Lát đá phố cổ Hà Nội: "Không thể thực hiện ồ ạt, thiếu nghiên cứu"

Thứ ba, 11 Tháng 8 2015 10:59 Vietnam+
In

Liên quan đến đề xuất lát đá tự nhiên mặt đường 11 tuyến phố nằm trong khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội của Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa bày tỏ mối quan ngại sâu sắc.  

Phải tuân thủ Luật Di sản Văn hóa 

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus chiều 10/8, phó giáo sư-tiến sỹ Đỗ Văn Trụ - Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia bày tỏ ý kiến không tán đồng với đề xuất này. 


Theo tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, vấn đề lát đá lòng đường phố cổ Hà Nội thuộc về lĩnh vực khoa học bảo tồn di sản, hoàn toàn khác với việc sửa chữa đường sá thông thường.
(Ảnh: PV/Vietnam+) 

“Phố cổ Hà Nội đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia [theo Quyết định số 14/2004/QĐ-BVHTT ngày 5/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin-PV]. Đường phố là một trong những thành tố quan trọng của di tích này. Mọi việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp đều phải thực hiện nghiêm túc theo Luật Di sản Văn hóa,” Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhấn mạnh. 

Theo ông Đỗ Văn Trụ, vấn đề này thuộc về lĩnh vực khoa học bảo tồn di sản, hoàn toàn khác với việc sửa chữa đường sá thông thường. Mọi thay đổi đều cần phải tính toán kỹ lưỡng. “Chúng ta không thể thực hiện một cách ồ ạt, thiếu nghiên cứu để khi thấy không phù hợp lại sửa chữa, làm lại. Điều đó vừa gây tốn kém vừa làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị di sản văn hóa,” ông Trụ nói. 

Không có truyền thống lát đá 

Thêm vào đó, vị Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia này cho biết, trong lịch sử, Việt Nam không có truyền thống lát đá ở lòng đường các con phố cổ như một số nước châu Âu. Tổng thể khu phố cổ Hà Nội là cảnh quan kiến trúc đặc trưng của một đô thị cổ tiêu biểu của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ.


Trong lịch sử, Việt Nam không có truyền thống lát đá ở lòng đường các con phố cổ như một số nước châu Âu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, một số thành tố đơn lẻ của phố cổ Hà Nội có những thay đổi theo thời gian, mang những đặc điểm của kiến trúc cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20 nhưng về tổng thể vẫn bảo lưu được cơ cấu không gian đô thị của khu phố cổ truyền thống với những ngõ nhỏ, phố nhỏ, cách chia nhỏ mặt đứng kiến trúc...

Bởi vậy, phó giáo sư-tiến sỹ Đỗ Văn Trụ cho rằng, cần cẩn trọng khi đưa những yếu tố mới vào phố cổ Hà Nội - nơi đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Từ tháng 11/2011, phố Tạ Hiện đã được thí điểm lát đá tự nhiên dưới lòng đường. Chuyên gia cho rằng, cần đánh giá nghiêm túc những kết quả, tác động từ việc thí điểm này trước khi mở rộng triển khai trên quy mô lớn hơn. 


Quang cảnh một góc phố Hàng Đường với chùa Cầu Đông. (Ảnh minh họa: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

Học cách làm từ thế kỷ 17 

Ở một góc độ khác, nghệ sỹ Thế Sơn (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) - người có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về sự chuyển đổi của cảnh quan đô thị để thể hiện trong những tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh cho rằng: nếu trong tương lai, tất cả 11 tuyến phố này trở thành phố đi bộ, hoàn toàn không có các phương tiện cơ giới thì đề xuất này cũng là một phương án hợp lý.

Phân tích cụ thể hơn, nghệ sỹ Thế Sơn cho rằng, phương án này học theo cách làm của một số nước châu Âu ở thế kỷ 17. Khi đó, những tuyến phố này hoàn toàn không có các phương tiện cơ giới (xe ôtô, môtô…) lưu thông. Từ đó, ông Sơn cho rằng, lát đá lòng đường thì phải tính toán đến tải trọng các phương tiện di chuyển trên đó.

Tuy nhiên, ông Thế Sơn cũng đặt ra câu hỏi: “Chúng ta đang ở thế kỷ 21 và có nhất thiết phải học theo cách làm của người phương Tây từ cách đây ba, bốn thế kỷ không?”

Để thúc đẩy hoạt động thương mại dịch vụ và du lịch (như mục đích Ủy ban nhân dân quân Hoàn Kiếm đề ra khi trình xuất lát đá lòng đường 11 tuyến phố nằm trong khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội), ông Sơn cho rằng một trong những việc cấp bách hơn cần triển khai là: đảm bảo lòng đường, vỉa hè sạch sẽ và giữ được không gian kiến trúc cổ đặc trưng của cảnh quan hai bên đường. “Khách du lịch sẽ chủ yếu ngắm cảnh quan hai bên đường hơn là nhìn xuống lòng đường xem nó được làm bằng vật liệu gì,” ông Sơn nói.


Nghệ sỹ Thế Sơn cho rằng một trong những việc cấp bách hơn là: đảm bảo lòng đường, vỉa hè sạch sẽ và giữ được không gian kiến trúc cổ đặc trưng của cảnh quan hai bên đường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước đó, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã đề xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc lát đá tự nhiên mặt đường 11 tuyến phố nằm trong khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội, bao gồm: Tạ Hiện (đoạn còn lại từ ngã tư Hàng Bạc đến ngã tư Lương Ngọc Quyến và từ ngã ba ngõ Đào Duy Từ đến ngã ba Hàng Buồm); Hàng Đào; Hàng Ngang; Hàng Đường; Đồng Xuân; Hàng Giấy; Hàng Buồm; Mã Mây; Lương Ngọc Quyến; Hàng Giầy; Đào Duy Từ.

Theo đề xuất, những tuyến phố này sẽ được đổ bê tông nền đường, mặt đường lát bằng đá tự nhiên (có kích thước 10x10x10cm), nguồn vốn thực hiện từ ngân sách của quận Hoàn Kiếm. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2015-2016. 

Lý giải về đề xuất, đại diện Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm cho biết, từ năm 2011, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã thực hiện dự án cải tạo thí điểm mặt đứng một đoạn phố Tạ Hiện kết hợp với cải tạo hè, đường phố Tạ Hiện (đoạn từ ngã tư Lương Ngọc Quyến đến ngõ Đào Duy Từ) bằng cách: đổ bê tông lót dày 25cm; bề mặt hoàn thiện lát đá tự nhiên (kích thước 10x10x10cm); bó vỉa, vỉa hè được thay bằng đá tự nhiên. 

Từ đó, theo đại diện Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, việc đề xuất lát đá lòng đường 11 tuyến phố lần này nhằm đảm bảo tính đồng bộ về hạ tầng, thúc đẩy hoạt động thương mại dịch vụ và du lịch gắn với bảo tồn không gian kiến trúc truyền thống./. 

An Ngọc 
(Vietnam+)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: