Câu chuyện xã hội hóa trong trùng tu di tích kiến trúc: cầu ngói chợ Thượng

Thứ năm, 26 Tháng 3 2020 08:24 Báo Xây dựng
In

Trong quỹ kiến trúc truyền thống, cầu ngói được xem là một trong những loại hình kiến trúc rất đặc biệt và độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị về mặt kiến trúc - mỹ thuật, văn hóa. Bên cạnh đó, đây cũng là loại hình công trình có niên đại phổ biến từ thời nhà Hậu Lê và Mạc. Về số lượng hiện nay, trên phạm vi cả nước cũng chỉ còn một số cây cầu ngói cổ còn tồn tại như cầu ngói chùa Lương (Hải Hậu, Nam Định); cầu ngói Thanh Toàn (Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế); cầu ngói Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình). Trong số này, cầu ngói chợ Thượng (xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), được xây dựng từ thời Hậu Lê.


Cảnh quan cầu ngói chợ Thượng bị biến đổi trước và sau khi được trùng tu cải tạo xã hội hóa.

Theo tư liệu khảo cứu, cầu ngói chợ Thượng được xây dựng với lối kết cấu kiểu thượng gia - hạ kiều (trên là nhà - dưới là cầu). Cầu được xây dựng theo kiểu tứ hàng chân, khung gỗ lim và lợp ngói nam. Mố cầu được xây dựng hoàn toàn bằng đá tảng, được xếp khéo léo theo thứ tự lớn ở dưới, nhỏ ở trên. Mặt cắt ngang công trình bố trí theo cấu trúc hình thang cân với đáy rộng 3,7 m và đỉnh rộng 2,84 m. Khoảng cách giữa 2 mố cầu là 4,5 m với hệ thống dầm cầu bằng gỗ Lim đường kính 40 cm và hệ thống thanh dầm ngang đường kính 20 cm. Nhà cầu có 11 gian, mỗi gian từ 1,45 m đến 1,65 m tạo nên một công trình dài 17,35 m nối hai bờ sông. Hai hàng cột cái mỗi hàng 10 cột cạnh vuông 0,2 m, cao 2 m đặt sát hai bên lòng xà cầu. Nền cầu được ốp gỗ Lim rất chắc chắn với hệ thống gờ nổi hành lang 2 bên cao 0,15 m. Các bộ vì kèo với cấu trúc đơn giản để đỡ hệ mái lợp ngói vẩy cá. Hai đầu cầu xây tường, có đại tự đắp nổi “Thượng gia kiều” bằng chữ Hán, có mở cửa rộng 1,7 m, cao 2 m. Chính vì hệ thống các giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc nên tháng 6/2012, Bộ VHTT&DL đã có quyết định công nhận cầu ngói chợ Thượng và Phủ Bà (xã Bình Minh, huyện Nam Trực) là di tích cấp quốc gia.

Từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, trên cơ sở sự xuống cấp của di tích, công trình đã được tiến hành trùng tu. Theo các phương tiện thông tin tại chúng đã phản ánh, do hạn chế về kinh phí vốn ngân sách cấp (là 200 triệu đồng) nên BQL Di tích và danh thắng tỉnh Nam Định chỉ thực hiện một phần việc trùng tu (như thay một phần ngói và một số cột, kèo, rui mè bị hỏng). Một số việc còn lại như làm mới phần trát tường và trang trí, quét sơn giả đá, xây mới bậc thềm, kè hai bờ sông... là được huy động nguồn lực xã hội hóa, do cộng đồng người dân địa phương thôn Thượng Nông và tự tổ chức thực hiện.


Hình thức kiến trúc và trang trí đầu cầu bị biến đổi sau quá trình trùng tu cải tạo.

Tuy nhiên, sau khi việc trùng tu gần như hoàn tất BQL Di tích và danh thắng tỉnh Nam Định đã phản ánh một số hạng mục do cộng đồng thôn Thượng Nông thực hiện trùng tu đã làm biến dạng, không đảm bảo đúng với hồ sơ di tích; yêu cầu địa phương phải chỉnh sửa lại, trong đó phải xóa đi phần sơn giả đá, khôi phục lại phần hoa văn, hạ thấp độ cao bậc thềm lên xuống. Trong các lần trùng tu trước đây, sàn cầu đã được thay bằng đá cũng đã làm biến dạng một phần công trình so với nguyên bản.

Điều này khiến giới chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di tích một lần nữa lại quan ngại về việc biến dạng - biến mất của các di tích kiến trúc, nhiều trong số đó là các di tích rất có giá trị như trường hợp dự án trùng tu cầu ngói chợ Thượng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc còn thiếu một quy định chặt chẽ đối với các dự án trùng tu di tích sử dụng nguồn lực xã hội hóa đang là một trong những nguyên nhân khiến cộng đồng địa phương dù có nhiều tâm huyết và nhiệt huyết đóng góp tài chính nhưng vẫn làm mai một các giá trị của di tích, thậm chí là “hỏng” hoàn toàn di tích khi thực hiện dự án trùng tu. Điều này đặt ra cần sớm hoàn thiện các quy chế về bảo tồn di sản - di tích kiến trúc sử dụng nguồn lực xã hội hóa.

ThS.KTS Phạm Hoàng Phương - Phòng Lý luận phê bình và lịch sử kiến trúc (Viện Kiến trúc Quốc gia)

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: