Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Thủ tướng Chính phủ: “Quy hoạch phải tìm được tiềm năng khác biệt và hóa giải hiệu quả các thách thức”

Thủ tướng Chính phủ: “Quy hoạch phải tìm được tiềm năng khác biệt và hóa giải hiệu quả các thách thức”

Viết email In

Với quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Quy hoạch tổng thể quốc gia phải chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội để phát huy tối đa các nguồn lực; cũng như hóa giải hiệu quả những thách thức, tồn tại của nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đầy biến động…

Để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới khát vọng trở thành nước phát triển, thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định, Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được tổ chức sáng ngày 14/9 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.


Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nguồn lực bắt đầu từ tư duy

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải làm rõ sự khác biệt với các Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các thời kỳ với tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược xuyên suốt.

“Trong đó, quy hoạch phải bám sát đường lối chủ trương, chính sách của Đảng để cụ thể hóa quy hoạch có tính khả thi theo hướng "dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát và dễ kiểm tra" với ba đột phá chiến lược được nêu tại Đại hội XI, phát triển hạ tầng tại Đại hội XII và tầm nhìn đến năm 2030-2045 tại Đại hội XIII”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng quy hoạch phải khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội của Việt Nam với các nước để tìm ra con đường phát triển phù hợp để đạt được khát vọng trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội XIII đã xác định.

Dẫn chứng cụ thể về trường hợp Singapore, Thụy Sĩ – hai quốc gia phát triển không dựa trên nền sản xuất công nghiệp, Thủ tướng khẳng định Việt Nam không thể đi lên mà không có “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.


Toàn cảnh Hội nghị thẩm định Quy hoạch.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thông báo kết quả biểu quyết của Hội đồng thẩm định Quy hoạch:

"44/44 ủy viên, thành viên của Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua hồ sơ quy hoạch và dự thảo báo cáo thẩm định bằng hình thức bỏ phiếu.

Với hồ sơ quy hoạch, có 7 phiếu đồng ý thông qua không cần chỉnh sửa, chiếm 16%; 37 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, chiếm 84% số phiếu. Như vậy, hồ sơ quy hoạch đã đủ điều kiện để Chính phủ trình Quốc hội xem xét trong Kỳ họp tháng 10 tới.

Với dự thảo báo cáo thẩm định, cũng đã có 100% ủy viên, thành viên Hội đồng Thẩm định thông qua. Dự thảo báo cáo thẩm định sẽ tiếp tục hoàn thiện để trình Chủ tịch Hội đồng Thẩm định xem xét."

Ngoài ra, Quy hoạch phải hóa giải được những vấn đề mâu thuẫn, những thách thức, tồn tại không chỉ trong nội tại nền kinh tế đã tích lũy qua nhiều năm mà còn bao gồm cả những thách thức mới xuất hiện do bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, tác động tới nền kinh tế trong nước như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực hay chênh lệch giàu nghèo…

Liên quan tới việc xác định ngành mũi nhọn, vùng kinh tế, cực tăng trưởng hay các hành lang kinh tế… Thủ tướng Chính phủ lưu ý Ban Soạn thảo phải bám sát thực tiễn, lấy “số liệu biết nói” làm “thước đo” xây dựng quy hoạch.

Thủ tướng cũng lưu  ý cách thức huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch gồm nhân lực, vật lực, tài lực; bao gồm nguồn lực nhà nước, nguồn lực từ người dân và doanh nghiệp, nguồn lực bên ngoài, trong đó yếu tố con người là quyết định, đặc biệt là đội ngũ cán bộ và người đứng đầu. Theo đó, Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân”.

Đặc biệt, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc xây dựng Quy hoạch đã quan trọng, nhưng công tác thẩm định còn quan trọng hơn bởi đây là công việc khó do được làm lần đầu tiên, chưa có tiền lệ, quy mô rộng, nhiệm vụ lớn, phức tạp, nhạy cảm.

“Do đó phải giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, quyết định theo đa số với tinh thần trách nhiệm cao nhất để bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Quy hoạch hướng tới 4 nhiệm vụ trọng tâm

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017; đây là nhiệm vụ mới, rất quan trọng, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ và chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với 16 bộ, ngành xây dựng Báo cáo Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia và được Thường trực Chính phủ, Chính phủ, Ban cán sự đảng Chính phủ thảo luận, cho ý kiến nhiều lần. Theo đó, Bộ đã phối hợp xây dựng 41 hợp phần quy hoạch và nghiên cứu, tích hợp, xây dựng Dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Nhưng đây cũng là một cơ hội rất lớn để chúng ta đánh giá lại hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển của quốc gia một cách thực chất, tổng thể, qua đó cụ thể hóa đường hướng phát triển đất nước; định hình không gian phát triển, lộ trình phát triển và nguồn lực phát triển của quốc gia.

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mỗi quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững phải chọn con đường đi đúng, xác định được cách thức, nguồn lực, động lực và thời gian để đến đích. Chính vì vậy, công tác quy hoạch được xem như người công binh mở đường; một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cả nước giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.


Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ về các nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Với quan điểm và tư duy như vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới 4 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, xác định các quan điểm, tư tưởng chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cấn đối giữa các vùng miền, địa phương.

Thứ hai, định hướng động lực tăng trưởng là cần tập trung phát triển vùng động lực tăng trưởng và cực tăng trưởng. Cụ thể, phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào vùng lõi động lực tăng trưởng là Tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng; Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào vùng lõi động lực tăng trưởng là tứ giác TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng.

Thứ ba, định hình và sắp xếp thứ tự ưu tiên các hành lang kinh tế và vành đai công nghiệp, đô thị chính: Quy hoạch tập trung hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Ưu tiên hình thành và phát triển các vành đai công nghiệp, đô thị quanh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, gắn kết với các cửa ngõ quốc tế.

Thứ tư, đột phá phát triển hạ tầng với ưu tiên phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông đô thị Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, năng lượng, viễn thông... gắn với hình thành các hành lang kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực (vùng lõi) và cực tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm.

GS.TSKH Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải:

Nội dung bao trùm trong Quy hoạch tổng thể quốc gia là xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trở thành “bộ khung” cho không gian phát triển quốc gia. Bộ khung này như thế nào phải gắn với các chỉ số được “đo đạc” cẩn trọng, trong đó có chỉ số logistics.

Hiện nay, chi phí logistics của Việt Nam chiếm tới 20% giá trị hàng hóa, cao hơn đáng kể so với các quốc gia trong khu vực. Do vậy, muốn tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế thì Quy hoạch phải giải quyết được bài toán này, theo đó, phải thay đổi cấu phần vận tải để các ngành tiêu hao ít vật tư.

Để kéo chi phí này giảm xuống mức thấp, cần nhanh chóng triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao để tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực giao thông cho các trung tâm lớn như Hà Nội và TP.HCM. Trong bối cảnh 95% vận tải biển “rơi” vào tay nước ngoài, Việt Nam phải nhanh chóng thiết lập mạng lưới đường sắt kết nối với quốc tế để mở ra những cơ hội mới.

Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

Một số vùng kinh tế nên chia thành các tiểu vùng để tạo hành lang phát triển về mặt địa lý cũng như liên kết kinh tế; chẳng hạn, có thể phân thành Đông Bắc và Tây Bắc hay 3 tiểu vùng ở khu vực Trung bộ…

Không phải cứ giống nhau thì liên kết được với nhau, tỉnh nào ở miền Trung cũng có cảng và cạnh tranh gay gắt với nhau. Đôi khi khác biệt lại bổ trợ và liên kết với nhau tốt hơn.

Anh Nhi

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo