Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Phản biện Tách nhập quận huyện TP.HCM 'là đòi hỏi của đô thị đặc biệt'

Tách nhập quận huyện TP.HCM 'là đòi hỏi của đô thị đặc biệt'

Viết email In

Theo Chánh văn phòng UBND TP.HCM, chia tách quận huyện xuất phát từ thực tiễn phát triển, "một cái áo đã quá chật thì phải tổ chức lại để đảm bảo yêu cầu". 

Trưa 31/3, nói về chủ trương tách, nhập các quận huyện, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, thành phố luôn đi tiên phong đề xuất các chủ trương "táo bạo", tâm huyết để có cơ chế vận hành đúng với một đô thị đặc biệt.  


Tách, nhập quận huyện được cho là việc phải làm để đáp ứng nhu cầu phát triển thực tế, nhất là đối với một đô thị lớn như TP HCM.
(Ảnh: Hữu Công) 

Đề án Chính quyền đô thị trước đây đã được thành phố trình Bộ Chính trị, Ban bí thư, có mô hình thành phố trong thành phố; quận trực thuộc thành phố; không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường, xã… cho phép thành phố chủ động đưa ra quy định xử phạt những vấn đề phát sinh. 

"Vì đề án quá lớn, vướng Hiến pháp, pháp luật, nhiều cơ quan tham gia nên Trung ương chưa chấp thuận nhưng cho làm một số thí điểm như bỏ HĐND quận, phường… Tuy nhiên, sau khi thí điểm thành phố phải lập lại như cũ vì Hiến pháp mới quy định", ông Hoan nói.

Riêng mô hình Thành phố trong thành phố, ông Hoan cho biết trong đề án, ngoài các quận vùng lõi thành phố sẽ có 4 thành phố là thành phố phía Đông, phía Tây, phía Bắc và phía Nam.

"Trước đây thành phố xin nhưng không được chấp thuận. Sắp tới, nghe nói Trung ương cũng bàn đến việc tổ chức mô hình thành phố trong thành phố nên có ý kiến đề xuất nghiên cứu. Thành phố cũng mạnh dạn làm theo hướng đó nếu quy định cho phép", ông Hoan chia sẻ. 

Về khả năng thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở ba quận 2, 9 và Thủ Đức (được tách ra từ huyện Thủ Đức 20 năm trước), ông Hoan cho biết, nếu có làm thì chỉ là đề xuất nghiên cứu chứ chưa có quyết định gì. "Thành phố phải nghiên cứu xây dựng đề án, đánh giá tác động, đề xuất với Thành ủy và xin ý kiến HĐND TP trước khi báo cáo Trung ương", ông Hoan thông tin.

Theo người phát ngôn của UBND thành phố, yêu cầu thực tiễn đặt ra là khi "chiếc áo đã chật" thì thành phố phải đề xuất nhiều cơ chế để phục vụ sự phát triển. Trong những năm qua, cả 3 quận đã phát triển nhanh và thành phố thấy cần phải có mô hình phát triển mới.

"Mong muốn của TP HCM là có những cơ chế để đáp ứng yêu cầu của một đô thị hiện đại. Tách nhập quận là việc phải làm trong điều kiện thực tế đặt ra nhưng phải đúng trình tự pháp luật", ông Hoan nói thêm.

Trước đó, hồi cuối năm 2016 lãnh đạo Sở Nội vụ đề xuất thành phố nghiên cứu sáp nhập một số quận nội thành cũ 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận để tinh giản biên chế. Đây là những quận có diện tích chỉ từ 4 đến 7 km2 - chưa bằng một phường ở nơi khác, dân số cũng chỉ trên dưới 200.000 người.

Ý tưởng cá nhân này xuất phát từ việc Trung ương khuyến khích việc sáp nhập, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị cũng yêu cầu không chia tách nữa... Cả chủ trương chính sách và điều kiện thực tế đều cho thấy đã đến lúc chín muồi để sắp xếp lại bộ máy cho tinh gọn, hiệu quả hơn.

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã giao cho Ban tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ nghiên cứu tham mưu toàn thành phố vấn đề này. Nơi nào cần nhập thì phải nhập, nơi nào cần tách thì tách, không cứng nhắc nhưng tổng thể thành phố phải tinh gọn.

Về phía Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết Bộ ủng hộ ý kiến nghiên cứu sáp nhập một số quận, huyện và phường, xã. Việc này góp phần tinh gọn bộ máy hành chính, giảm số lượng các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp phường; giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước; thúc đẩy tinh giản biên chế. 

Trung Sơn 
(VnExpress)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo