Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Phản biện Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son

Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son

Viết email In

Theo một bài báo gần đây trên báo Thanh Niên, Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son – khu di sản hàng hải lâu đời nhất và quan trọng nhất của Sài Gòn xưa, đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích quốc gia trong năm 1993 (Quyết định 1034-QĐ/BT) – sắp sửa được bán cho một nhà đầu tư Hàn Quốc để xây dựng những tòa nhà hiện đại. 

Khu Xí nghiệp Ba Son bị đe dọa mấy năm rồi. Mới đây một phần đã bị phá dỡ nhường chỗ cho đường dẫn đến cầu Thủ Thiêm mới.  


(Ảnh: Alexandre Garel) 

Trong cuốn sách Di tích Lịch sử-Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh (Nhà Xuất Bản Trẻ, 1998), Xí nghiệp Ba Son được mô tả “là dấu tích cổ còn lại của một công trường thủ công lớn, một ngành công nghiệp quan trọng ra đời sớm nhất của Sài Gòn xưa, là cái nôi của phong trào đấu tranh của các tầng lớp công nhân Sài Gòn.” 

Người sáng lập hải xưởng là Chúa Nguyễn Phúc Ánh. Sau khi chiếm lại phủ Gia Định vào năm 1790, ông thành lập xưởng hải quân Chu Sư tại Bến Nghé (Sài Gòn) để lắp ráp một đội tàu chiến gia hiện đại. Theo ý kiến của một số sử gia, võ quan Võ Di Nguy (1745-1801) đã lãnh đạo sự phát triển ban đầu của xưởng, sau đó chỉ huy các chiến dịch hải quân thành công của nhà Nguyễn chống lại Tây Sơn, mở đường cho chiến thắng cuối cùng năm 1801. 

Sau khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi với niên hiệu vua Gia Long (1802-1820), xưởng Chu Sư mở rộng thành một cơ sở đóng tàu và đúc pháo lớn, với vài nghìn lao động ngành nghề khác nhau.

Trong cuốn sách Gia Định thành thông chí (嘉定城通志), viết trong những năm cuối cùng của triều đại Gia Long, ông Trịnh Hoài Đức viết: 

Xưởng Chu Sư – ở cách phía Đông thành độ một dặm dọc theo bờ sông Tân Bình quanh theo sông Bình Trị, nhà làm gác để hải đạo thuyền cùng là dụng cụ thủy – chiến xưởng dài đến 3 dặm.”

Trong thời gian này, những chữ “Xưởng Thủy” được ghi rõ trên bản đồ tỉnh Gia Định năm 1815 của Trần Văn Học.

Năm 1819, khi đến thăm Bến Nghé (Sài Gòn), thủy thủ người Mỹ ông John White đã lưu ý tới các cơ sở của xưởng. Ông “thường xuyên viếng thăm” và viết nhiều trong hồi ký A Voyage to Cochinchina (năm 1824): 

“Trong phần phía đông bắc của thành phố, trên bờ của một con rạch sâu, là xưởng và kho vũ khí hải quân. Ở đó, trong thời gian nổi dậy, một số chiến thuyền lớn đã được xây dựng; cùng với hai tàu khu trục do những người châu Âu xây dựng, dưới sự lãnh đạo của các sĩ quan Pháp. Cơ sở này giành thêm danh dự cho người An Nam hơn bất cứ điều gì khác trong đất nước của họ vì nó có thể ganh đua với rất nhiều cơ sở hải quân khác ở châu Âu. Không thấy đóng tàu lớn, nhưng có nhiều vật liệu đơn giản thuộc loại tốt nhất để lắp ráp nhiều tàu khu trục. Gỗ và ván làm tàu tốt hơn bất cứ thứ gì tôi đã từng thấy….

Có khoảng 150 thuyền có mái chèo, hầu hết là các công trình đẹp, sắp xếp trong nhà kho; chiều dài từ 40 đến 100 bộ (~12m-30,5m), một số thuyền chứa mười sáu khẩu súng cỡ nòng 3 pao (~1,36kg). Những thuyền khác chứa bốn hoặc sáu súng cỡ nòng từ 4 đến 12 pao (1,8kg-5,5kg), tất cả bằng đồng và rất đẹp. Bên cạnh những thuyền này còn khoảng 40 thuyền có mái chèo chuẩn bị đón Tổng Trấn Lê Văn Duyệt viếng thăm khi ông từ Huế trở lại.

Những người An-Nam chắc chắn là kiến trúc sư hải quân rất giỏi. Tác phẩm của họ được hoàn thành với sự khéo léo tuyệt vời…

Có lẽ, trong mọi quyền lực ở châu Á, Cochin China là nước có nhiều lợi thế ở vùng biển; từ vị trí địa lý đối với các cường quốc khác; từ cơ sở chế tạo lực lượng hải quân hùng mạnh nhằm bảo vệ thương mại; từ vị trí bến cảng thuận lợi; và từ tinh thần cư dân gắn bó với biển, những người An-Nam này có thể cạnh tranh với ngay cả thủy thủ Trung Hoa.”

Tuy nhiên, căn cứ vào việc hạm đội Pháp có thể đi thuyền dễ dàng vào Sài Gòn năm 1859 và chiếm lấy thành phố với rất ít kháng cự, một số học giả kết luận rằng sau năm 1820, do chính sách “trung ương tập quyền”của những vua kế nhiệm Gia Long nên đã có một sự suy giảm dần dần về chất lượng nơi xưởng Chu Sư lẫn hạm đội hải quân đóng ở đó. 

Sau khi người Pháp chiếm Sài Gòn năm 1859, xưởng Chu Sư được nâng cấp. Năm 1861, Đô đốc Bonard ra lệnh xây dựng một ụ tàu 72 mét, nhưng vì gặp khó khăn (do tính chất của đất), người Pháp đã không được hoàn thành cho đến ngày 6 tháng 4 năm 1864.

Ngày 28 tháng 4 năm 1864, người Pháp đã chính thức thành lập “Arsenal de Saigon” (thủy xưởng và kho vũ khí hải quân). Theo tác giả P Cultru trong cuốn Histoire de la Cochinchine française des origines à 1883 (năm 1910), ban đầu gồm một xưởng kim loại, một xưởng làm dây thừng, một lò gạch, một xưởng mộc và một bến sửa chữa tàu. Khu Súng đại bác Hải quân (Naval Artillery) cung cấp một cần cẩu 10 tấn và thiết lập một trung tâm làm máy móc và một lò rèn.

Ngày 16 tháng 8 năm 1866, do nhu cầu gia tăng từ lực lượng hải quân Pháp, Arsenal de Saigon mua một ụ tàu nổi bằng sắt có kích thước là 91.44 mét dài x 28.65 mét rộng do Công ty Randolph Elder của Glasgow chế tạo, trước đó công ty này đã cung cấp một ụ tàu nổi tương tự cho Arsenal của Hà Lan tại Surabaya. Rất xấu hổ, theo ông Leon Caubert (trong cuốn sách Souvenirs chinois, năm 1891), ụ tàu nổi này bị chìm ngày 1 tháng 9 năm 1881.

Trong nhiều năm, vì không có một ụ tàu đủ lớn để chứa các tàu chiến hạng nặng, nên hải quân Pháp ở Viễn Đông đã buộc phải nhờ các cơ sở của Hải quân Anh tại Singapore và Hồng Kông.

Cuối cùng, tháng 5 năm 1884, chính phủ Pháp đã lấy thêm mảnh đất “giữa Thảo cầm viên và đường Biên Hòa,” xây một ụ tàu mới. Ụ tàu xây dựng gần bốn năm, khánh thành ngày 3 tháng 1 năm 1888.

Theo ông Eugène Bonhoure (trong cuốn Indo-Chine, 1900), “Ụ tàu chiều dài 168 mét có thể nhận các tàu chiến lớn nhất và bảo đảm cho hạm đội chúng tôi một chỗ tiếp nhiên liệu và sửa chửa hoàn toàn an toàn và thuận tiện.” Người ta nói rằng “ụ tàu” bằng tiếng Pháp, “Bassin de radoub,” đã trở thành tên Việt của Arsenal de Saigon, “Ba Son.” 

Từ những năm 1880 trở đi, các cơ xưởng của Arsenal de Saigon được hoàn toàn xây dựng và trang bị lại. Theo ông Eugène Bonhoure “Arsenal có tất cả các công cụ cần thiết cho việc sửa chữa khó khăn nhất – có một cái búa máy 2 tấn, thậm chí có thể chế tạo một trục chân vịt tàu…. Những công việc mới được triển khai làm tăng giá trị chiến lược của xưởng này.” 

Năm 1902, Arsenal de Saigon mở rộng hơn khi hải quân Pháp tổ chức lại nhằm tân lập “Lực Lượng Hải Quân các Biển Viễn Đông” (Naval Forces of the Oriental Seas) dưới sự lãnh đạo của Phó Đô đốc, trong đó có 38 tàu, 183 sĩ quan và 3,630 binh lính. Trong những năm 1904 đến 1906, Arsenal de Saigon “đã nhận được nhiều cải tiến,” bao gồm các cơ sở mới xây dựng các tàu khu trục loại “S” và một ụ tàu nổi mới, khiến nó “có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu của các hạm đội vùng Viễn Đông” (cuốn Situation de l’Indo-Chine de 1902 à 1907, Công ty in M. Rey biên tập). Vào năm 1906 chính phủ Pháp đã ký quyết định thành lập Trường cơ khí Á Châu (École des mécaniciens Asiatiques, tức trường Kỹ thuật Cao Thắng ngày nay) để đào tạo cho nhân viên của Arsenal.

Đến năm 1913, Arsenal de Saigon thậm chí còn được quảng cáo là một “địa điểm quan tâm” trong cuốn sách hướng dẫn du lịch Madrolle:

Vị trí của Arsenal Hải quân ở ngã ba Arroyo-de-l’Avalanche (rạch Thị Nghè) và sông Sài Gòn, trên khu vực hải quân công xưởng An-Nam cổ. Cơ quan này là căn cứ chính của hạm đội tàu Pháp ở khu Viễn Đông, có diện tích 22 ha, bao gồm cả một ụ tàu 168 mét.

Các xưởng, lò rèn và búa máy ở đây được sử dụng để thực hiện việc sửa chữa lớn và thậm chí để xây dựng tàu khu trục. Nhân viên của Arsenal de Saigon bao gồm 1.500 công nhân An-Nam và Trung Hoa dưới sự giám sát của những người cai. Trên sông, một số tàu chiến đang neo.” (Claudius Madrolle, Vers Angkor. Saïgon. Phnom-penh, năm 1913)

Nâng cấp lớn khác năm 1918 tạo điều kiện cho Arsenal de Saigon xây dựng tàu đến 3.500 tấn. Cái “Chàng Khổng Lồ Của Biển” đầu tiên được chế tạo tại đây là tàu Albert Sarraut, hạ thủy rình rang tháng 4 năm 1921.

Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng một cơ sở ụ tàu lớn thứ hai không bao giờ thành hiện thực. Vào năm 1922, sau khi chính phủ Pháp ký “Hiệp ước Thái Bình Dương” (Hiệp ước Hải quân Washington, trong đó các bên ký phải hạn chế việc xây dựng các tàu chiến, tàu tuần dương và tàu sân bay chiến đấu), hạm đội tàu Pháp tại Viễn Đông phải giảm đi; do đó càng tang mối quan tâm về chi phí của Arsenal (năm 1920, nó đã phải gánh chịu một mức thâm hụt khoảng 280.000 piastres). Đây là sự khởi đầu của một thời gian suy giảm dài. Vào cuối những năm 1920, Hải quan Pháp cố gắng bán Arsenal de Saigon cho các doanh nghiệp tư nhân, nhưng không được. Trong những năm tiếp theo vì thiếu đầu tư, xưởng ngày càng đi xuống.

Những năm 1920, tầng lớp lao động của Việt Nam tăng. Tại Arsenal de Saigon, từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1925, thợ máy hải quân cũng là nhà hoạt động cách mạng Tôn Đức Thắng tổ chức một cuộc cuộc bãi công lớn. Điều này làm trì hoãn việc sửa chữa tàu đô đốc Jules Michelet, lúc đó đang trên đường tới Trung Quốc. Theo sách Di Tích Lịch Sử-Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh (Nhà Xuất Bản Trẻ, 1998) “Xưởng cơ khí mang số 323 đường số 12 trong khuôn viên xí nghiệp là nơi người thợ máy Tôn Đức Thắng đã từng làm việc và hoạt động cách mạng trong năm 1915-1928.” Tôn Đức Thắng (1888-1980) sau này là Chủ tịch nước Việt Nam từ 1969 đến 30/08/1980.

Trong những năm 1944-1945, mấy phần của Arsenal de Saigon bị hư hỏng trong chiến dịch ném bom của không quân Đồng Minh, nhưng được xây dựng lại từ 1948 đến 1949. Sau Công ước Geneva năm 1954, hạm đội Pháp rút khỏi Sài Gòn. Vào ngày 12 tháng 9 năm 1956, Arsenal de Saigon được chuyển giao cho Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng Hòa và đổi tên là Hải Quân Công xưởng. Sau 30/4/1975 xưỏng được đổi tên lại, thành Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son.

Hiện nay, Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son lưu giữ rất nhiều xưởng hải quân thời Pháp thuộc, gồm một số tòa nhà có kiến trúc công nghiệp rất tuyệt vời được xây dựng vào những năm 1880. Ngày 12 tháng 8 năm 1993, vì tầm quan trọng lịch sử, kiến trúc và cách mạng của nó, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra Quyết định 1034-QĐ/BT công nhận Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son là di tích lịch sử quốc gia.

Trong những năm 1990, Nhà truyền thống Hải quân công xưởng Ba Son đã được thiết lập bên ngoài khu xí nghiệp để giới thiệu lịch sử cách mạng của Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son cùng với cuộc sống và công việc cách mạng của Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên vào năm 2005, nhà này đóng cửa, tất cả hiện vật được chuyển tới Bảo tàng Tôn Đức Thắng, số 5 đường Tôn Đức Thắng.

Trong những năm gần đây, một số chuyên gia du lịch nước ngoài đã bày tỏ hy vọng rằng trong tương lai các di sản kiến trúc của Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son sẽ được phục hồi thành một khu giải trí và di sản giống Trung tâm cảng biển South Street Seaport của New York. Tuy nhiên, theo tin tức mới nhất, đã có kế hoạch hoàn toàn phá hủy các tòa nhà cổ và xây dựng những cao ốc lớn mới.

Ông Tim Russell, cựu giám đốc công ty du lịch Việt Nam có trụ sở tại Thái Lan, bây giờ là Giám đốc Tiếp thị Châu Á của công ty du lịch Remote Lands, đã phản ứng về việc này như sau:

"Trong nhiều năm tôi đã nói rằng Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son có thể trở thành một khu di sản cho TP HCM. Thành phố này thiếu khu vực giải trí đặc biệt, và Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son là một chỗ rất hoàn hảo với các công trình có kiến trúc thuộc địa rất lý tưởng để chuyển đổi thành nhà hàng, cửa hàng, quán rượu và quán cà phê; với vị trí trung tâm thành phố và ven sông và một khu vực hoàn toàn dành riêng cho người đi bộ. Đó cũng là địa điểm hoàn hảo cho những triển lãm về lịch sử của thành phố mà trong cơn sốt điên cuồng hiện đại hóa đang có nguy cơ bị lãng quên hoàn toàn. Tiếc là những điều trên sẽ không bao giờ xảy ra, vì rôt cuộc mãnh lực của đồng tiền, các công trình kiến trúc xưa sẽ bị phá hủy, thành phố sẽ có thêm cao ốc và trung tâm mua sắm trống rỗng… và một trong số ít những giọt cuối cùng của một Saigon quyến rũ sẽ tan biến mất vào dòng sông…"

Ông Mark Bowyer, người sáng lập trang web du lịch Rusty Compass, nói thêm:

"Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son là cơ hội cuối cùng cho các nhà lãnh đạo TP HCM tạo không gian vừa có tính di sản vừa hội đủ tiện nghi công cộng. Nhưng điều này không chỉ là một vấn đề di sản, đó là một vấn đề kinh tế. Việc phá hủy di sản một cách vô cảm tại Sài Gòn gây thiệt hại cho ngành du lịch. Tồi tệ hơn, nó gây thiệt hại cho sức sống của thành phố, làm mất đi “danh hiệu toàn cầu” và như thế lần lượt sẽ làm hại tới lợi ích kinh tế lâu dài của thành phố. Di sản không còn chỉ là một mối quan tâm thích hợp cho một số người nước ngoài tại Việt Nam. Hiện nay, người Việt Nam cũng đang rất quan tâm về sự tàn phá thành phố của họ. Các thế hệ tiếp theo sẽ hối tiếc những quyết định này." 

Theo báo Thanh Niên, chính quyền thành phố đang chờ ý kiến Trung Ương về dự án trên 5 tỷ USD mà các nhà phát triển Hàn Quốc, bắt đầu vào ngày 2 tháng 9 năm 2015. 

Ngày giờ cuối cùng của khu kiến trúc lịch sử này đang điểm? 

Tim Doling - Dịch: Vinh Tran 

Tập đoàn Hàn Quốc đầu tư 5 tỉ USD vào bất động sản TP.HCM 

Ngày 19/3/2015, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân đã có ý kiến kết luận về phát triển dự án bất động sản tại khu đất của Nhà máy đóng tàu Ba Son do Tập đoàn EUNSAN và OUE (Hàn Quốc) đề nghị đầu tư.

Dự án tại khu đất của Nhà máy đóng tàu Ba Son, được Tập đoàn EUNSAN và OUE (Hàn Quốc) đề nghị đầu tư tổng vốn dự kiến là 5 tỉ USD.

Theo Chủ tịch UBND thành phố, đây là một dự án trọng điểm trên địa bàn, góp phần chỉnh trang đô thị theo quy hoạch khu trung tâm thành phố đã được duyệt, đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật khác trong khu vực như cầu Thủ Thiêm 2, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)…

Tuy nhiên, đây là đất quốc phòng do Chính phủ, Bộ Quốc phòng quyết định và UBND thành phố đã có văn bản gửi cho Chính phủ và các bộ liên quan. Nếu được Chính phủ và Bộ Quốc phòng đồng ý chủ trương giao thành phố triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch, thì UBND thành phố và các sở, ban ngành có liên quan tập trung hỗ trợ Tập đoàn EUNSAN và OUE theo đúng quy định để kịp làm lễ khởi công xây dựng công trình vào dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9/2015). 

(Thanh Niên) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo