Đừng đánh mất lịch sử trong “thành phố ngầm” metro!

Thứ hai, 22 Tháng 6 2020 14:22 Người Đô Thị
In

Đồ sộ! Hùng vĩ! Tiền tỉ tỉ, mồ hôi và cả máu nữa! Đó là ấn tượng của tôi khi lần đầu leo xuống từng bậc thang và dạo qua hầm metro cách mặt đất 30m ở công trường nhà ga Chợ Bến Thành.

Nay mai, khi đường metro Bến Thành - Suối Tiên được “bóc tem” sẽ ra đời nhiều “khu phố ngầm” quy tụ quanh 14 nhà ga, với chiều dài khoảng 19km. Trong đó, “khu phố ngầm” giá trị lộng lẫy nhất chính là tuyến đường dưới lòng đất dọc đại lộ Lê Lợi, với hơn 1.700m và hai nhà ga sang trọng: Chợ Bến Thành và Nhà hát Thành phố! Thêm nữa, theo kế hoạch, sẽ còn ra đời một loạt tuyến metro khác từ cả bốn hướng, tụ về trung tâm.

Lúc ấy, Sài Gòn sẽ có hẳn một “thành phố ngầm” chưa từng có trong lịch sử, với khoảng 150 nhà ga và các tuyến nối tiếp dọc ngang, tổng cộng lên đến khoảng 170km. “Thành phố ngầm” metro sẽ không chỉ có các đường tàu mà còn là nơi qua lại, mua sắm, thưởng ngoạn nhiều hình ảnh, vật thể, cửa hàng v.v.. Đương nhiên, “thành phố ngầm” metro đang là “mục tiêu vàng” của các nhà đầu tư và kinh doanh nhiều quốc tịch. Thế nhưng, chính những “khu phố ngầm” ẩn chứa trầm tích văn hóa nhiều niên đại kỳ thú này cũng là mục tiêu không thể bỏ sót của những người yêu lịch sử và di sản!


Kỹ sư hướng dẫn khách thăm công trường Ga Nhà hát Thành phố thuộc tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (ảnh chụp ngày 18/5/2020)
(Ảnh: Trung Dũng)

Không gian cho ký ức đã mất

Công trường xây dựng nhà ga metro Chợ Bến Thành bắt đầu từ khu “mũi tàu” công viên 23/9, kéo đến phần lớn quảng trường Quách Thị Trang. Vừa bước vào cổng số 4 công trường ở mặt đường Lê Lai, lòng tôi bỗng rộn rã khi thấy nhiều cây cổ thụ to lớn và cao vút còn nguyên đó. Ơn trời, “các cụ” không bị “lên trời” như số phận hàng cây ở công trường Lam Sơn hay đường Tôn Đức Thắng.

Tôi tò mò hỏi người kỹ sư trẻ hướng dẫn thăm công trường: “Anh có biết công viên 23/9 nguyên là nhà ga xe lửa đầu tiên của Việt Nam không?”. Anh xuýt xoa: “Hèn gì, khi đào lớp đất đầu tiên, chúng tôi có thấy một số đường ray cũ nát!”. Anh còn cho biết bên cấp nước khi bàn giao mặt bằng đã phải đóng lại một đường cống vòm khá lớn từ thời Pháp. Cả đường ray và chiếc cống xưa có ai chụp ảnh, có ai giữ lại không?


Công trình nhà ga metro Chợ Bến Thành nhìn từ độ sâu tầng hầm đầu khoảng 10m (ảnh chụp ngày 12/5/2020).

Thấy anh lắc đầu, tôi lại nhớ đến một buổi chiều “cà phê buồn” sáu năm trước. Lúc ấy, trên tầng thượng một cao ốc nhìn xuống “bùng binh cây liễu” đã bị “xẻ thịt” tan hoang cùng với công trường Lam Sơn và đường Nguyễn Huệ, tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, ngẩn ngơ, chép miệng:  “Người ta đào đường ở những khu vực lịch sử này mà không kêu khảo cổ đến khảo sát, tiếc lắm!”.

Vâng, tiếc lắm, bây giờ phố đi bộ Nguyễn Huệ đã xong rồi và đường metro cùng nhà ga metro cũng sắp hoàn thành. Thế là, từ nay chúng ta khó còn khả năng tìm thấy dưới lòng đất các dấu tích và di vật của thành Gia Định, kinh Chợ Vải, đầm Boresse, Chợ Đũi và nhà ga xe lửa Sài Gòn “vang bóng một thời”! Chưa kể những vết tích xây dựng Sài Gòn hiện đại từ việc biến đổi các kinh rạch thành những con đường rợp bóng cây, biến đất ao hồ thành phố xá và phố thị. Thêm nữa, dấu vết của những cống ngầm, những đường xe điện, những trụ điện, những công thự và dinh thự dần dần ra đời sau bao năm tháng vất vả.

Và rồi, ngay cả cái tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn hơn 55 năm tuổi - bây giờ lưu lạc ở đâu, liệu có dựng lại ở quảng trường Quách Thị Trang, khi đường metro hoàn thành? Liệu có cách nào, tại những khu vực xây dựng mới, người dân và du khách vẫn có thể thấy lại hình ảnh ký ức trăm năm đã mất đi vì 1.001 lý do - công chúng không bao giờ muốn?


Các cây cổ thụ bên trong công viên 23/9 hướng nhìn ra công trình nhà ga metro (chụp 12/5/2020).

Đi qua các tầng hầm mênh mông của công trường, tôi bỗng nhớ đến những nhà ga metro ở nước ngoài mà mình đã từng đến. Ở đó, lạ chưa họ vẫn dành nhiều không gian cho ký ức lịch sử! Chẳng hạn, ở Singapore, tại nhà ga trung tâm Raffles Place - nơi bước lên sẽ trông thấy hàng chục nhà chọc trời của ngân hàng và thị trường chứng khoán. Tại đây, người ta làm hai cổng vào metro theo kiểu dáng của kiến trúc dinh thự Malaysia cổ xưa. Còn bên dưới nhà ga,  có hẳn một bức ảnh phóng lớn khu phố bên trên đã mất - mang kiểu dáng London đầu thế kỷ XX.

Trong khi đó, bên trong nhà ga trung tâm City Hall - dưới chân cao ốc thương mại khổng lồ Raffles City, có một tranh vẽ thật lớn miêu tả mặt cắt phía trước của tòa nhà City Hall - tòa thị chính, kiến trúc Victoria uy nghi thế kỷ XIX. Mặt khác, ở một cổng ra vào của metro, người ta còn đặt một bảng ghi dấu và tượng đồng thu nhỏ kiến trúc của trường trung học Raffles Institution (RI). Họ ghi rõ khu vực xây dựng metro và cao ốc Raffles City nguyên là đất của ngôi trường danh tiếng này.


Mô hình sa bàn 4 tầng đường hầm tại nhà ga metro Chợ Bến Thành.

Chính lịch sử của những ký ức đã mất và ngay cả lịch sử công trình metro, nếu được giữ gìn và tái hiện - một cách sáng tạo và thông minh, sẽ làm tăng thêm vẻ kiều diễm và khả năng sinh lợi lớn lao của những “thành phố ngầm” tương lai!

Ở Hồng Kông, trên cửa kính ra vào các đường tàu metro, từng có những bức ảnh lớn cho thấy chân dung Hồng Kông 100 năm trước. Còn tại Paris - Pháp, ở nhiều nhà ga metro có các tủ kính áp tường trưng bày hình ảnh và hiện vật lịch sử liên quan đến các khu vực bên trên nơi đặt nhà ga.

Tại nhiều lối lên xuống metro, có những tấm bảng khắc ghi các sự kiện và nhân vật đáng nhớ đã hiện diện nơi này. Đặc biệt, các cửa lên xuống metro trên vỉa hè Paris đều có khung thép với kiểu dáng cổ điển rất “điệu đàng”.

Ở nhiều nước Âu Mỹ, ở các lối ra vào và bên trong các nhà ga metro và xe lửa thường có các tượng đài nhỏ. Hóa ra, hàng triệu người qua lại hàng ngày trong “thành phố ngầm” thay vì chỉ biết đến tàu điện và các cửa hàng mua sắm, vẫn có thể tìm lại hình ảnh ký ức đã mất. Hơn thế nữa, họ có thể chứng kiến hiện tại và quá khứ đan xen nhau thú vị, qua nhiều hình thức phục dựng lịch sử một cách độc đáo.


Bảo tàng metro tại nhà ga Deak ở  Budapest bao gồm đường tàu và toa xe cổ (nguồn: tripadvisor.com)

Ngay bây giờ, mong rằng các metro ở TP.HCM và Hà Nội sẽ “để dành” những không gian đa dạng ngay trong các “khu phố ngầm” cho những bức ảnh phóng lớn, những bức bích họa, những tiểu tượng và góc nghệ thuật sắp đặt, những màn hình laser... để tái hiện và tôn vinh lịch sử! Bản thân các hành lang và không gian công cộng trong nhà ga metro và các tầng hầm thương mại đều có thể sử dụng làm không gian triển lãm văn hóa, nghệ thuật… Đưa lịch sử vào các không gian ngầm metro cũng chính là cách tái hiện, “bù đắp” và “bồi thường” phần nào đó những công trình và cảnh quan xưa đẹp trên mặt đất đã bị mất đi trong quá trình xây dựng metro.

Sẽ là một sai phạm và lãng phí lớn nếu các không gian này chỉ được ưu tiên sử dụng cho các bảng quảng cáo và các hoạt động thương mại thuần túy!

Bảo tàng của chính công trình metro

Ở Budapest - thủ đô Hungary có một bảo tàng sống động về lịch sử xe điện ngầm nằm ngay trong nhà ga metro mang tên Deak. Hungary tự hào có metro đầu tiên trên châu Âu lục địa sau nước Anh hải đảo. Tại bảo tàng này, người ta trưng bày hình ảnh các công trường xây dựng metro và cả một toa tàu cổ điển thế kỷ XIX.

Còn ở Berlin - thủ đô Đức, tại nhà ga gần cổng Brandenbourg nổi tiếng, người ta giữ nguyên tường gạch men, bảng hiệu và cả phòng vé xưa, ghế ngồi xưa năm 1936 - thời điểm khai trương nhà ga. Khách bước vào đây thích thú gặp lại khung cảnh một Berlin cổ kính trước Thế chiến thứ hai.


Triển lãm hình ảnh Hồng Kông xưa ngay tại các nhà ga metro Hồng Kông 2010. (Nguồn: mtr.com.hk)

Với Singapore, metro ra đời từ năm 1987, tuy chưa có bảo tàng chuyên đề nhưng tại một số nhà ga mới xây dựng vài năm gần đây, khách có thể xem một số hình ảnh và hiện vật về quá trình xây dựng các đường tàu. Vào năm 2001, tại đường hầm mới xây xong - nối ga Expo với ga sân bay Changi, đã diễn ra một sự kiện khá ngoạn mục: đích thân Tổng thống Singapore dẫn đầu một cuộc đi bộ trong đường hầm này trước khi công trình được khánh thành. Các công dân trong và ngoài nước tham gia cuộc đi bộ “có một không hai” đã hào hứng mua vé, số tiền thu được dùng cho đóng góp từ thiện.

Lịch sử khởi công xây dựng metro ở Sài Gòn bắt đầu từ năm 2013. Hơn bảy năm đằng đẵng, trung tâm thành phố bị xới tung, nhiều nhà cửa bị giải tỏa, hàng núi công sức, hàng ngàn công nhân và kỹ sư vất vả với công trình. Tất cả nỗ lực đó xứng đáng được ghi nhận và gìn giữ trong quy mô một nhà lưu niệm hay bảo tàng. Rất nên sử dụng không gian ngầm ở một nhà ga lớn như ga Chợ Bến Thành hoặc một depot tàu điện để dựng lại trân trọng lịch sử hình thành metro đầu tiên của Việt Nam. Vốn dĩ, Sài Gòn đã từng có xe điện và xe lửa nội thị từ rất sớm, vào đầu thế kỷ XX.


Phiên bản tượng Người suy nghĩ nổi tiếng của Rodin tại nhà ga metro Varennes ở Paris.
(Nguồn: reidsfrance.com)

Một trăm năm sau, Sài Gòn ngày nay mới có phương tiện giao thông công cộng cực lớn. Sau khi cắt băng khánh thành những nhà ga và các đường tàu metro, đừng để trôi mất hình ảnh dòng chảy công nghiệp hóa cuồn cuộn đó. Chính lịch sử của những ký ức đã mất và ngay cả lịch sử công trình metro, nếu được giữ gìn và tái hiện - một cách sáng tạo và thông minh, sẽ làm tăng thêm vẻ kiều diễm và khả năng sinh lợi lớn lao của những “thành phố ngầm” tương lai! Hãy cho người dân và du khách, một ngày không xa, khi đi thăm những “thành phố ngầm” tân tiến được tự hào hưởng thụ không chỉ công nghệ tân tiến và phương tiện văn minh.

“Thành phố ngầm” metro cùng với thành phố quen thuộc bên trên phải là nơi lập lại và lan tỏa lối sống nhân văn - không bao giờ lãng quên những giá trị hay đẹp do các thế hệ trước trao lại!

Phúc Tiến

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: