Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Đất cho các trường đại học ở Hà Nội: Quá hạn hẹp

Đất cho các trường đại học ở Hà Nội: Quá hạn hẹp

Viết email In

Theo TS Trần Thanh Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học, nhìn từ khía cạnh cơ sở vật chất và quy hoạch đất đai, các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội đang ở tình trạng yếu kém. Hầu hết các trường đều không đạt chuẩn về đất so với tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam.

Đất dành cho các trường đại học, cao đẳng hạn hẹp chủ yếu là do sự bùng nổ về quy mô sinh viên và sự gia tăng về số lượng các trường trong cả nước, đặc biệt là ở Thủ đô.

2,04m2/sinh viên

Trong mạng lưới các trường đại học, cao đẳng của cả nước, Hà Nội có mật độ tập trung cao nhất. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: hiện nay, trên địa bàn thành phố có 126 cơ sở đào tạo cho học sinh, sinh viên, trong đó có 56 trường đại học (chiếm trên 37% trong tổng số 150 trường của cả nước), 28/226 trường cao đẳng, 39/81 trường trung học chuyên nghiệp.

  • Ảnh bên : Khu ký túc xá ĐH Bách Khoa (ảnh : Ashui.com)

Về số lượng sinh viên, Hà Nội có khoảng 800.000 sinh viên, chiếm hơn 46% tổng số sinh viên trên cả nước (1.719.499 sinh viên). Đây cũng là nơi tập trung nhiều trường đại học trọng điểm có quy mô sinh viên lớn như đại học Quốc gia Hà Nội, đại học Kinh tế Quốc dân, đại học Bách khoa Hà Nội, đại học Nông nghiệp 1 và hàng loạt các trường đại học đầu ngành khác như Sư phạm 1, Y khoa, Nhạc viện, Thủy lợi, Học viện Kỹ thuật quân sự.

Bên cạnh đó, các trường đại học dân lập có quy mô lớn, được thành lập sớm nhất cũng tập trung ở Hà Nội. Tuy nhiên, phần lớn các trường đại học có diện tích nhỏ hơn 10ha, thậm chí có đến 3 trường nhỏ hơn 1ha. Bình quân diện tích đất trên đầu người ở các trường quá thấp, điển hình là trường đại học Ngoại thương 2,04m2/sinh viên, Đại học Xây dựng 2,32m2/sinh viên...

Trong vòng 12 năm trở lại đây, số trường đại học ở nước ta đã tăng 2,4 lần. Trường cao đẳng tăng gấp 6 lần và số lượng sinh viên đã tăng gấp 13 lần. Hơn nữa, quỹ đất dành cho các trường vốn đã hạn hẹp lại bị chuyển đổi mục đích, lấn chiếm khá nghiêm trọng.

Đơn cử, trường đại học Bách khoa Hà Nội theo quy hoạch vào những năm 1960 có diện tích 34 ha với khu Đông Dương học xá được thiết kế cho 2.000 sinh viên thì nay diện tích đất còn lại không đầy một nửa, trong khi quy mô sinh viên đã tăng gấp hơn 10 lần.

Bên cạnh đó, một số trường mới thành lập đều bó buộc trong những diện tích vốn không được thiết kế dành cho đào tạo hoặc phải chung lưng với những cơ sở khác, nhất là các trường ngoài công lập. Ngoài ra, không ít trường được bố trí ở những khuôn viên không thích hợp.

Cũng vì thiếu đất mà các khu chức năng cần có của một trường đại học, cao đẳng bị phá vỡ. Hầu hết diện tích khu học tập các trường có mật độ cao hơn tiêu chuẩn 20 - 25%. Ký túc xá dành cho sinh viên và khu thể dục thể thao gần như thiếu vắng.

Hệ thống ký túc xá hiện có tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội có quy mô rất nhỏ, khả năng đáp ứng chỗ ở cho sinh viên chỉ khoảng 15-20% tổng số sinh viên có nhu cầu. Trong các ký túc xá lại thiếu cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu hoạt động thể thao, văn hóa thiết yếu của học sinh.

Không chỉ thiếu đất mà vị trí các trường thường không được đặt ở những khu vực thuận lợi. Có những dự án với số tiền đầu tư cả trăm tỷ đồng lại dồn vào cao ốc ở ngay nút giao thông lớn như dự án nhà ở cho 15.000 sinh viên của Trường đại học Kinh tế quốc dân. Ngược lại, không ít trường được bố trí ở những khu đất trong ngõ, không thuận tiện về giao thông.

Hướng  ra các đô thị vệ tinh

Dự kiến trong 5 năm tới, quy mô đào tạo, số lượng các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục tăng, các trường ngoài công lập, trường do nước ngoài đầu tư cũng sẽ tăng nhanh, trong khi nguồn đất ở nội thành rất hạn hẹp.

Theo đồ án quy hoạch chung xây dựng Hà Nội do tư vấn quốc tế PPJ thực hiện, đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 1 - 1,2 triệu sinh viên, diện tích đất dành cho hệ thống giáo dục 5.000 - 6.000 ha, chỉ tiêu 50 - 60m2/sinh viên.

Hà Nội chủ trương dãn quy mô đào tạo ra các đô thị vệ tinh, đồng thời giới hạn phát triển tại khu vực trung tâm. Trên địa bàn sẽ hình thành 8 cụm trường gồm cụm trường Sơn Tây với các ngành văn hóa, nghệ thuật, du lịch, xã hội và các trường khối quân đội, quy mô 50.000 sinh viên, diện tích đất 500ha.

Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội

Cụm trường Hòa Lạc với các ngành nghề cơ bản và công nghệ, quy mô 200.000 sinh viên/2.000ha. Cụm trường Xuân Mai gồm ngành nghề kinh tế, lâm nghiệp, quy mô 150.000 sinh viên/1.000ha. Cụm trường Chúc Sơn gồm các ngành kỹ thuật, thủy lợi, giao thông, quy mô 50.000 sinh viên/300ha. Cụm trường Phú Xuyên gồm ngành kỹ thuật, nông nghiệp, đào tạo tổng hợp, quy mô 100.000 sinh viên/300ha.

Cụm trường Gia Lâm gồm các ngành nông nghiệp, kỹ thuật, xây dựng, quy mô 100.000 sinh viên/ 500ha. Cụm trường Sóc Sơn gồm ngành kỹ thuật, công nghệ, dạy nghề, quy mô 100.000 sinh viên /500ha. Riêng khu vực trung tâm thành phố sẽ giữ lại các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học đầu ngành và các trường truyền thống trọng điểm, quy mô 300.000 sinh viên/500ha.

TS Trần Thanh Bình đề xuất: căn cứ quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có thể định hướng quy hoạch xây dựng hệ thống các trường  đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp theo 3 cụm, tuyến.

Tuyến Tây Nam lấy Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội ở Hòa Lạc là trung tâm. Các cụm trường nhỏ quy mô 200 – 300 ha gắn với chuỗi đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây.

Tuyến theo khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng gắn với việc mở rộng quy mô của đô thị Sóc Sơn - Mê Linh. Tuyến theo khu vực đô thị phía Đông sông Hồng - Nam sông Đuống phát triển từ trường Đại học Nông nghiệp 1 dọc theo QL5.

Ngoài ra, xây dựng các khu đại học tập trung tại các đô thị vệ tinh trong vùng Thủ đô như tại Hưng Yên 1.000ha, tại Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Yên mỗi đô thị xấp xỉ 500ha. Từ các trung tâm đã được hoạch định này có thể thu hút các vệ tinh cho các trường dãn ra từ nội thành cũng như thành lập mới các trường theo mạng lưới.

Phan Dương


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo