GS.KTS Hoàng Đạo Kính: Cần ứng xử phù hợp với biệt thự Pháp ở Hà Nội

Thứ hai, 28 Tháng 9 2015 20:53 Báo Xây dựng
In

Sau vụ việc sập biệt thự Pháp tại 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) ngày 22/9, vấn đề bảo tồn những căn nhà biệt thự Pháp trở thành tiêu điểm và thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí và đông đảo người dân cũng như các nhà quản lý đô thị. Nhiều câu hỏi đặt ra đối với số phận của các căn biệt thự Pháp tại Hà Nội đã và đang xuống cấp hiện nay? Trước sự việc này, chúng ta cần xem xét một cách khoa học, dựa trên tình hình thực tiễn để tìm một giải pháp hữu hiệu cho số phận của các căn biệt thự Pháp tại Hà Nội cũng như ở một vài thành phố lớn khác đang có quỹ kiến trúc quí giá này. 

Để góp phần làm rõ những vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS.KTS Hoàng Đạo Kính. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.  

GS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng chúng ta cần làm rõ khái niệm về Quỹ kiến trúc thời Pháp thuộc trước năm 1954 và khái niệm Quỹ di sản kiến trúc. Đã là quỹ Kiến trúc thì là tài sản, vật chất thì phải duy trì, chăm sóc, có sự tu sửa định kỳ để cho phép duy giá trị sử dụng lâu dài. 

Một số công trình kiến trúc trong quỹ Kiến trúc vật chất đô thị có giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan, được liệt vào danh sách di sản kiến trúc, một số được liệt vào diện di tích. Đã là di sản cần đặt vấn đề bảo tồn. Tuy nhiên, việc bảo tồn đó có nhiều mức độ khác nhau. Bên cạnh việc duy trì lâu dài, Giáo sư cho rằng chúng ta cần giữ lại những đặc điểm, giá trị cơ bản. Một số công trình hiếm như Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử... chúng ta cần bảo tồn nguyên gốc những đặc điểm, giá trị bằng biện pháp bảo quản, trùng tu khoa học.

Hà Nội gần đây đã tiến hành khảo sát, kiểm kê, phân loại biệt thự Pháp ở Hà Nội. Tuy nhiên, bên cạnh việc đánh giá giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị kiến trúc - cảnh quan cũng cần tiến hành việc điều tra, khảo sát, đánh giá tình trạng kỹ thuật của các công trình. Tình trạng kỹ thuật phải được xem xét từ tiêu chí, khả năng tồn tại lâu dài. Tiêu chí cần được xét theo 3 cấp độ:

Cấp độ 1: Những công trình kiến trúc cũ có giá trị thuộc di sản có tình trạng kỹ thuật tốt, không có nguy cơ đổ, sập hay hư hỏng.

Cấp độ 2: Công trình có hiện tượng hỏng hóc, xuống cấp.

Cấp độ 3: Những công trình có tình trạng kỹ thuật ở cấp độ cấp cứu, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. 

Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Hồ Chí Minh...đều có quỹ Kiến trúc từ thời Pháp thuộc, do đó cần lập danh mục các công trình kiến trúc đó, cần duy trì công việc lập danh mục các di tích với các tình trạng kỹ thuật khác nhau trong các thời điểm khác nhau. Không nên lấy cớ một công trình vừa sập mà phá hay giải tỏa các công trình khác. Di sản kiến trúc sinh ra phải tồn tại mãi mãi, giống như đình, chùa của Việt Nam tồn tại hàng chục năm nay vì chúng luôn được bảo tồn, sửa sang. 

Đứng trước những bài toán nan giải, bế tắc, rất khó có những giải pháp vĩ mô để duy trì được Quỹ kiến trúc, GS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng: Để giải quyết vấn đề duy trì quỹ Kiến trúc của Hà Nội cần có những kế hoạch dựa trên chiến lược, chính sách, quy chế, quy định mang tính khả thi, nhất quán, có trình tự, khoa học. Việc bảo tồn các biệt thự Pháp giống như bảo tồn phố cổ Hà Nội hay chợ Lớn (Q.5 TP.HCM)...cần cách ứng xử phù hợp, cần hệ thống giải pháp vĩ mô, vi mô, có tính toán kỹ lưỡng. Ông cũng lo ngại khi các thành phố lớn không có sự hiện hữu của các công trình kiến trúc được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20. Những người sống ở Hà Nội, đến với Hà Nội, dù là người nước ngoài hay người Việt Nam, người ta nhìn nhận hình hài Hà Nội, để nhớ, để thương chính là những khu phố có sự hiện hữu của các công trình kiến trúc, là sự tổng hòa, tổng hợp của các kiến trúc đó. 

Nguyễn Linh ghi
(Báo Xây dựng) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: