Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Phản biện Bảo tồn và khai thác quỹ biệt thự Hà Nội: Rà soát và chọn lọc

Bảo tồn và khai thác quỹ biệt thự Hà Nội: Rà soát và chọn lọc

Viết email In

Đây là nhận định của Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn tại cuộc tọa đàm “Bảo tồn và khai thác quỹ biệt thự xây dựng trước năm 1954” do Hội KTS Việt Nam tổ chức ngày 12/9.


Sẽ khó có thể bảo tồn hơn 1.000 biệt thự của Hà Nội trong cơ chế thị trường hiện nay

Di sản văn hoá hay đất “vàng”?

Cũng như nhiều nghiên cứu, hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức trước đó, trong cuộc tọa đàm này, một lần nữa, các chuyên gia tập trung đề cập đến giá trị của quỹ biệt thự Hà Nội. Theo GS Tôn Đại, những biệt thự Pháp xây dựng tại Hà Nội là một mảng quan trọng quỹ di sản kiến trúc Hà Nội. TS Đào Ngọc Nghiêm có quan điểm tương tự: Xét về tổng thể, cấu trúc đô thị các khu phố Pháp đã tạo nên một đặc trưng cho Hà Nội. Đó là một mô hình thành phố vườn mà không phải đô thị nào cũng có. Còn Ths Vũ Mạnh Cường (Cục Quản lý Nhà) thì nhận định: Biệt thự Hà Nội có giá trị lớn về kinh tế xã hội. Nhiều biệt thự có giá trị đặc trưng về kiến trúc, góp phần tô điểm cho diện mạo đô thị, làm phong phú thêm cảnh quan môi trường đô thị…

Tuy nhiên, các chuyên gia đã không chỉ dừng lại việc nhìn nhận quỹ biệt thự Hà Nội là di sản mà còn nhìn chúng dưới góc độ là quỹ bất động sản tiềm ẩn những giá trị lớn. Theo các chuyên gia, các biệt thự thường được xây dựng tại các vị trí đẹp, trên các tuyến phố chính, thuận lợi về giao thông vì vậy giờ đây, khi thị trường bất động sản ở Hà Nội trở nên sôi động, khi thành phố chưa có một cơ chế đủ mạnh để bảo tồn và khai thác hiệu quả quỹ biệt thự Hà Nội thì quỹ biệt thự hoặc đang tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng, hoặc đã, đang và sẽ tiếp bị phá đi, thay thế vào đó là những tòa nhà cao tầng. Không ít chủ sở hữu của biệt thự cố ý không nhận thức về giá trị của bản thân công trình vì họ mải mốt toan tính, trông ngóng vào giá trị tiềm năng bất động sản của khu đất có ngôi biệt thự đấy. Kết quả là “mỗi ngày mở mắt ra, chúng ta lại thấy những biệt thự có giá trị bị phá mất” - một đại diện của Văn phòng Chính phủ nói.


Biệt thự phong cách miền Trung nước Pháp tại ngã ba Lê Hồng Phong - Điện Biên Phủ

Thái độ ứng xử nào?

Tại cuộc tọa đàm, một lần nữa các chuyên gia lại đề cập đến giải pháp bảo tồn và phát triển quỹ biệt thự Hà Nội. Đó là những giải pháp mà như chính các chuyên gia nhận định: Không mới nhưng cần phải làm ngay, cấp bách. PGS Trần Hùng đề xuất: TP cần sớm lập hồ sơ ghi nhận giá trị của bộ phận di sản kiến trúc này, từ đó có giải pháp duy trì, cải tạo thích ứng và nâng cao chất lượng các biệt thự, khu biệt thự trong diện bảo tồn. TS Đào Ngọc Nghiêm thì cho rằng trên cơ sở rà soát quỹ biệt thự, căn cứ vào chất lượng sử dụng, chất lượng kiến trúc, TP cần phân loại biệt thự để có chính sách thích hợp. Có thể phân theo 3 loại. Loại I là những biệt thự cần bảo tồn theo nguyên trạng. Loại II gồm biệt thự được chỉnh trang, cải tạo song giữ nguyên phong cách kiến trúc. Loại III gồm những biệt thự được thay đổi chức năng. Đó những biệt thự ít có giá trị về kiến trúc hoặc quá trình sử dụng đã làm mất đi đặc điểm công trình, không có điều kiện khôi phục. Loại này phải được Hội đồng kiến trúc quy hoạch xem xét thống nhất. Ông Nghiêm cũng đề xuất về chính sách, TP cần xác định và công bố một số biệt thự đủ tiêu chuẩn di tích cấp TP, xây dựng đề án  bảo tồn biệt thự có giá trị đồng thời tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chỉnh trang một số phố trong khu phố cũ và tiến tới quản lý theo di sản TP.

Không ít các chuyên gia thì tỏ ra thực tế khi cho rằng sẽ chẳng thể bảo tồn hơn 1.000 biệt thự của Hà Nội trong cơ chế thị trường hiện nay. Vì vậy sẽ là khả thi hơn nếu cho phép bán bớt một số biệt thự ít giá trị và tập trung bảo tồn 50 - 100 biệt thự có giá trị. Như vậy, ít nhất trong tương lai Hà Nội còn có thể giữ được 50 - 100 biệt thự đó.

Được biết, sau cuộc tọa đàm này, Hội Kiến trúc sư tiếp tục phối hợp với nhóm chuyên gia Ile de France (Pháp) xác định các tiêu chí, phân loại biệt thự, từ đó giúp chính quyền TP xây dựng một thể chế đủ mạnh để quản lý, bảo tồn, tôn tạo những ngôi biệt thự thuộc diện được bảo tồn, có giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử… trước khi quá muộn.

80% biệt thự đã bị cải tạo, sửa chữa biến dạng trong quá trình sử dụng

Theo Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn TP Hà Nội do Sở Xây dựng triển khai, tính đến 31/10/2008, TP hiện đang quản lý 970 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước gồm 42 biệt thự không bán, 228 biệt thự chưa bán, 164 biệt thự đã bán trọn biển, 536 biệt thự đã bán một phần (trong đó có 55 biệt thự có giá trị kiến trúc). Kết quả đợt kiểm tra rà soát biệt thự của Tổ công tác liên ngành TP Hà Nội cho thấy số lượng biệt thự còn nguyên trạng chiếm tỷ lệ 15%. Số lượng biệt thự đã cải tạo, sửa chữa, bị biến dạng trong quá trình sử dụng, cơi nới, lấn chiếm diện tích chiếm tỷ lệ 80%. Số lượng biệt thự đã phá đi, xây dựng mới chiếm tỷ lệ 5%.

Về hình thức sở hữu, sử dụng, 60% biệt thự thuộc sở hữu nhà nước do Cty Quản lý, kinh doanh Nhà của TP quản lý, 30% đan xen giữa sở hữu Nhà nước và tư nhân (diện tích chủ tư nhân được để lại sau khi thực hiện chính sách cải tạo nhà đất), 10% trụ sở cơ quan Nhà nước đan xen giữa các hộ dân thuê để ở.

Về sử dụng, số biệt thự có 1 - 2 hộ ở thuê chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 5% trên tổng số biệt thự dùng để ở (Văn phòng Trung ương Đảng đang quản lý các biệt thự này). Số biệt thự có từ 5 - 10 hộ ở thuê chiếm tỷ lệ khoảng 50%. Số biệt thự có từ 10 - 15 hộ ở thuê chiếm tỷ lệ khoảng 40% (cá biệt có biệt thự ở số 8 Tăng Bạt Hổ, 128c Đại La có từ 35 - 50 hộ). 


Tiểu Vũ / Ảnh minh họa : Trần Quốc Bảo (Ashui.com)

>> Quỹ biệt thự kiến trúc kiểu Pháp tại Hà Nội: Cần giải cứu tình trạng bị biến dạng, “băm nát” 

>> Hà Nội đề xuất danh mục bán 599 biệt thự 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo