Di sản Hội An: Con gà đẻ trứng vàng

Thứ bảy, 05 Tháng 9 2020 15:24 Người Đô Thị
In

Câu này dễ bị cho “ngoa ngôn” vì phần đông người trần mắt thịt vẫn muốn phải đo, đếm được “cái di sản” mà các ông bà cho rằng nó “vô cùng quý giá”, thực ra là bao nhiêu tiền? Còn các giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục… to tát khác, thì “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”...

Vì thế, bài viết này sẽ phải lướt qua vài lý luận cơ bản về kinh tế học của di sản, sau đó sẽ xin nói chút về “con gà đẻ trứng vàng Hội An”.


(Ảnh: Trung Phạm)

Di sản và kinh tế học di sản

Theo UNESCO, “Di sản văn hóa là giá trị truyền lại của các đồ tạo tác vật chất và thuộc tính phi vật thể mà một cộng đồng hoặc xã hội được thừa hưởng từ các thế hệ trước, được duy trì trong hiện tại và ban tặng lợi ích cho các thế hệ tương lai." Công ước Di sản thế giới chia di sản thành ba nhóm: di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và di sản hỗn hợp.

Di sản có giá trị kinh tế hay không? Chắc chắn có. Kinh tế gia lừng danh John Maynard Keynes khẳng định di sản không những chỉ có giá trị tinh thần, mà còn có giá trị sử dụng. Tổng giá trị kinh tế của di sản thường được phân tích thành một số loại giá trị, bao gồm:

1- Giá trị sử dụng khai thác (hoặc tiêu hao) xuất phát từ hàng hóa có thể được trích xuất từ địa điểm du lịch. Ở các thành phố sống lịch sử, có những công trình trực tiếp được tạo ra từ các tòa nhà, để sinh sống, buôn bán và cho thuê hoặc bán không gian. Không giống như một khu rừng, việc sử dụng một thành phố lịch sử không làm cạn kiệt nó trừ khi việc sử dụng không phù hợp hoặc quá mức, làm mất vẻ đẹp của địa điểm du lịch hoặc đặc điểm của địa điểm. Ở một mức độ nào đó, nó tồn tại song song với việc sử dụng khai thác rừng được giữ ở mức bền vững.

2- Giá trị sử dụng không khai thác xuất phát từ các dịch vụ mà địa điểm du lịch cung cấp. Sự song hành cho các thành phố lịch sử là rõ ràng: một số người chỉ đi qua thành phố và thưởng thức phong cảnh mà không tốn tiền ở đó, và việc sử dụng địa điểm của họ không bị bắt buộc bởi một giao dịch kinh tế hoặc tài chính. Đo lường giá trị sử dụng không khai thác là khó khăn hơn so với đo lường giá trị sử dụng khai thác. Những yếu tố có liên quan nhất đến việc định giá di sản văn hóa là tính thẩm mỹ và giá trị giải trí.

3- Giá trị không sử dụng là phần giá trị khó ước tính nhất. Trong nhiều trường hợp, lợi ích này được gọi là giá trị tồn tại (giá trị mà mọi người rút ra từ kiến thức ở địa điểm du lịch tồn tại, ngay cả khi họ không bao giờ có kế hoạch tiếp cận nó). Các khía cạnh khác của giá trị không sử dụng bao gồm giá trị tùy chọn là giá trị của việc giữ lại nhu cầu hoặc ước muốn sẽ thăm viếng một địa điểm du lịch vào lần sau.


Du khách tham quan và nghe hướng dẫn viên kể chuyện về một ngôi nhà cổ ở Hội An.
(Ảnh: Trung Dũng)

Phương pháp lượng giá giá trị di sản

Các nhà nghiên cứu chia các phương pháp lượng giá kinh tế thành hai nhóm cơ bản: phương pháp sự ưa thích được tiết lộ (RPM- Revealed preference method) và phương pháp sự ưa thích được tuyên bố (SPM – Stated Preference method).

Nhóm các phương pháp sự ưa thích được tiết lộ dựa trên hành vi thị trường thực tế của người dùng hàng hóa và dịch vụ hệ sinh thái. Sự tiết lộ này có thể quan sát, đo đếm dựa vào những hành vi hoặc quyết định cụ thể. Các phương pháp này được tuyên bố có thể áp dụng cho tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ hệ sinh thái. Tuy nhiên, nhược điểm chính của chúng là phải dựa vào các tình huống giả định, đồng thời việc áp dụng rất phức tạp và tốn kém.

Cách phổ biến nhất để ước tính giá trị kinh tế của di sản là định giá dự phòng. Theo quan điểm của David Throsby, khi bắt đầu, di sản về cơ bản là một yếu tố kinh tế, sau đó người ta có thể coi di sản là một hàng hóa kinh tế và cố gắng phân tích vai trò kinh tế và lợi nhuận của nó, bởi di sản đã trở thành một “tài sản” kinh tế.

Việc định giá ngẫu nhiên (contigency valuation) là một sản phẩm trực tiếp của kinh tế học phúc lợi, một lĩnh vực kinh tế cung cấp các dịch vụ công cộng và hạnh phúc của cộng đồng. Định giá ngẫu nhiên dựa trên cuộc khảo sát được thực hiện giữa các đại diện của dân số mục tiêu có khả năng quan tâm đến một yếu tố di sản, đảm bảo để di sản phục vụ công cộng, hoặc tránh mất mát hoặc làm suy giảm nó. Khi áp dụng lượng giá cho một di sản, kỹ thuật này cho phép ra quyết định ước tính giá trị kinh tế mà xã hội mang lại cho một di sản nhất định, do đó nó cung cấp thông tin cơ bản cho chính sách di sản văn hóa để áp dụng.

Ban đầu (khoảng nửa sau thế kỷ trước), định giá ngẫu nhiên là một công cụ lý thuyết và các ứng dụng đầu tiên của nó được hướng tới việc định giá bảo vệ các khu vực tự nhiên và giải trí. Ngày nay nó đã được sử dụng thường xuyên bởi nhiều nhà hoạt động xã hội, từ những người ra quyết định quốc gia, đến các tổ chức quốc tế - và được sử dụng cho tất cả các loại hàng hóa văn hóa, từ các bộ sưu tập bảo tàng đến các địa điểm và thành phố lịch sử.


Chùa Cầu xây dựng vào thế kỷ XVII, được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào ngày 17.2.1990 và đây cũng là cây cầu cổ duy nhất ở Hội An. Một số  liệu mà Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An từng công bố, mỗi ngày trung bình có 4.000 lượt khách qua lại tham quan Chùa Cầu. (Ảnh: Trung Dũng)

Du lịch hốt bạc nhờ di sản

Di sản là “vô cùng quý giá”, đúng rồi! Nhưng nó chỉ bị /được trở thành tiền bạc thực sự khi (nói một cách rất thô) là “một sản phẩm” của ngành du lịch. Nôm na vai trò, giá trị của nó nằm trong du lịch.

Có khá nhiều công trình nghiên cứu nhằm xác định vai trò của di sản và mức đóng góp cụ thể cho nền kinh tế. Nghiên cứu của  John M. McGrath và cộng sự tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho biết du lịch toàn cầu năm 2018 đã tạo ra thu nhập tới 8,8 tỷ USD và 319 triệu việc làm cho nền kinh tế thế giới, đạt mức tăng trưởng 3,9%, cao hơn hẳn mức tăng trưởng kinh tế nói chung của toàn cầu.

Báo cáo Tác động của du lịch di sản đến nền kinh tế Anh của Đại học Oxford (2016) nêu ra con số riêng trong năm 2015 đã có tới 192 triệu lượt du khách tới các di sản của Anh, hoạt động du lịch di sản đã thu được 20,2 tỷ bảng và tạo thêm cho Anh 386 nghìn việc làm, tương đương 2% giá trị tổng sản lượng hàng hóa dịch vụ trong năm.

Một số quốc gia ngay cạnh Việt Nam cũng có mức thu từ du lịch với giá trị cốt lõi là các di sản rất đáng ngưỡng mộ. Tính theo GDP con số này của Campuchia, Thái Lan, Lào lần lượt là 16,06%; 11,94%, và 5,75% so với Việt Nam là 4,06%.


Du khách đến Hội An để được tham quan di tích lịch sử kiến trúc, thưởng lãm không gian văn hoá và trải nghiệm đời sống đặc trưng của người dân địa phương nơi đây. (Ảnh: Trung Dũng)

Các phương pháp Việt Nam đang sử dụng và kết quả lượng giá cho Hội An

Ở Việt Nam đã có một số nghiên cứu áp dụng phương pháp chi phí du lịch để lượng giá giá trị di sản, chủ yếu liên quan đến di sản thiên nhiên. Trần Võ Hùng Sơn và Phạm Khánh Nam (2001) sử dụng phương pháp chi phí du lịch phân tích giá trị giải trí của cụm đảo san hô Hòn Mun (tỉnh Khánh Hòa). Võ Thị Minh Hoàng và Nguyễn Thị Tú Thanh (2015) đánh giá giá trị du lịch - giải trí của Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (TP.HCM). Phạm Trung Hiếu và Lưu Tiến Thuận (2017) xác định giá trị cảnh quan của chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)...

Riêng đối với TCM (Travel Cost Method - chi phí du lịch), nhóm nghiên cứu chưa tiếp cận được tài liệu sử dụng nó để lượng giá giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam.  Hiện các nhóm tác giả chỉ tiếp cận được một nghiên cứu sử dụng CVM (Contingent Valuation Method - định giá ngẫu nhiên) để xác định mức sẵn lòng chi trả của cộng đồng để bảo tồn không gian văn hóa cổng làng Mông Phụ (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Phương pháp HPM (Hedonic Price Method -định giá hưởng thụ) và CM (Choice Modeling - mô hình lựa chọn) ít được sử dụng trong các nghiên cứu.

Dù chỉ tóm tắt nội dung thực hiện “Chương trình lượng giá giá trị văn hóa vật thể Di sản Hội An” trong một bài báo ngắn cũng là việc không thể, cho nên chúng tôi chỉ xin nêu vài cách nhìn về di sản này và thông báo kết quả của nghiên cứu.

Trước hết, chúng tôi coi Hội An là “một loại hàng hóa công”, hiểu nôm na là nhiều người có thể và phải tiêu dùng chung (phân biệt với hàng hóa tư). Từ đây chúng tôi áp dụng kỹ thuật lượng giá với “Phương pháp lượng giá chi phí du lịch vùng” thực hiện lượng giá đồng thời theo đường cầu hàng hóa tư và đường cầu hàng hóa công để so sánh kết quả đối với Di sản Hội An.

Số liệu phục vụ việc lượng giá Hội An gồm 3 nhóm: 1- Số liệu du khách đến Hội An và cả nước từ 1995 đến 2018; 2- Số liệu về phát triển hạ tầng du lịch tại Hội An; 3- Số liệu liên quan tới chi tiêu cho chuyến đi của du khách (gồm số liệu thứ cấp và sơ cấp thông qua khảo sát).

Sau các thao tác tính toán cho thấy giá trị khu vực đô thị cổ Hội An được lượng giá bằng “Phương pháp lượng giá chi phí du lịch vùng” theo cách tiếp cận mới là bốn tỷ hai trăm năm mươi lăm triệu bảy trăm hai mươi tư nghìn chín trăm năm tám USD (thời điểm 2018, tăng 206,6% so với giá trị lượng giá theo cách tiếp cận đường cầu hàng hóa tư). Nói cho dễ hiểu là mỗi năm Hội An sản sinh ra được 4.255.724.958 USD.


Tượng tưởng niệm kiến trúc sư, nhà bảo tồn người Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski (1944 - 1997) tại Hội An. Ông được biết tới qua nỗ lực bảo tồn các di tích lịch sử và khảo cổ như Hoàng thành Huế, Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn... góp phần đưa các di tích này vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO. (Ảnh: TL)

Đừng mổ gà lấy hết trứng

Câu chuyện gã nuôi gà thay vì được nhặt trứng hàng ngày, vì lòng tham đã mổ gà để một lúc được lấy hết trứng, luôn thời sự, nhất là với nền kinh tế di sản. Đơn giản vì cũng như mọi loại tài nguyên kinh tế, chúng đều có các giới hạn trữ lượng. Bởi mức khai thác tối ưu của một di sản hoặc một địa điểm du lịch phụ thuộc vào năng lực chịu tải của đối tượng đó. Năng lực chịu tải của một địa điểm du lịch là số lượng du khách tối đa có thể đến thăm trong một thời điểm mà không làm tổn hại môi trường vật chất, kinh tế, xã hội, văn hóa tại khu vực đó; đồng thời không làm suy giảm (đến mức khó chấp nhận) mức thỏa mãn nhu cầu của du khách đối với chất lượng của địa điểm du lịch này.

Di sản là một nguồn lực quan trọng của nền kinh tế cũng như là một nguồn lực không thể thay thế về mặt tinh thần của mỗi dân tộc. Tổng giá trị của một di sản được coi là bằng tổng doanh thu mà các mục đích sử dụng khác nhau của nó tạo ra trong dài hạn cộng với các giá trị phi sử dụng khác. Bởi thế, khi càng lạm dụng sức chịu tải của một di sản thì thời gian tồn tại của di sản càng giảm.

Di sản được coi như một hàng hóa từ giác độ kinh tế học, bởi vì di sản đem lại lợi ích cho nhu cầu xã hội và cần những chi phí nhất định cho việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng. Mức độ phát triển của nền kinh tế và việc bảo tồn, phát huy di sản có mối quan hệ qua lại phức tạp. Nhìn chung, nền kinh tế phát triển có tác động tích cực đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Trái lại, sự phát triển cũng đồng thời tạo ra nhiều nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường cảnh quan nói chung, và di sản nói riêng.

Kinh tế học di sản là khâu cuối trong chuỗi thông tin nghiên cứu nhằm đưa ra các khuyến nghị chính sách, mà các vấn đề chủ chốt là: Di sản đó giá trị bao nhiêu? Nên chi tiêu cho việc bảo tồn ra sao và nên hạn chế phạm vi khai thác ở mức nào?

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản cần đặt trên mối tương quan về chi phí và lợi ích tối ưu mà di sản có thể đem lại cho nền kinh tế trong dài hạn. Tất cả chi phí cho việc phát hiện, tôn tạo, bảo tồn di sản thuộc về bên chi phí, còn bên lợi ích là giá trị của di sản sẽ mất nếu không phát hiện, tôn tạo, bảo tồn, trừ đi các chi phí nêu trên. Xác định giá trị của di sản để đưa vào khai thác, phát huy nó, là nhiệm vụ của chuyên ngành lượng giá kinh tế.

Để có thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản bền vững, một khu vực di sản cần được đánh giá năng lực chịu tải để phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước về di sản. Đây là vấn đề mang tính liên ngành sâu sắc, phức tạp và là nội dung đánh giá của các ngành khoa học khác; đặc biệt là địa chất, sinh học, hóa học, văn hóa, lịch sử, khảo cổ, kiến trúc,  thủy văn, biến đổi khí hậu... Chuyên ngành kinh tế cần phối hợp và kế thừa kết quả nghiên cứu của các chuyên ngành khác mới có thể đánh giá được năng lực chịu tải của một khu vực di sản.

TS. Bùi Đại Dũng

Di sản đô thị Hội An và tổng xuất khẩu cà phê Việt Nam

Sự so sánh nào cũng dễ khập khiễng, nên nếu so giá trị tiền bạc và đất đai của một di sản với giá trị xuất khẩu của ngành cà phê cả nước cũng chỉ để giúp bạn đọc dễ hình dung về tương quan này trong cùng số liệu năm 2018.

Cà phê: Diện tích trồng trên 664.000ha, sản lượng đạt trên 1,5 triệu tấn nhân/năm,  được xuất khẩu sang trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2018, xuất khẩu 1,9 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và hơn 10% giá trị cà phê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ 2 sau Brazil (nguồn: Cục Trồng trọt).

Hội An: Diện tích 6.148ha (nhỏ hơn 10 lần diện tích trồng cà phê), tạo ra tổng giá trị trong năm 2018 là hơn 4,255 tỷ USD.

Trần Trung Chính (Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng) thực hiện

(Người Đô Thị)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: