Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện "Ngọn hải đăng" hay khách sạn trá hình?

"Ngọn hải đăng" hay khách sạn trá hình?

Viết email In

Trước thông tin TP.Đà Nẵng đồng ý chủ trương xây dựng "ngọn hải đăng" Marina có chiều cao thấp nhất bằng tòa nhà 25 tầng trên sông Hàn, nhiều kiến trúc sư, các nhà quy hoạch có uy tín cho rằng công trình sẽ đâm nát sông Hàn và cảnh quan, đe dọa môi trường TP.

Trước đó, ngày 25/12/2014, tại cuộc họp về một số đồ án quy hoạch kiến trúc do UBND TP.Đà Nẵng chủ trì, Công ty CP đầu tư DHC (DHC Group) xin đầu tư dự án ngọn hải đăng Marina có chiều cao thấp nhất bằng tòa nhà 25 tầng kết hợp kinh doanh nghỉ dưỡng, cách bờ sông 30 m và UBND TP.Đà Nẵng đã đồng ý chủ trương về vị trí xây dựng nằm ở phía bắc cầu Rồng thuộc P.An Hải Tây, Q.Sơn Trà. Dự án này nằm bên cạnh dự án bến du thuyền Marina cũng do DHC Group đầu tư. Hai phương án kiến trúc chủ đầu tư đưa ra là xây công trình mô phỏng ngọn hải đăng Alexandria (Ai Cập) - một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại hoặc xây tòa tháp kính phục vụ du khách ngắm cảnh.


Công trình mô phỏng ngọn hải đăng Alexandria (Ai Cập) dự kiến xây dựng trên sông Hàn

(Ảnh: Nguyễn Tú chụp lại)

Khách sạn trá hình

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 4/1, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, người từng tham gia lập quy hoạch TP.Đà Nẵng (một chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch đồng thời cũng là giảng viên đại học tại Bắc Mỹ), cho rằng trước hết tên gọi cần phải gọi tên đúng chức năng công trình, ví dụ là “tháp khách sạn Marina”, thể hiện đúng bản chất của công trình đề xuất, là một khách sạn 25 tầng, nằm giữa lòng sông. Không thể gọi là tháp hải đăng vì công trình không có chức năng hải đăng. Kế đến, vì đây là một công trình phục vụ hoạt động kinh doanh, do đó không thể lấn chiếm diện tích sông, vốn là diện tích công dành cho mục đích cảnh quan, văn hóa, lịch sử, hạ tầng giao thông, và bảo vệ môi trường dòng sông. Ngoài ra, kinh nghiệm các dự án lấn biển và lấn chiếm dòng sông cho thấy có khả năng khu vực lân cận sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như xói mòn đất, tai nạn giao thông thủy... Giải pháp khả thi hơn, có thể là chọn một khu đất lõm vào cạnh bờ sông (ví dụ khu vịnh gần ngã ba Trần Hưng Đạo và Nại Tú 2) để vừa làm Marina, vừa làm khách sạn, mà không xâm phạm gì đến dòng sông. Ngoài ra, vì đây là một khách sạn, sẽ tạo luồng giao thông giao cắt với tuyến đi bộ hai bên bờ sông, chưa tính đến bộ phận hạ tầng, hầm xe, bếp, kỹ thuật và hầm phân tự hoại, có thể ảnh hưởng lớn đến mỹ quan và chất lượng môi trường sống hiện đang tốt của khu vực. Cuối cùng, vì mục đích là xây dựng một công trình điểm nhấn, do đó cần tính toán sao cho có thể làm tăng giá trị, thay vì làm giảm giá trị các công trình điểm nhấn đã có. Hiện nay, trong khu vực đã có những công trình điểm nhấn như cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, dòng sông Hàn lịch sử, tòa nhà Trung tâm hành chính cao 34 tầng, khách sạn Novotel cao 37 tầng, tầm nhìn thoáng về phía Ngũ Hành Sơn, là một linh địa và là biểu tượng của thành phố.

Tôi nghĩ cái tên nó sao thì nên trả lại bản chất nó vậy. Ngày xưa cha ông làm ngọn hải đăng chỉ có hai mục đích là tránh tàu bè và xác định chủ quyền. Còn hiện nay, nếu làm khác thì phải xem lại.

Thạc sĩ, kiến trúc sư Đặng Vũ Doãn, Viện Quy hoạch - Xây dựng TP.HCM

Rất ngắn gọn nhưng đầy đủ, thạc sĩ, kiến trúc sư Đặng Vũ Doãn, Viện Quy hoạch - Xây dựng TP.HCM, nói: “Tôi nghĩ cái tên nó sao thì nên trả lại bản chất nó vậy. Ngày xưa cha ông làm ngọn hải đăng chỉ có hai mục đích là tránh tàu bè và xác định chủ quyền. Còn hiện nay, nếu làm khác thì phải xem lại".

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Chánh Tú, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, thẳng thắn nêu sự mập mờ của dự án, tên gọi dự án là “ngọn hải đăng”, nhưng thực tế là một khách sạn 5 sao nằm giữa lòng sông Hàn. Kinh nghiệm từ các dự án lấn sông lấn biển đều khiến dòng chảy bị ảnh hưởng, hoặc hai bên bờ bị xâm thực... Theo ông Tú, với các dự án lớn, có quy mô ảnh hưởng đến quy hoạch kiến trúc của một đô thị thường phải tham khảo ý kiến nhiều chiều, chứ không nên ủng hộ hay từ chối ngay. Khi đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, đặc biệt các nhà chuyên môn, ngay lập tức phải hết sức cẩn trọng. Ngoài ra, ông Tú cũng tỏ ra khá e ngại khi cảnh báo, coi chừng dự án bị chi phối bởi lợi ích nhóm.


Vị trí dự kiến xây dựng “ngọn hải đăng”
(Ảnh: Nguyễn Tú)

“Ai cũng phá lệ thì hậu quả sẽ ra sao?”

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Phó chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư TP.HCM đưa ra 4 lý do phản đối việc này. "Thứ nhất, địa phương nào trên cả nước cũng đã có quy định về chỉ giới sông rạch. Sông nào cũng có chỉ giới, giống như sông Sài Gòn chỉ giới là 50 m thì tại sao Đà Nẵng lại cho xây dựng trên sông. Thứ hai, việc xây dựng chỉ nên được triển khai nếu vì lý do an ninh quốc phòng. Nếu ai cũng phá lệ thì hậu quả sẽ ra sao? Tất cả công trình xây dựng đều phải có công năng rõ ràng. Ở đây, chủ đầu tư chưa đưa ra công năng rõ ràng của dự án. Thứ ba, về mặt phong thủy, con sông là rất quan trọng với người châu Á. Chặn lại một dòng sông cửa ngõ của một thành phố lớn, là không nên. Cuối cùng, trong tình hình biển Đông hiện nay, với chiều cao tương đương 75 - 100 m (chiều cao tối thiểu của tòa nhà 25 tầng) cần phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng”.

Còn theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, thành viên Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thuộc Hội Kiến trúc sư VN, đây là vấn đề rất quan trọng. Đặc biệt, lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch lại cần phải cân nhắc nhiều mặt như kinh tế, văn hóa, giao thông, môi trường… nên phải chọn lựa giữa được nhiều nhất và mất ít nhất. Vì vậy, việc này cần phải được làm rõ qua ý kiến của những nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu, nhất là những người sống ở Đà Nẵng. Việc tổ chức lấy ý kiến không khó, quan trọng là tổng hợp các ý kiến làm sao để chọn được giải pháp tối ưu nhất.

Chiều 4/1, ông Võ Văn Thương, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP.Đà Nẵng, cho hay trước một số ý kiến lo ngại dự án ngọn hải đăng phá vỡ cảnh quan sông Hàn, thành phố chưa thống nhất phương án kiến trúc mà sẽ lấy ý kiến rộng rãi đội ngũ kiến trúc sư, quy hoạch, chuyên gia khoa học kỹ thuật vào ngày 8/1 tới đây. Sau đó tổng hợp trình thành phố trước 15/1.

Nguyễn Tú

Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, nói thẳng “không nên cho phép xây dựng ngọn hải đăng". Theo ông Tiếng, trước đó vì yêu cầu phát triển đô thị, Đà Nẵng đã xây dựng nhiều cây cầu trên dòng sông Hàn. Về phương diện thủy văn, những cây cầu này ít nhiều đã tạo trở lực cho dòng chảy của con sông Hàn trên đường ra biển. Nhưng đây là chuyện chẳng đặng đừng nhằm giải quyết nhu cầu giao thông vận tải ngày càng gia tăng và quan trọng hơn là nhằm tạo sự đồng đều về diện mạo đô thị giữa tả ngạn và hữu ngạn sông Hàn. Cũng chính vì lẽ đó, khi mở rộng đường Bạch Đằng ra phía bờ sông, thay vì làm theo cách dễ nhất, ít tốn kém nhất là đổ kè lấn sông, lãnh đạo TP đã yêu cầu chỉ được đúc trụ để dòng chảy ít bị trở lực vì sự mở rộng lòng đường thu hẹp lòng sông này. "Cho nên tôi rất kỳ vọng những con người có nhãn quan đúng đắn như vậy sẽ cân nhắc kỹ khi quyết định cho đầu tư xây dựng một khối kiến trúc đồ sộ như tòa nhà phức hợp biểu tượng ngọn hải đăng 25 tầng trên dòng sông Hàn. Còn về biểu tượng hải đăng, theo tôi tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố cũng đã mang biểu tượng này, không cần thiết có thêm một hải đăng thứ hai ngạo nghễ trên dòng sông Hàn thơ mộng", ông Tiếng nói.

(Thanh Niên)

Bốn lo ngại về ngọn hải đăng trên sông Hàn

Đó là nhận định của ông Trần Ngọc Chính - chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN - khi đề cập tới dự án ngọn hải đăng trên sông Hàn.

Ông Chính nói:

Tôi thật sự có bốn lo ngại lớn.

Thứ nhất, công trình này không có cơ sở pháp lý, nó hoàn toàn chưa có trong quy hoạch. Theo quy định, các dự án muốn triển khai đều phải nằm trong quy hoạch, đây lại là dự án lớn và nhạy cảm, vị trí đặc thù... càng phải đáp ứng yêu cầu này. Nằm trong quy hoạch được duyệt thì mới hội đủ điều kiện “cần” để triển khai dự án.

Đà Nẵng là đô thị loại I, trực thuộc trung ương nên quy hoạch phải được Thủ tướng phê duyệt.

Trước khi muốn triển khai dự án này, Đà Nẵng phải bổ sung dự án vào quy hoạch, chưa có thì có thể điều chỉnh quy hoạch...

Sau đó, Bộ Xây dựng với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước sẽ thẩm định, rồi mới trình Thủ tướng xin ý kiến, Thủ tướng phê duyệt rồi mới được chấp thuận.


Người dân Đà Nẵng và phối cảnh ngọn hải đăng bên bờ sông Hàn
(Ảnh: Phan Thành)

Thứ hai, đối với thành phố có sông như Đà Nẵng, việc đảm bảo bố cục, cảnh quan, trục quy hoạch hai bên sông Hàn phải đặc biệt được quan tâm.

Sông Hàn có dòng chảy ổn định, cần có cảnh quan hai bên hài hòa, đẹp. Xuất hiện một công trình cao 25 tầng giữa bờ sông có thể làm phá vỡ cảnh quan, phá đi cái êm đềm, thơ mộng của dòng sông.

Yếu tố thủy văn trên sông cũng rất quan trọng, 400m² đế của công trình là một rào cản lớn đối với dòng chảy. Còn nhớ, trước đây công trình ở đồi Vọng Cảnh tại Huế bị phản đối và phải dừng cũng có phần do xâm phạm vào sông Hương.

Thứ ba, lấy tên công trình là “ngọn hải đăng”, theo tôi, đây là một cách “đánh tráo khái niệm”. Hải đăng phải nằm ở cửa biển, trên đất liền, núi cao để thuyền bè định vị phương hướng, chứ sao lại nằm ngay giữa sông. Chắc chắn cách giải thích này khiến người dân thấy thiếu thuyết phục. Ai cũng biết đây là vị trí đắc địa cho dự án kinh doanh thương mại, không phải là công trình dân dụng, dân sinh...

Còn nếu nói làm công trình dị biệt để tạo dấu ấn, điểm nhấn cho thành phố thì hoàn toàn ngụy biện. Việc thu hút du lịch là cả một quá trình và cơ chế, thiết chế điều hành chứ không quyết định bởi một công trình.

Thứ tư, nhiều người lo ngại về việc thoát nước, ô nhiễm môi trường từ công trình này. Công trình chắn ngang sông với tiết diện rất lớn chắc chắn sẽ là rào cản hứng các phế thải trôi nổi, rất dễ tạo thành điểm ô nhiễm.

Công trình này bao gồm khách sạn, thương mại phục vụ ăn uống, vui chơi giải trí, liệu việc xử lý rác thải, đặc biệt nước thải có đảm bảo không, hay là sẽ xả thẳng hoặc rò rỉ ra sông?

Tranh chấp không gian

Đà Nẵng phát triển đang rất cần loang ra ở nhiều hướng, chia sẻ tầm nhìn cảnh quan thành nhiều tụ điểm, dịch chuyển lưu thông thoáng đãng... Đà Nẵng không chỉ có 5 cây số dọc hai bên bờ sông Hàn để khai thác quỹ đất, khai thác mặt nước sông...

Công trình ngọn hải đăng qua báo chí cao 25 tầng, chiếm dụng mặt nước không nhỏ, đan xen, tranh chấp đang là nỗi băn khoăn trong giới kiến trúc, khoa học nghệ thuật và dư luận.

Vị trí chọn đặt ngọn hải đăng bên kia sông Hàn, dọc đường Ngô Quyền, giữa hai cây cầu sông Hàn và cầu Rồng. Ngọn hải đăng đang có ý mọc lên giữa hai công trình này.

Liệu khối tháp có đúng tên gọi mang tầm cỡ dẫn đường hay chỉ là công trình đặc tính khai thác dòng sông, tranh chấp tầm nhìn, lấn lướt biểu tượng cầu Rồng vang danh thế giới để khai thác thuần tính dịch vụ kinh tế khách sạn nghỉ dưỡng?

Ngọn hải đăng sẽ được xây dựng, sẽ có dịp vươn cao hơn thành biểu tượng khi các nhà lãnh đạo quy hoạch tầm nhìn mở rộng ra phía Vũng Thùng, Tiên Sa, ven núi Sơn Trà... Rừng xanh, biển xanh, gió lộng nơi khách du lịch sẽ dồn về chùa Linh ứng chiêm niệm, ngắm nhìn khu nghỉ dưỡng cao cấp, tham quan đài rađa, ngọn hải đăng mới của Đà Nẵng...

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng

Lâm Hoài ghi (Tuổi Trẻ)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo