Cẩn trọng trong công tác bảo tồn, duy tôn biệt thự cổ Hà Nội

Thứ sáu, 08 Tháng 1 2021 00:46 Báo Xây dựng
In

Mới đây, Hà Nội cho biết sẽ xây dựng cơ chế thí điểm mua lại biệt thự cổ để bảo tồn, tôn tạo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc bảo tồn, tôn tạo các biệt thực cổ không hề dễ dàng, cần thực hiện một cách cẩn trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng…

Trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn tồn tại hàng trăm biệt thự, khu nhà cổ xuống cấp, nguy hiểm… Vì thế, nhiều cử tri kiến nghị thành phố sớm có phương án để trùng tu, đảm bảo an toàn sinh mạng cho người dân cũng như bảo tồn các giá trị kiến trúc, văn hóa.


Biệt thự số 1, số 3 Nguyễn Biểu xây dựng cách đây cả trăm năm, nay đã hết thời hạn sử dụng nhưng vẫn được cải tạo sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.

Dạo một vòng quanh khu phố cũ, phố cổ, dễ dàng bắt gặp nhiều công trình kiến trúc, biệt thự cổ bị “biến tướng”, tự ý cải tạo, thay đổi thiết kế, ảnh hưởng đến giá trị kiến trúc cũng như văn hóa lịch sử. Còn rất ít công trình giữ được nguyên vẹn lối kiến trúc xưa, hầu hết đã xuống cấp do không được tu bổ, cải tạo hoặc tu bổ, cải tạo sai cách, từ đó phá vỡ những giá trị văn hóa, lịch sử.

Theo thống kê từ Sở Xây dựng Hà Nội, 1253 nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ trên địa bàn xây dựng từ trước năm 1954 được đưa vào danh mục cần được quản lý, bảo tồn tập trung chủ yếu ở khu vực lõi. Tại quận Hoàn Kiếm có 527 công trình, quận Ba Đình có 428 công trình, quận Hai Bà Trưng: 270 công trình, số còn lại được phân bố tại các quận Đống Đa, Tây Hồ.

Trên địa bàn Thủ đô, biệt thự cũ của Pháp chủ yếu được xây dựng trước 1954 và ở tại các vị trí đẹp, có diện tích khá lớn trên các tuyến phố chính, thuận lợi giao thông, nhiều biệt thự có giá trị về kiến trúc, có giá trị về mặt kinh tế, tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị Hà Nội; nhà biệt thự cũ chủ yếu là kiến trúc kiểu Pháp, hoặc kết hợp giữa kiến trúc phương Tây và Á Đông, mang đặc trưng riêng, cùng với các công trình có giá trị kiến trúc khác tạo nên diện mạo riêng của Thủ đô.

Quỹ nhà biệt thự chủ yếu thuộc sở hữu Nhà nước được hình thành khi thực hiện các chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà ở, công tư hợp doanh, nhà vắng chủ và chủ yếu nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ... Nhà biệt thự do nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân quản lý, sử dụng nên nhiều trường hợp không có hồ sơ quản lý, kịp thời cập nhật về tình trạng biến động về phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại. Đa số các biệt thự được xây dựng trên dưới 100 năm, nhiều biệt thự không được bảo trì, sửa chữa thường xuyên nên bị xuống cấp, hư hỏng gây mất an toàn cho người sử dụng; hiện nay thiếu kinh phí để kiểm định chất lượng công trình và bảo trì, cải tạo.

Theo nhận định chung của các chuyên gia, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhận thực ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị của các căn nhà biệt thự cũ để công tác bảo tồn, quản lý được hiệu quả hơn.

Theo thông tin mới nhất, Sở Xây dựng đã tham mưu báo cáo UBND thành phố Hà Nội để trình HĐND thành phố ban hành 05 Nghị quyết về quản lý nhà nhà cổ, phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Cùng với đó là một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Thủ đô.

Ngoài ra, hiện Sở Xây dựng cũng đưa ra một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới như rà soát, phân loại lập danh mục biệt thự để báo cáo UBND thành phố thay thế Quyết định số 7177/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 về danh mục biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954. Đồng thời, thiết lập hồ sơ 3D về quản lý nhà biệt thự làm cơ sở để quản lý, bảo tồn, tôn tạo nhà biệt thự.

Tiếp tục tổ chức khảo sát, rà soát đánh giá toàn bộ các biệt thự về chất lượng công trình. Đề nghị UBND thành phố bố trí kinh phí thực hiện việc rà soát, kiểm định đánh giá chất lượng chất lượng công trình (đặc biệt là các biệt thự đã xuống cấp, biến dạng), bảo trì, cải tạo, chỉnh trang và lập hồ sơ quản lý, bảo tồn tôn tạo biệt thự thuộc sở hữu nhà nước.

Đáng chú ý, hiện Sở Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia thực hiện công tác cải tạo, trùng tu nhà biệt thự nhằm phát huy giá trị về vị trí, kiến trúc, nghệ thuật của các nhà biệt thự.

Việc sớm xây dựng cơ chế thí điểm mua lại biệt thự, thực hiện việc giải phóng mặt bằng tái định cư các hộ dân sẽ giúp cho công tác bảo tồn, tôn tạo các biệt thự có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, văn hóa, lịch sử được tiến hành nhanh chóng hơn.

Bàn về vấn đề trên, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ: Hà Nội đã ban hành một số Nghị quyết về quản lý nhà nhà cổ, phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Đồng thời, có một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp và cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố cũng như đưa ra được danh mục biệt thự.

KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng đánh giá đây là nỗ lực của Hà Nội nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, việc bảo tồn như thế nào, từng biệt thự cổ lại có những giá trị và mức độ bảo tồn khác nhau. Vì thế, cần có nghiên cứu kỹ lưỡng, kiểm tra thực trạng chất lượng các biệt thự.

Hơn hết, việc mua lại biệt thự cổ để bảo tồn mới chỉ là định hướng, để việc này đi vào thực chất, cần có những quy định cụ thể hơn.

Các quốc gia phương Tây như Italia, Đức… có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo tồn các di sản văn hóa, kiến trúc – đặc biệt là những biệt thự cổ. Theo đó, các quốc gia này đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, trong đó có việc Nhà nước hỗ trợ cho chủ sở hữu một khoản kinh phí để chủ sở hữu bảo tồn biệt thự cổ. Quan trọng là sự hỗ trợ này phải trên cơ sở tôn trọng yếu tố bảo tồn. Ở Italia, Nhà nước hỗ trợ tiền để chủ sở hữu biệt thự cổ mua gỗ để làm cửa sổ, lát sàn hay làm mái ngói, bởi nếu để người dân tự quyết thì họ sẽ làm cửa inox, sàn gạch, mái bê tông, cây xanh thì bị chặt, lấn chiếm.

Dù Hà Nội đã có quỹ di sản nhưng để hoạt động hiệu quả, cần phải có nguồn lực lớn hơn nữa, bởi số lượng biệt thự cổ trên địa bàn là rất lớn.

Đề nghị sớm có cơ chế hỗ trợ ngân sách để bảo tồn các biệt thự đặc biệt, vị chuyên gia cũng lưu ý đến việc lựa chọn biệt thự để bảo tồn. Lưu ý này cũng đã được các chuyên gia nước ngoài khuyến cáo. Cụ thể, Hà Nội có quỹ di sản phong phú nhưng để bảo tồn thì cần phải phân loại, lựa chọn bởi thành phố không thể có đủ nguồn lực để thực hiện bảo tồn khối lượng lớn như vậy.

Đối với chính sách mua lại biệt thự cổ để bảo tồn, KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng cần phải xem xét kỹ bởi thực tế 25 - 30 năm qua, Hà Nội mới chỉ mua được 4 căn nhà của người dân trong tổng số hơn 250 nhà cổ trong khu phố cổ, gồm các căn ở Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Đào, Hàng Đường.

Nguyên nhân lớn nhất là do giá cả nhà ở hiện nay đã theo cơ chế thị trường. Vì thế, việc mua lại các biệt thự để bảo tồn cũng phải phân loại, căn cứ vào nguồn lực. Để việc mua lại biệt thự cổ thật sự hướng đến tu tạo, gìn giữ giá trị văn hóa lịch sử thì cần phải có chính sách tạo điều kiện.

KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng từng nhấn mạnh tại các hội thảo về bảo tồn, gìn giữ các biệt thự cổ: Bảo tồn biệt thự không chỉ là bảo tồn cái vỏ của công trình mà phải bảo tồn cả nội dung, chất lượng cuộc sống của những người sống ở trong đó. Bài học kinh nghiệm của Singapore cho thấy, họ đã xây dựng lại các nhà cổ kiểu Trung Hoa, tạo nên khu ChinaTown nhưng cho phép người dân chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ thương mại chứ không phải để ở. Hà Nội cũng có một số quán cà phê ở góc phố cổ hấp dẫn người dân, những nhà cổ ở đó không phải để ở mà là để kinh doanh. Chúng ta có thể xem xét cách làm này để vừa bảo tồn, vừa phát huy được giá trị nhà cổ, biệt thự cổ. Và hơn hết, nếu nguồn lực có hạn, không bảo tồn được cả khu phố thì cũng không nhất thiết phải chọn số lượng mà chỉ nên chọn một vài cái tinh hoa, thực sự có giá trị.

Có thể thấy, sự tồn tại của những công trình kiến trúc Pháp trong suốt hơn 100 năm như một dấu ấn sống động kể về một khoảng thời gian vất vả, bi thương nhưng cũng rất hào hùng của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Giá trị đặc biệt của những công trình kiến trúc đó đều đã được khẳng định và nhất định phải được bảo tồn để gìn giữ ký ức cho những thế hệ sau.

Diệu Anh

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: