Trong hơn 700 ha đất vàng Thủ Thiêm có 128 ha là vùng ngập nước. Việc bỏ hoang một cách cố ý này nhằm quy hoạch một khu đô thị vệ tinh sông nước và chống ngập cho khu phía Đông.
"Thủ Thiêm là lõi của TP.HCM. Nhưng chúng ta đã dành hơn 100 ha đất Thủ Thiêm để làm vùng ngập nước tự nhiên. Và tính đến giờ, vùng này đã phát huy tác dụng", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thừa nhận khi được chất vấn về vấn đề ngập đô thị kéo dài.
Hướng tới mô hình đô thị sông nước như Thủ Thiêm, TP.HCM dự kiến sẽ dành 5.000-10.000 ha khu vực đất ven sông cho ngập tự nhiên dưới hình thức khu du lịch sinh thái hoặc khu dân cư trong rừng thay vì san lấp mặt bằng xây đô thị. Ngoài ra, chính quyền thành phố yêu cầu chủ đầu tư của các khu đô thị mới trên 50 ha có hồ điều tiết.
Tuy nhiên, chuyên gia lại cho rằng mô hình chống ngập kiểu đô thị sông nước khó nhân rộng, còn việc xây hồ điều tiết như yêu cầu của TP.HCM không thể phó mặc cho tư nhân.
128 ha trong số 737 ha của Khu đô thị Thủ Thiêm được dùng làm khu lâm viên sinh thái. (Ảnh: Lê Quân)
"Thành phố xốp"
Nhận định về điển hình chống ngập hiện nay của Thủ Thiêm, TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng lý giải này đúng nhưng mới "đúng phân nửa".
"Hiện, đất Thủ Thiêm còn trống nhiều, nước có chỗ thấm. Còn nếu bê tông hóa hết thì vấn đề lại khác. Sau khi có vùng ngập nước thì phải đặt câu hỏi: Nước có chảy về đó được không, hay nước vẫn nằm ở mặt đất?" - TS Phi nêu vấn đề.
Theo ông Phi, chống ngập kiểu đô thị sông nước, xây dựng thành phố nửa chìm nửa nổi là ý tưởng tốt nhưng giải pháp lâu nay thành phố vẫn dùng đã bị vô hiệu do tốc độ biến đổi khí hậu quá nhanh. Thực tế này đòi hỏi phải có cách thức mới.
TS Phi phân tích nước xuất phát từ 2 hướng là trên trời xuống và dưới sông lên. Nước dưới sông có thể chặn bằng cách bao đê, san nền cao để không ngập. Nhưng nước mưa thì không chặn được và phải tìm cách giải quyết.
Giải pháp ở đây là dùng cống để đưa nước xuống hồ điều tiết hay vùng ngập nước như tại Thủ Thiêm, từ đó đưa nước ra sông. Nhưng nhược điểm của cống là sau khi xây, quy mô cống thì cố định còn lượng mưa ngày một tăng. Đến một thời điểm, cống sẽ quá tải và gây ngập.
"Vấn đề là phải điều tiết trước khi nước chảy xuống cống chứ không chỉ nghĩ tới tạo ra những vùng trũng thấp", TS Phi đề xuất và cho rằng thành phố xốp (Sponge City - SPC) là giải pháp nhanh để chống ngập nước đô thị.
Khi đó nước mưa có thể được hấp thụ, lưu trữ, thâm nhập và làm sạch bằng các giải pháp tự nhiên hoặc nhân tạo. Mô hình này được tóm tắt bằng 6 từ: Thấm/tái bổ sung, thu gom, lưu trữ, làm sạch, sử dụng và xả.
"Thủ Thiêm vẫn còn cơ hội để phát triển bền vững nếu như làm tốt ở trên bờ, phối hợp với phần thấp", ông Phi nhận định.
Khu lâm viên sinh thái ở Thủ Thiêm. (Ảnh: Lê Quân)
Hồ điều tiết - không thể trông cậy hết vào nhà đầu tư
Yêu cầu nhà đầu tư xây hồ điều tiết không phải chủ trương mới của TP.HCM. Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu, từ năm 2004, nguyên Phó chủ tịch phụ trách đô thị Nguyễn Văn Đua (nhiệm kỳ 2001-2006) đã yêu cầu các dự án có lấp mặt nước như ao hồ, sông rạch phải hoàn trả lại toàn bộ diện tích mặt nước không thấp hơn diện tính đã lấp.
"Thành phố đã chủ động chuyện xây dựng hồ điều tiết nhưng thực sự trong thời gian dài có hơi buông lỏng", ông Châu nhận định. Việc phát triển thành phố về phía nam cũng khiến hướng thoát nước tự nhiên của thành phố bị tác động bất lợi khi nhiều vùng ngập nước trước đây nay đã không còn.
Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, do đòi hỏi của khách hàng, các doanh nghiệp rất quan tâm đến tăng tỷ lệ cây xanh, mặt nước trong dự án vì cảnh quan và môi trường. Do đó, hồ điều tiết là điểm sáng được nhiều dự án tận dụng tăng cảnh quan cũng như giảm ngập nước.
Cho rằng đây là bước đi tốt của thành phố, TS Hồ Long Phi khẳng định không thể chỉ trông cậy vào doanh nghiệp mà Nhà nước cũng phải tham gia làm hồ điều tiết.
"Một là dự án tầm 50-100 ha không có bao nhiêu. Hai là hồ điều tiết phải giải quyết ở tầm lưu vực mới có ý nghĩa. Tầm lưu vực nghĩa là chảy từ vùng cao xuống vùng thấp, đi qua nhiều dự án khác nhau thì lúc đó Nhà nước phải đầu tư chứ đâu đùn đẩy cho chủ đầu tư được", ông Phi phân tích.
TS Phi nêu ví dụ có những khu vực vừa đông dân cư, vừa ở vùng trũng thấp mà lại không có nhà đầu tư trên 50 ha thì người dân sẽ không có hồ điều tiết chống ngập. Do đó, việc yêu cầu các dự án làm hồ điều tiết rải rác là bước đi tốt, nhưng Nhà nước vẫn cần tham gia vào quá trình này chứ không chỉ "bỏ ngỏ" cho nhà đầu tư.
Theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu lâm viên sinh thái có diện tích khoảng 128 ha và chỉ quy hoạch 3 lô đất để xây dựng công trình phục vụ tham quan, du lịch, khu nghiên cứu thực vật. Chức năng chính của khu vực này là bảo vệ môi trường và thoát nước mặt. Khi có đợt triều cường từ sông Sài Gòn đổ vào hệ thống kênh đào và rừng đước tại khu ngập nước này, nước sẽ được lọc và đổ ngược vào hệ thống giao thông thủy. |
Thu Hằng
(Zing.vn)
- Phục hưng Sài Gòn - “Kinh đô sông nước”
- Bảo tồn kiến trúc làng xã - Những vấn đề đặt ra cho nông thôn ngày nay
- Lựa chọn kiến trúc hiện đại hay cổ điển cho cầu Trần Hưng Đạo?
- Thành phố ven sông Hồng ở Hà Nội: 20 năm vẫn dang dở, vì sao?
- Di dời nhà máy và lấy đất cho không gian công cộng
- Tiến trình cấp "sổ đỏ" cho condotel gặp sự phản biện từ Bộ Công an
- Kiểm soát hệ số sử dụng đất đô thị
- Phát triển cảng biển, vẫn loay hoay chuyện kết nối
- Đừng đánh mất lịch sử trong “thành phố ngầm” metro!
- Thí điểm chính quyền đô thị và yêu cầu về kiểm soát quyền lực