Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Venice, cả thành phố là nấm mồ

Venice, cả thành phố là nấm mồ

Viết email In

Venice hay Venezia - hiếm có địa danh nào gợi lên nhiều liên tưởng lãng mạn và huyền hoặc như vậy, gọi tên ra là người ta nghĩ đến những chiếc thuyền cong vút len lỏi qua các kênh rạch chằng chịt của thành phố trên nước, hình dung ra những mặt nạ bí hiểm vào dịp lễ hóa trang, hay ít nhất cũng nhớ lại vô vàn bộ phim lấy nơi này làm bối cảnh... Nhưng Venezia còn có một lịch sử bi ai với hơn 20 lần bị dịch hạch tàn phá.

Thời hồng hoang của y học

Thần Chết đến theo đường thủy. Hắn lên boong ở hải cảng Caffa của Hắc Hải và theo các thương thuyền hay chiến thuyền Genova đi về phía mặt trời lặn, đầu tiên cập cảnh Sicilia, sau đó đến Genova và Venezia.

Tháng Hai hoặc tháng Ba năm 1348, khi những con thuyền đồ sộ buông neo, không ai nghĩ đến tai họa chết chóc ẩn trong những khối hàng dưới bụng tàu. Trong khi đó, mới chỉ một năm trước thôi, bệnh dịch hạch đã quét một dọc chết chóc qua Constantinopoli và hầu hết các thành phố cảng ở bờ Tây Địa Trung Hải. Nạn nhân mọc lên những bọc mủ sẫm màu ở bẹn, sau tai hay dưới nách, sốt dữ dội, kiệt sức rồi chết như ngả rạ.

Nhưng y học thời Trung cổ chưa biết gì về các đường lây nhiễm, lại càng chưa nhìn được vi trùng dịch hạch được chuột và rệp phát tán. Thầy thuốc Hippocrates, đến nay vẫn được coi như ông tổ ngành y, cho rằng bệnh tật sinh ra từ sự mất cân bằng của các dịch lỏng trong cơ thể. Trời nóng, độ ẩm cao và không khí tù hãm thì sinh ra dịch...

Tiết trời mùa Xuân 1348 thì lại đẹp lạ thường, khi các công nhân xô vào bốc dỡ hàng và đám thủy thủ đổ lên bờ để biến chỗ lương vừa kiếm được thành rượu và gái. Theo hàng hóa, chuột và rận rệp đổ bộ vào Venezia, đúng lúc dân tình ở đây sau vụ mùa thất thu đang sa vào đói kém. Và những gì chỉ nghe truyền miệng từ Constantinopoli, nay xuất hiện khắp Venezia. “Dịch hạch không phân biệt giàu nghèo, những người chết đầu tiên thậm chí còn là thành phần khả kính được bầu vào hội đồng thành phố, thẩm phán, công chức, sau đó đến những người thế chỗ họ. Cho đến tháng Năm thì quảng trường, nhà thờ, công viên đã chất đầy xác chết", như nhà chép sử Lorenzo de Monacis sau đó một năm ghi lại từ lời của các cư dân Venezia sống sót.

Mồ tập thể ngay dưới vỉa hè

Venezia không phải đô thị duy nhất ở châu Âu, mà đồng thời cả Genova, Lucca, Pisa và chẳng bao lâu sau đó là Napoli và Firenze đến lượt bị dịch hạch tấn công. Từ đó, căn bệnh lan đến Trung Âu và Bắc Âu. Nhưng thành phố thơ mộng này gánh phần bi thương nhất. Riêng trong năm 1348-1349 hàng vạn cuộc sống bị cướp đi. Đây là một cuộc chiến dai dẳng giữa vi trùng dịch hạch và nhà chức trách của nước Cộng hòa Venezia. Thoạt tiên thành phố hầu như không có cơ may chống đỡ. Người dân chết nhiều và nhanh quá, khiến nghĩa địa hết chỗ, phải chôn xác ngay trong nhà và thậm chí đào mồ tập thể dưới vỉa hè.

Các thầy thuốc không biết trị liệu nào ngoài rạch các bọc mủ để rửa bằng giấm, và bản thân cũng bị lây. Họ khuyên ăn kiêng và cấm bệnh nhân tắm để khí độc không thâm nhập qua da! Những ai còn khỏe thì chạy trốn khỏi miếng đất dữ dằn ấy, sau khi hơn 300 bác sĩ và nhân viên từ thiện của nhà thờ bỏ mạng.


Dịch hạnh biến Venezia thơ mộng trở thành thành phố đầy bi thương

Chính quyền thành phố ngoan cường kháng cự. Cuối tháng Ba, một ủy ban ba người Savi (thông thái) được thành lập để thảo kế hoạch di tản các bệnh nhân nặng nhất sang đảo San Marco và San Leonardo Fossamala cũng như hai đảo khác để cách ly. Gia quyến nếu muốn đi theo chăm sóc người ốm thì phải ở lại đảo, và phần nhiều cũng chết theo. Xác chết - theo Lorenzo - và cả những người hấp hối, được chôn ngay lập tức, sâu hơn 5 bộ. Cuộc sống Venezia, nếu còn được gọi là cuộc sống, nay chỉ còn là đi chôn người chết từ sáng đến tối. Giá cao nhất phải trả là những người phu mộ và thủy thủ đưa người ốm ra đảo; Lorenzo kể lại, sau khi bị lây bệnh nhân thường không sống nổi quá 70 giờ.

Những cố gắng trong tuyệt vọng

Ngày 12/6, Đại hội đồng Venezia tuyên bố không đủ người để ra nghị quyết, vì hầu hết đã chết hoặc bỏ thành phố ra đi. Ít nhất thì chính quyền còn đủ sức xiết chặt luật, cấm người lạ vào thành phố, phạt nặng các tàu chở khách đi qua. Tháng 8/1348, trong cơn tuyệt vọng, người ta còn ra luật cấm người dưới 50 tuổi mặc đồ tang, nhằm xua đuổi không khí tà ám khỏi thành phố nặng màu chết chóc. 

Vì lý do mà cho đến nay không ai biết, cuối hè 1348 dịch hạch biến đi đột ngột như khi nó đến. Có thể những người còn sống đã đủ kháng thể trong máu để trơ lì với bệnh tật? Nhưng, dịch bệnh này đã làm cho thành phố hết người, kinh tế lụn bại, Cộng hòa Venezia chi nhiều hơn thu. Năm 1350, khi có chiến tranh với Genova (cũng là nạn nhân của dịch hạch), lần đầu tiên trong lịch sử của mình Venezia phải lập một đội quân đánh thuê vì hết đàn ông!

Năm 1423 Venezia lập ra Lazzaretto Vecchio, bệnh viện trị dịch hạch thường xuyên đầu tiên trên thế giới với hơn 100 phòng. Cũng phải nói thêm rằng, đây là một cơ sở từ thiện, tiễn đưa bệnh nhân những ngày cuối đời, vì ai đến đây thì hầu như không quay về. Năm 1468, do hết chỗ, thành phố mở thêm trạm cách ly mới là Lazzaretto Nuovo. Người lạ bị đưa về đây 30-40 ngày để theo dõi trước khi được phép vào thành phố.

May trong rủi

Điều may mắn lớn nhất trong thảm họa này là, ngày ấy và cho đến tận đầu thế kỷ 21, Venezia có một cơ chế gương mẫu phòng chống dịch bệnh, đi đầu châu Âu. Năm 1485 Venezia lập ra cơ quan phụ trách y tế Magistrato della Sanità, gồm 3-5 công chức có quyền hạn rất lớn. Họ đề ra một loạt biện pháp tìm ra người ốm, di tản đến trạm cách ly, lập hồ sơ từng trường hợp tử vong với diễn biến cụ thể. Thậm chí người chết phải được con cái cởi hết quần áo rồi khiêng ra trước cửa để khám xem có phải chết do dịch hạch - nỗi sợ bệnh dịch khủng khiếp đã làm con người quên đi mọi xấu hổ và lòng thành kính với người qua đời. Các nhà có người ốm bị đánh dấu chữ thập, cư dân không được phép ra cửa để tránh lây lan.  

Mọi nỗ lực rồi cũng được đền bù, ngày 13/7/1577 Hội đồng thành phố tuyên bố đã thoát hẳn dịch hạch, và tạ ơn Chúa bằng một nhà thờ mới, Il Redentore. Có thể Chúa đã hài lòng, cũng có thể ngẫu nhiên, nhưng đúng là đến tận 1630 Venezia được Thần Chết nương tay, cho đến khi con sóng chết chóc thứ ba ập đến và giết chết một phần ba dân số Venezia. Mãi đến thế kỷ 18, nhờ khoa học phát triển mà nhân loại thoát được một cơn ác mộng, không chỉ ở Venezia, để hôm nay mỗi khi bước chân qua cầu Than Thở người ta không phải chạnh lòng khi nhớ về lịch sử. 

Lê Quang


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo