Ashui.com

Monday
Dec 09th
Home Tương tác Phản biện Hậu họa lớn từ các dự án lấn biển

Hậu họa lớn từ các dự án lấn biển

Viết email In

Đà Nẵng vừa đề xuất lấn biển để phát triển đô thị như Dubai. Trong điều kiện giá đất ở các khu đô thị cao ngất ngưởng thì đây là hướng đi cần thiết. Tuy nhiên vẫn còn đó là những bài học tại các địa phương phải nhìn nhận một cách sâu sắc.

Là doanh nghiệp đã đảm nhận việc tư vấn cho hơn 10 dự án khu đô thị lấn biển dọc theo bờ biển từ Vũng Tàu tới các tỉnh miền Trung, Tiến sĩ Bùi Quốc Nghĩa - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Phát triển Duyên Hải tiết lộ thực tế tư vấn cho nhiều dự án lấn biển trong thời gian qua cho thấy, không ít dự án sai ngay từ đầu.  


Khu nghỉ dưỡng ven bờ biển Cửa Đại, Hội An bị sóng đánh hư hỏng phải bỏ hoang.
(Ảnh: Quang Vinh) 

Bài học nhãn tiền

Dẫn chứng Hội An, TS Nghĩa cho biết, bờ biển Cửa Đại trước kia là từng có rừng dương chắn sóng bình yên, sau khi hàng loạt dự án xây dựng, lấn biển có, chắn biển có nên biển đã bị xâm thực nghiêm trọng. Bây giờ, tới Cửa Đại có thể thấy khung cảnh hoang tàn của nhiều khu resort, khách sạn, nhà hàng đã không còn hoạt động vì sóng đánh tới chân. Nhiều công trình đã nghiêng đổ và trở thành những bãi rác khổng lồ trước biển. 

Ông Nguyễn Sự - Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam khi xin nghỉ hưu trước tuổi vẫn còn cảm thấy có lỗi vì những điều làm không đúng với đô thị di sản này.

Khu đô thị quốc tế Đa Phước từ 2007 đã bắt đầu lấn vịnh Đà Nẵng, tổng quy mô bồi lấp 204 ha, kéo dài qua 2 quận Hải Châu và Thanh Khê với 4 phường Thuận Phước, Thanh Bình, Tam Thuận, Xuân Hà. Đến 2011, chủ đầu tư hoàn thành giai đoạn 1, hình thành khu đô thị quốc tế Đa Phước 29 ha và The Sunrise Bay.

Hiện nay khu đô thị quốc tế Đa Phước 29 ha đã triển khai xây dựng xong phần thô. Còn dự án The Sunrise Bay quy mô 175 ha đã san lấp được một phần và hiện đang tiếp tục bồi lấp bằng cát từ nơi khác đến.

Sau gần chục năm hình thành, đến nay Đà Nẵng đang phải chi hàng trăm tỉ đồng để khắc phục hậu quả lấn biển của khu đô thị trên. Đích thân Chủ tịch Đà Nẵng thừa nhận khi mở đường Nguyễn Tất Thành đã không lưu ý đến cửa sông Phú Lộc, còn có tên gọi là Khe Thanh Khê cũ. Vị trí dòng chảy này đổ ra vịnh Đà Nẵng không cố định, “nắn” dòng đổ ra cầu Phú Lộc hiện tại nên hằng năm đều bị bồi lấp.

Để giải quyết, ngân sách chi hàng trăm tỉ đồng kè chắn sóng phía biển mà mỹ quan không đạt. Sau cơn bão số 9 năm 2009 gây thiệt hại nặng nề cho tuyến đường Nguyễn Tất Thành dọc vịnh Đà Nẵng, đã có nhiều ý kiến cho rằng việc lấn vịnh làm khu đô thị quốc tế Đa Phước khiến thiệt hại thêm nặng nề.

Còn tại Quảng Ninh, hiện có 43 dự án lấn biển với tổng số diện tích quy hoạch trên 7.600 ha, trong đó diện tích quy hoạch lấn biển khoảng trên 7.300 ha. Tại đảo Tuần Châu, nhà đầu tư “vươn” biển tới vài km, làm hẹp cửa ngõ Vịnh Hạ Long nối với tuyến đường biển ra vùng Vịnh Cát Bà (Hải Phòng) và vùng Quảng Yên của tỉnh.

Điều dễ nhận thấy, sự “vươn biển” này, làm ảnh hưởng tới dòng chảy của các con sông từ Cửa Lục đổ ra biển, làm bồi lắng và làm chất lượng nước của Vịnh Hạ Long ngày một xấu đi. Vịnh Hạ Long đã bị UNESCO “nhắc nhở” không ít lần trong việc bảo vệ di sản. 

Nhà đầu tư mong chờ gì?

Trao đổi với DĐDN, một chủ đầu tư (giấu tên) chia sẻ, để thực hiện một dự án lấn biển cực kỳ tốn kém. Trong đó, ngoài phần chi phí để xây dựng đê biển, kè biển còn có phần chi phí dùng để tạo ra quỹ đất, cát để phục vụ việc tạo nền đất xây dựng.

“Nếu không cẩn trọng trong việc xử lý, hoặc tiết kiệm chi phí xây dựng sẽ ảnh hưởng lớn đến quy hoạch tổng thể, hủy hoại môi trường sinh thái, gây xói lở bờ sông do phải lấy đất, cát từ nơi khác đến” – DN này cho biết.

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã chỉ đạo những công trình lấn biển chưa làm thì không làm nữa, chỉ được làm những dự án đã triển khai. Đồng thời tiến hành kiểm tra hàng loạt dự án lấn biển trong thời gian qua.

Điển hình, Dự án Nha Trang Sao nằm ngay bờ biển đường Phạm Văn Đồng có vốn đầu tư lên đến 33 triệu USD, bao gồm phần trên mặt đất và phần dưới tầng hầm. Kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Khánh Hòa xác định chủ đầu tư dự án Nha Trang Sao đã đổ đất lấn biển với diện tích 22.968m2 so với diện tích được giao. Lo ngại nguy cơ ảnh hưởng quy hoạch xảy ra, dự án đang được cơ quan chức năng ngừng triển khai.

Dự án Champarama Resort & Spa (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) do ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khu du lịch Champarama là chủ đầu tư mới đây đã bị UBND tỉnh Khánh Hòa xử phạt 105 triệu đồng vì lấn biển trái phép 1,7 ha. Đồng thời cũng bị loạt vào diện bị kiểm soát.

Về lâu dài, ông Nguyễn Lân - nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam kiến nghị cơ quan chức năng phải có giải pháp cho việc lấn biển bằng cách sớm ban hành quy hoạch vùng bờ, hành lang biển, chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ; xem xét đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường của từng hoạt động, công trình lấn biển, huy động sự tham gia góp ý và đánh giá của cộng đồng, các bên liên quan. 

Lưu Vân 
(DĐDN)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo