Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Hồng Kông, thành phố không có nền đất

Hồng Kông, thành phố không có nền đất

Viết email In

Hết dặm này tới dặm khác, bạn có thể đi bộ khắp thành phố Hồng Kông mà không lúc nào đặt chân xuống nền đất. Suốt cả ngày, bạn có thể đi khắp mọi nơi bạn cần phải đi, giải quyết bất kỳ việc gì bạn cần làm, tách biệt khỏi đường phố và bên ngoài thành phố. Điều này có thể thực hiện được nhờ mạng lưới đường đi bộ trên cao và đường hầm dưới lòng đất đã dần dần phát triển trong thành phố suốt 50 năm qua.  

Đó là một dịch vụ công cộng dành cho người đi bộ phổ biến nhanh chóng, kết nối người dân với một loạt các phương tiện giao thông vận tải của thành phố bờ cảng. Và như một cuốn sách sắp xuất bản cho rằng, đây cũng là một kiểu không gian công cộngmới và là một hình thức xây dựng thành phố mới. Cuốn "Cities Without Ground: A Hong Kong Guidebook" (Những thành phố không có nền đất: Cẩm nang du lịch Hồng Kông), sắp được xuất bản vào tháng 9 tới bởi công ty kiến trúc ORO Editions, cho chúng ta nhìn thành phố này qua ống kính từ đường đi bộ trên cao và dưới mặt đất, hình thành các bản đồ đầu tiên về mức độ và sự đa dạng của hệ thống đường đi bộ này. 

Cuốn sách được viết bởi nhóm tác giả Adam Frampton, Jonathan D. Solomon và Clara Wong, là những kiến trúc sư và học giả đã dành nhiều thời gian sống và làm việc tại Hồng Kông, cung cấp toàn diện tài liệu về lối đi bộ qua các bản vẽ chi tiết và các mô hình 3D, chủ yếu là hình ảnh, thể hiện một hình thức chỉ dẫn khác về thành phố, hướng dẫn làm thế nào để có thể đi lại được trong mạng lưới đường này và chúng đã phát triển như thế nào, bất chấp quy hoạch hay thiết kế chi tiết chính thức.


Bản đồ hiển thị mạng lưới đường dành cho người đi bộ (đường màu đen) nằm bên trên mạng lưới đường phố (đường màu xanh) của các khu vực đô thị ở Hồng Kông.

"Đây là một trải nghiệm đô thị thú vị", ông Solomon - Phó hiệu trưởng Trường Kiến trúc tại Đại học Syracuse nói, "bạn luôn luôn được biến chuyển từ dưới mặt đất lên trên mặt đất, từ phía bên trong ra bên ngoài, từ có điều hòa sang không có điều hòa, từ công cộng sang tư nhân, và chiều hướng liên tục đi từ không gian lớn sang không gian chật hơn."

Các lối đi bộ rất khác nhau vì chúng được xây dựng tại các thời điểm khác nhau bởi những người khác nhau. Đường đi bộ đầu tiên được xây dựng vào những năm 1960 bởi công ty Hongkong Land, một trong các nhà đầu tư chính trong khu vực, để kết nối một khách sạn cao cấp với tầng hai của một trung tâm mua sắm. Dần dần, họ bắt đầu thấy rằng có thể cho thuê không gian lối đi bộ đến tầng hai khu bán lẻ trong trung tâm mua sắm với giá bằng hoặc thậm chí cao hơn không gian tầng trệt, do đó, các công ty bắt đầu xây dựng ngày càng nhiều đường đi bộ hơn kết nối các dự án của họ.

"Sau đó chính phủ đã nhận thấy điều đó và cho rằng đây có vẻ là một cách tốt giúp lưu thông lượng người không đi lại bằng ô tô. Vì vậy, họ bắt đầu xây dựng cầu để liên kết các bến phà, xe lửa và xe buýt và tất cả mọi thứ với trung tâm thành phố," Solomon cho biết.


Mạng lưới đường đi bộ xung quanh nhà ga trung tâm cho biết số lượng các đường đi, các điểm liên kết khác nhau và một số cảnh quan có thể nhìn thấy ở đó như: "Louis Vuitton", "Fake Louis Vuitton", "Khúc tung hứng ngày chủ nhật ở bưu điện", "Người đánh giày", "điểm hội tụ du lịch."



Khu vực tô màu hồng và hồng nhạt là những lối đi bộ công cộng. Khu vực màu cam và màu vàng là một phần của trạm xe lửa chỉ dành cho khách hàng trả tiền. Cột và đường màu xanh là lối đi bộ, cầu thang và thang máy di chuyển. Đường màu xanh lá cây là đường xe lửa.

Những đoạn đường đi bộ và không gian hữu dụng là những điểm kết nối xuyên suốt các khu vực đông đúc nhất và khu trung tâm thành phố. "Nó là một phần của công trình tư nhân, một phần của công trình công cộng, một phần đường phố của thành phố, một phần chân cầu, một phần của nhà ga xe lửa, hành lang công ty, khách sạn…Tất cả kết nối với nhau một cách đặc biệt thành một không gian công cộng liền mạch," Solomon nói.

Tất cả diễn ra một cách ngẫu nhiên, không có kế hoạch, và kết quả thật bất ngờ. Solomon gọi đó là một đô thị không theo khuôn mẫu. Ông phát biểu: “Đây là kết quả của sự kết hợp giữa quy hoạch tổng thểcủa chính phủ và diễn biến cụ thể của thị trường. Kết quả này sẽ không đạt được nếu không có sự tham gia của các bên liên quan khác".

Nếu một nhà đầu tư bất động sản hoặc chính phủ đóng cửa khu vực hoạt động của nó, hệ thống đường đi bộ sẽ ngừng hoạt động. Vì vậy, khi đó không có ai làm việc và những đám đông vẫn tiếp tục lưu chuyển và bị quá tải. Các lối đi bộ gần các nhà hàng được dùng làm nơi tiếp khách, và cửa hàng sửa chữa nằm dọc đường đi cũng đổ bộ vào khu vực này. Mọi người ngồi và chơi game, hoặc tổ chức các cuộc biểu tình chính trị hay trưng bày triển lãm nghệ thuật. Cuốn sách "Những thành phố không có nền đất" cho thấy việc tất cả các hoạt động này diễn ra một cách tự phát không có kế hoạch thể hiện một kiểu không gian công cộng mới đang phát triển. Không gian này mới và khác với các trung tâm mua bán, quảng trường mà người phương Tây thường nghĩ là không gian đô thị công cộng.

“Bất kì hoạt động nào bạn muốn tìm trên đường phố và quảng trường công cộng, bạn sẽ tìm thấy ở bất cứ đâu trong mạng lưới lối đi bộ này,” ông Solomon nói.

Vào chủ nhật, hàng ngàn người lao động nước ngoài và trong nước cùng nhau tụ họp vào ngày nghỉ hàng tuần của họ ở một số những khu vực đó. Họ ngồi thành hàng dài, hoặc nằm trên nền bê tông, trò chuyện, ăn uống, ngủ, và cả khâu may, giống như một sinh hoạt tập thể trong những buổi dã ngoại tại chỗ. Nếu không có quyền cư trú chính thức, họ rời khỏi phòng trọ vào ngày chủ nhật để biến không gian công cộng của khu vực hành chính đặc biệt này phòng khách của họ.

Ngay cả những người biểu tình phong trào “Occupy Wall Street” của Hồng Kông cũng tụ tập ở khu vực này, họ ngồi ở tiền sảnh của tòa nhà ngân hàng HSBC. Các không gian công cộng của thành phố không hoàn toàn chung cũng không hoàn toàn riêng tư. Salomon cho rằng những lối đi bộ là những khu vực cực kỳ sôi động của thành phố, thể hiện một phương thức tạo ra không gian hữu dụng mới trong thành phố. Các bản đồ ở cuốn sách "NhữngThành phố không có nền đất" nhằm cho thấy sự lộn xộn và không theo khuôn mẫu của hệ thống của lối đi bộ này. Nó cũng quan trọng đối với Hồng Kông như những lối đi bộ và không gian công cộng của những thành phố khác.

"Những mạng lưới giao thông này hoạt động đầy đủ chức năng như trên mặt đất, nhưng trong không gian ba chiều," Solomon nói, "và chúng đang ngày càng khó hình dung hơn."

Nate Berg (The Atlantic Cities) - Hà Ly (dịch)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo