Kịch bản nào cho phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ năm, 25 Tháng 2 2021 09:28 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long (MPD 2013)(1) đã đưa ra bốn kịch bản phát triển mà với mỗi trong số đó các tiêu chí dân số, kinh tế, đô thị hóa/công nghiệp hóa, tính công bằng, năng suất nông nghiệp và môi trường sẽ thay đổi khác nhau.

Hai kịch bản gần với hiện thực là sản xuất lương thực và công nghiệp hóa hành lang thì hàm ý của kế hoạch này là không tốt. Hai kịch bản công nghiệp hóa kinh doanh nông nghiệp và công nghiệp hóa nút kép sẽ cho kết quả tốt hơn xét theo tiêu chí bền vững, khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kịch bản sản xuất lương thực thực chất là sự kéo dài của hiện trạng nông nghiệp lấy an ninh lương thực làm nền tảng. Được cho là kịch bản kém nhất và nền kinh tế sẽ đi xuống, năng suất nông nghiệp suy giảm, bất bình đẳng gia tăng và bài toán để giải quyết chính là quá trình di dân.


Cao tốc TPHCM - Trung Lương.
(Ảnh: N.K)

Kịch bản công nghiệp hóa hành lang là quá trình công nghiệp hóa/đô thị hóa tập trung theo tuyến giao thông TPHCM - Cần Thơ do lợi thế hạ tầng có sẵn và giải quyết công ăn việc làm. Nhưng đây cũng là kịch bản xấu, không tận dụng được lợi thế đặc biệt của vùng đồng bằng. Môi trường xấu đi nhanh, hệ sinh thái nông nghiệp dễ bị hủy hoại, khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu rất kém, chia cắt kinh tế vùng thành hai khu vực công nghiệp và nông nghiệp mà sự phát triển rất chênh lệch. Dự liệu sau thời gian tăng trưởng thì kinh tế và dân số đều suy giảm, các chỉ tiêu về môi trường, bất bình đẳng đều suy yếu.

Hai kịch bản công nghiệp hóa kinh doanh nông nghiệp và công nghiệp hóa nút kép sẽ cho kết quả tốt hơn xét theo tiêu chí bền vững, khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Công nghiệp hóa nút kép là kịch bản lý tưởng, theo đó các chỉ tiêu về tăng trưởng, dân số (30 triệu người sau năm 2050), năng suất, tính công bằng và môi trường đều cải thiện tốt. Nút kép hàm ý một đầu là ở TPHCM, đầu còn lại là thành phố Cần Thơ, nối hai đầu này là trục giao thông giữa hai thành phố. Nền kinh tế đồng bằng là đa dạng, có nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ gắn với nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp là có giá trị cao. Kịch bản này đòi hỏi sự hỗ trợ tốt bởi quy hoạch không gian đô thị và mạng lưới giao thông, cảng biển và logistics. Đây là kịch bản hấp dẫn nhất với nhiều mong muốn tốt đẹp, đòi hỏi nhiều thứ và cần cả một môi trường thuận lợi của kinh tế toàn cầu, kinh tế trong nước nên đây cũng là kịch bản phải mất nhiều thời gian, công sức nếu muốn hướng đến.

Kịch bản công nghiệp hóa kinh doanh nông nghiệp tốt hơn so với sản xuất lương thực và công nghiệp hóa theo hành lang. Các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, dân số, tính bình đẳng, bền vững, khả năng đối phó với biến đổi khí hậu cũng tốt hơn. Kịch bản này vẫn dựa trên nông nghiệp nhưng là nền nông nghiệp chuyên môn hóa gắn liền với kinh doanh và công nghiệp chế biến liên quan đến nông nghiệp.

Từ khi ấn phẩm trên được công bố đến nay đã bảy năm, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khá nhiều thay đổi.

Nền kinh tế dựa vào nông nghiệp sản xuất lương thực đã bộc lộ thêm những yếu kém, tăng trưởng tiếp tục thấp, di dân vẫn tăng.

Ở hướng khác, chuyển động công nghiệp hóa theo trục cao tốc TPHCM - Trung Lương đã hình thành.

Nhận thức về đồng bằng cũng có nhiều thay đổi, nền kinh tế đang có những chuyển động theo hướng thích ứng với tự nhiên, giảm bớt gánh nặng lương thực và ý thức rõ hơn với những đầu tư thiên lệch vào thủy lợi, đê cống.

Công nghiệp hóa cũng đang diễn ra nhanh hơn theo các tuyến giao thông hình thành.

Khi tuyến cao tốc TPHCM - Cần Thơ hoàn thành thì các nhà máy công nghiệp hai bên tuyến đường này sẽ trở nên dày đặc. Long An đã đi trước, Tiền Giang bước tiếp theo và Vĩnh Long cũng đang bắt đầu.

Công nghiệp hóa mạnh, bài toán công ăn việc làm dễ được giải quyết, nhưng những bất lợi khác phát sinh nhiều hơn. Các lợi thế riêng của vùng sẽ bị mất đi, các bất lợi do vị trí, địa hình và bởi nhân công sẽ là những trở ngại lớn. Địa hình thấp, nền đất yếu, chi phí xây dựng cao, ô nhiễm... Chưa nói nhân công cũng đang là bài toán khó cho các nhà máy hiện tại.

Nếu công nghiệp hóa ở ĐBSCL cũng như những vùng công nghiệp khác thì nó không còn là khu vực phòng vệ cho cả nước mỗi khi có biến động lớn. Hệ sinh thái nông nghiệp khi bị phá vỡ, cấu trúc văn hóa bị biến dạng sẽ không thể phục hồi được. Vào lúc đó có muốn điều chỉnh chiến lược phát triển, phục hồi lại thế mạnh vốn có thì cũng không thể làm được. Đây là điều cần tính đến trong quy hoạch tích hợp vùng sắp tới.

Gần đây ĐBSCL có các dự án đầu tư năng lượng gió ở vùng ven biển, năng lượng mặt trời ở các tỉnh biên giới và vùng bên trong. Nguồn năng lượng này giúp loại bỏ các dự án điện nguy cơ ô nhiễm. Ở khía cạnh khác, nó giúp cho nông nghiệp thay đổi, mang lại lợi ích cho hàng triệu nông hộ. Cùng với công nghệ số, việc sử dụng drone sẽ thay đổi mạnh mẽ cấu trúc nông nghiệp, giảm nhu cầu lao động, gắn sản xuất nông nghiệp với kinh doanh, với thị trường.

Đô thị hóa chậm - một trong nhiều trở ngại phát triển kinh tế của vùng, là nguyên nhân của tình trạng di dân cao. Tỷ lệ đô thị hóa của ĐBSCL hiện ở mức rất thấp, chỉ 25,1% (cả nước là 34,4%). Mục tiêu cho đến năm 2030(2) phải đạt tỷ lệ 35-40% tuy đã điều chỉnh nhưng cũng không dễ đạt được.

Nguyên nhân sâu xa do khó khăn trong việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp, đất lúa sang đất ở, đất chuyên dùng. Những khó khăn, phức tạp này làm chậm trễ quá trình phê duyệt, ra quyết định liên quan đến đất đai, đô thị hóa.

Nguyên nhân khác là năng lực trong lĩnh vực xây dựng và đô thị. Nhiều khu vực đô thị lụp xụp, bị bỏ trống, bị kìm hãm bởi các quy hoạch treo, dự án treo làm trì trệ đô thị hóa ở vùng ĐBSCL, không huy động được nguồn lực dân cư vào quá trình xây dựng, phát triển đô thị.

Bộ Giao thông Vận tải gần đây công bố các dự án đường cao tốc, mà nếu làm được điều này thì ĐBSCL sẽ phát triển mạnh mẽ, hình thành nền kinh tế đa dạng, khai thác những lợi thế riêng của vùng.

Nghị quyết 120 của Chính phủ đặt nền tảng cơ bản phát triển của vùng ĐBSCL là bền vững và thích ứng cao với biến đổi khí hậu, điều mà MDP 2013 với kịch bản nút kép kỳ vọng.

Bản thân khái niệm nút kép trong MDP 2013 cũng rất mơ hồ, nội dung kịch bản khá chung. Những thảo luận rộng rãi đang bổ sung cho nội dung và hướng đi tới tương lai. Vấn đề cần nhất là nâng cao năng lực của địa phương trong xây dựng và thực hiện quy hoạch và cũng cầu mong không quên người thụ hưởng là người dân trong vùng.

Võ Hùng Dũng

(1) Mekong Delta Plan: Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan, theo đó Hà Lan hỗ trợ lập kế hoạch xây dựng tầm nhìn chiến lược lâu dài cho một ĐBSCL an toàn, bền vững và trù phú. MDP 2013 là ấn phẩm công bố tháng 12/2013. Tài liệu này được tải theo địa chỉ: https://www.netherlandsworldwide.nl/documents/publications/2017/11/20/mekong-delta-plan-vietnamese
(2) Quyết định 68/QĐ - TTg, ngày 15/1/2018. Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Dân số đô thị đến năm 2030 từ 6,5-7,5 triệu, tỷ lệ là 35-40%.

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: