Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Phản biện Một số chiều cạnh kinh tế-xã hội của vùng ven đô trong quá trình đô thị hóa

Một số chiều cạnh kinh tế-xã hội của vùng ven đô trong quá trình đô thị hóa

Viết email In

Đô thị hóa từ cách tiếp cận xã hội học được xem là “một quá trình kinh tế - xã hội lịch sử, mang tính quy luật, trên quy mô toàn cầu”. Tuy nhiên trong những điều kiện không gian và thời gian khác nhau, quá trình này có những biểu hiện khá đa dạng, tựa như một bức tranh với nhiều mảng màu, gam màu tối sáng khác biệt. 

Tại mỗi khu cư trú đang được đô thị hóa, luôn tồn tại vùng “lõi” (core) với sự phát triển cao cả về cơ sở vật chất, mật độ dân cư và nhịp sống đô thị. Kế tiếp đó là vùng “bán ngoại vi” (semi-periphery) tiếp giáp giữa vùng lõi với vùng nông thôn/ ngoại ô ở ngoài cùng (periphery).  


(ảnh: Zing News) 

Khái niệm Vùng ven đô (VVĐ) ở các đô thị Việt Nam có lẽ thuộc vào vùng “bán ngoại vi” nói trên. Nó còn có khá nhiều tên gọi khác như: Vùng đệm (buffer zone), vùng chuyển tiếp (transitional zone) - trên con đường lan tỏa của quá trình đô thị hóa ra các vùng xung quanh theo dạng thức xâm lấn, “vết dầu loang”. Đây cũng là khu vực thường được người di cư từ nông thôn dừng chân, “quá cảnh” trên con đường di cư tới các đô thị tìm sinh kế. Vì vậy vùng ven đô cũng là nơi chứng kiến tính chất “quá độ” của các mô hình sống, lối sống của cả nông thôn và đô thị pha trộn lẫn nhau,…. 

Những vùng ven đô như vậy cũng không hề cố định, ổn định mà thường dịch chuyển ra phía ngoài, sau một thời kỳ đô thị hóa lan tỏa và “thôn tính” những vùng ven đô cũ.

Cũng vì thế, rất khó định dạng, khó xác định ranh giới/biên giới của vùng ven đô với vùng lõi và vùng ngoại vi của một đô thị. Về mặt hành chính, có thể tạm chấp nhận: Vùng ven đô là phần lãnh thổ nằm ở hai phía của ranh giới hành chính giữa các phường nội thành và các xã ngoại thành. Đặc biệt, với những xã vừa mới trở thành phường “qua một đêm” (bởi quyết định hành chính), thì tính chất “ven đô” thường được biểu hiện khá rõ. Tuy nhiên rõ ràng đây là một hình dung rất tương đối. Vấn đề là bản chất của các quá trình kinh tế xã hội, dân số đang diễn ra bên trong những khu vực này.

Như vậy, đây là một địa bàn đô thị thường xuyên biến đổi và đa dạng trên nhiều phương diện. Từ góc nhìn xã hội học, vùng ven đô là một chủ đề nghiên cứu rất có ý nghĩa, cả thực tế và học thuật. Việc nghiên cứu nó sẽ giúp nhận diện thực trạng của một vùng đang đô thị hóa mạnh mẽ, với nhiều chiều cạnh: kinh tế, xã hội, văn hóa, không gian kiến trúc, cảnh quan, môi trường,… Đồng thời nghiên cứu về vùng ven đô có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích hỗ trợ cho các định hướng trong lĩnh vực quy hoạch và hoạch định các chiến lược, tầm nhìn và chính sách quản lý đô thị ở khu vực này.

Sau đây là một số chiều cạnh đáng lưu ý, và cũng có thể xem là những vấn đề cần được nghiên cứu về vùng ven đô từ góc độ xã hội hóa.

1. Cơ cấu dân số - xã hội Vùng ven đô

Nổi bật lên là sự đa dạng hóa của các nhóm xã hội và các bộ phận dân cư mới gia nhập vùng đất ven đô này. Bản thân cấu trúc cư dân tại chỗ, dân gốc của khu vực vốn cũng đã da dạng hơn các vùng nông thôn ngoại vi, thậm chí vùng “lõi” nội thành, bởi vì nó thường bao gồm một bộ phận nông dân (trồng lúa, trồng rau, trồng hoa truyền thống, cùng với các nhóm dân cư đô thị khác như công nhân, viên chức, thợ thủ công, buôn bán nhỏ,…).

Bên cạnh đó là một số nhóm dân cư mới, khiến cho cấu trúc dân cư ở đây càng đa dạng và phức tạp hơn cùng với những quan hệ xã hội giữa họ. Có nhóm dân di cư từ nông thôn vào đô thị, tạm dừng chân làm nơi “tạm trú” vì ở đây thuê nhà/đất còn rẻ hơn ở nội thành. Và cũng vì lý do này mà một nhóm khác có thể là dân cư từ nội thành chuyển ra ở vùng ven đô để cải thiện chỗ ở do nơi ở cũ quá chật hẹp. Vùng ven đô cũng khá gần với các khu công nghiệp, nơi có đông công nhân nhập cư từ nới khác đến làm việc, và đang cần chỗ ở. Một số sinh viên, học sinh các trường Đại học và Trung cấp ở xung quang cũng có nhu cầu nhà ở như vậy. Vùng ven đô chính là địa bàn thuận lợi để họ lưu trú. Nắm bắt được nhu cầu này nhiều hộ gia đình ven đô có đất thổ cư rộng đã lập tức xây dựng các khu nhà tạm để cho nhóm công nhân và sinh viên thuê trọ. Kết quả là cư dân vùng ven đô có thêm nhóm lao động trẻ và sinh viên nhập cư tới sinh sống. 


(ảnh: Zing News) 

2. Về chức năng sản xuất nông nghiệp

Vùng ven đô là nơi liên kết đô thị- nông thôn hay nội thành - ngoại thành về kinh tế và xã hội: vành đai xanh cung cấp, thực phẩm (thịt cá, rau xanh, hoa tươi,…) cho cư dân nội thành, cho các khu đô thị mới liền kề và các nhóm dân cư phi nông nghiệp tại chỗ. Sản xuất nông nghiệp tại các vùng này là chức năng truyền thống khi đô thị hóa chưa lan tới đây. Tuy nhiên, với nhịp độ CNH, HĐH được đẩy nhanh, sản xuất nông nghiệp vùng ven đo đang đứng trước nhiều thách thức.

Phát triển nông nghiệp ven đô như thế nào không chỉ là bài toán kinh tế nông nghiệp, mà quan trọng hơn là phải giải quyết hợp lý, hài hòa các quan hệ chức năng giữa các khu vực trong một vùng đô thị/ đô thị hóa. Phải làm sao để chính người nông dân ở vùng ven đô có thể tiếp tục/ muốn canh tác trên đất của mình, có thu nhập đủ sống và ngày càng khá giả; sản xuất và sản phẩm nông nghiệp của họ phải sạch, thân thiện với môi trường, và đáp ứng những nhu cầu đa dạng và ngày càng cao về chất lượng của cư dân thành phố, đặc biệt là cư dân nội thành. Ngoài ra, vùng ven đô còn có thể có thêm chức năng du lịch văn hóa-lịch sử và sinh thái,…

Vấn đề và thách thức lớn nhất là ở chỗ, giá trị kinh tế (thông qua giá cả) của đất đai (cả đất ở lẫn đất canh tác) ở vùng ven đô đều đang gia tăng hết sức nhanh chóng, đồng thời vẫn rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư (phi nông nghiệp, bất động sản). Thực tế cho thấy ngay từ đầu những năm 2000, có những xã của Hà Nội, sau khi trở thành phường, đất đai đã được chuyển từ trồng lúa sang trồng rau, rồi trồng hoa, sang cho thuê đất…. Và cuối cùng là phương án bỏ hoang đợi ngày được chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc được đền bù bởi các dự án khu đô thị mới hay nhà ở thương mại (Nghiên cứu tại Phường Phú Thượng, Tây Hồ - 1997). Theo cách nói của các nhà xã hội học, người nông dân ven đô bây giờ là người “nông dân duy lý” (rational peasant), họ luôn tìm sự lựa chọn hợp lý trong bối cảnh sôi động của thị trường đất đai và bất động sản ở đô thị hiện nay.

Trong bối cảnh ấy, chính sách nào “giữ chân”, “giữ đất” người nông dân ven đô thực hiện chức năng làm “nông nghiệp đô thị” hay “vành đai xanh” cho các trung tâm đô thị hiện đại ? Có lẽ đây là câu hỏi và bài toán lớn nhất cho các nhà quản lý các vùng đô thị và các cơ quan chức năng khác muốn “phát triển một khu vực nông nghiệp ven đô” bền vững.

3. Lối sống nông thôn và đô thị pha trộn

Với cơ cấu dân cư đa dạng, dễ hiểu là tại các vùng ven đô có thể quan sát thấy một nếp sống, nếp sinh hoạt, hay lối sống khá “hỗn hợp”? pha trộn. Các nhóm xã hội cũ, dân gốc có thể vấn giữ thói quen của một vùng ngoại thành cũ với nhiều yếu tố nông thôn, nông nghiệp, nông dân (tuy có đổi mới một phần).

Nhóm dân cư mới lại có những nhu cầu, thói quen, nhịp sống và làm việc khẩn trương của thời kỳ CNH, HĐH. Quan hệ xã hội, giao lưu cá nhân, nhóm (nhất là các nhóm người trẻ tuổi như công nhân, sinh viên, học sinh) lại càng khác biệt. Đời sống văn hóa, tính truyền thống của địa phương sẽ nhanh chóng bị mai một, bị thay thế bởi các yếu tố hiện đại vào không tránh khỏi có tính “xô bồ” trong đời sống đô thị tại đây. Do điều kiện mức sống của đa số cư dân tại đây, các loại hình dịch vụ đời sống phổ thông sẽ mọc lên như: chợ cóc, lều quán, café internet, karaoke,… sẽ len vào tận ngõ ngách với cơ sở hạ tầng còn yếu kém (cấp thoát nước, vệ sinh, rác thải,...). Không chỉ du khách tới thăm mà chính những người dân ở đây đều có thể nhìn thấy tính chất phức tạp của đời sống và lối sống của cư dân vùng ven đô dưới ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa nhanh hiện nay.


(ảnh: Zing News) 

4. Nhà ở và cơ sở hạ tầng

Những bối cảnh và cơ cấu dân số mới của vùng ven đô cũng thường đi kèm với các loại hình cư trú khác nhau tương ứng với từng nhóm dân cư.

Nhiều cư dân tại chỗ nhờ sở hữu nhiều đất đai, đã có thể chuyển từ nhà ở truyền thống (mái ngói, một tầng, nhà vườn thành nhà bê tông, nhiều tầng. Một phần đất ở có thể được sử dụng theo nhiều mục đích khác nhau. Có thể bán cho người từ nơi khác đến (nội thành ra, dân nhập cư từ nông thôn tới) mua để xây nhà ở, và nhà ở này cũng thường là nhà tầng vì đất mua không thể quá rộng. Thứ hai, làm nhà cấp 4 cho công nhân, sinh viên hay người lao động nhập cư mùa vụ thuê. Một số hộ gia đình có thể có tiền đền bù đất do thành phố lấy một phần đất để xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình công ích. Từ đây các gia đình tại chỗ có tiền (nhiều tiền) để chi tiêu cho sinh hoạt, xây nhà mới, mua sắm tiện nghi, hay đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Nhưng nhìn chung thì bộ mặt kiến trúc và nhà ở của vùng ven đô chắc chắn sẽ không thể tạo ra được một trật tự không gian quy hoạch, kiến trúc hợp lý và đẹp mắt. Tương như như sự đa dạng của cấu trúc dân cư và lối sống, khi nói về bộ mặt của nhà ở và kiến trúc của vùng ven đô, người ta không tránh khỏi nhận xét: Pha tạp, hỗn hợp và tự phát. Đây có lẽ là mảnh đất (theo đúng nghĩa đen của nó) cần nhiều đầu tư của giới quy hoạch và kiến trúc đô thị.

5. Quản lý đô thị

Như đã nói, hình ảnh điển hình về những đặc điểm kinh tế xã hội, văn hóa, không gian của vùng ven đô được thể hiện rõ nhất ở những địa phương, nơi về mặt hành chính vừa được chuyển từ xã thành (lên?) phường sau một quyết định hành chính (còn có từ “sau 1 đêm”).

Cán bộ tại chỗ chưa có đủ kiến thức và kinh nghiệm và có thể chưa sẵn sàng để quản trị tốt một địa bàn với tất cả các quy định pháp lý là Phường với thực trạng dân cư, kinh tế - xã hội hỗn hợp với nhiều vấn đề như đã nêu trên.

Còn người dân thì từ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm, đến xây dựng nhà cả, mua sắm tiện nghi, lối sống sinh hoạt,.. thì sẽ dần dần và tự động trở thành người thành thị qua thời gian.

Liệu có thể có một “vùng chính sách” quản lý đặc thù và có thời hạn cho các địa bàn vùng ven đô như vậy? Thêm nữa, nếu một phường hay một quận mà lại muốn phát triển một khu vực sản xuất nông nghiệp “thích hợp” (appropriate) hay “nông nghiệp đô thị” (urban agriculture) bền vững thì rõ ràng cần có các mô hình phát triển và quản lý mới, trong sự kết nối các chức năng thật sự linh hoạt và hiệu quả.

Tất cả những điều nói trên một lần nữa khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của vùng ven đô nói chung cũng như phát triển nông nghiệp đô thị ở khu vực này. Và việc nghiên cứu tất cả các chiều cạnh cụ thể cùng thực trạng phát triển của vùng ven đô trong động thái chung của quá trình đô thị hóa là điều cần thiết trước mọi quyết định và chính sách phát triển nào cho khu vực này. 

GS.TS. Trịnh Duy LuânHội Xã hội học Việt Nam 

(Bài tham luận tại Hội thảo “Phát triển nông nghiệp đô thị ven đô, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nông dân” do Quỹ Châu Á và Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 31/8/2016) 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo