẻ về thực trạng công tác xây dựng quy chế quản lý kiến trúc nông thôn tại các địa phương trên cả nước.

Sau khi Luật Kiến trúc có hiệu lực, phần lớn các địa phương trên cả nước đã ban hành Quy định phân công, phân cấp tổ chức lập thẩm định, phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc (QCQLKT) trên địa bàn tỉnh để phù hợp với điều kiện đặc thù của mỗi địa phương. Điều này đã góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng và ban hành QCQLKT ở các địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng QCQLKT đã nảy sinh một số vấn đề cần được làm rõ như xác định cơ quan có trình độ thẩm định, phê duyệt; cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán lập QCQLKT; khối lượng QCQLKT điểm dân cư nông thôn quá nhiều, gây quá tải cho cơ quan thẩm định; công tác lấy ý kiến Hội đồng nhân dân…

Bên cạnh đó, Luật Kiến trúc cũng yêu cầu các địa phương xác định các yêu cầu về bản sắc văn hóa trong kiến trúc đưa vào nội dung QCQLKT và lập danh mục các công trình kiến trúc có giá trị. Đây là những yêu cầu rất khó khăn đối với các địa phương do chưa tổ chức nghiên cứu về các nội dung này.

Cũng liên quan đến nội dung xây dựng QCQLKT ở nông thôn, TS.KTS Nguyễn Tất Thắng của Viện Kiến trúc Quốc gia đã chia sẻ về vấn đề quỹ các công trình kiến trúc truyền thống trong xây dựng QCQLKT ở nông thôn. Trong đó, TS.KTS Nguyễn Tất Thắng có đặt ra nhiều vấn đề trọng tâm trong công tác xây dựng QCQLKT tại nông thôn như xây dựng từ đâu? Xây dựng dựa trên nguyên tắc nào? Lấy mục tiêu nào là trọng tâm? Xây dựng bằng cách nào? Quản lý và quản trị như thế nào?

Theo đó, việc xây dựng QCQLKT ở nông thôn phải dựa vào quy hoạch và kiến trúc (định lượng các chỉ tiêu về quy hoạch sử dụng đất) để hướng đến mục tiêu cân bằng động giữa văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa tổ chức xã hội. 3 nguyên tắc cơ bản để xây dựng quy chế là bảo tồn giá trị văn hóa, gìn giữ môi trường và phát triển.

Trong bài trình bày của mình, TS.KTS Nguyễn Tất Thắng cũng đi sâu vào các nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện để xây dựng QCQLKT ở nông thôn, đó là giải quyết thỏa đáng sinh kế cho người nông dân; từng bước song hành với hiện đại hóa mô hình sản xuất nông lâm ngư nghiệp theo hướng công nghệ cao, tuần hoàn, sản phẩm đạt năng suất và giá trị kinh tế cao, hướng tới phát triển bền vững; xác lập các khu ở định cư truyền thống; mở rộng và tái phát triển mạng lưới giao thông hiện hữu, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên; bảo tồn, tu tạo, phục dựng các công trình công cộng, tôn giáo tín ngưỡng có giá trị văn hóa; chấn hưng và phục hồi thích ứng các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống…

Đối với nội dung xây dựng và quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn, PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi đến từ trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã chia sẻ một số tồn tại trong quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn.

Thứ nhất là thiếu cơ chế, chính sách quản lý kiến trúc xây dựng điểm dân cư nông thôn. Thứ hai là đội ngũ cán bộ chuyên môn thiếu kiến thức về quản lý, phương pháp tổ chức xây dựng điểm dân cư nông thôn. Thứ ba là khó khăn trong việc tích hợp quy chế quản lý vào trong nội dung đồ án quy hoạch chung xây dựng xã. Thứ tư là các cấp chính quyền chưa coi trọng công tác quản lý kiến trúc các thôn, làng, xóm cũ trong quá trình phát triển nông thôn mới. Thứ năm là việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch chung xây dựng xã, xây dựng điểm dân cư nông thôn và lập quy chế quản lý kiến trúc chưa được quan tâm đúng mức.

Để giải quyết những tồn tại nêu trên, PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi có đề xuất một số giải pháp cơ bản như khi lập quy hoạch điểm dân cư nông thôn cần quan tâm quy hoạch chung xây dựng xã hoặc cụm xã, quan tâm đến kết nối các không gian chức năng với làng, xóm hiện hữu để tận dụng các chức năng hoạt động của dân cư nông thôn; thiết kế công năng phải quan tâm đấn mỗi loại hình kiến trúc nhà ở phù hợp với như cầu ăn ở, sinh hoạt và sản xuất kinh tế hộ gia đình... Đặc biệt, để khu vực nông thôn phát triển bền vững thì phải có cơ chế, chính sách quản lý kiến trúc nông thôn và hoạt động quản lý điểm dân cư nông thôn đúng, trúng, công tâm, minh bạch, lâu dài và hiệu quả.

Trong thời gian thảo luận, các đại biểu tham dự Hội thảo đã lần lượt đóng góp ý kiến rất sôi nổi về các nội dung quan trọng xoay quanh quản lý kiến trúc nông thôn như cấu trúc nông thôn hiện nay trong quá trình đô thị hóa, ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa tới sự phát triển của nông thôn, “bi kịch” trong sự phát triển của nông thôn, gìn giữ bản sắc văn hóa của khu vực nông thôn, sự thay đổi của kiến trúc nông thôn qua từng thời đại, vấn đề làng trong phố và phố trong làng, nội dung quản lý kiến trúc nông thôn trong Luật Kiến trúc, hướng dẫn người dân xây dựng kiến trúc nông thôn bền vững, sự đa dạng của kiến trúc nông thôn, sự khác biệt về cấu trúc nông thôn giữa các vùng miền, công cụ gìn giữ và quản lý kiến trúc nông thôn…

Hữu Mạnh

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo