Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Bảo tồn di sản - Bài học kinh nghiệm từ các nước

Bảo tồn di sản - Bài học kinh nghiệm từ các nước

Viết email In

Di sản quốc gia và di sản thế giới đều là những kho báu nhân loại. Ở một chừng mực nào đó, trên thế giới cũng có nhiều bài học thành công hoặc thất bại liên quan đến vấn đề di sản. Sau đây là một số ví dụ điển hình mà chúng ta nên tham khảo để rút kinh nghiệm từ những bài học của các nước trên thế giới nhằm tránh những điều đáng tiếc xảy ra trên con đường định hướng của bảo tồn di sản.  

Kinh nghiệm của Hàn Quốc: Xây dựng thương hiệu qua di sản quốc gia 

Hàn Quốc luôn nhận thức được tầm quan trọng của các di sản trên đất nước mình và không ngừng nỗ lực bảo vệ, nâng cao nhận thức về giá trị các di sản này. Mỗi di sản đều được Chính phủ xác định là tài sản và báu vật của quốc gia và địa phương. Chính phủ Hàn Quốc hiện đã và đang rất nỗ lực nâng cao vị thế và hình ảnh của Hàn Quốc như một phần của “Sáng kiến Xây dựng Thương hiệu Quốc gia” thông qua việc phát huy các di sản vật thể và phi vật thể. 

Có ai tới Hàn quốc mà không được giới thiệu về giá trị kiến trúc của Cung Gyeongbok – niềm tự hào của kiến trúc cung điện phương Đông; di sản những phản gỗ Tripitaka Koreana (dùng để in kinh Phật) và Janggyeongpanjeon (một địa danh cổ xưa lưu giữ những tấm phản gỗ này), đền Haeinsa, tạ đình Gyeongsangnam-do, miếu thờ Jongmyo và Cung Changdeokgung ở Seoul, pháo đài Hwaseong tại Suwon; Di sản phi vật thể như món Kim chi, hồng sâm, linh chi…tất cả đều được thế giới biết đến. 

Chính phủ Hàn quốc luôn tổ chức định kỳ các sự kiện ở từng địa phương nhằm xúc tiến chương trình nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp xã hội, tạo điều kiện cho toàn dân hiểu về giá trị của đất nước mình để người dân thấm nhuần những gì mình đang có, tôn vinh và nghiêm khắc trong ứng xử với di sản của quốc gia. Chính quyền địa phương luôn tổ chức các cuộc thi sáng tác, thi viết phóng sự các hoạt động liên quan đến công tác bảo tồn di sản... Cùng với các cuộc thi này, nhiều hoạt động thực tế cũng như các bài giảng, đào tạo được đưa đến thanh niên, giúp cho họ hiểu được sự tuyệt vời và tầm quan trọng của di sản vật thể và phi vật thể của quốc gia và từ đó có ý thức tuyên truyền cho cộng đồng quốc tế. Hầu như bất kỳ đại sứ quán nào của Hàn quốc trên thế giới cũng mang đậm tinh thần “Hàn quốc và di sản Hàn quốc”.


Kinh nghiệm của Ấn Độ - bước đầu thành công 

Chính phủ Ấn Độ rất quan tâm đến việc nhận diện các di sản tồn tại dưới nhiều dạng thức vật thể và phi vật thể vì coi tất cả đều có giá trị lớn của quốc gia. Nhận thức được các di sản sẽ mất đi ý nghĩa và sự truyền đạt thông tin cho các thế hệ tương lai một khi bị hư hại bởi tác động của thiên tai cũng như hoạt động của con người, vì vậy Chính phủ coi việc bảo tồn di sản phải có hành động nghiêm túc và đã lập nên nhiều chiến lược cụ thể, dành kinh phí đáng kể cho quá trình này.

Với nỗ lực để New Delhi được công nhận là Thành phố Di sản Thế giới của UNESCO, Chính phủ Ấn Độ đã tiến hành không biết bao nhiêu chương trình và chiến dịch thúc đẩy xây con đường di sản kết nối hơn 30 di tích lịch sử tại thành phố Thủ đô này với nhau. Bên cạnh đó, việc xây dựng các tuyến phố đi bộ, tuyến phố dành cho những đặc sản địa phương được đặc biệt chú trọng. Đây cũng là nỗ lực đầu tiên của Ấn Độ nhằm giúp New Delhi đủ điều kiện để được trao tặng danh hiệu Thành phố Di sản Thế giới của UNESCO. Con đường Di sản Dehli sẽ kết nối ít nhất 30 di tích lịch sử lớn nhỏ trong thành phố với nhau, nhằm đưa New Delhi vào danh sách 200 thành phố di sản thế giới trong nỗ lực bảo tồn thành phố 1.000 năm tuổi có bề dày về văn hóa và lịch sử này của Chính phủ Ấn Độ. 


Kinh nghiệm đau xót từ nước Ý: Mất di sản do quá phụ thuộc vào kinh tế 

Pompeii, thành phố từng bị chôn vùi trong trận phun trào của núi lửa Vesuvius vào năm 79 sau Công nguyên, hiện là một trong những điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất thế giới, khoảng 3 triệu lượt khách mỗi năm. Tuy nhiên trong năm 2010, một số bức tường cổ cùng một ngôi nhà cổ từng được các võ sĩ giác đấu sử dụng tại Pompeii đã đổ sập. Mưa lớn được cho là nguyên nhân tàn phá các kiến trúc hơn 2.000 năm tuổi này. Nhưng nguyên nhân sâu sa làm dấy lên tranh cãi về việc bảo tồn các di sản ở nước này là gì? Và đây cũng là bài học đáng để nhiều nước trên thế giới lưu tâm. 

Theo Cựu lãnh đạo khu Pompeii, việc bảo tồn không được Chính phủ thực hiện hợp lý. Việc cắt giảm mạnh tay nguồn ngân sách từ 9,2 tỉ USD xuống còn 6,6 tỉ USD làm giảm việc giữ gìn, bảo tồn khu di tích. Ông Maurizio Quagliuolo - Tổ chức Herity cũng khẳng định “vấn đề là chính phủ không hiểu rằng bảo tồn di sản văn hóa không nên được xem là một điều xa xỉ trong thời buổi khủng hoảng tài chính, mà phải là một phần cơ bản của sự hồi phục kinh tế”. 

Các khu di tích ở Ý góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, mang lại doanh thu hỗ trợ các dịch vụ của nhà hàng, khách sạn, du lịch, giao thông...Vậy mà chính phủ Ý đã có lúc xem nhẹ và để cho những di tích ấy phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế nước nhà. 


Kinh nghiệm Trung Quốc – lỗ lớn trong nỗ lực đi tìm danh hiệu Di sản Thế giới

Mãi đến năm 1985 Trung Quốc mới chính thức gia nhập Công ước di sản thế giới, nhưng đến nay đã có 40 di sản thế giới, chỉ đứng sau Ý và Tây Ban Nha. Hiện Trung Quốc có khoảng 200 hồ sơ xin UNESCO công nhận di sản thế giới. 

Sau khi được công nhận di sản thế giới, hầu hết các địa phương đều tăng giá vé vào tham quan, nguồn thu từ vé tăng lên chóng mặt, chiếm 80-90% thu nhập của các khu di sản. Thành phố cổ Bình Dao, tỉnh Sơn Tây, sau khi được công nhận di sản văn hóa thế giới, năm 1998 nguồn thu từ vé tham quan của thành phố cổ từ 180.000 NDT vọt lên 5 triệu NDT, tăng gấp 30 lần. Những con số này đã khiến các địa phương thi nhau xin công nhận di sản thế giới và thay vào đó là những khoản đầu tư lớn và thời gian chờ đợi quá lâu. Đầu tư lỗ là điều các địa phương không lường trước khi lập hồ sơ xin công nhận di sản thế giới. Trường hợp Ngũ Đài Sơn, tỉnh Sơn Tây, sau khi được công nhận di sản đã tụt giảm hơn 200 triệu NDT doanh thu từ du lịch năm 2008 so với năm 2006. Năm 2007, Lệ Ba, tỉnh Quý Châu, được công nhận di sản thiên nhiên thế giới sau 12 năm nỗ lực, nhưng cái giá phải trả quá đắt: nợ đến 200 triệu NDT. Tương tự, kiến trúc Điêu Lâu ở Quảng Châu được công nhận vào năm 2007, nay chính quyền đang đau đầu về chi phí hàng trăm triệu NDT để bảo tồn. 

Khánh Phương 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo