Kẹt xe và ngập nước đang là hai vấn nạn gây bức xúc nhất cho người dân TPHCM. Việc xuất hiện dày đặc những tòa nhà cao tầng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến kẹt xe và ngập nước trên nhiều trục đường do mật độ dân cư quá lớn so với hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Tôi thấy trong vấn đề này có biểu hiện “chiều ý” nhà đầu tư nhiều hơn là bảo vệ cảnh quan đô thị và lợi ích chung, và công tác quản lý đô thị chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng về quy hoạch, xây dựng, giao thông.
Thực trạng ở khu vực trung tâm, hàng loạt tuyến đường trục chính bị bủa vây bởi nhà cao tầng trong khi cơ sở hạ tầng giao thông không theo kịp. Dễ thấy sự xuất hiện dày đặc nhà cao tầng ở các quận 1, 3, 5, 10. Hay ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều công trình nhà cao tầng đã và đang được triển khai. Cửa ngõ sân bay vốn đã ùn tắc giao thông nghiêm trọng, lẽ ra nên hạn chế hoặc cấm xây nhà cao tầng từ lâu. Ngay ở các tuyến đường huyết mạch vốn đã kẹt xe và ngập nước cũng vẫn tiếp tục mọc lên nhiều dự án nhà cao tầng, như trên đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), Lý Thường Kiệt - (quận 11), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh)... Phải chăng trên các trục đường có khả năng sinh lợi cao, các chủ đầu tư luôn thúc đẩy các dự án kinh doanh bất động sản dù vẫn biết rằng chưa thể đảm bảo về hạ tầng giao thông?
Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo không cấp phép xây dựng các dự án cao tầng tại các khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Trước đó, trong buổi làm việc trực tuyến với chính quyền TPHCM về giảm ùn tắc giao thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu hạn chế xây nhà cao tầng ở khu trung tâm khi chưa giải quyết đồng bộ hạ tầng... Dù vậy, chưa thể khẳng định nhà cao tầng sẽ không còn mọc lên.
Để giải quyết tình trạng kẹt xe và ngập nước cho TPHCM, ngoài sự tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông và thoát nước theo quy hoạch thì giải pháp trước mắt là hạn chế xây nhà cao tầng ở những nơi vốn đã ngập nước và kẹt xe hoặc có nguy cơ ùn tắc giao thông. Việc này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ trong quản lý đô thị.
Nên chăng cần có một đầu mối chịu trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý, điều phối giữa các sở ngành liên quan. Trên cơ sở đó, rà soát lại quy hoạch và căn cứ thực tế để hạn chế xây nhà cao tầng ở những nơi vốn đã đông đúc, ùn tắc giao thông. Có thể ban hành văn bản và điều kiện để quy hoạch khu dân cư, nhà cao tầng ở những khu vực và tuyến đường chưa thể cấp phép xây dựng. Quy định cụ thể vị trí và diện tích đất được phép xây dựng, các loại chung cư và số lượng dân sinh sống, không gian công cộng và lộ giới tuyến đường phục vụ nhu cầu giao thông. Xem xét cấp phép xây dựng các công trình lớn một khi đã đảm bảo nhu cầu giao thông, thoát nước... Ngoài ra, có thể phân kỳ đầu tư phù hợp với thực trạng đô thị, chẳng hạn chỉ cấp phép công trình đã đảm bảo không gây ngập (như hệ thống thoát nước đạt yêu cầu hoặc có hồ điều tiết) và có bãi giữ xe cũng như đường kết nối giao thông đã mở rộng.
Đây là lúc thuận lợi để giãn dân cư ở nội thành bằng cách đầu tư cho ngoại thành về điều kiện sinh hoạt, đi lại, việc làm. Cần có cơ chế giảm thuế, tiền sử dụng đất và các ưu đãi khuyến khích đầu tư ở những nơi đã được quy hoạch như khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi), khu công nghệ cao (quận 9)...
Đỗ Ngô Trần
(TBKTSG)
- Phát triển bền vững các "đặc khu thiên nhiên" vùng biển
- Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá di sản kiến trúc Pháp thuộc ở Hà Nội
- Cách nào cứu những Thủy đài đang "mắc kẹt" giữa Sài Gòn, kinh nghiệm của các nước phát triển
- Cải tạo chung cư cũ ở TP.HCM: Một cách tiếp cận “tháo ngòi” xung đột lợi ích
- Căn hộ nhỏ, cứ để thị trường quyết định!
- Mô hình nào phù hợp cho đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt?
- Luật Quản lý phát triển đô thị: “Liều thuốc” cấp bách cho đô thị hiện đại
- Nghệ An: “Đất vàng” đang bị băm nát
- Căn hộ diện tích nhỏ, quản lý hay cấm?
- Đổi đất lấy hạ tầng: Cơ chế tốt nhưng cần minh bạch hơn