Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Phản biện Đừng lãng quên và lãng phí lịch sử

Đừng lãng quên và lãng phí lịch sử

Viết email In

Một cuộc thi tuyển quốc tế “Ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành” vừa được chính quyền TP.HCM chào hàng. Đề thi là cả một không gian bao la, bao gồm thiết kế bên trên và dưới đất cho ba trọng điểm: chợ Bến Thành, quảng trường Quách Thị Trang và đại lộ Lê Lợi. Trong đó, ý tưởng khuếch trương thương mại được chú trọng vì nếu tạo ra được những công trình thương mại thì mới có vốn để đầu tư xây dựng mới. Thật sự, đây không còn là một cuộc thi ý tưởng thiết kế kiến trúc mà là cuộc thi ý tưởng kinh tế. Và do vậy, nó cần được lấy ý kiến rộng rãi từ nhiều giới chứ không thể chỉ là các nhà chuyên môn quy hoạch hay kiến trúc!

Phải là kinh tế di sản

Đã có 7 công ty nước ngoài được mời tham gia cuộc thi. Ngày 6/12/2019, khi dự cuộc họp công bố và hỏi đáp thắc mắc về cuộc thi, một kiến trúc sư người châu Âu nói với tôi: “Đây là khu vực thương mại nên sẽ có thêm các thương xá, các tầng hầm shopping, các cửa hàng lộng lẫy. Song, các công trình thương mại này sẽ có cái gì độc đáo so với các nơi khác trong thành phố và so với các nước? Chẳng lẽ đi đâu cũng chỉ thấy hàng hóa, mua sắm! Người ta sẽ tìm thấy câu chuyện gì ở khu vực trung tâm?”


Phác họa một đường phố thương mại có đường tàu metro bên dưới
(từ brochure ban tổ chức cuộc thi).

Vâng, tìm thấy câu chuyện gì - đó chính là nỗi lo của những người yêu Sài Gòn, yêu di sản khi nghe tin cả một khu vực lớn trung tâm thành phố sẽ được chỉnh trang. Phải chăng, lại là câu chuyện xung đột về một rừng cao ốc thương mại, căn hộ, khách sạn, văn phòng bao vây những kiến trúc vừa phải, xinh xắn lâu đời? Phải chăng, tiếp diễn lần nữa câu chuyện buồn về những cột mốc ký ức đã mất đi tức tưởi: công viên Chi Lăng và thương xá Eden, công viên Lam Sơn và Thương xá Tax, bùng binh cây liễu và rạp Rex, xưởng Ba Son và hàng cây cổ thụ sánh đôi trên đường Tôn Đức Thắng...?

Chừng ấy “bể dâu” đã diễn ra lặng lẽ và nhanh chóng như vết dầu loang bởi những kế hoạch xây dựng nhân danh kinh tế - ngấm ngầm và vội vã. Và rồi, người dân không thể không nghĩ đến nguy cơ những yếu tố di sản bị xếp xó hay bị bỏ rơi trong những dự án thương mại, kinh doanh mỹ miều! Khu vực chợ Bến Thành và đại lộ Lê Lợi là một không gian văn hóa - lịch sử lớn lao, không thể để xảy ra sai phạm như trước. Rất mong chính quyền thành phố và các nhà chuyên môn có cái nhìn và hành xử theo quan điểm kinh tế di sản cho những khu vực có đầy đủ các giá trị và tài nguyên quá khứ quý báu như khu vực này.

Cần nâng niu phố cổ Sài Gòn

Chợ Bến Thành và các con phố chung quanh chính là phố cổ Sài Gòn nhưng vẫn chưa được trân trọng đúng mức và đúng cách - như phố cổ Hà Nội hay phố cổ Hội An. Khu phố Chợ Bến Thành ra đời năm 1914, trên bãi sình lầy (đầm Boresse) thông với kênh Cầu Sấu (đường Hàm Nghi) và những con rạch chi chít khác.

Người Sài Gòn đã mất hơn 20 năm san lấp dần dần vùng trũng đó để dời chợ Bến Thành từ vị trí dọc đại lộ Charner (Nguyễn Huệ) sang vị trí mới. Chợ được xây cất như một tòa thành có bốn cửa, trên diện tích “khủng”: hơn 10.000m2.


Bản đồ Google chụp từ vệ tinh khu phố chợ Bến Thành (tổng diện tích khoảng 1,8ha) và đại lộ Lê Lợi có chiều dài 500m
(Nguồn: KTS. Đồng Lâm Thanh Tùng)

Ba dãy phố chung quanh chợ hợp thành hình chữ U ngay ngắn. Mỗi dãy được thiết kế là nhà phố ba tầng, kiểu dáng châu Âu thanh tân. Chúng là nơi đặt các tiệm vải, trà, cà phê, dược phẩm, hàng công kỹ nghệ gia dụng và lưu niệm. Đan xen vào đó là các khách sạn (tên gọi đầu thế kỷ XX là khách lầu), quán rượu và nhà hàng. Một số nhà hàng đã là nơi biểu diễn đờn ca tài tử - tiền thân của cải lương. Không những thế, hai con phố hiện giờ mang tên Phan Chu Trinh (thời Pháp là Schroeder) và Phan Bội Châu (Vienot) còn là bến xe ngựa, bến xe buýt cặp theo chợ Bến Thành - nối vào nhà ga xe lửa trung tâm - cũng ra đời năm 1914 (năm 1978 nhà ga bị dời đi, lấy đất làm công viên 23.9) .

Đặc biệt, mặt phố Lê Thánh Tôn - đối diện cửa Bắc chợ Bến Thành, có thể gọi là “Hàng Bạc của Sài Gòn”. Tại đây, có một loạt tiệm vàng, tiệm nữ trang, nổi tiếng nhất là tiệm vàng Kim Thành. Gần đó, là Hàng Giầy - đoạn phố Lê Thánh Tôn từ Pasteur kéo xuống cửa Bắc với nhiều tiệm giầy dép “vang bóng một thời”. Trong khi đó, Hàng Đào (lụa) chính là con phố Lưu Văn Lang, Nguyễn An Ninh, từng là nơi tấp nập các tiệm tơ lụa Bombay, vải may Ăng-lê của các chủ tiệm Ấn Độ. Còn chợ Bến Thành chính là Hàng Đường (bánh mứt), Hàng Ngang (thực phẩm khô) và hàng trăm quầy sạp khác - buôn bán đủ loại hàng hóa sỉ lẻ.

Điểm cao và cũng là điểm nhấn của chợ Bến Thành là tháp đồng hồ bốn mặt uy nghi (chợ Bình Tây ở Chợ Lớn, chợ Đông Ba ở Huế và chợ Đồng Xuân ở Hà Nội đều không có được tháp đồng hồ đồ sộ như vậy). Thêm nữa, bốn cửa chợ Bến Thành đều có vòm cong và phù điêu (gốm Biên Hòa, 1952) thanh nhã và duyên dáng. Nếu sửa chữa chợ Bến Thành thì dứt khoát không thể phá bỏ hay làm biến đổi tháp đồng hồ và các cửa chợ! Bởi chúng không chỉ là dáng vẻ đặc thù của chợ Bến Thành mà cả ngôi chợ đã trở thành một biểu tượng tiêu biểu, một logo đại diện cho Sài Gòn, xuất hiện trên rất nhiều hàng hóa, kể cả giấy bạc, từ hơn một trăm năm qua!

Bảo tàng chợ, bảo tàng, doanh thương

Chúng ta không thể quên ngôi chợ hiện tại không chỉ là chợ đầu mối nông sản và hàng hóa chế biến cho người tiêu dùng tại chỗ mà còn là địa điểm thu hút du khách bốn phương đến mua sắm, thưởng ngoạn kiến trúc, cảnh quan, hàng hóa, lịch sử và phong cách sinh hoạt tại đây. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy các ngôi chợ trung tâm cổ xưa không thể hóa thành các đại thương xá hay shopping center với các loại cửa hàng hiện đại, sang trọng.

Trái lại, chợ xưa cần giữ lại cách thức mua bán theo dạng quầy sạp, kiosk, cửa tiệm nhỏ lịch sự nhưng bình dân. Thậm chí, nên tái tạo cả cách rao hàng, cách gói hàng truyền thống. Đặc biệt, cần thêm vào các quán cà phê, quán ăn, gallery tranh, góc hát rong-busker, góc tâm linh - thờ cúng. Tầng trệt và cả các tầng hầm (nếu có) nên bổ sung và sắp đặt hài hòa các quầy sạp, kiosk, khoảng trống đa dạng, đa sắc như trên.


Khu vực quảng trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành năm 2014 và những năm 1920-1930.
(Nguồn: KTS. Văn Phụng Hiếu Minh)

Một số thành phố châu Âu như Budapest, Bratislava và Amsterdam đã có bảo tàng chợ, bảo tàng doanh thương. Tại chợ Bến Thành và các dãy phố chung quanh rất nên hình thành các bảo tàng tương tự. Lịch sử xây dựng và phát triển chợ Bến Thành, cùng những người bán hàng tại chợ cũng rất cần được ghi nhận và tôn vinh. Hãy bắt đầu việc đó ngay từ những biển kỷ niệm, phù điêu, tượng đài nhỏ cho đến một bảo tàng xứng đáng ngay trong khuôn viên chợ.

Khu phố bảo tàng và không gian khởi nghiệp

Tuy nhiên, không chỉ chợ Bến Thành mới cần bổ sung chức năng bảo tàng. Chính ra, toàn bộ khu vực chợ mở rộng ra các đường Lê Lợi, Huỳnh Thúc Kháng, Hàm Nghi, Phó Đức Chính, Lê Công Kiều, Nguyễn Thái Bình, Calmette, Lê Lai và một phần đường Trần Hưng Đạo, đều có thể trở thành một phức hợp các bảo tàng lớn nhỏ liền kề nhau - sống động và hấp dẫn.

Thật vậy, trước nhất, hai “tòa nhà Chú Hỏa” lộng lẫy ở số 97 Phó Đức Chính, từ lâu đã sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật. Ngoài tranh tượng, nơi đây trở thành không gian tiếp tân, giao lưu, trưng bày về cả kiến trúc, nhiếp ảnh và đồ cổ. Mặt sân rộng của Bảo tàng Mỹ thuật có thể trở thành chợ phiên đồ cổ cuối tuần lịch lãm. Gần đó, đường Lê Công Kiều nơi có nhiều cửa hàng đồ cổ sẽ thêm phần hấp dẫn nếu mặt đường có các ghế đá, cụm hoa tiểu cảnh, bảng kỷ niệm. Cả hai sẽ hợp thành phố đồ cổ, phố đi bộ cuối tuần độc đáo của thành phố.


Sự thay đổi ngỡ ngàng của trung tâm TP.HCM sau 17 năm, đó là việc nhà cao tầng dần chiếm lĩnh không gian.
(Ảnh tư liệu của TS. Michael Waibel – nhà địa lý học, chuyên gia lĩnh vực Quy hoạch đô thị, Trường Đại học Hamburg – Đức)

Bên cạnh đó, tòa nhà Công ty Đường sắt - chứng tích của ngành hỏa xa Đông Dương - xây dựng năm 1915, nên thêm vào chức năng bảo tàng xe lửa. Trực thuộc bảo tàng sẽ có khu trưng bày ngoài trời các đầu máy, toa xe cổ điển và hiện đại, trên một phần đất của công viên 23.9. Ngay tại công viên, cần phục dựng nhà ga xe lửa xưa - một hình ảnh song hành thú vị với ga metro Bến Thành. Nhà ga này sẽ “đắt khách” không kém nhà ga xe lửa Đà Lạt!

Nằm giữa tòa nhà Đường sắt và Bệnh viện Sài Gòn - một kiến trúc Art Deco 1939, là đoạn đường Huỳnh Thúc Kháng dẫn đến Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (ra đời 1906). Bệnh viện Sài Gòn có thể thêm vào một nhà lưu niệm ngành y tế, còn Trường Cao Thắng - với nguyên vẹn tháp đồng hồ xưa nên làm tại đây một bảo tàng đào tạo cơ khí và hàng hải. Riêng đoạn đường Huỳnh Thúc Kháng nên chỉnh trang để trở thành con đường bích họa của giới trẻ.

Trong khi ấy, ở vòng xoay trước chợ Bến Thành, cần phục dựng tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng đài Quách Thị Trang. Cho dù vòng xoay này có thể là một cửa trổ lên của ga Metro Bến Thành nhưng hoàn toàn không có lý do gì để làm biến mất hai biểu tượng lịch sử - một danh tướng chống Trung Hoa xâm lược và một thanh niên hy sinh vì đấu tranh cho dân chủ!

Ngoài ra, thiết nghĩ các dãy phố và các tòa nhà xưa không chỉ làm quán hàng, khách sạn. Đó còn là văn phòng mini cho các doanh nghiệp mới ra đời, không gian làm việc chung (co-working space) cho giới trẻ khởi nghiệp. Đặc biệt, đây là nơi chốn đầy không khí thương mại và giao lưu quốc tế, đem lại nhiều cảm hứng kinh doanh và sáng tạo với chi phí thấp nhất!

Đại lộ và đường hầm metro văn hóa

Việc xây dựng đường hầm metro dưới nền đất đại lộ Lê Lợi đã đem đến một “dư địa” đất trống rộng lớn. Theo ban tổ chức cuộc thi, từ nóc đường hầm lên đến mặt đường có một khoảng không gian cao 18m, đủ làm 1-2 tầng ngầm. Lấp đất trả lại con đường này như cũ hay biến khoảng không gian mới thành một tầng hầm lộ thiên hoặc tầng hầm có mái che? Tầng hầm hay tầng ngầm sẽ làm hành lang mua sắm, ăn uống, giải trí hay còn làm gì nữa? Theo chúng tôi, để giải đáp các câu hỏi này, có thể nghĩ đến kinh nghiệm và hình mẫu xây dựng metro ở London, Paris, Berlin và gần hơn nữa là Singapore, Hồng Kông và Seoul.

Các cổng ra vào và đường lên xuống metro ở những nơi đó đều được thiết kế gợi nhớ lịch sử phố xá bên trên - thông qua các kiểu trang trí, phù điêu, bảng kỷ niệm, tranh vẽ và hình ảnh. Thậm chí, ở ga metro Brandenbourg Berlin, người ta để nguyên quầy bán vé và hình ảnh hành khách đầu thế kỷ XX cho khách qua lại nhìn ngắm. Ở ga trung tâm Raffles Place và City Hall của Singapore, các bản vẽ thiết kế các tòa nhà cổ xưa tiêu biểu và hình ảnh phố phường những năm 1920-1930 được phóng lớn trên các bức tường tại nơi soát vé.

Ga và đường hầm metro, nơi hàng triệu người qua lại, chính là nơi chung sống quá khứ - hiện tại - tương lai chứ không đơn thuần là địa điểm dịch chuyển hành khách hay buôn bán và mua sắm. Từ các ga đều có đường ngầm thông vào các shopping center hay những tòa nhà chính bên trên. Bên trong ga metro có thể có các tầng thương mại, ẩm thực nhưng vẫn có không gian cho quán cà phê, sách báo, trưng bày tranh tượng, hình ảnh chuyên đề và cả địa điểm hát rong. Metro thực sự là những thành phố ngầm văn hóa!

*

Chúng ta cần kinh tế, cần phát triển, cần thấy đô thị được chỉnh trang đẹp hơn và hay hơn. Song cũng chính vì thế, không thể cứ xây mới hay xây sửa các khu vực đô thị cũ theo những ý tưởng và mô hình chạy theo lợi ích kinh tế thuần túy. Chúng ta không thể lãng quên và lãng phí những giá trị văn hóa - lịch sử đã hình thành ổn định ở những vùng đất phát triển lâu đời. Tôi tin rằng khu vực chợ Bến Thành và đại lộ Lê Lợi rất xứng đáng trở thành một đại công xưởng chỉnh trang đô thị kết hợp hiệu quả các giá trị xưa và nay.

Và thay vì chỉ là cuộc thi của các công ty thiết kế chuyên môn, xin chính quyền thành phố hãy mời gọi rộng rãi chuyên gia, sinh viên và giới trẻ tham gia ý tưởng kinh tế, ý tưởng thiết kế cho toàn bộ khu vực này!

Phúc Tiến

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo