Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Sống ở đâu khổ nhất thế giới?

Sống ở đâu khổ nhất thế giới?

Viết email In

Với dữ liệu từ cuốn CIA World Factbook, trang Business Insider đưa ra xếp hạng những quốc gia nơi người dân có cuộc sống khổ nhất thế giới...  

10. Syria 

Chỉ số khốn khổ (*): 51,7
Mức lạm phát giá tiêu dùng: 33,7%
Tỷ lệ thất nghiệp: 18%

Nền kinh tế Syria vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột bắt đầu vào năm 2011. Trong năm 2012, GDP của Syria suy giảm vì các lệnh trừng phạt quốc tế cũng như sản xuất và tiêu dùng trong nước cùng đi xuống. Ngoài tỷ lệ thất nghiệp gia tăng với mức tăng hơn 3 điểm phần trăm vào năm ngoái, nước này còn đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao do tỷ giá đồng Pound Syria tiếp tục suy giảm. 

9. Kosovo 

Chỉ số khốn khổ: 53,6
Mức lạm phát giá tiêu dùng: 8,3%
Tỷ lệ thất nghiệp: 45,3%

Với mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm là 7.400 USD, Kosovo là quốc gia nghèo nhất ở châu Âu. Nguồn kiều hối từ các quốc gia châu Âu khác, chủ yếu là Thụy Sỹ, Đức và các nước Bắc Âu, chiếm khoảng 18% GDP của Kosovo. Mặc dù nền kinh tế Kosovo đã cho thấy sự tiến bộ đáng kể trong việc trở thành một nền kinh tế thị trường trong mấy năm qua, tỷ lệ thất nghiệp cao vẫn là một vấn đề của quốc gia này. 

8. Nepal 

Chỉ số khốn khổ: 54,3
Mức lạm phát giá tiêu dùng: 8,3%
Tỷ lệ thất nghiệp: 46% 

Nepal là một trong những quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới, khoảng 1/4 dân số sống dưới mức nghèo khổ. Nông nghiệp là lĩnh vực chính trong nền kinh tế Nepal, chiếm hơn 1/3 GDP của quốc gia này. Xung đột dân sự, bất ổn lao động, vị trí địa lý nằm kẹt trong nội địa, và khả năng dễ chịu tổn thương trước thiên tai khiến nền kinh tế Nepal đã kém lại càng thêm kém. 

7. Namibia 

Chỉ số khốn khổ: 57
Mức lạm phát giá tiêu dùng: 5,8%
Tỷ lệ thất nghiệp: 51,2%

Phụ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên khoáng sản, Namibia xuất khẩu nhiều kim cương, uranium và vàng. Tuy nhiên, ngành khai mỏ chỉ sử dụng 3% lực lượng lao động của nước này. Do các ngành khác kém phát triển, khoảng một nửa số người lao động của Namibia lâm cảnh trong tình trạng không công ăn việc làm.

Bất bình đẳng thu nhập ở Namibia cao hàng đầu thế giới. Mặc dù là một quốc gia có GDP bình quân đầu người ở mức cao, Namibia là nước có hệ số GINI dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập vào hàng cao nhất thế giới, ở mức 70,7%. 

6. Djibouti 

Chỉ số khốn khổ: 63,3
Mức lạm phát giá tiêu dùng: 4,3%
Tỷ lệ thất nghiệp: 59%

Khan hiếm tài nguyên thiên nhiên và lĩnh vực công nghiệp còn nhỏ bé, tỷ lệ thất nghiệp ở Djibouti lên tới 59%. Lý do duy nhất khiến tỷ lệ lạm phát ở nước này thấp là đồng Franc Djibouti được neo giá vào đồng USD, khiến tỷ giá đồng tiền này cao một cách giả tạo. Sự neo buộc tỷ giá này khiến Djibouti gặp nhiều khó khăn trong thanh toán các khoản nợ. 

5. Turkmenistan 

Chỉ số khốn khổ: 70,5
Mức lạm phát giá tiêu dùng: 10,5%
Tỷ lệ thất nghiệp: 60%

Lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 8% GDP của Turkmenistan, nhưng sử dụng tới một nửa lực lượng lao động của nước này. Turkmenistan phải đối mặt với tình trạng tham nhũng tràn lan và năng lực điều hành yếu kém của Chính phủ.

Trước mắt, tình hình của nước này chưa có gì sáng lên. Theo CIA Factbook, “triển vọng nói chung trong tương lai gần là đáng thất vọng vì nạn tham nhũng phổ biến, một hệ thống giáo dục nghèo nàn, Chính phủ sử dụng không hợp lý nguồn thu từ dầu khí và cũng không muốn áp dụng các cải cách kinh tế theo hướng thị trường”. 

4. Belarus 

Chỉ số khốn khổ: 71
Mức lạm phát giá tiêu dùng: 70%
Tỷ lệ thất nghiệp: 1%

Một cuộc khủng hoảng tài chính đã nổ ra ở Belarus vào năm 2011 sau khi Chính phủ nước này tăng lương trực tiếp những không phù hợp với các xu hướng về năng suất. Trong cuộc khủng hoảng này, Belarus đã nhận được hàng tỷ USD viện trợ từ quỹ giải cứu cộng đồng kinh tế Á-Âu do Nga hậu thuẫn và ngân hàng quốc doanh Sberbank của Nga, cộng với tiền bán lại công ty Beltranzgas với giá 2,5 tỷ USD cho cho tập đoàn quốc doanh Nga Gazprom. Tuy nhiên, đồng Ruble của Belarus đã mất giá 60% trong năm 2012 và hiện vẫn đang giảm giá.

Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp của Belarus vào hàng thấp nhất thế giới, chỉ ở mức 1%, vì khoảng 50% lực lượng lao động của nước này làm việc cho Chính phủ. 

3. Burkina Faso 

Chỉ số khốn khổ: 81,5
Mức lạm phát giá tiêu dùng: 4,5%
Tỷ lệ thất nghiệp: 77%

Burkina Faso có dân số đông nhưng lại rất sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên rất hạn chế. Nền kinh tế nước này vì thế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, trồng bông và khai thác vàng. Hiện nay, kinh tế Burkina Faso đang tiếp tục chịu ảnh hưởng từ trận hạn hán nghiêm trọng vào năm 2011 khiến đất đai và mùa màng bị phá hủy. Ngoài ra, nước này cũng phải đương đầu với tỷ lệ thất nghiệp cao ngất.

Mặc dù vậy, tình hình ở Burkina Faso hiện đã khá hơn trước kia. Cuốn CIA Factbook viết: “Nguy cơ xảy ra một cuộc di cư lớn của 3-4 triệu người Burkina Faso làm việc ở Cote D’Ivoire đã giảm. Các kết nối về thương mại, điện và giao thông cũng đang được thiết lập trở lại”. 

2. Liberia 

Chỉ số khốn khổ: 90,5
Mức lạm phát giá tiêu dùng: 5,5%
Tỷ lệ thất nghiệp: 85%

Liberia là một nước thu nhập thấp phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn viện trợ từ nước ngoài. Nền kinh tế nước này chịu ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh dân sự và năng lực điều hành yếu kém của Chính phủ. Năm 2010, Liberia nghèo đến nỗi khoản nợ quốc tế 5 tỷ USD của nước này được xóa vĩnh viễn. Kinh tế Liberia đã tăng trưởng nhanh trong 2 năm qua, nhưng đó chủ yếu là kết quả của việc nước này giàu tài nguyên thiên nhiên và giá hàng hóa cơ bản thế giới tăng. Đó là lý do vì sao mà có tới 85% lực lượng lao động của Liberia không có việc làm. 

1. Zimbabwe 

Chỉ số khốn khổ: 103,3
Mức lạm phát giá tiêu dùng: 8,3%
Tỷ lệ thất nghiệp: 95%

Các nhà lãnh đạo chính trị của Zimbabwe hầu như không đạt được nhất trí về bất kỳ vấn đề then chốt nào trong Chính phủ suốt mấy năm qua. Tăng trưởng kinh tế của Zimbabwe thì đang chậm lại do mùa màng thất bát và nguồn thu thấp từ lĩnh vực kim cương. Theo CIA Factbook, Chính phủ Zimbabwe vẫn phải đối mặt với những vấn đề kinh tế khó khăn, bao gồm những yếu kém về cơ sở hạ tầng và luật pháp, bất ổn chính trị, gánh nặng nợ nước ngoài, tình trạng thiếu việc làm…

Tỷ lệ thất nghiệp của Zimbabwe hiện được ước tính ở mức khoảng 95%, cho dù CIA Factbook cho rằng, mức thất nghiệp thực tế của nước này là “không thể biết được” dưới những điều kiện kinh tế hiện nay. Mặc dù tỷ lệ lạm phát hiện đã ổn định, Zimbabwe đã có lúc trải qua một giai đoạn siêu lạm phát trong thời gian từ 2003-2009. 

Chú thích: (*) Chỉ số khốn khổ (Misery Index), do kinh tế gia Arthur Orkum sáng lập, dùng để đánh giá mức độ nghèo khó của một quốc gia trên cơ sở phép tính tổng tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát. Chỉ số này càng cao, mức độ nghèo khổ của quốc gia đó càng lớn. 

An Huy 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo