Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Tàu điện ngầm - Xuống đất tìm đường sáng

Tàu điện ngầm - Xuống đất tìm đường sáng

Viết email In

Không cần đợi tới năm 2018, khi TP.HCM sẽ khai trương tuyến metro đầu tiên (Bến Thành-Suối Tiên), nhiều người Việt Nam đã được thưởng thức sự tiện dụng của tàu điện ngầm khi đi nước ngoài. Nhưng ít người biết được ở nơi khai sinh ra tàu điện ngầm, nó từng được xem là một thí nghiệm với muôn vàn thảm hoạ tiềm năng.  

Giải pháp trong tuyệt vọng 


Những toa xe điện ngầm đầu tiên trong ngày khai trương tuyến từ Farringdon đến phố Paddington (London) 

Nước Anh được phép kiêu hãnh đã đem lại cho loài người nhiều thành tựu vĩ đại, từ những thứ tưởng chừng nhỏ nhặt như bồn cầu gắn thùng nước cho đến bóng đá, máy hơi nước, The Beatles... và cách đây 150 năm, cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh còn sinh ra tàu điện ngầm. Hôm nay nhiều thành phố lớn trên thế giới đã có phương tiện giao thông lý tưởng này, song vào lúc mà đầu máy hơi nước vừa ra đời và bị đưa xuống chạy dưới lòng đất, không phải dễ thuyết phục các nhà khoa học. Một ví dụ điển hình cho đầu óc khôi hài đen kiểu Anh? 

Vốn quen mắt với xe ngựa, chợt đường phố London ngạt thở vì giao thông khi hàng loạt xe bus chạy động cơ hơi nước làm tắc nghẽn cả thành phố. Hàng ngày có đến 200.000 người phải đi bộ nhiều cây số đến nơi làm việc. Vậy, liệu có phải là một giải pháp, khi đem tàu hỏa phun hơi nước phì phì xuống dưới lòng đất? Liệu có đơn giản chỉ đào vài cây số đường hầm, đặt đường ray rồi lấp lại - như tên gọi của công nghệ “cut and cover“ ngày ấy - là xóa được nạn tắc đường cho thành phố triệu dân?

Dự án kỳ vĩ ấy không phải chuyện đùa, cho dù tờ The Time gọi nó là “sự lăng mạ trí óc con người“. Và quả thật, cho đến trước khi chuyến tàu điện ngầm đầu tiên lăn bánh và chở 30.000 hành khách đi thử qua hệ thống đường hầm tối mò, đã có nhiều ngôi nhà nghiêng ngả, nhiều nồi hơi nổ tung, nhiều công nhân tử nạn.

Mặt khác, chính phát minh mới ấy đã đảo lộn tận gốc rễ sinh hoạt công cộng của London. Và đại đô thị có mật độ dân cư dày đặc nhất thế giới hồi ấy phải cảm ơn sâu sắc luật sư Charles Pearson. Từ năm 1845 ông không ngừng cổ súy cho viễn cảnh về con tàu đi dưới đất - sáng kiến kỹ thuật táo bạo nhất của thế kỷ 19.

Ông đi vận động các nhà đầu tư, hòa giải các công ty thù nghịch với nhau, viết thư cho nhiều chính trị gia hàng đầu. Luận cứ của ông chỉ là một giấc mơ chưa hề có tiền lệ, chưa ai từng làm cái gì tương tự, và chẳng có cơ sở nào để thẩm định kỹ thuật. Nó là một hành vi sinh ra bởi tuyệt vọng. 

Lối thoát duy nhất: xuống đất 

London như cái áo chật và nứt toác mọi đường chỉ. Ông chủ thực dân lớn nhất thế giới đã biến thủ đô thành đô thị giàu nhất thế giới. Năm 1850 ở đây có hai triệu rưỡi người sống, và người tứ xứ đổ đến như thiêu thân tìm ánh sáng. Nhà cửa không tiền nào mua nổi, công nhân sống chui rúc trong các khu ổ chuột bẩn thỉu. Ra đến ngoại ô thì tiền thuê nhà rẻ đi, song giao thông công cộng kém phát triển khiến người ta chủ yếu đi bộ. Tàu hỏa lẽ ra là một giải pháp, song tầng lớp thượng lưu và điền chủ đã ép nghị viện ra một đạo luật cấm cho tàu vào nội đô. Chỉ ở mạn Nam sông Thames, vốn chủ yếu là đất của nhà thờ, mới có đủ không gian cho các công ty hỏa xa. Bờ Bắc Thames không cho phép nghĩ đến lối thoát nào khác, ngoài... chui xuống đất! 


Ga điện ngầm của công ty đường sắt Metropolitan Railway qua bản vẽ cũ 

Công ty đường sắt Metropolitan Railway (sau này tàu điện ngầm ở đại đa số các thành phố mượn tên Metro từ đây) lĩnh trách nhiệm khai sơn phá thạch. Họ quy hoạch một tuyến từ phố Farringdon đến phố Paddington theo trục Đông - Tây. Việc kiếm ra 1 triệu bảng cho dự án quá khó khăn, mãi năm 1860 mới muộn mằn diễn ra nhát xẻng đầu tiên. Trong quá trình xây dựng, công ty đường sắt luôn phải bồi thường cho các vụ kêu ca nhà nứt tường vênh, chưa kể đến hàng loạt sự cố kỹ thuật khác. 

Metropolitan Railway mở chiến dịch quảng cáo rầm rộ để đánh bóng tên tuổi, họ thường xuyên mời phóng viên các báo lớn đi tham quan những đoạn hầm đang xây. Đến hôm nay còn lưu truyền nhiều tranh khắc kim loại đẹp mắt, cho thấy hành khách vui vẻ tán gẫu trên toa mui trần, hoặc miêu tả các nhà ga thênh thang. 

Nơi dưỡng bệnh hen? 

Thực tế thì không bao giờ có các toa tàu như vậy, và đường hầm hẹp đến nỗi hầu như không còn khoảng cách giữa tàu và tường, còn không khí thì hôi hám nồng nặc mùi lưu huỳnh. Khi đường hầm đi vào hoạt động, liên tục có trục trặc kỹ thuật và người London đồn đại có nhiều vụ chết ngạt khi tàu bị ách giữa chừng! Ánh sáng trên tàu thoạt tiên chạy gas, sau này thay bằng đèn dầu leo lét. Metropolitan Railway tìm cách trốn tội bằng những lời nói dối leo lẻo, nào là than chạy nồi hơi là than cốc hảo hạng từ Durham không có lưu huỳnh, hay không khí trong hầm rất tốt, một số bệnh nhân hen suyễn ngày nào cũng đi tàu điện ngầm để dưỡng bệnh! Và nhân viên ở đây là “công nhân đường sắt khỏe mạnh nhất toàn quốc”! 

Dĩ nhiên không vì thế mà người dân ít kêu ca hơn, kết quả là công ty đường sắt trổ thêm nhiều hầm thông khí, nhập khẩu đầu tàu hiện đại của Tây Ban Nha... Tuy nhiên ở đây cũng không nên quên một chi tiết hài hước: trên tàu điện ngầm của London được phép hút thuốc! Thoạt tiên cũng cấm, nhưng ông tổ trường phái tự do tư duy là triết gia John Stuart Mill lừng danh đã có một bài thuyết trình nảy lửa trước nghị viện và kết quả là lệnh cấm bị thu hồi! Nói đi cũng phải nói lại, người London cực kỳ vui mừng được dùng kỹ thuật mới để tránh chen chúc trên mặt đất, đặc biệt là công nhân, vì họ chiếm số đông và giá vé cực rẻ. 

Ngay trong năm 1863 đã có 11,8 triệu người đi Metro, và các cổ đông kiếm bộn lãi sau vài năm đầu tư. 150 năm sau, ai xuống Metro London với những toa tàu chỉn chu màu tím, đỏ hay xanh lá cây, sẽ không nhận ra thời kỳ đầu gian khó. Với kỹ thuật khoan hiện đại, đường tàu nằm sâu 35 mét dưới mặt đất, và đầu tàu chạy điện đã được dùng từ năm 1890. 

Riêng có điểm nói dối thì hình như Metropolitan Railway chưa cải thiện được mấy: ở khu Bayswater có hai nhà bị đổ do đường hầm chạy bên dưới, lập tức công ty đường sắt xây một bức tường mặt tiền có cửa sổ giả để che số nhà 23 và 24 phố Leinster Gardens đã bị biến mất! 

Phát minh tàu điện ngầm vốn là hành vi sinh ra bởi... tuyệt vọng. 

Lê Quang 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo