Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Mô hình thành phố thông minh: Cần một thảo luận đa chiều

Mô hình thành phố thông minh: Cần một thảo luận đa chiều

Viết email In

Mô hình thành phố thông minh nói chung và việc số hóa nói riêng có tác dụng tương đối về mặt cơ sở hạ tầng nhưng cần thật cẩn trọng khi áp dụng vì nếu toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng đều liên kết thành mạng lưới thì rủi ro sẽ vô cùng cao”; “cần tránh rơi vào cái bẫy của các nhà đầu tư công nghệ mới”...

Đó là những cảnh báo của các chuyên gia EU và Việt Nam tại tọa đàm “Mô hình thành phố thông minh và thành phố xã hội - trao đổi về phát triển đô thị giữa Việt Nam và Đức” được tổ chức ngày 7/10/2016 tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM.  


Ký kết thỏa thuận hợp tác tư vấn khung về công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng và phát triển đề án "Xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030" giữa UBND TPHCM và VNPT.
(Ảnh: Thành Hoa) 

Không chỉ là vấn đề công nghệ

Giáo sư Martin zur Nedden, nguyên Phó thị trưởng thành phố Leipzig, CHLB Đức cho biết đến nay, ngay tại ở Đức và EU cũng chưa có một khái niệm thống nhất về mô hình thành phố thông minh. Các học giả và nghiên cứu thực tiễn thường đưa ra nhiều khía cạnh khác nhau của các tiếp cận khác nhau về mô hình thành phố thông minh. Trong đó bao gồm: Internet vạn vật, Internet dữ liệu, Internet công nghệ, và Internet con người. Mỗi khía cạnh sẽ cần phân tích để đưa ra các áp dụng cụ thể cho từng trường hợp phát triển đô thị. 

Internet về công nghệ hay Internet vạn vận sẽ có những tác động tích cực nhất định, chẳng hạn như giúp điều khiển giao thông hiệu quả hơn. Bằng cách kết nối và hướng dẫn người tham gia giao thông chọn con đường tiện lợi nhất, cũng như phương tiện phù hợp nhất. Kết nối người dân vào việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng gắn với môi trường giải quyết được các vấn đề về ô nhiễm không khí và tiết kiệm diện tích sống.

Ông Nedden cho rằng, mô hình thành phố thông minh sẽ có tác động tích cực tới sự phát triển của thành phố, với điều kiện chúng ta kết hợp với việc phổ biến các phương tiện giao thông công cộng. Tuy vậy, việc đưa nó lên làm một từ khóa thời thượng bao trùm lên các khía cạnh phát triển khác là một nhận thức sai lầm. Ngay cả ở Đức, “đa số mới chỉ quan tâm đến khía cạnh công nghệ trong mô hình thành phố thông minh”, ông nói. 

PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM, đồng tình với quan điểm trong kế hoạch triển khai mô hình thành phố thông minh, yếu tố công nghệ giữ vai trò quyết định. Tuy nhiên, theo ông, đối với TPHCM, ứng dụng công nghệ chỉ là công cụ để giải quyết các vấn đề mà thành phố đang đối mặt. “Vấn đề quan trọng nhất được đặt ra là làm thế nào để đưa ra các giải pháp thông minh”, ông Hòa nói. 

Cần một thảo luận đa chiều

Ở Đức, theo ông Nedden, mô hình thành phố thông minh đang tập trung nhiều vào khía cạnh công nghệ, cả ưu và khuyết điểm. “Nếu toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng đều liên kết thành mạng lưới thì rủi ro sẽ vô cùng cao...”, “Một khi đã sử dụng công nghệ, sẽ không có sự an toàn tuyệt đối”... ông nói. Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện tại, chỉ một sự yếu kém nhỏ trong quản lý hệ thống cũng sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường. Đặt trong trường hợp của cả thành phố, khả năng phục hồi của hệ thống quản lý cũng là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Các học giả Đức cũng lưu ý thêm những khía cạnh xã hội đang được bàn luận một cách rộng khắp tại EU trong thời gian gần đây. Theo góc nhìn đó, mô hình “thành phố thông minh” không thể thiếu các giải pháp kỹ thuật, công nghệ. Những giải pháp này nên được sử dụng triệt để nhằm tăng cường sự tương tác giữa chính quyền - người dân và giữa người dân với nhau. Quan trọng hơn nữa, các giải pháp này phải phản ánh nhanh hơn, trực tiếp hơn và đúng bản chất của các vấn đề mà xã hội đang hướng tới.

Một thách thức khác mà các nhà hoạch định chính sách cần phải lưu tâm là các nhà thầu tư nhân. Theo ông René Bormann (Viện Nghiên cứu Friedrich Ebert Stiftung, Đức), bất kỳ mô hình thành phố nào một khi được triển khai cũng sẽ thu hút sự quan tâm và đầu tư của các nhà thầu tư nhân. Tuy nhiên, “chính giới và người dân phải có quan điểm riêng chứ không nên nghe theo sự cổ xúy của các nhà thầu này” vì suy cho cùng, việc đầu tư bao giờ cũng bắt nguồn từ lợi nhuận mà nó đem lại. 

Ông Nedden cho biết thêm rằng, “ở Đức, các nhà thầu tư nhân và chính quyền phải cùng ngồi lại với nhau để thương thảo hợp đồng, và trong hợp đồng sẽ ghi rõ những kỳ vọng của chính quyền thành phố đối với công trình được xây dựng, ví dụ như giá nhà ở quy định”. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nhà ở và chất lượng cuộc sống sau này của người dân thành phố.

Đặt trong bối cảnh phát triển đô thị bền vững, vai trò của cộng đồng cư dân trong quá trình phát triển của thành phố là một thành tố không thể thiếu. Nếu muốn phát triển thành phố phù hợp với tình hình thực tế, thì phản biện xã hội từ người dân phải được chính quyền tiếp thu trong quá trình hoạch định kế hoạch quy hoạch mô hình “thành phố thông minh”.

Theo TS. Nguyễn Thị Hậu - Phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, phát triển thành phố theo bất kỳ mô hình nào, kể cả mô hình “thành phố thông minh” thì yếu tố cộng đồng văn hóa - xã hội phải được tính đến. Theo đó, trong quá trình quy hoạch, cần chú ý đến sự ổn định của cộng đồng dân cư đô thị, nghĩa là tránh gây xáo trộn về chỗ ở. 

Những tranh luận về thành phố thông minh

Việc thúc đẩy thành phố thông minh trong phát triển đô thị cũng đang có nhiều cuộc tranh luận khác nhau trên thế giới. Chẳng hạn như bên cạnh luồng ý kiến cần phát triển kinh tế hiệu năng nhất, thì việc đồng đều với mạng lưới cơ sở hạ tầng công cộng cũng là một điểm nhấn mạnh; bên cạnh thúc đẩy các biện pháp thông minh để gia tăng tăng trưởng còn là câu hỏi làm sao đảm bảo những vấn đề an sinh xã hội. Theo đó, khái niệm thông minh không chỉ đơn giản nghĩ là cách thức tối đa hay tối ưu hóa việc làm ra và huy động các nguồn lực, mà còn là làm thế nào để phân bổ các nguồn lực đó một cách công bằng và hợp lý đối với các thành phần khác nhau trong cộng đồng, đặc biệt với những thành phần có khả năng dễ bị tổn thương trong quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa. Thông minh cần phải có yếu tố “nhân văn”, cần phải có yếu tố “xã hội” và cần phải vì cộng đồng là những cách tiếp cận mà các học giả cần tiếp tục đào sâu. 

TS. Ngô Thị Phương Lan - Đại học KHXH&NV TPHCM 

Nhã Vy 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo