Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Phản biện Đô thị “đất chật người đông” làm sao giảm ùn tắc giao thông?

Đô thị “đất chật người đông” làm sao giảm ùn tắc giao thông?

Viết email In

Giải bài toán ùn tắc giao thông cần những giải pháp về quy hoạch, quản lý dân số cũng như tăng hiệu quả của phương tiện giao thông công cộng. 

Tình trạng ùn tắc giao thông đang tái phát tại các thành phố lớn và có xu hướng ngày càng gia tăng, điều này đã trở thành thách thức rất lớn đối với phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Theo thống kê của Sở GTVT TP Hà Nội, hiện thành phố còn 51 điểm, tuyến đường ùn tắc và có nguy cơ ùn tắc giao thông. Tại TP HCM cũng có tới 24 điểm thường xuyên kẹt xe.  


Vận chuyển hành khách bằng phương tiện xe buýt chưa phát huy được hiệu quả cũng là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.
 (Ảnh: zing.vn) 

Mật độ dân số gây áp lực cho hạ tầng

Đứng ở góc độ quy hoạch đô thị, khi phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ùn tắc giao thông gia tăng thời gian qua do xu hướng tập trung hóa đô thị, có sự dịch chuyển mạnh dân cư từ khu vực bên ngoài vào những đô thị trung tâm lớn. 

Dịch chuyển dân cư làm tăng mật độ dân số đô thị. Chẳng hạn như Hà Nội và TP HCM, mật độ bình quân là khoảng 13.000 người/km vuông, nhưng cá biệt ở những quận trong những thành phố này mật độ bình quân đến 40.000 người/km vuông, điều này tạo ra áp lực về hạ tầng giao thông đô thị rất lớn”, Bộ trưởng cho biết.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, mạng lưới giao thông tại các thành phố lớn còn thiếu, diện tích đất dành cho giao thông cả động và tĩnh đều dưới 50% so với yêu cầu. Hệ thống giao thông công cộng như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, tàu điện trên mặt đất, hệ thống xe bus nhanh chưa có hoặc chưa phát huy hết hiệu quả. Cùng với đó, sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam ngày càng nhiều. Có đến 90% các phương tiện giao thông cá nhân được thực hiện ở Việt Nam, còn lại khoảng 10% là giao thông công cộng. 

Kiểm soát xây dựng nhà ở đô thị

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn cần phải làm từng bước và có lộ trình, để khắc phục các nguyên nhân như đã nêu trên thực hiện đồng bộ những giải pháp trước mắt cũng như giải pháp về lâu dài.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề xuất, để hạn chế việc gia tăng dân số vào Hà Nội và TP HCM, cần phải thực hiện chiến lược phát triển đô thị quốc gia để hình thành mạng lưới đô thị trên toàn quốc, hài hòa giữa các vùng, miền của đất nước. Từ đó tạo ra những hạt nhân để tạo động lực kinh tế, đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra nhiều việc làm bằng những động lực công nghiệp, dịch vụ, như thế mới giữ chân những người dân ở khu vực đó đến đô thị. 

Việc di dời các bệnh viện, trường học ra các đô thị vệ tinh và trụ sở các cơ quan Trung ương ra ngoài khu vực trung tâm đô thị cần phải tiếp tục được thực hiện triệt để. Cùng với đó, phải kiểm soát xây dựng nhà ở trong đô thị, đặc biệt kiểm soát nhà cao tầng để giảm gia tăng dân cư trong nội đô”, Bộ trưởng quả quyết. 

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành xây dựng kiến nghị cần phải có lộ trình từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông vùng Hà Nội và TP HCM. Trong đó cần phải có chính sách để huy động các nguồn lực, đặc biệt vốn đầu tư để phát triển dự án hạ tầng giao thông, các tuyến đường sắt đô thị.

Song song với đó là việc hạn chế sự gia tăng của phương tiện cá nhân, đi đôi với việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, từng bước giảm bớt giao thông bằng phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng. Muốn vậy phải tổ chức hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, trước mắt sẽ là tăng phương tiện vận tải hành khách bằng xe buýt. 

Phát huy ưu điểm của xe buýt nhỏ 

Cùng đưa ra giải pháp cho tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) nhận định, giải pháp lâu dài cho giao thông đô thị vẫn là phát triển hệ thống đường sắt trên cao, xe buýt nhanh. Nhưng trước mắt, việc đi lại của người dân trong đô thị vẫn là phương tiện giao thông cá nhân và xe buýt.

Do đó, để phát huy hiệu quả đi lại bằng xe buýt, cần phải giải quyết một số bất cập trong việc vận hành xe buýt trong thời gian qua. Với thực trạng đường xá chật trội và nhỏ như ở Hà Nội và TP HCM, việc đi lại bằng xe buýt lớn là không phù hợp. Xe buýt lớn thường xuyên gây cản trở giao thông tại các vòng xuyến, các đoạn giao nhau và tại các trạm dừng. Vì vậy chúng ta cần sử dụng các xe buýt nhỏ để di chuyển trong thành phố.

Để vẫn đảm bảo vận chuyển nhiều khách, xe buýt nhỏ phải bố trí lại hợp lý nhiều chỗ đứng, chỉ bố trí vài chỗ ngồi cho phụ nữ có thai, có con nhỏ và cho người già. Cần có nhiều bến chung chuyển để chuyển khách từ xe buýt nhỏ sang xe buýt lớn để đi các tuyến ra ngoại thành”, Đại biểu Cảnh nói.

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, việc sử dụng xe buýt chuyển làn đón khách tại các trạm dừng bên tay phải như hiện nay cũng gây cản trở ùn tắc. Do vậy, đối với những đoạn đường có nhiều phương tiện giao thông, trạm dừng tại đường một chiều hay đường hai chiều có giải phân cách đủ rộng sẽ bố trí xe buýt dừng đón khách ở tay trái để hạn chế việc chuyển làn xe gây cản trở giao thông. Bố trí trạm dừng gần tín hiệu đèn giao thông để tận dụng được thời gian đèn đỏ để khách được lên, xuống thuận tiện.

Người dân sẽ có xu hướng sử dụng xe buýt khi phương tiện này hoạt động hiệu quả, đúng giờ. Do đó, các phương tiện giao thông cá nhân khác cần nhường đường cho xe buýt tại các giao lộ. Việc chuyển đổi xe buýt và trạm dừng cần phải đầu tư, Nhà nước cần hỗ trợ các đơn vị vận tải hành khách bằng xe buýt để có thể thực hiện được các thay đổi, tạo điều kiện để các đơn vị này kinh doanh sinh lợi nhuận hợp lý.

Một giải pháp quan trọng khác theo Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh là thực hiện vạch kẻ đường số 52, trong quy chuẩn Việt Nam năm 2012 tại các nút giao thông thường xuyên gây ra ùn tắc. Đây là vạch kẻ màu vàng, các phương tiện không được dừng trong bất cứ trường hợp nào gây ra cản trở giao thông cho các phương tiện từ các hướng khác. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu nhiều quốc gia đã áp dụng nhằm chống ùn tắc, chủ phương tiện phạm lỗi này sẽ bị phạt rất nặng.

Để triển khai vạch kẻ đường số 52 hiệu quả, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị trong thời gian đầu phải bố trí cảnh sát giao thông để hướng dẫn và xử phạt. Đồng thời lắp camera tại các giao lộ, chụp hình tất cả các phương tiện giao thông vi phạm vạch kẻ đường số 52.

Cảnh sát giao thông chỉ phạt nóng vài xe điển hình, còn tất cả các xe vi phạm sẽ bị phạt nguội. Đơn vị cấp trên cần phải kiểm tra cả đơn vị được giao nhiệm vụ phạt nguội, để đảm bảo những người vi phạm phải chịu phạt và không lặp lại hành vi này, có như vậy mới tránh được ùn tắc giao thông tại các giao lộ”, Đại biểu chỉ rõ. 

Ngoài ra, theo Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, việc kẻ vạch phân làn giữa ô tô và xe máy cũng rất cần thiết phải được nghiên cứu làm lại. Vì thực tế hiện nay, trên nhiều trục đường vào giờ cao điểm, trong khi làn xe máy bị kẹt thì làn xe ô tô lại vắng xe chạy. Cần sắp xếp, ưu tiên để xe máy rẽ trái tại các ngã tư để nhanh chóng giải tỏa các xe máy, tránh ùn tắc giao thông./. 

Nguyễn Quỳnh 
(VOV.VN)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo