Ashui.com

Sunday
Nov 10th
Home Tương tác Phản biện Hậu Giang: Phát triển đô thị bền vững, thích ứng tự nhiên

Hậu Giang: Phát triển đô thị bền vững, thích ứng tự nhiên

Viết email In

Tuần rồi, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Đài Phát thanh-Truyền hình Hậu Giang (HGTV) tổ chức hội thảo “Hậu Giang mở mang đô thị”. TBKTSG lược ghi một số ý kiến tại hội thảo này.


Quang cảnh hội thảo “Hậu Giang mở mang đô thị” tổ chức ngày 20/5/2020. (Ảnh: Huỳnh Kim)

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang:

Tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển đô thị

- Hậu Giang hiện nay có 16 đô thị gồm một đô thị loại 2 (thành phố Vị Thanh), hai đô thị loại 3 (thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ). Theo Chương trình phát triển đô thị của tỉnh, dự kiến đến năm 2030, Hậu Giang sẽ có 19 đô thị.

Để đạt mục tiêu nêu này, nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đáp ứng tiêu chí từng loại đô thị là rất lớn trong khi điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn. Tỉnh đã tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nhà ở, phát triển đô thị. Đến nay, Hậu Giang đã lựa chọn và công nhận chủ đầu tư đối với 19 dự án khu đô thị mới, nhà ở thương mại; cho chủ trương nghiên cứu, tiếp cận lập quy hoạch chi tiết để đề xuất đầu tư đối với 62 dự án.

Hội thảo lần này là cơ hội để tỉnh trao đổi, chia sẻ với các nhà đầu tư về những điều kiện thuận lợi, tiềm năng, thế mạnh của Hậu Giang; những chính sách ưu đãi đầu tư cũng như quy hoạch, định hướng phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh; nhu cầu thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở, khu đô thị, góp phần phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ; xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, đáp ứng yêu cầu mỹ quan, thân thiện môi trường, tạo diện mạo mới cho đô thị.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, Chủ nhiệm CLB Địa ốc Saigon Times, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM:

Mong muốn chính sách đầu tư tốt

- Việc thu hút các nhà đầu tư uy tín là cơ hội cho các doanh nghiệp khác ở TPHCM đến Hậu Giang tìm hiểu đầu tư, vì địa bàn TPHCM hiện đang chật chội và có sự cạnh tranh rất cao. Chúng tôi mong muốn tìm kiếm môi trường mới; tỉnh nào có chính sách đầu tư tốt, sẽ thu hút được doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đầu tư cần gì ở Hậu Giang? Chúng tôi cần thông tin chính xác từ nguồn cung cấp chính thống; cần sự cam kết, tính thực thi của cơ quan quản lý nhà nước địa phương và cần nhận được sự hỗ trợ về giải phóng mặt bằng ở các khu dự án đã được quy hoạch. Hậu Giang đã có những tín hiệu tốt về các nhu cầu này để thu hút các nhà đầu tư từ TPHCM.

Ông Hồ La Thành, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hậu Giang:

Ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp

- Đồng hành cùng với doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Nhằm khuyến khích các dự án đầu tư theo mô hình hợp tác công-tư (PPP) vào các dự án phát triển đô thị, ngành ngân hàng có các thỏa thuận cho vay và tài trợ vốn cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên.

Để việc này lan tỏa hiệu quả, đòi hỏi các chủ đầu tư dự án và hệ thống cơ chế chính sách của tỉnh phải đáp ứng các điều kiện và nguyên tắc về tín dụng, về tổ chức triển khai và phải đảm bảo hiệu quả hoạt động của dự án.

Ông Phạm Quang Hiếu, Giám đốc đầu tư khu vực phía Nam, Công ty cổ phần tập đoàn FLC:

Kiến nghị chính quyền đẩy nhanh hơn

- FLC đang làm thủ tục đầu tư bốn dự án tại Hậu Giang gồm dự án khu đô thị mới Vị Thanh 39,4 héc ta, khu đô thị mới kết hợp công viên cây xanh Vị Thanh 190 héc ta, khu đô thị mới Nam Vị Thanh 120 héc ta và dự án quần thể khu đô thị mới, dịch vụ thể thao và du lịch nghỉ dưỡng Châu Thành 619 héc ta.

Với dự án Khu đô thị mới Vị Thanh, FLC kiến nghị chính quyền đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất.

Với các dự án đang nghiên cứu, nhà đầu tư kiến nghị tỉnh Hậu Giang thống nhất ý tưởng quy hoạch để tập đoàn FLC hoàn thiện đồ án quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Riêng dự án sân golf, FLC kiến nghị tỉnh Hậu Giang ban hành quyết định hướng dẫn nhà đầu tư về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc đầu tư khu vực miền Tây Công ty cổ phần tập đoàn Đất Xanh:

Nên mở mang đô thị trong thế liên kết

- Hậu Giang nằm trên tuyến lưu thông huyết mạch của tiểu vùng Tây sông Hậu, kết nối với Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và liền kề thành phố Cần Thơ - trung tâm ĐBSCL. Chủ trương “Hậu Giang mở mang đô thị” sẽ thúc đẩy phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị cùng với các chương trình phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch xanh.

Hậu Giang cần chú trọng phát triển loại hình bất động sản công nghiệp - là nền tảng phát triển bền vững cho kinh tế địa phương về thu hút đầu tư, tạo việc làm, tăng dân cư sinh sống. Tỉnh cũng cần phát triển cân bằng và đa dạng hóa các loại hình bất động sản khác như bất động sản nhà ở, thương mại - dịch vụ; phát triển các khu phức hợp với quy mô lớn và đa dạng loại hình giải trí; chú trọng tính tiện ích để thu hút dân cư từ các địa phương khác đến ở và lưu trú.

Đi theo định hướng trên, hiện tập đoàn Đất Xanh đang tham gia ba dự án, đã được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Đó là dự án khu đô thị mới thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành), khu đô thị mới khu vực 1, phường 5 (thành phố Vị thanh) và khu đô thị mới xã Vị Trung (huyện Vị Thủy).

Ông Lê Tiến Châu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang:

Ba quan điểm phát triển đô thị Hậu Giang

- Phát triển đô thị là yêu cầu tất yếu, quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và phát triển kinh tế - xã hội của Hậu Giang. Theo đó, quan điểm của lãnh đạo tỉnh trong phát triển đô thị gồm:

Thứ nhất, phát triển đô thị phải lấy con người làm trung tâm, nhằm mục đích cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ gìn và phát huy các giá trị con người, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm và chăm lo sức khỏe cho người dân.

Thứ hai, phát triển đô thị phải thật sự bền vững, thích ứng với tự nhiên. Phát triển đô thị phải cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng, không gian đô thị và năng lực quản lý nhà nước. Không phát triển ồ ạt vượt quá nhu cầu thực tiễn, gây ra lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng tới dư địa phát triển của các thế hệ mai sau. Cùng với đó, xây dựng và phát triển đô thị phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, các đô thị của tỉnh Hậu Giang phải mang đặc sắc của vùng ĐBSCL, gắn kết giữa phát triển đô thị với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đặc thù tự nhiên đất đai, sông nước, khí hậu và thói quen sinh hoạt của người dân. Mục tiêu là hướng đến xây dựng một mô hình đô thị kiểu mới kết hợp phát triển dịch vụ du lịch và các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, tuần hoàn, bền vững.

Theo ông Nguyễn Huỳnh Đức, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang, bên cạnh những ưu đãi theo quy định của Chính phủ về ngành nghề, địa bàn, UBND tỉnh chỉ đạo tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng khi tiếp cận các nguồn lực, các cơ hội kinh doanh, như:

- Đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.

- Công khai các thủ tục hành chính, quy hoạch ngành, lĩnh vực trên trang thông tin điện tử; niêm yết tại bộ phận một cửa để mọi người dân dễ dàng tiếp cận.

- Công khai, minh bạch quy trình, thủ tục đầu tư, hệ thống doanh nghiệp trên cổng thông tin của đơn vị.

- Đối xử bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong tiếp cận ưu đãi, hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn. Xây dựng và ban hành chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm giải quyết mọi thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp về cách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

- Đặc biệt, tỉnh có chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp; thường xuyên trao đổi định kỳ hàng quí, hàng năm nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp cũng như công tác phối hợp triển khai của các sở, ngành tỉnh và địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Huỳnh Kim lược ghi

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo