Quảng Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Thứ sáu, 30 Tháng 9 2016 03:58 Ashui.com
In

Quảng Nam giữ một vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với nhiều tiềm năng và lợi thế về nguồn lực tài nguyên và con người nổi trội để phát triển kinh tế, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Toàn tỉnh có 125 km bờ biển dài và đẹp kết nối hai khu di sản văn hóa nổi tiếng thế giới ở phía Bắc là Hội An và Mỹ Sơn với Khu kinh tế mở Chu Lai ở phía Nam. Song song với những thuận lợi và cơ hội, Quảng Nam đang phải đối mặt các thách thức to lớn trong việc duy trì chất lượng tăng trưởng, bảo vệ môi trường và ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.  

Quá trình toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên toàn thế giới. Châu Á đang trở thành tâm điểm tăng trưởng kinh tế đầy sôi động. Tại Việt Nam, các thành phố phát triển với số lượng dân số đô thị tăng thêm khoảng một triệu người một năm, làm tăng nhu cầu tạo công ăn việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, và cân đối giữa tăng trưởng kinh tế với hạn chế tình trạng suy thoái môi trường. Quảng Nam không là ngoại lệ khi phải đối mặt các tác động về tăng dân số, công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng.  


(nguồn: vietnamesefood.com.vn) 

Phát triển công nghiệp và đô thị hóa nếu được quản lý tốt sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế vững chắc, tiến bộ xã hội, và môi trường bền vững. Ngược lại, chất lượng quản lý yếu kém sẽ tạo ra sự phân biệt xã hội giàu nghèo, đô thị hóa lộn xộn và phi chính thức, tình trạng ô nhiễm, sử dụng không bền vững và thiếu hiệu quả các nguồn lực đất đai, nước và các tài nguyên thiên nhiên khác. Trong bối cảnh đó, tầm nhìn chiến lược của Quảng Nam đến năm 2020 là thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo công bằng xã hội, phấn đấu tăng GDP đầu người của tỉnh bằng mức trung bình của quốc gia, trở thành trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế ở phía Nam khu vực Duyên hải miền Trung. Với những nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, mục tiêu phát triển bền vững đã được đề cập rộng rãi như một nền tảng cơ bản trong định hướng phát triển của tỉnh. 

 

Vị thế của Quảng Nam trong khu vực

• Quảng Nam có tiềm năng hợp tác chiến lược nổi trội với Đà Nẵng và các cực tăng trưởng kinh tế khác, như Dung Quất ở trung tâm vùng ven biển miền Trung. Tỉnh có được những tác động tích cực thông qua hợp tác trong vùng. Điều này là hết sức quan trọng đối với Quảng Nam, do tỉnh cần đạt được tốc độ tăng trưởng cao, xóa đói giảm nghèo với nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính tương đối hạn chế.
• Quảng Nam có tiềm năng du lịch văn hóa, thiên nhiên đa dạng, độc đáo và cơ bản còn nguyên vẹn, đang được quản lý khá tốt. Những tiềm năng này xuất hiện trên toàn vùng, nhưng tiềm năng ở tỉnh Quảng Nam rất đặc biệt với các điểm đến nổi tiếng như Hội An, Mỹ Sơn... Các di sản thiên nhiên khác có nhiều tiềm năng chưa được khai thác.
• Quảng Nam có nền tảng cơ sở hạ tầng toàn diện như cảng biển, sân bay, khu kinh tế mở. Dù mức độ khai thác chưa cao, nhưng đây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển trong tương lai nếu tỉnh xây dựng được các liên kết vùng để tăng khả năng cạnh tranh.
• Con người là yếu tố quyết định của sự phát triển. Về mặt này, người dân Quảng Nam sở hữu nhiều đức tính qu‎í báu như: cần cù, sáng tạo, quyết tâm, và chính trực. 

Tóm tắt các vấn đề phát triển chính của tỉnh Quảng Nam: 

Tóm tắt các vấn đề chính xuyên suốt và liên quan lẫn nhau

Không gian địa lý của vấn đề

Giảm nghèo bền vững

Mặc dù có tăng trưởng kinh tế tương đối cao, tỉnh cần nhanh chóng và kiên trì thu hẹp khoảng cách thu nhập, tỉ lệ đói nghèo - những rào cản đối với phát triển kinh tế bền vững của địa phương

Vùng phía Tây (miền núi và nông thôn)

Huy động vốn phát triển kinh tế địa phương một cách có hiệu quả

Số vốn từ FDI và đầu tư địa phương cần được phân bố hiệu quả vào các vùng ưu tiên để phát triển kinh tế - xã hội

Toàn tỉnh

Phát triển nguồn nhân lực để tăng sức cạnh tranh của Quảng Nam

-   Phát triển nhân lực có tay nghề trong các ngành chủ chốt, đáp ứng nhu cầu thị trường của các khối ngoài nhà nước

-   Xây dựng năng lực quản lý và kỹ thuật của chính quyền để huy động nguồn lực từ các chuyên ngành cho phát triển kinh tế - xã hội

Toàn tỉnh

Mối liên kết nông thôn - thành thị và hội nhập vùng vì sự phát triển công bằng

Tỉnh cần đẩy mạnh mối liên kết nông thôn - thành thị để thúc đẩy sự hội nhập và tăng trưởng ở vùng phía Đông và Tây, nhằm phân bổ đầu tư và lợi ích vào phát triển địa phương

Toàn tỉnh, vùng cao nguyên

Quản lý phúc lợi xã hội tập trung vào chất lượng khi phân chia cho nhiều đối tượng

Các chương trình mục tiêu và phân bổ lợi ích cần được tính đến vấn đề đói nghèo đa chiều và tác động thiên tai, đặc biệt là ở khu vực phi chính thức

Vùng phía Tây và nông thôn

Phát triển cơ sở hạ tầng mang đến cơ hội phát triển cân đối

Cần cân đối giữa phát triển mạng lưới giao thông công cộng, xe khách, xe tải với các loại xe nhỏ hơn; xử lý tốt vấn đề vệ sinh môi trường vùng đô thị và vùng phía tây

Vùng phía Tây và thành thị

Quản lý hoạt động các ngành chủ chốt làm ô nhiễm nguồn tài nguyên môi trường

Phát triển kinh tế (thủy điện, khai thác mỏ, khu công nghiệp và du lịch) nhưng cần có những biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị các nguồn tài nguyên

Vùng phía Đông và Tây, các mối đe dọa khác nhau

Thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế - xã hội

Tăng cường năng lực thể chế và huy động nguồn lực xã hội sẽ nâng cao khả năng thích ứng và giảm thiểu các thiệt hại về kinh tế - xã hội cho sự phát triển bền vững của Quảng Nam

Cả phía Tây và Đông (sạt lở)

Chênh lệch vùng miền trong đầu tư vào CSHT cứng và mềm

Cần ưu tiên phát triển hạ tầng để liên kết 2 vùng đông và tây, rút ngắn khoảng cách về đầu tư và tạo điều kiện hơn trong việc tiếp cận thị trường

Phía Tây

Phát triển và quản lý du lịch bền vững

Tỉnh cần đẩy mạnh và mở rộng phương pháp tiếp cận tổng hợp về phát triển bền vững (như các sáng kiến đề xuất của UNESCO), trong khi vẫn bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh

Hội An, Cù Lao Chàm, Mỹ Sơn

Các đô thị là động lực cho sự phát triển của tỉnh 

 

Các đô thị đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của tỉnh Quảng Nam. Các đô thị chính của Quảng Nam, đặc biệt là các đô thị ven biển, đóng góp đáng kể vào GDP của tỉnh và có tiềm năng lớn trong việc thu hút đầu tư. Sự phát triển các đô thị ở trung du và vùng núi phía tây, một mặt, có thể tạo ra việc làm và cung ứng dịch vụ cho khu vực nông thôn lân cận, mặt khác, có thể thúc đẩy sự hình thành các tuyến du lịch mới.

Ba cụm đô thị động lực trong phát triển vùng Đông Quảng Nam là (1) Hội An - Điện Bàn, (2) Hà Lam - Bình Minh - Duy Nghĩa - Hương An và (3) Tam Kỳ - Núi Thành.

Cụm động lực số 1: Hội An - Điện Bàn

Với qui mô diện tích của vùng khoảng 120 km2, dân số 120.000 người, mật độ dân số 965 người/km2, đây là vùng dân cư tập trung đông nhất tỉnh. Trong định hướng quy hoạch khai thác lãnh thổ tỉnh Quảng Nam, đây là một cực phát triển quan trọng ở phía Bắc với các chức năng phát triển chủ yếu là dịch vụ du lịch và công nghiệp, từng bước tạo thành trung tâm phát triển làm động lực lan toả và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng trung du và miền núi phía Bắc của tỉnh. Hướng ưu tiên phát triển của vùng là thương mại du lịch - công nghiệp - ngư nghiệp. 

 

Thành phố Hội An: 

Với những đặc trưng về địa lý, thiên nhiên, lịch sử và văn hóa, thành phố Hội An đã nhanh chóng trở thành một điểm du lịch quốc tế. Hội An kết hợp Điện Bàn và Đà Nẵng tạo thành chuỗi đô thị ven biển và một cực phát triển quan trọng ở phía Bắc Quảng Nam. Với sự phát triển tập trung vào du lịch và dịch vụ, Hội An có thể tạo ra ảnh hưởng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng trung du và miền núi phía Bắc của tỉnh.

Tuy nhiên, du lịch những năm qua tác động tiêu cực lên hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là khu vực ven biển, rừng dừa nước Cẩm Thanh và khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, vốn là những nguồn lực giá trị của thành phố. Đặc biệt, từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, thành phố phát triển với tốc độ đô thị hóa cao, gây ra áp lực ngày càng tăng đối với môi trường đô thị, cơ sở hạ tầng xã hội và di sản văn hóa. Với mục tiêu bảo tồn di sản Hội An, có thể lựa chọn phân tán tăng trưởng dân số về phía Vĩnh Điện hoặc Nam Phước. Hai thị trấn này có thể hưởng lợi từ các trung tâm đô thị hiện nay và kết nối đường bộ đa dạng, có tiềm năng phát triển vùng đô thị Hội An - Nam Phước - Vĩnh Điện.

Điện Bàn: 

Điện Bàn có nhiều dự án đô thị mới và khu công nghiệp ở cấp vùng. Cùng với các khu công nghiệp ở Đà Nẵng như Liên Chiểu, Hòa Khánh, Hòa Cầm, khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc đang hoạt động hiệu quả. Gần Đà Nẵng, Điện Bàn có thể hỗ trợ thành phố này trong phát triển công nghiệp và đào tạo nghề cũng như cung cấp các dịch vụ hỗ trợ. Điện Bàn có thể đẩy mạnh phát triển các ngành công nghệ cao, sản xuất phụ tùng, chip điện tử, thiết bị điện, dệt may, tận dụng lợi thế về nguồn nhân lực và nguyên liệu sẵn có, xét đến nhu cầu ngày càng tăng của dân số và du lịch trong tương lai.

Cụm đô thị động lực số 2: Hà Lam - Bình Minh - Duy Nghĩa - Hương An

Cụm đô thị động lực thứ hai có vai trò thúc đẩy sự phát triển của các đô thị và vùng nông thôn trong cụm Trung Tây Quảng Nam. Với mạng lưới giao thông kết nối với Lào, quốc lộ 1A và hành lang Đông - Tây (quốc lộ 14E), thị trấn Hà Lam là điểm trung chuyển hàng hóa tiềm năng. Với nguồn nước, nguồn nguyên liệu thô, nhân công giá rẻ và kỹ năng thấp, Hà Lam có tiềm năng phát triển công nghiệp thủy tinh, gốm, lâm sản, cao su, chế biến nông sản, dệt may. Bên cạnh đó, các khu vực ven biển và dọc sông Trường Giang có thể phát triển du lịch sinh thái, chế biến thủy hải sản. 

 

Cụm đô thị động lực số 3: Tam Kỳ - Núi Thành

Thành phố Tam Kỳ:

Thành phố Tam Kỳ là trung tâm kinh tế, chính trị và giáo dục của tỉnh, trong tương lai sẽ đô thị hóa nhanh chóng, có tiềm năng mở rộng vượt xa giới hạn của thành phố hiện nay. Do tỉnh Quảng Nam có thể tận dụng lợi thế của việc thúc đẩy quan hệ thương mại Việt - Lào những năm qua, thành phố Tam Kỳ cũng có cơ hội đẩy mạnh phát triển thương mại và dịch vụ. Với vai trò là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực, thành phố có thể thúc đẩy phát triển thương mại và chuyển giao công nghệ. Công nghệ cao và công nghiệp sạch cũng có thể phát triển trong thành phố, với sự hỗ trợ của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu hiện có.

Thị trấn Núi Thành - Chu Lai:

Cụm đô thị động lực thứ ba có vai trò thúc đẩy sự phát triển của các đô thị và khu vực nông thôn ở cụm Tây Nam Quảng Nam. Với vị trí gần sân bay Chu Lai, cảng biển Kỳ Hà và khu kinh tế Dung Quất, là nơi tiếp giáp giữa đường sắt và đường quốc lộ, Chu Lai - Núi Thành có thuận lợi lớn về vận tải hàng hóa, phân phối thành phẩm, mở rộng hoạt động công nghiệp, có thể dễ dàng kết nối với các vùng khác trong cả nước và quốc tế. Bên cạnh ngành công nghiệp sản xuất ô tô - xe máy có tiềm năng phát triển mạnh nhờ tổ hợp khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải, sản xuất nông cụ và công nghiệp chế biến hải sản và nông sản cần được khuyến khích phát triển dựa trên nguồn cung phong phú về thủy sản và nông sản với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hướng đến phân khúc cao hơn của thị trường địa phương và có được thị phần ở thị trường xuất khẩu. 

 

Chiến lược phát triển tập trung vào đô thị hóa bền vững của tỉnh Quảng Nam 

Các giải pháp chiến lược và kế hoạch hành động 

Giải pháp chiến lược thứ nhất: Phát triển các cụm ngành và cụm đô thị trọng điểm làm động lực cho phát triển kinh tế địa phương

- Phát triển vùng nguyên liệu có khả năng cạnh tranh cao, gắn với công nghiệp chế biến, khuyến khích việc hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp (như cây cao su ở Hiệp Đức, Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Nông Sơn, Thăng Bình), thảo dược (như sâm Ba Kích ở vùng núi Tây Bắc, sâm Ngọc Linh và quế Trà My ở vùng núi phía Tây Nam), các vùng chăn nuôi (như ở Tây Giang, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình), đánh bắt thủy hải sản xa bờ ở vùng Đông (Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ, Núi Thành) với chất lượng cao, năng suất cao để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến;

- Khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp dệt may (Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn), da giày (Tam Kỳ, Đại Lộc, Thăng Bình) và các cơ sở sản xuất linh kiện điện tử (Chu Lai), và hình thành cụm cơ khí đa dụng dựa trên các cơ sở sản xuất ô tô hiện có trong Khu kinh tế mở Chu Lai;

- Mở rộng phát triển dịch vụ cảng, hàng không, tài chính, ngân hàng, thông quan và tìm kiếm đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao cho sự phát triển khu vực dịch vụ trong các khu kinh tế (khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, trung tâm thương mại tự do trong Khu kinh tế mở Chu Lai, trung tâm thương mại ở Hội An, Tam Kỳ, Hà Lam, Núi Thành và Khâm Đức);

- Tăng cường liên kết vùng, hợp tác quốc tế và các dịch vụ thông tin thị trường để tìm kiếm, mở rộng thị trường cho các sản phẩm địa phương;

- Tăng cường sáng kiến về tăng trưởng xanh trong quy hoạch và phát triển các đô thị động lực, đặc biệt là Hội An và Tam Kỳ, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các đô thị này theo hướng thành phố sinh thái.

Giải pháp chiến lược thứ hai: Phát triển du lịch bền vững bằng cách thúc đẩy liên kết đô thị - nông thôn và liên kết vùng

- Nâng cấp và đa dạng hóa sản phẩm du lịch và dịch vụ tại các ðiểm ðến quan trọng, tập trung vào mối liên kết vùng và phát triển trung tâm du lịch thương mại.
• [Hội An và khu vực lân cận]: liên kết du lịch sinh thái và du lịch văn hóa (ví dụ, Cẩm Nam - Cẩm Kim, làng sinh thái Trà Nhiêu được tiếp cận thông qua chuyến tham quan du lịch dọc sông Thu Bồn - sông Trường Giang, và Hòn Kẽm Đá Dựng); Đảo Cù Lao Chàm; Thánh địa Mỹ Sơn và khu vực lân cận có thể phát triển du lịch làng sinh thái Trà Kiệu, hồ Bàn Thạch, sông Thu Bồn, suối nước nóng Tây Viên, Dự án thủy điện Duy Sơn II, Suối Tiên, làng Ðại Bình, Hòn Kẽm Đá Dựng, Khe Tân và Khe Lim. 
• [Tam Kỳ và các khu vực Ðông Nam ven biển]: du lịch biển Tam Thanh, kết nối các điểm tham quan Ðịa ðạo Kỳ Anh - Vãn Thánh-Khổng Miếu - Sông Ðầm - Tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng, v.v...

- Phát triển du lịch có giá trị gia tăng cao liên quan nông nghiệp và ngành công nghiệp sáng tạo làm tăng doanh thu du lịch và tạo cơ hội để cải thiện cơ sở hạ tầng ở nông thôn (du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề dựa vào cộng đồng, VD: khu vực ðồng bằng sông như Duy Xuyên, Ðại Lộc, xem xét liên kết du lịch với vùng sâm Ngọc Linh tại vùng núi phía Nam).

- Đẩy mạnh phát triển du lịch vùng thông qua việc lồng ghép các gói du lịch khác nhau [du lịch văn hóa, du lịch sinh thái trong hồ chứa tự nhiên và dự trữ sinh quyển, du lịch làng chài, sản xuất xanh và du lịch nghỉ dưỡng].

- Cung cấp các điều kiện ưu đãi cho đầu tư du lịch với chứng chỉ xanh hoặc các tiêu chuẩn bền vững quốc tế khi lập quy hoạch du lịch khu đa dạng sinh học nhạy cảm và rừng dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, để đáp ứng các quy định nghiêm ngặt nhằm hạn chế tác động tiêu cực.

Giải pháp chiến lược thứ ba: Xây dựng cơ sở hạ tầng hướng đến phát triển hiệu quả và toàn diện

- Xây dựng và nâng cấp mạng lưới cơ sở hạ tầng chiến lược phục vụ các trung tâm công nghiệp, đô thị chính (các tuyến đường Nam - Bắc và Đông - Tây kết nối các cụm động lực với ảnh hưởng lan tỏa trong các hành lang phát triển: Quốc lộ 1A và tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi; tuyến đường từ cầu Cửa Đại đến Núi Thành; quốc lộ 14B, 14D và tuyến đường tỉnh 609 nối cụm động lực Hội An - Điện Bàn với cụm Tây Bắc; tuyến 14E, 611 nối cụm Duy Xuyên - Quế Sơn - Thăng Bình với cụm Hiệp Đức - Nông Sơn - Phước Sơn; tuyến đường Đông Trường Sơn nối các cụm Tây Nam, Trung Tây và Tây Bắc; tuyến đường Nam Quảng Nam nối cụm Tam Kỳ - Núi Thành với cụm Tiên Phước - Nam Trà My - Bắc Trà My; tuyến đường tỉnh số 616, theo hướng Tam Thanh - Tam Kỳ - Trà My - Tắc Pỏ - Đắc Tô).

- Xây dựng và nâng cấp các tuyến đường phục vụ vận chuyển hàng hóa giữa các trung tâm đô thị và khu công nghiệp: Đường 14B nối khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc với khu công nghiệp Trảng Nhật; tuyến đường nối đường tỉnh số 603 và 607 từ Điện Ngọc đến Điện Nam Trung, phục vụ khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc; đường Thanh Niên - đoạn ven biển từ Duy Xuyên đến Núi Thành.

- Xây dựng và nâng cấp các tuyến đường phục vụ đa dạng hóa sản phẩm du lịch và giảm nghèo: Tuyến Tam Kỳ - Phú Ninh (phục vụ tuyến du lịch hồ Phú Ninh); tuyến Nam Phước - Mỹ Sơn (phục vụ tuyến du lịch Mỹ Sơn); kết nối giữa các đường chính dẫn đến các khu du lịch sinh thái có nhiều tiềm năng phát triển, thu hút khách du lịch ở phía tây như khu bảo tồn Sao La (Tây Giang, Đông Giang), khu bảo tồn voi (huyện Nông Sơn), khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh (huyện Nam Giang, Phước Sơn) và một phần khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (huyện Nam Trà My).

- Nạo vét sông Cổ Cò, sông Trường Giang; nâng cấp và nạo vét luồng cảng biển Kỳ Hà, cảng biển Tam Hiệp để phục vụ phát triển thương mại và dịch vụ trong Khu kinh tế mở Chu Lai.

- Nâng cấp hạ tầng cơ bản (cấp điện, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải) để hỗ trợ phát triển kinh tế, đồng thời tăng tính bền vững về môi trường cho các trung tâm đô thị chính.

- Xây dựng và nâng cấp hạ tầng xã hội cho sự phát triển bền vững nguồn nhân lực.

- Xây dựng chính sách và cơ chế để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng từ khu vực tư nhân và cộng đồng, đặc biệt là các liên kết giao thông và hệ thống cấp nước cho các trung tâm đô thị ở vùng tây, VD: cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy phương thức BT “đổi đất lấy hạ tầng”, mô hình BOT, PPP (hợp tác công - tư), đa dạng hóa mô hình FDI bằng các ưu đãi về thuế và quyền sử dụng đất trong các dự án phát triển; huy động các nguồn lực từ xã hội (Quỹ phát triển cộng đồng, đóng góp từ cộng đồng, thu phí dịch vụ từ người sử dụng dịch vụ cơ sở hạ tầng để tái đầu tư xây dựng, bảo trì và nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng.

Giải pháp chiến lược thứ tư: Lồng ghép quản lý môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu

- Lồng ghép quản lý môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam, ứng phó tác động của BĐKH nhằm phát triển tỉnh theo hướng bền vững

- Cải thiện công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, tập trung vào Quản lý tổng hợp tài nguyên nước (IWRM) và ứng phó biến đổi khí hậu

Giải pháp thứ năm: Phát triển nông nghiệp - nông thôn, kết nối vùng miền và kết nối đô thị - nông thôn

Phát triển nông nghiệp - nông thôn và tăng cường kết nối toàn diện giữa các vùng miền và đô thị - nông thôn, khai thác tiềm lực của cả đô thị và nông thôn, tạo ra mối quan hệ tương hỗ trong phát triển theo hướng bền vững và cân bằng trên địa bàn tỉnh.

Giải pháp chiến lược thứ sáu: Quản lý nhà nước hiệu lực và hiệu quả

- Thực hiện cải cách hành chính, tinh giản thủ tục hành chính.

- Ưu tiên nâng cao năng lực và đào tạo cho hệ thống quản lý hành chính của tỉnh.

- Xây dựng mô hình chính quyền kiến tạo phát triển.

- Cải cách qui trình quy hoạch và phương pháp đánh giá, hướng tới tầm nhìn dài hạn và phát triển bền vững cho tỉnh; khuyến khích quy hoạch có sự tham gia từ cấp tỉnh xuống cấp địa phương; huy động sự đóng góp của các tầng lớp xã hội nhằm sử dụng tài nguyên và nguồn lực một cách hiệu quả hơn.

- Đưa công nghệ thông tin vào sử dụng rộng rãi, đồng bộ và thống nhất trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở các cấp địa phương, bao gồm các nỗ lực (a) xây dựng các trang web về kinh tế và hành chính như là nguồn thông tin chính thức, (b) áp dụng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp, nhà máy, dự án đầu tư, (c) áp dụng hệ thống dữ liệu điện tử, thông quan điện tử để giải quyết thủ tục hành chính. 

TS. Nguyễn Quang - Giám đốc UN-Habitat Việt Nam 

Bài viết dựa trên “Định hướng Phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được xây dựng với sự phối hợp của các cán bộ Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) và Ban Chỉ đạo Xây dựng Định hướng Phát triển tỉnh Quảng Nam, Tổ Công tác địa phương và các chuyên gia tư vấn độc lập. 

(Tạp chí Quy hoạch Đô thị, số 25 - 2016) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: