Quy hoạch đường hẻm – Chuyện rất vi mô lại ảnh hưởng đến bài toán lớn

Thứ tư, 22 Tháng 12 2021 00:02 Báo Xây dựng
In

Quy hoạch vừa là công cụ quản lý, vừa là công cụ để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của một địa phương hay một vùng lãnh thổ, một quy hoạch chiến lược hợp lý, ý nghĩa có thể giúp rút ngắn được 5 – 10 năm phát triển, một quy hoạch không hợp lý có thể kéo lùi 10 – 20 năm và để lại rất nhiều hệ luỵ cho thế hệ sau.


Nên ưu tiên sử dụng đồng vốn hợp lý để triển khai các tuyến huyết mạch, các trục động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thu hút đầu tư.

Cần thay đổi tư duy về quy hoạch hẻm

Theo chuyên gia quy hoạch, KTS. Huỳnh Xuân Thụ, các đô thị Việt Nam chủ yếu là các đô thị phát triển từng bước, ít có những đô thị lớn, mới như tại Trung Quốc. Đô thị tại Việt Nam được phát triển dần dần, theo nhu cầu và có những phần cải tạo to, nhỏ. Trong những phần cải tạo đó, sẽ có những vết sẫm, tối của những khu môi trường có vấn đề, giao thông có vấn đề, xã hội có vấn đề.

“Một tòa lâu đài cũng được hình thành từ một viên gạch, cũng như cái hẻm vậy. Làm cái gì cho nó lớn lao đi, cộng đồng xã hội trong hẻm nó cũng hay lắm. Cách tiếp cận về hẻm xưa nay của mình nó một chiều, duy ý chí, cầu toàn. Cách tiếp cận hẻm giờ nó phải khác. Ví dụ tại Đà Lạt, rất nhiều hẻm nhỏ, ngoằn ngèo. Hẻm cứ để nó nhỏ cong đi, ngoằn ngèo đi… nhiều khi để như vậy nó lại biến thành cái thứ rất hay, đem lại lợi ích cho xã hội. Nhiều lúc bệnh nhẹ chỉ cần uống kháng sinh nhưng lại bị mang đi chích, bị bệnh này thì lại chích bệnh kia, bị đau bên phải thì lại chích bên trái…”, KTS. Huỳnh Xuân Thụ chia sẻ và nêu những ví dụ về vấn đề quy hoạch hẻm và từ câu chuyện đó cho thấy có những chuyện rất vi mô mà lại ảnh hưởng đến một bài toán lớn. Cái không đáng quan tâm lại ảnh hưởng đến cả nền tảng.

Cũng qua đó, KTS. Thụ vẫn boăn khoăn về hẻm trong đô thị, người dân trong hẻm đô thị, cách thức Nhà nước can thiệp vào hẻm đô thị. Và quan trọng phải có cái nhìn đa chiều trong hẻm để có giải pháp mới.

Đừng làm khổ dân vì cái nhỏ

Nhiều chuyên gia quy hoạch đều có chung nhận định việc quy hoạch, chỉnh trang đô thị là cần thiết, tuy nhiên đối với các đường hẻm đã ổn định thì việc cải tạo chỉ nên ở mức tối thiểu phục vụ phòng cháy chữa cháy, tách thửa khi hộ dân có nhu cầu vì đây là nhu cầu tất yếu của xã hội, việc quy hoạch này cũng cần làm ổn định, tránh tình trạng xáo trộn.

Bên cạnh đó, cần có các giải pháp căn cơ về tài chính khi thực thi triển khai quy hoạch, nên ưu tiên sử dụng đồng vốn hợp lý để triển khai các tuyến huyết mạch, các trục động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thu hút đầu tư.

Ngoài ra, kinh phí triển khai thực thi quy hoạch hẻm thiết nghĩ chưa thực sự quan trọng và cần thiết bằng việc dành nguồn kinh phí đó vào việc chỉnh trang, cải tạo để dành lại vỉa hè cho người đi bộ góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Có một thực trạng đáng buồn đang xảy ra tại Vũng Tàu, chính quyền thì đi quy hoạch mở rộng không đáng có những con hẻm mà bản thân nó đã thực sự rộng, thậm chí còn quy hoạch hẻm có cả vỉa hè với mục đích là tạo thuận lợi cho người dân lưu thông nhưng ngược lại, khu vực vỉa hè thì vẫn bị lấn chiếm.

Trước thực trạng đụng đâu quy hoạch đó, theo Ths. Nguyễn Chí Tài – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị, việc không có một quy hoạch mang tính chiến lược, ổn định sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ cho xã hội. Nó còn làm cho bộ mặt đô thị phát triển không đồng đều, lãng phí các khu vực đất bỏ hoang không khai thác được vì chưa được thực thi quy hoạch, trong khi đồng vốn lại tập trung vào các khu vực đã ổn định dân cư, hết dư địa phát triển.

Không những vậy, các khu vực đất trống chưa thực thi quy hoạch còn bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, gây hậu quả về gánh nặng về tài chính, xã hội khi triển khai dự án sau này ở khâu đền bù, giải tỏa.

Nên học cái văn minh

“Ở một số quốc gia trên thế giới như Pháp, Ý, Trung Quốc... ở các khu vực phố cổ, hẻm nhỏ dân cư tập trung đông đúc do lịch sử để lại, các quốc gia này thường chỉ chỉnh trang lại cho đẹp, và tập trung phát triển du lịch tản bộ, làng nghề trong đô thị cổ đem lại nguồn lực kinh tế cho địa phương”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị chia sẻ kinh nghiệm từ các nước.

Trong bối cảnh như hiện nay, theo Ths. Nguyễn Chí Tài, Luật pháp về quy hoạch tại Việt Nam còn nhiều bất cập, chồng chéo ví dụ: Luật Quy hoạch 2017, Luật Quy hoạch đô thị 2020 và một loạt các quy định về lập quy hoạch các ngành khác như giao thông, điện, nước… việc trước mắt là nên nhanh chóng rà soát thống nhất 1 luật quy hoạch duy nhất có đầy đủ nội dung thống nhất tất cả các ngành, tránh việc chồng chéo trong công tác quy hoạch để giảm bớt thời gian và kinh phí không cần thiết khi triển khai các dự án đầu tư nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong công tác quy hoạch để tránh lãng phí, thất thoát từ lý do pháp lý chưa hoàn thiện, đồng bộ.

“Như vậy quy hoạch hẻm cần phải có đánh giá, rà soát lại xem có thực sự cần thiết hay không nhất là trong bối cảnh hiện nay tài chính đang rất khó khăn. Quy hoạch vừa là công cụ quản lý, vừa là công cụ để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của một địa phương hay một vùng lãnh thổ, một quy hoạch chiến lược hợp lý, ý nghĩa có thể giúp rút ngắn được 5 – 10 năm phát triển, một quy hoạch không hợp lý có thể kéo lùi 10 – 20 năm phát triển và để lại rất nhiều hệ luỵ cho thế hệ sau.

Đâu đó có thể thấy rằng, bằng công cụ quy hoạch có những nơi vận dụng tốt sẽ giúp địa phương phát triển (Quảng Ninh, Bắc Ninh...), trong khi một số tỉnh sử dụng đồng vốn để đầu tư phát triển, chống ùn tắc giao thông, chống ngập rất hiệu quả thì đâu đó vẫn còn những địa phương lại thực thi những quy hoạch hẻm chưa thực sự cần thiết, chưa hợp lý trong khi ở chính địa phương đó lại thiếu những quy hoạch chiến lược để thúc đẩy phát triển đồng đều, cân bằng và dự trữ cho tương lai.

Quy hoạch và thực thi quy hoạch hẻm cần phải thực hiện một cách căn cơ, đồng bộ, hợp lý, phù hợp với thực tiễn – nhu cầu của xã hội và dài hạn nhằm tránh xáo trộn không đáng có ảnh hưởng đến nhân dân và sử dụng vốn Nhà nước có hiệu quả”, Ths. Nguyễn Chí Tài chia sẻ.

Tác giả bài viết đã từng đi nhiều quốc gia và thấy tại các nước châu Âu có khá nhiều những con đường dài, cong, những con hẻm nhỏ. Lấy ví dụ tại Vương Quốc Anh, có rất nhiều những con đường khá lớn nhưng bên cạnh cũng có khá nhiều con hẻm nhỏ ngoằn ngèo, lên xuống cũng chỉ rộng khoảng 2 - 3m. Tuy nhiên, chính quyền sở tại luôn tôn trọng hiện trạng và giữ nó như là một kỷ niệm của quá khứ và đương nhiên không có chuyện quy hoạch mở rộng như ở ta.

Mạnh Cường

(Báo điện tử Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: