Có hay không việc tư nhân hóa đất di sản - đất công ở Đà Lạt?

Chủ nhật, 23 Tháng 8 2020 21:13 Người Đô Thị
In

Xóa sổ các trung tâm lịch sử của Đà Lạt là hành động "tự sát" của một đô thị.

Ngoài các trung tâm dành cho người Pháp, ít ai biết tới khu dân cư người Việt là trung tâm công cộng cho thị dân người bản địa được bố trí ngay từ bản quy hoạch đầu tiên của KTS. Ernest Hébrard một cách trang trọng ở phía đông khu trung tâm chính và quay ra quảng trường Marché – Chợ Cây Đà Lạt (nay là Rạp Hòa Bình).

Các dãy nhà liền kề kiểu nhà mặt phố và cửa hàng cũng được phép xây cất trong khu với số lượng hạn chế. Một trung tâm dân cư nông nghiệp được bố trí tập trung quanh khu vực các làng cổ phía hạ lưu hồ lớn.


Cùng với Ấp Ánh Sáng, Khu Hòa Bình và Chợ Đà Lạt là những nơi đầu tiên được người Pháp bố trí dành cho người Việt.
(Ảnh: Lê Quân)

Khu vực bản địa này ngày càng được chỉnh trang và phát triển khi dân cư kéo về tụ cư trong chiến tranh ngày một đông, dẫn đến quá tải thành phố.

Thời Việt Nam Cộng hòa (Thập niên 50 đến 70), Đà Lạt được phát triển thành trung tâm văn hóa trí thức với Viện đại học Đà Lạt, Giáo hoàng học viện, Thư viện Đà Lạt, Viện nghiên cứu nguyên tử…

Tuy nhiên, khu dân cư bản địa đã chiếm ưu thế và được tái thiết mạnh mẽ với các công trình thiết yếu như Rạp Hòa Bình, chợ mới, khách sạn, trường học, bệnh viện, công viên, chùa chiền… Và cũng chỉ có thể là căn tính Việt khi phố phường mọc lên như nấm. “Những cửa hiệu, khách sạn khang trang mọc lên, những quán cà phê mang dấu ấn trí thức một thời và cả bộ mặt sinh hoạt văn hóa của thành phố như hiệu sách, rạp phim, phòng trà… ở khu vực này đã đi vào hoài niệm đẹp của thị dân lẫn du khách” (Nguyễn Vĩnh Nguyên: Khu Hòa Bình - Đà Lạt: Lẽ nào chỉ còn trong ký ức?).

Đồ án xóa sổ khu vực Rạp Hòa Bình, một trong những công trình nhận dạng Trung tâm bản địa đầu tiên của Đà Lạt - một cấu trúc quan trọng vào bậc nhất trong chuỗi xương sống của hệ thống trung tâm lịch sử, để thay vào đó cái tên ngô nghê (khu cao tầng thương mại phức hợp) là một kiểu bức tử thành phố một cách thô bạo (Sở Xây dựng Lâm Đồng và UBND TP. Đà Lạt đã công bố “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình” tại Quyết định số 229/QĐ-UBND vào ngày 15/3/2019).

Tệ hơn nữa, cũng tại đồ án quy hoạch này, cụm khách sạn cao 10 tầng kiến trúc mái tròn (đang được trưng bày lấy ý kiến, thực sự đáng thất vọng) sẽ “xóa sổ” nốt ngọn đồi và Dinh Tỉnh trưởng, mặc cho nó là di sản kiến trúc – cảnh quan điển hình nhất theo phong cách quy hoạch Hébrard, và mặc cho mọi người (cư dân và du khách) đã đem lòng yêu mến ngọn đồi có những con đường uốn khúc làm nên sự mê hoặc của Đà Lạt cỏ cây cả trăm năm.

“Gạo đã bỏ vào nồi…”?

Theo Quyết định số 229 nêu trên, Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu trung tâm Hòa Bình đã được phê duyệt, chính quyền thành phố phân khu vực này thành 5 phân khu, trong đó có phân khu II và III gặp phải phản ứng dữ dội của dân cư và giới chuyên môn.

Phân khu II - Khu trung tâm Hòa Bình đổi thành Khu trung tâm phức hợp đa năng diện tích đất là 33.700 m2 trong đó Lô II-3 với diện tích chiều cao 4 tầng;

Phân khu III với lô III-1 là Khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng cũ sẽ bỏ đi, xây mới Khách sạn đồi Dinh cao 10 tầng trên diện tích đất 16.904m2 với mật độ xây dựng 70%. Tức là khách sạn có diện tích tầng lên đến 11.500m2 và 10 tầng nhà tính ra cũng cả gần 100.000m2 khách sạn.

Thật bõ công đầu tư vì chúng đã được duyệt chi tiết trong quy hoạch.

Điều đáng nói là kinh phí để lập quy hoạch chi tiết 1/500 lại được Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh tài trợ cho tỉnh Lâm Đồng và ngay trong điều khoản thi hành của Quyết định phê duyệt “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình” cũng có nhắc tên Công ty Đại Quang Minh.

Mặc dù việc tài trợ này đã được Sở Xây dựng Lâm Đồng khẳng định phù hợp theo quy định "Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị", theo Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng, nhưng dư luận có quyền đặt ra những nghi vấn:

Ai sẽ kiểm soát sự công khai, minh bạch nếu chính công ty tài trợ này sau đấy sẽ đầu tư một trong các phương án khách sạn đồi Dinh đang trưng cầu dân ý? Ai sẽ tin kết quả đấu thầu chọn nhà đầu tư như chính quyền Đà Lạt đang trấn an dư luận sẽ thật sự khách quan, công bằng nếu doanh nghiệp trúng thầu cũng là doanh nghiệp địa ốc duy nhất có tên trong quyết định phê duyệt quy hoạch?


PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục cho rằng đây là sự “đùa giỡn” về chuyên môn với di sản trong phương án 1 kiến trúc khách sạn đồi Dinh!

Các chuyên gia và người dân không đồng ý phá bỏ đồi Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt

Đa phần ý kiến từ giới quy hoạch kiến trúc đã phát biểu trên báo chí (KTS. Lê Tứ - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Lâm Đồng, KTS. Trần Công Hòa, PGS-TS-KTS. Nguyễn Hạnh Nguyên, KTS. Cao Thành Nghiệp, KTS. Đặng Phan Lạc Việt...) đều cho rằng các phương án kiến trúc đồi Dinh Tỉnh trưởng đang được triển lãm chưa nghĩ đến lợi ích cộng đồng khi phá bỏ Rạp Hòa Bình và Dinh Tỉnh trưởng.

TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn (con trai của KTS. Ngô Viết Thụ tài hoa đã chỉnh trang lại Khu trung tâm Hòa Bình những năm 70, là tác giả của Rạp Hòa Bình với ngôn ngữ nối dài phương Tây sang kiến trúc hiện đại nhiệt đới) cho rằng: Thay vì làm quy hoạch bảo tồn để đánh giá đúng giá trị và tiềm năng bảo tồn của toàn cấu trúc Khu trung tâm Hòa Bình thì chính quyền thành phố Đà Lạt lại cho làm một quy hoạch chi tiết giống quy hoạch cho dự án địa ốc mới một cách thô bạo. Tức là sai từ nhận thức về đô thị di sản. Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã gửi văn bản từ năm 2019 đến nay, yêu cầu thành phố Đà Lạt xem lại bản quy hoạch chi tiết 1/500 để bảo tồn các giá trị đặc biệt này.

Kiến trúc sư gạo cội về bảo tồn Hoàng Đạo Kính ngày 17/8/2020 cũng đã có một bài phân tích ôn tồn trên Người Đô Thị Người Đô Thị về sai lầm trong nhận thức của chính quyền Đà Lạt về bản chất “Đô thị di sản” đang bị hiểu lệch là “Di sản đô thị” tại Đà Lạt.

Với những gì đang diễn ra, Rạp Hòa Bình, đồi Dinh Tỉnh trưởng và tất cả những công trình có giá trị làm nên tinh hoa của một đô thị di sản đang bị ứng xử kiểu cò kè nâng lên đặt xuống, bỏ hay không bỏ. Cái cần nhất hiện nay là bảo tồn tổng thể đô thị thông qua bảo tồn cấu trúc và các công trình lịch sử có giá trị “không thể thay thế”.

Cần làm lại bằng một quy hoạch bảo tồn đô thị mà bản chất là đánh giá lại qũy di sản đô thị một cách nghiêm túc. Đà Lạt đang trong quá trình xây dựng để trở thành đô thị di sản, việc xây dựng cụm khách sạn cao tầng chiếm không gian khu vực đồi Dinh góp phần “phá vỡ” viễn cảnh này.

GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính cho rằng Đà Lạt đứng trước nguy cơ nhãn tiền trở thành thành phố có di sản đô thị, đánh mất mệnh danh đô thị di sản.


Người dân Đà Lạt xem nội dung quyết định “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình”, tháng 3/2019.
(Ảnh: Nguyễn Vinh)

Nhận thức nông cạn về đô thị di sản hay cách tư nhân hóa đất công?

Trả lời câu hỏi của báo Thanh Niên Thanh Niên mới đây: Những ngày qua trên các phương tiện truyền thông bàn luận khá nhiều về 3 phương án kiến trúc đồi Dinh Tỉnh trưởng, phần lớn không đồng tình với việc xây dựng cụm khách sạn 5 sao trên đồi Dinh. Ông có thể cho biết cảm nghĩ của mình?

Theo TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn, các phương án cụ thể mà Đà Lạt đang trưng bày là quy hoạch không có lợi cho người dân, lợi ích trước mắt chỉ dành cho nhà đầu tư, nếu triển khai là có lỗi với lịch sử và hậu thế.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt - Võ Ngọc Trình đã không ngại ngần bảo vệ 3 phương án kiến trúc khách sạn ở khu vực đồi Dinh đang gây bức xúc dư luận, ông cho rằng:  “Kiến trúc chỉ là một phần để tạo nên đô thị di sản, trung tâm khu Hòa Bình và đồi Dinh chỉ thay đổi công trình xây dựng cho hiện đại hơn, cần thiết phải đầu tư, nâng cấp các công trình ở trung tâm Đà Lạt để nâng tầm Đà Lạt lên...

Với tôi, 3 phương án kiến trúc đồi Dinh Tỉnh trưởng đều phù hợp trong sự phát triển chung của Đà Lạt hướng đến đô thị di sản. Quá trình lấy ý kiến nếu xảy ra tình huống 50/50 thì chính quyền sẽ mời các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà kinh tế, nhà xã hội học… ngồi lại để phân tích, lý do tại sao... Từ đó chọn ý tưởng tối ưu của từng phương án để đưa ra giải pháp thi công. Theo tôi, Đà Lạt cần phải thay đổi để phát triển. Không nên sống mãi với ký ức và hoài niệm”.

Đây là những phát biểu chính thức của đại diện chính quyền thành phố trên truyền thông. Và giới chuyên môn nhiều người chỉ còn biết ngửa mặt...than trời!


Người dân xem các phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh, đang được Đà Lạt trưng bày, lấy ý kiến từ ngày 14/8 đến 14/9.
(Ảnh: Mai Văn Bảo)

Liệu ông Võ Ngọc Trình có thể trả lời một cách minh bạch cho dân chúng Đà Lạt và đông đảo những con người yêu Đà Lạt ở khắp nơi: Chính quyền thành phố Đà Lạt đã có phương thức nào để bảo vệ những khu vực cảnh quan, di sản kiến trúc lịch sử - đang là những khu đất vàng trung tâm, là tài sản chung của người dân không bị trò chơi “ảo thuật” của quy hoạch “phát triển” để rơi vào tay tư nhân thông qua những con đường ngoằn ngoèo trong bóng tối?  

Qua hai năm, đã có quá nhiều kiến nghị của giới chuyên môn và người dân đề nghị xem xét lại bản quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, để làm quy hoạch bảo tồn nghiêm túc cho Đà Lạt, nhưng chính quyền thành phố Đà Lạt vẫn không tiếp thu, cố khiên cưỡng để phá bỏ các di sản kiến trúc lịch sử tại đây.

Và liệu chúng ta có quyền nghi ngờ động cơ sau cái gọi là “phát triển đô thị” như vậy?

PGS.TS.KTS. Nguyễn Hồng Thục - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu định cư và Năng lượng bền vững; Nguyên Trưởng khoa Kiến trúc và khoa Sau đại học, Đại học Kiến trúc Hà Nội

Đại Quang Minh muốn tạo dấu ấn “để đời” cho khu vực trung tâm Hòa Bình – Chợ Đà Lạt

Một bản tin trên báo Lâm Đồng ngày 17/7/2016 cho biết: Ngày 15/7/2016, trong chương trình công tác tại TP.HCM, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Thường trực Trần Đức Quận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S và lãnh đạo một số sở ban ngành đã có buổi làm việc tại Công ty cổ phần Đại Quang Minh về định hướng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình – Chợ Đà Lạt.

Theo đó, khu vực trung tâm Hòa Bình, Chợ Đà Lạt và Dinh Tỉnh trưởng (cũ) sẽ được cấu trúc lại để hình thành một trung tâm thương mại – dịch vụ năng động của các công trình phức hợp, hiện đại và giải quyết các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật giao thông.


Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần Đại Quang Minh về định hướng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình – Chợ Đà Lạt.
(Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Theo Báo cáo của Sở Xây dựng, phạm vi nghiên cứu của định hướng quy hoạch khu vực trung tâm Hòa Bình và Chợ Đà Lạt được giới hạn bởi đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, hẻm nhà thờ Tin Lành, Nguyễn Văn Trỗi ra đầu đường 3/2, Nguyễn Chí Thanh đến trước Khách sạn Ngọc Lan có đường dẫn xuống Lê Đại Hành qua bồn phun nước, với diện tích khoảng 29ha, phạm vi quy hoạch từ 13,5-15,2ha; tận dụng mức độ chênh lệch của cốt địa hình để xây dựng các công trình ngầm và đường đi bộ trên cao.

Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Quang Minh – doanh nghiệp đã có biên bản ghi nhớ với tỉnh Lâm Đồng về định hướng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình – Chợ Đà Lạt, cho biết: Đây là dự án khó, có nhiều thử thách về chuyên môn, nhưng sẽ tạo nên dấu ấn “để đời”, nên cần sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân. Công ty Đại Quang Minh sẽ cùng các nhà tư vấn đến Đà Lạt khảo sát kỹ, đi thực tế từng ngõ ngách trong phạm vi nghiên cứu…

Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt nêu quan điểm: Khu Hòa Bình và Chợ Đà Lạt đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân Đà Lạt, nên nhà đầu tư nào tham gia vào dự án Khu trung tâm thương mại Hòa Bình và Chợ Đà Lạt cũng phải đưa tâm huyết, trí tuệ và tầm nhìn chiến lược vào chứ không chỉ vì lợi nhuận.

Từ quy hoạch Đà Lạt theo cơ chế đặc thù, đến phạm vi nghiên cứu của dự án và quy hoạch chi tiết về thiết kế đô thị cho Khu trung tâm thương mại Hòa Bình – Chợ Đà Lạt đều phải độc đáo, hài hòa gắn với cảnh quan Hồ Xuân Hương để tạo ra diện mạo mới cho Khu trung tâm thương mại Hòa Bình – Chợ Đà Lạt nói riêng và đô thị hiện đại mới của Đà Lạt nói chung.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến khẳng định: Đây là dự án rất quan trọng đối với tỉnh Lâm Đồng. Tỉnh đồng tình cao về ý tưởng nhà đầu tư đưa ra. Về mặt chủ trương, phương án nào thuận tiện nhất cho nhà đầu tư thì tiến hành. Nhưng, cần lưu ý: Đà Lạt là thành phố đặc thù của Lâm Đồng, là đặc trưng của miền cao nguyên; Khu Hòa Bình và Chợ Đà Lạt là trung tâm của thành phố Đà Lạt, nên thiết kế phải có nét đặc trưng của phố núi, của Đà Lạt – thành phố trên cao nguyên. Đồng thời, dự án được giới hạn trong không gian nhỏ, nên không thể kéo hết các hạng mục vào mà phải tập trung có chọn lọc…

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: