Thị xã (TX) Hoàng Mai là một trong ba cực tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An, được Chính phủ xác định là đô thị tạo động lực của vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ. Theo lộ trình, TX Hoàng Mai phấn đấu đạt các chỉ tiêu đô thị loại III vào năm 2020 và được công nhận là đô thị loại III trước năm 2025. Để đạt được các mục tiêu trên, trong thời gian tới, TX Hoàng Mai sẽ phải làm những gì?
Diện mạo đô thị Hoàng Mai ngày càng khởi sắc, văn minh.
Đô thị trẻ, năng động
TX Hoàng Mai được thành lập năm 2013, có diện tích rộng 170km2, dân số hơn 108 nghìn người. Hiện TX Hoàng Mai là đô thị loại IV, với tỷ lệ đô thị hóa trên 50%, là cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh Nghệ An.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, Hoàng Mai có vị trí địa kinh tế thuận lợi. Đi qua TX có hệ thống đường bộ (gồm QL1A, đường cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường Nghi Sơn - Cửa Lò, QL48D) và đường sắt Bắc - Nam, nhờ đó Hoàng Mai được kết nối thuận tiện với các khu vực khác trong tỉnh và các vùng miền trong cả nước.
Hơn thế, đô thị này còn sở hữu đầy đủ các hình thái địa hình tự nhiên (từ đồng bằng ven biển, trung du đến núi cao), cùng với bề dày văn hóa truyền thống và giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực...
Với những lợi thế nổi trội nói trên, Hoàng Mai đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An. Chủ tịch UBND TX Hoàng Mai Nguyễn Hữu Tuy cho biết: 5 năm qua, với việc tập trung phát triển đô thị theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, Hoàng Mai có sự bứt phá ngoạn mục về kinh tế - xã hội. Tốc độ đô thị hóa nhanh. Công tác quản lý, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt những kết quả tốt. Đến nay, Hoàng Mai có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành 37/58 tiêu chuẩn đô thị loại III.
Hoàng Mai đồng thời làm tốt công tác quy hoạch và quản lý đô thị. Bộ mặt đô thị ngày càng khởi sắc và văn minh. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản từng bước đi vào nền nếp, chặt chẽ hơn. Công tác vệ sinh môi trường có nhiều chuyển biến. Công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị được quan tâm. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo có nhiều chuyển biến rõ về chất lượng. Quốc phòng được giữ vững, an ninh trật tự được đảm bảo…
Đặc biệt, Hoàng Mai đã trở thành “điểm sáng” trong thu hút đầu tư của Nghệ An. Ông Nguyễn Hữu Tuy cho biết, hiện đã có 25 dự án đầu tư được thực hiện ở Hoàng Mai, với tổng mức đầu tư 9.453 tỷ đồng. Trong đó, nhiều dự án lớn đã đi vào sản xuất ổn định, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, đóng góp không nhỏ vào ngân sách Nhà nước như nhà máy Tôn Hoa Sen, nhà máy may Vinatex, tổ hợp thương mại, dịch vụ khách sạn Mường Thanh Hoàng Mai… Bên cạnh đó, 12 dự án khác đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đang chuẩn bị đầu tư vào TX.
Thị xã Hoàng Mai có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp và du lịch.
Nhiều lợi thế nhưng cũng lắm thách thức
Nhận định về tiềm năng phát triển của Hoàng Mai, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch - Kiến trúc Xây dựng Nghệ An Hoàng Nhật Thành cho biết: Hoàng Mai có lợi thế lớn trong phát triển công nghiệp và du lịch.
Theo đó, Hoàng Mai hội đủ tất cả các yếu tố thuận lợi trong phát triển công nghiệp, như nguồn nhân lực dồi dào, khả năng tiếp nhận khoa học kỹ thuật nhạy bén, diện tích đất đai rộng lớn, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng (đá vôi, đất sét,…) sẵn có, với trữ lượng lớn. Hệ thống giao thông quốc gia và mạng lưới giao thông huyết mạch kết nối thuận lợi với các khu vực trọng điểm kinh tế của tỉnh Nghệ An và vùng phía Nam tỉnh Thanh Hóa.
Hoàng Mai còn là vùng trung du kết hợp đồng bằng ven biển, với hệ thống sông ngòi dày đặc, có độ che phủ rừng cao, sở hữu cảnh quan đẹp và hệ thống công trình di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc…, nên rất giàu lợi thế trong phát triển du lịch sinh thái rừng, sinh thái biển, du lịch tâm linh - sinh thái…
Theo ông Hoàng Nhật Thành, trong tương lai không xa, với những bước phát triển mạnh mẽ nhờ nội lực và ngoại lực tác động, TX Hoàng Mai góp phần cùng KKT Nghi Sơn trở thành KKT điển hình của vùng Bắc Trung bộ về kinh tế công nghiệp - kinh tế biển và du lịch.
Bên cạnh những lợi thế, Hoàng Mai cũng phải đối diện với không ít thách thức. Theo phân tích của TS Phạm Sỹ Liêm, ngoài bất lợi về điều kiện khí hậu như ảnh hưởng gió Tây nóng mùa hè và thiên tai bão lũ, TX Hoàng Mai cũng đối diện với nhiều thách thức về kinh tế. Đơn cử, ngành công nghiệp xi măng Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do sản xuất dư thừa, công nghệ yếu kém, lợi nhuận thấp. Vấn đề cạnh tranh đô thị trong vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ cũng không dễ dàng, vì Thanh Hóa đã bắt đầu thực hiện dự án phát triển đô thị động lực Tĩnh Gia giai đoạn 2018 - 2023, với tổng vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD…
Hội thảo khoa học “Phát triển thị xã Hoàng Mai trở thành đô thị động lực phía Bắc tỉnh Nghệ An và vùng Nam Thanh Bắc Nghệ” do Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam phối hợp cùng Uỷ ban Nhân dân thị xã Hoàng Mai tổ chức ngày 07/07/2018. (nguồn: Truyền hình Nghệ An)
Phát triển mô hình đô thị thông minh
Đóng góp ý kiến cho định hướng phát triển đô thị Hoàng Mai, ông Hoàng Nhật Thành cho rằng trên cơ sở cấu trúc không gian đô thị theo Điều chỉnh quy hoạch chung TX Hoàng Mai đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3004/QĐ-UBND ngày 27/6/2016; Và với chức năng chủ đạo của đô thị là công nghiệp - thương mại dịch vụ - du lịch, cần hoạch định 3 vùng không gian phát triển cho Hoàng Mai, gồm vùng phát triển công nghiệp, vùng phát triển du lịch và vùng trung tâm (phát triển theo mô hình đô thị thông minh).
Ủng hộ phát triển theo mô hình đô thị thông minh, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng: Cần tiến hành lập Đề án xây dựng phát triển đô thị Hoàng Mai theo hướng tăng trưởng xanh - thông minh. Hoàng Mai cần cấu trúc không gian quy hoạch mềm dẻo, linh hoạt, có tầm nhìn dài hạn. Lấy trung tâm hành chính Hoàng Mai làm hạt nhân phát triển hệ thống các KĐTM, ổn định hệ thống dân cư nông thôn. Hệ thống các KCN tập trung xây dựng ở phía Bắc TX.
Trong quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, Hoàng Mai cần phải đảm bảo phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh. Trong cấu trúc đô thị, phải khoanh định bảo tồn được hệ khung thiên nhiên vốn có, gắn với hệ sinh thái vùng phụ cận.
Ông Trần Ngọc Chính lưu ý: Công tác quy hoạch xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt, công nghiệp, y tế… phải được đặt lên hàng đầu, ngay trong quá trình lập, thực hiện xây dựng, quản lý vận hành. Hoàng Mai phải coi đây là quy trình bắt buộc để có một đô thị xanh.
Đồng thời, từng bước thực hiện một số chiến lược ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản trị hành chính; quản lý quy hoạch xây dựng phát triển đô thị; điều hành giao thông; quản lý chất lượng môi trường…, hướng tới đô thị xanh - thông minh vào năm 2030.
Còn theo TS Phạm Sỹ Liêm, cần định hướng chiến lược tổng quát Hoàng Mai là phát triển TX một cách hiệu quả và bền vững, trở thành TP công nghiệp phồn vinh và có chất lượng sống tốt, tạo động lực phát triển vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.
Về phát triển đô thị, Hoàng Mai cần quan tâm xây dựng đô thị nén-sinh thái (Eco-compact City), tạo lập bản sắc đô thị và thương hiệu đô thị; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thi hoàn chỉnh; bảo đảm an toàn giao thông đô thị, nhất là trên trục QL1A…
Còn theo Chủ tịch UBND TX Hoàng Mai Nguyễn Hữu Tuy, để thực hiện mục tiêu xây dựng TX Hoàng Mai cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2020, được công nhận là đô thị loại III trước năm 2025, ngay từ bây giờ, TX phải quyết liệt, chủ động tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp. Thứ nhất, quản lý phát triển theo quy hoạch. Hai là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đạt tiêu chí đô thị loại III. Ba là tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời lồng ghép quy hoạch nông thôn mới với tiêu chuẩn đô thị loại III. Bốn là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Trước hết là nâng cao thu nhập của người dân; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, có thương hiệu Hoàng Mai. Năm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư.
Với bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa và sự đoàn kết, gắn bó, đồng thuận, đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân TX, cùng với sức mạnh nội lực kết hợp sự hợp tác đầu tư, giúp đỡ từ Trung ương và của tỉnh, Chủ tịch Nguyễn Hữu Tuy kỳ vọng: Hoàng Mai nhất định đạt được cơ bản các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2020.
Quý Anh
(Báo Xây dựng)
- Đà Nẵng: Lựa chọn nào cho tuyến đường sắt
- Quy chuẩn xây dựng nhà cao tầng Việt Nam về Phòng cháy chữa cháy
- Mối tương quan con người và đất đai
- Bảo tồn di sản Cổ Loa: Cần một tư duy ngược
- Quy hoạch chung Thủ đô cần giải bài toán phát triển đô thị vệ tinh
- Chỉ định thầu dự án BOT giao thông, vì sao?
- Chuyên gia nêu 7 việc cần làm để TP. HCM sớm trở thành đô thị thông minh
- Quy hoạch đất đai ven biển: Hệ lụy từ sự buông lỏng quản lý
- Cần chú trọng việc bảo tồn các di sản chưa xếp hạng
- Đặc khu kinh tế: góc nhìn từ Trung Quốc