Tại hội thảo “Định hướng quy hoạch, quản lý đô thị các địa phương gắn với mô hình đô thị sân bay quốc tế áp dụng thí điểm cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất” tổ chức tuần này, nhiều chuyên gia cho rằng phải đưa đô thị sân bay vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040, tầm nhìn 2060.
Nhận định tại hội thảo này – do Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM phối hợp với UBND quận Tân Bình tổ chức – các chuyên gia cho rằng tiềm năng sân bay Tân Sơn Nhất chưa được khai thác đúng mức. Trong khi các sân bay quốc tế trên thế giới đa phần là phát triển theo mô hình đô thị sân bay thì ở Việt Nam, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ đơn thuần là nơi đưa đón khách.
(Đồ họa: Tuổi Trẻ)
Thách thức lớn cho quận Tân Bình trong việc chuyển đổi và xây dựng mô hình đô thị sân bay là trong định hướng và chiến lược phát triển trước đây, quận Tân Bình và TPHCM chỉ xác định quận Tân Bình có chức năng ở kết hợp thương mại dịch vụ giống như các quận khác mà chưa khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có của quận có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đồng thời, trong định hướng phát triển đô thị gần như không đề cập đến tiềm năng đặc biệt của cảng hàng không này.
Khái niệm về đô thị sân bay Tân Sơn Nhất gần như không tồn tại hoặc rất mờ nhạt. Theo KTS Đỗ Nguyên Phong, Trưởng phòng Quy hoạch 2 – Viện Quy hoạch xây dựng, TPHCM đã trải qua các lần điều chỉnh quy hoạch chung. Tuy nhiên, các chức năng khu vực xung quanh sân bay thuộc địa bàn các quận Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp hầu như chỉ đơn thuần là khu dân cư.
Quỹ đất lớn nhất của quận Tân Bình và khu vực sân bay Tân Sơn Nhất chủ yếu là đất phục vụ sân bay và quân sự. Quỹ đất này cũng đã được chuyển đổi một phần sang đất dân dụng, tuy nhiên việc chuyển đổi cũng mang yếu tố sự vụ, dự án đơn lẻ mà chưa thể hiện được tầm nhìn chiến lược mang tính tổng thể.
KTS Hoàng Ngọc Lan (Trường Đại học Kiến trúc TPHCM) cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong thành phố và hình thành sẵn các công trình thương mại dịch vụ phục vụ hành khách đi sân bay. Đây là cơ hội lớn nhất để phát triển mô hình đô thị sân bay mà trên thế giới đang áp dụng.
Giao thông là vấn đề cần tập trung giải quyết để phát triển đô thị sân bay Tân Sơn Nhất. Trong ảnh: Xe cộ nối đuôi nhau xếp hàng dài trên đường Phạm Văn Đồng, hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: TTXVN)
Ông Lương Hoài Nam, một chuyên gia hàng không, cho rằng suốt mấy chục năm qua, thành phố đã không phát triển mô hình đô thị sân bay tại quận Tân Bình nên đến nay, quỹ đất để phát triển gần như không còn. Một cản ngại rất lớn nữa là Tân Sơn Nhất là sân bay quốc tế hiếm hoi trên thế giới mà không có kết nối với cao tốc.
Ông Nam nhận định, sân bay Tân Sơn Nhất đang gánh chịu hậu quả của sự phát triển không bài bản và thiếu tầm nhìn. TPHCM đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để phát triển mô hình đô thị sân bay. Điều này thể hiện qua việc đầu tư xây dựng các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Trỗi, Trường Sơn. Lẽ ra các tuyến đường này đã phải là những đại lộ lớn để làm cơ sở cho việc hình thành đô thị sân bay. Tuy nhiên, do không thể bồi thường được nên đành phải làm theo kiểu “cơi nới” như hiện nay.
Theo ông Nam, hiện nay việc phát triển mô hình đô thị sân bay Tân Sơn Nhất chỉ còn cơ hội cuối cùng khi gắn với dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và dự án xây dựng nhà ga số 3 (T3). Nếu chính quyền TPHCM đủ quyết tâm thì có thể hình thành được đô thị sân bay có quy mô bằng 60-70% như đô thị sân bay Changi của Singapore.
KTS Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng với quỹ đất và kết nối giao thông hạn chế nên cần sớm xây dựng đường trên cao, đồng thời nghiên cứu khai thác không gian ngầm quanh sân bay, đặc biệt là công viên Hoàng Văn Thụ rộng hơn 10 ha.
Nhiều chuyên gia khác cũng nhấn mạnh, để sớm “giải vây” Tân Sơn Nhất khỏi tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên như hiện nay, TPHCM cần triển khai xây dựng hai tuyến đường trên cao số 1 và số 2, kết nối từ phía Bắc và từ khu vực phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long vào nút giao Lăng Cha Cả. Qua đó, hoàn thiện kết nối giao thông với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của tất cả các chuyên gia, nhà khoa học để làm cơ sở nghiên cứu hình thành đô thị sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian tới. Ngoài ra, từ góp ý của các chuyên gia, vấn đề nào có thể làm ngay và trong thẩm quyền thì quận sẽ tiến hành áp dụng triển khai ngay. Đồng thời, quận sẽ cập nhật đề xuất bổ sung vào quy hoạch chung của TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.
(KTSG Online)
- Dòng chảy thị thành
- Ô tô điện cho ai?
- Có nên xây cao ốc phía trên đường trên cao?
- Lấp khoảng trống nhà ở công nhân: Cần sửa luật
- Lo ngại người mua nhà ở xã hội gặp khó bởi quy định cho vay mới
- Quy hoạch đường hẻm – Chuyện rất vi mô lại ảnh hưởng đến bài toán lớn
- Vũng Tàu: Quy hoạch đường hẻm những điều cần bàn
- Hà Nội cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội
- Phản biện dự thảo về quản lý kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh
- Kịch bản đô thị nào cho người lao động nông thôn?