Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Nhân xem phim La Zona, bàn về "gated community"

Nhân xem phim La Zona, bàn về "gated community"

Viết email In

Trong vài thập kỷ gần đây, "gated community" là một hình thức đô thị rất phổ biến ở các nước đang phát triển, khắp Nam Mỹ, châu Phi, châu Á. Đây là những khu đô thị đắt tiền, chủ yếu là gồm các biệt thự sang trọng, được tách biệt hoàn toàn với bên ngoài bằng tường rào bảo vệ kiên cố. Ở Việt Nam, nhiều khu tương tự đã được đưa vào hoạt động như Ciputra, khu nhà giàu ở Phú Mỹ Hưng. Nhiều dự án khác ở khắp nơi đang được thực hiện và mơ ước được trở thành những khu như vậy. Từ giới đầu tư, khách hàng cho tới nhiều nhà quy hoạch, chính quyền hiện nay đều có vẻ cho đây là một mô hình đô thị cao cấp, sang trọng và tối ưu, trừ phi không đạt được thì thôi chứ luôn coi là mô hình mẫu mực. 


Hình ảnh trong phim "Khu nhà giàu La Zona" 

Có một số lý do cơ bản thường được nêu ra để thuyết phục người giàu chịu bỏ những khoản tiền khổng lồ để vào sống trong những khu đô thị này: 

1- An ninh: với sự trang bị máy móc tận răng, kiểm soát chặt chẽ ngày đêm, người ta cho rằng những cư dân trong các đô thị này sẽ được an toàn tuyệt đối. những phần tử trộm cắp, phá rối khó lòng đột nhập vào đây, mà giả sử vào được thì cũng không có cơ hội thoát ra. Trong bối cảnh xã hội hỗn loạn, nhiều bạo lực, tệ nạn, trộm cắp trong khi công an, cảnh sát thì tham nhũng, bất lực ở các đô thị đang phát triển, lý do an ninh được coi là một trong những lý do quan trọng nhất. 

2- Láng giềng đẳng cấp: Trong những khu gated community thường tập trung những tầng lớp giàu có, tinh hoa nhất trong xã hội, các chủ doanh nghiệp, bác sỹ, luật sư, kiến trúc sư v.v. toàn những người có tiền, có địa vị xã hội, có bản lãnh tự thân. Họ cho rằng nếu họ ở cùng với nhau, những thế mạnh này còn được tăng thêm nữa, do họ có thể phối hợp với nhau, học hỏi nhau. Qua đó, họ càng phát huy được bản thân, càng được tự do hơn. Con cái của họ cũng có môi trường tối ưu để phát triển.

Việc gia nhập vào cộng đồng này đối với họ là một vinh dự, là một hình thức tự khẳng định đẳng cấp của mình, chỉ rõ là mình không cùng một ruột với cộng đồng đô thị nhếch nhác bên ngoài.

Ngoài ra, trong quá trình đô thị hóa ồ ạt, rất nhiều người cảm thấy bị mất phương hướng, cô đơn, lạc lõng trong đám đông hỗn loạn của đô thị. Họ cần phải có một tập thể nhỏ, một định nghĩa chúng tôi, để qua đó khẳng định cái tôi. Họ cho rằng những sự quan tâm kiểu chòm xóm thân mật sẽ là một social capital, làm tăng giá trị của cuộc sống cộng đồng.

3- Tiện ích công cộng: họ có riêng những câu lạc bộ, bể bơi, sân tennis, phòng tập, spa v.v.. 


Hình ảnh trong phim "Khu nhà giàu La Zona" 

"Khu nhà giàu La Zona" là bộ phim truyện đầu tiên được chiếu, sau hai phim tài liệu tại CLB Điện ảnh Kiến trúc (do Ashui.com phụ trách) chiều Chủ nhật, 15/3/2015.

Theo kế hoạch, Câu lạc bộ sẽ chiếu phim và thảo luận vào các buổi chiều (từ 2h) Chủ nhật đầu tiên của tháng. Mời các bạn quan tâm đến tham dự.   

Bộ phim "Khu nhà giàu La Zona", qua một câu chuyện kể về cách giải quyết của một cộng đồng gated community trước một vụ trộm, đã chỉ rõ rằng tất cả những lý do được coi là giá trị của những khu đô thị khép kín trên đều rất có vấn đề. 

1- An ninh: Sự an toàn trong những khu này là giả tạo. Sự giám sát toàn khu phụ thuộc vào một vài nhân viên an ninh ngồi trực màn hình camera, họ không thể tập trung suốt được, và máy cũng không thể quay khắp mọi góc, mọi nơi, mọi lúc. Trong bộ phim, các cư dân đô thị, cho tới bà già lụ khụ đều trang bị súng ống để tự vệ. Họ thường xuyên có cảm giác bất an, đến một tiếng cành lá động vào cửa sổ cũng làm họ sợ hãi. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy mật độ đô thị càng đông, không gian càng mở, càng nhiều mắt nhìn thì độ an toàn càng cao.

2- Láng giềng đẳng cấp: Trên thực tế, những ưu điểm về lý thuyết của một chòm xóm đẳng cấp phải đối diện với rất nhiều mặt tiêu cực mà hình thức tổ chức này mang lại:

- Đầu tiên là việc công khai cách li, chống lại toàn bộ xã hội đẩy họ vào thế thù địch với tất cả mọi thành phần khác. Từ chính quyền, công an, cảnh sát tới dân đô thị xung quanh, hễ gặp dịp là đều có thể xâu xé. Kẻ có quyền thì cậy quyền đòi hối lộ, người nghèo thì thừa cơ trộm cắp, lại còn những kẻ ghen tức, muốn phá cho bõ ghét. Trong phim, có một đôi thanh niên đang làm tình, với mấy kẻ nát rượu đang nhậu nhẹt trên một chiếc xe buýt hỏng, tự dưng có cái biển quảng cáo bị gió giật đứt dây, đổ vào tường khu nhà, làm chập điện. thế là bọn kia bỏ cả sex, cả rượu, không quản mưa gió, trèo ngay vào khu nhà để ăn trộm, rồi từ việc trộm đồ thành giết người. Khổng tử có nói, kẻ có thể làm bạn ta thì ít, nhưng tiểu nhân có thể gây hại thì vô số. trong đời thiếu gì lúc sơ suất, làm sao đề phòng hết được. 

- Tiếp theo là việc kết thành tập thể cận kề của một nhóm nhỏ, tuy toàn là những người đẳng cấp, tinh hoa lại không mấy khi phát huy được tinh hoa. Môn tâm lý học đám đông cho rằng một tập thể sẽ luôn phải thống nhất ở những mẫu số chung thấp nhất. vì thế, trí tuệ của một tập thể tinh hoa cũng không hơn gì một nhóm vượn người là bao. 

- Trong những cuộc nghị sự của một tập thể, thông thường đám đông sẽ vào hùa với một vài leader (người cầm đầu), và thiểu số thường bị đè nén. Vì vậy, những nghị quyết tập thể này thường dẫn tới vi phạm tự do, nhân quyền của thiểu số trong khi cũng chẳng phải là thể hiện tự do của đa số (vì đa số cũng chẳng phải thực sự nói ý kiến riêng của mình, mà chỉ adua). Thậm chí ngay cả những leader cũng không hẳn là thực hiện được sự tự do của mình, vì với vai trò là leader, họ trở thành công cụ của tập thể và sẽ nêu ra những ý kiến mà họ cho rằng sẽ được tập thể chấp nhận, và như vậy là phù hợp với lợi ích chung. Tóm lại, sẽ không ai đưa ra quan điểm của chính mình, mà luôn đứng trên danh nghĩa lợi ích cộng đồng. mà cái cộng đồng họ hiểu được đó là mẫu số chung của mọi người, tức là một nhóm lợi ích ở mức sơ đẳng nhất. Nói cách khác, tất cả mọi người đều mất tự do. Khái niệm “làm chủ tập thể” là một trong những khái niệm rất hoang đường. Người ta không những không thể làm chủ tập thể, mà trong tập thể, người ta không còn làm chủ được bản thân.

- Một trong những xu hướng của một tập thể là tìm cách xác định kẻ thù để qua đó khẳng định lý do tồn tại của chính mình. Xác định kẻ thù và tầm thù do đó là một trong những hoạt động sôi nổi nhất lôi cuốn tập thể. Cuối cùng thì thường tập thể sẽ dẫn dắt nhau tới những hành động bạo lực, mông muội mà thông thường thì từng cá nhân trong đó sẽ không bao giờ nghĩ là sẽ làm. Thời cổ đại, chúng ta biết những vụ giết chúa Giê-su, giết Socrates, là đại diện cho hoạt động tầm thù tập thể rất phổ biến thời đó. Tới thời trung cổ, lại có những vụ hành hình thường xuyên của tòa án dị giáo để củng cố tập thể con tin. Tập thể là một dân tộc thì tìm cách xác định kẻ thù dân tộc, tập thể giai cấp thì tìm cách xác định kẻ thù giai cấp. Tập thể nông dân thì phải đấu tố địa chủ để tự khẳng định. Còn tập thể đại gia trong một khu đô thị đóng kín thì có thể xác định bất kỳ một ai trong xã hội là kẻ thù một cách cực đoan. Như bộ phim La Zona đã chỉ ra thì chừng nào một kẻ bên ngoài chưa được xác định là kẻ thù thì thậm chí một thành viên trong tập thể có thể bị đưa lên thành kẻ thù chung.

- Về việc cô đơn, lạc lõng trong đô thị hiện đại và nhu cầu quay về với tập thể dạng làng xã đã được nhiều nghiên cứu đô thị học gần đây xác định chỉ là một cảm nhận mang tính quá độ. Những người có xuất xứ nông nghiệp, vốn quen với tổ chức xã hội dạng làng xã, nhất thời chưa tìm được hình thức hội nhập với cuộc sống đô thị, vì vậy cảm thấy phương diện xã hội của mình không được phát triển đầy đủ. Họ luôn có nguyện vọng xây dựng lại mô hình làng xã quen thuộc. Tuy nhiên, đô thị hiện đại có cách tổ chức xã hội của nó, đó là những dạng kết mạng, những câu lạc bộ, hiệp hội đa dạng. Mỗi một người có thể cùng lúc tham gia vào nhiều mạng khác nhau. Những kết nối này tuy bề ngoài lỏng lẻo, vì không ràng buộc, không mở rộng ra nhiều loại hoạt động, nhưng thực tế lại rất chặt chẽ và chất lượng, vì nó dựa trên nhu cầu thực của từng thành viên.

- Những gated community là những ảo ảnh hoài cổ mà nhóm người đại gia mới từ nông thôn lên, chưa hòa nhập đô thị tạo ra. (Có lẽ vì vậy mà ở các nước phát triển lâu đời, người ta ít thấy hiện tượng đô thị này.) Vấn đề là chính nó lại là cấu trúc ngăn cách nhóm người này khỏi việc hòa nhập với đô thị. Đối với một thế hệ, sự cản trở này khó cảm nhận, vì cũng giống những người nhập cư ở nước ngoài, thế hệ đầu khó mà thực sự hòa nhập được. Ngược lại, thế hệ con cái của họ sẽ có một tâm thế khác, một sự hòa nhập tự nhiên với môi trường đô thị. Và từ đó sẽ dẫn tới mâu thuẫn tất yếu giữa các thế hệ trong cùng một gia đình ở đây. Những đứa trẻ khi lớn lên sẽ không mấy biết ơn bố mẹ vì cuộc sống vương giả trong wonderland đó, mà thậm chí hậm hực vì bị bứng rễ khỏi môi trường sống thực sự của chúng.

3- Về tiện ích dịch vụ:

Cần phải xét lại xem các dịch vụ ở những khu gated community có thực sự là đẳng cấp, sang trọng hay không. Thứ nhất, ta phải hiểu rằng trong những đô thị lớn, tiêu chí chính đánh giá dịch vụ đô thị không hẳn là độ sang trọng vật chất của các tiện ích và công cụ, mà là độ đa dạng của dịch vụ. Chẳng hạn có tiền mua một cái máy giặt đắt tiền cũng không bằng không phải động vào việc giặt, vì có thể thuê đội chuyên nghiệp làm. Mang tiếng giàu sang, cái gì cũng phải tự tay làm, cùng lắm là có người giúp việc thì họ nấu cho ăn gì được cái đó, đến con cái cũng nói ngọng theo giọng người giúp việc thì đâu có phải đẳng cấp thật.

Một trong những lý luận của cư dân gated community về độ sang trọng của tiện ích là một mình mình dùng, không phải chia với ai. Đó là cái máu của người nghèo khó lâu đời, khi có miếng bánh những chỉ ước được ăn một mình, mà kể cả không còn bụng mà ăn được thì cũng giữ riêng để dành. Cho dù thành đại gia cũng khó mà thay đổi được cách nghĩ đã ngấm vào gen. Chỉ những người dòng dõi thế gia lâu đời mới thấm thía được rằng niềm vui chính ở chỗ chia sẻ. Kiếm miếng bánh thì dễ, tìm người chia để vui mới khó hơn nhiều. 

TS Phó Đức Tùng 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo