Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Hợp tác công-tư trong lĩnh vực nhà ở, công trình công cộng tại Liên bang Nga

Hợp tác công-tư trong lĩnh vực nhà ở, công trình công cộng tại Liên bang Nga

Viết email In

Trong lĩnh vực xây dựng nhà ở và công trình công cộng, phương thức hiệu quả nhất để giải quyết là hình thức hợp tác công-tư, trong đó cho phép khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình phát triển lĩnh vực dịch vụ xã hội. 

Cần phải hiểu rằng khả năng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân chỉ khả thi khi họ kỳ vọng có được các điều kiện sau: 

- Thu được lợi nhuận đầu tư dài hạn, được sử dụng kinh nghiệm và kỹ năng quản lý hiệu quả công trình hạ tầng kỹ thuật; 
- Gia tăng kích thích vật chất để đảm bảo hiệu qủa của hoạt động trong lĩnh vực công trình công cộng; 
- Đảm bảo đủ vốn đầu tư và cân đối các khoản đầu tư đó; 
- Kêu gọi các nguồn tài chính bên ngoài. Thông thường phân chia thu nhập giữa chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật hay đại diện ủy quyền của họ và đơn vị quản lý tư nhân trong hợp tác công-tư. 

Trong đó, sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân trong trường hợp này không có nghĩa là chính quyền địa phương từ bỏ trách nhiệm cung cấp dịch vụ. Chính quyền địa phương chịu mọi trách nhiệm về cung cấp dịch vụ không phụ thuộc vào việc trách nhiệm này được chuyển giao hoàn toàn hay chuyển giao một phần cho Bên thứ Ba nào đó (tổ chức tư nhân, địa phương hay nhà nước). 

Mô hình hợp tác công-tư là tổ chức do cơ quan nhà nước (tỉnh hay địa phương) và khu vực kinh tế tư nhân thành lập với mục đích cung cấp các dịch vụ hay tài nguyên trong lĩnh vực nhà ở-công trình công cộng hay cho xã hội. Mục tiêu của thỏa thuận giữa họ là cung cấp dịch vụ hay là tài nguyên cho người sử dụng cuối cùng với giá thành và hiệu qủa thấp hơn bất kỳ một trong các tổ chức nêu trên nếu tự mình thực hiện. 

Tổ chức kinh tế như vậy sẽ phải phân bổ rủi ro một cách hợp lý giữa doanh nghiệp tư nhân và các cơ quan chức năng Nhà nước dựa trên năng lực quản lý rủi ro của mỗi đơn vị và đảm bảo cho mỗi Bên thu được lợi nhuận đủ bù đắp được rủi ro. 

Yếu tố quan trọng nhất của hợp tác công-tư là việc ký kết hợp đồng giữa các cơ quan chức năng nhà nước hay cơ quan chính quyền địa phương và nhà đầu tư tư nhân phải dựa trên cơ sở phân bổ rủi ro giữa các khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân. Phụ thuộc vào việc phân bổ các rủi ro vận hành, rủi ro kinh doanh và rủi ro đầu tư người ta lựa chọn hình thức của Hợp tác công-tư: hợp đồng dịch vụ, hợp đồng quản lý, hợp đồng thuê, hợp đồng hợp tác công-tư PPP. 

Hợp đồng dịch vụ thu hút sự tham gia của các nhà thầu khác nhau, thông thường họ được chọn lựa trên cơ sở đấu thầu để cung cấp các dịch vụ sửa chữa lớn hệ thống kỹ thuật và máy móc trang thiết bị, lắp đặt và phục vụ thiết bị đo, đây là hình thức đơn giản nhất của mô hình hợp tác công–tư.

Nội dung của hợp đồng:

* Phần lớn các dịch vụ do người của các doanh nghiệp chính quyền địa phương trực tiếp thực hiện, trong đó tài nguyên các dịch vụ này sẽ do các nhà thầu tư nhân cung cấp. Các nhà thầu tư nhân được thuê thường xuyên hay thuê tạm thời thông qua hợp đồng dịch vụ để ràng buộc một số trách nhiệm nhất định; trình tự sử dụng, kiểm tra, quản lý và thanh toán cho nhà thầu tư nhân điều tiết trên cơ sở các điều kiện được quy định trong hợp đồng cung ứng dịch vụ. Cần phải nhấn mạnh những điểm chính sau đây.

Chính quyền địa phương:
- giữ nguyên quyền sở hữu tất cả các công trình và hạ tầng kỹ thuật;
- chịu trách nhiệm thanh toán;
- chịu mọi rủi ro kinh doanh;
- chịu trách nhiệm thực hiện tất cả các loại hình hoạt động liên quan đến việc quản lý chung, kế hoạch hóa và phát triển.

* Nhà thầu tư nhân chỉ chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu, quản lý nhân lực và quản lý tài nguyên của mình một cách có hiệu quả nhất.
Hợp đồng dịch vụ đóng vai trò đặc biệt quan trọng để phát triển cạnh tranh, giảm giá thành và nâng cao chất lượng dịch vụ người dân của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp chính quyền địa phương. Tuy vậy hợp đồng dịch vụ được đánh giá chỉ là tiền đề để hình thành các quan hệ đối tác thực sự giữa các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân bởi vì trong hợp đồng dịch vụ không thể hiện nhà nước gánh chịu các rủi ro.

Hợp đồng quản lý. Công ty quản lý trong lĩnh vực công trình công cộng là những công ty quản lý tài sản nhà nước hay tài sản chính quyền địa phương, chịu mọi rủi ro liên quan đến vận hành và đảm bảo ổn định hoạt động của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cũng như chịu trách nhiệm về các vấn đề quản lý công tác thiết kế, xây dựng, hệ thống kỹ thuật và được trả phí quản lý hoặc là theo một hình thức cố định, hoặc là theo kết quả hoạt động kinh doanh được quy định trong hợp đồng. Hình thức hợp tác công-tư như thế được thể hiện dưới dạng hợp đồng quản lý lý ủy quyền tài sản hệ thống hạ tầng kỹ thuật thuộc sở hữu của chính quyền địa phương, cũng như dưới dạng hợp đồng quản lý ủy quyền cổ phiếu của công ty cổ phần được thành lập trên cơ sở doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp chính quyền địa phương tự hạch toán.

Chính quyền địa phương hay doanh nghiệp với tư cách chủ sở hữu quỹ tài sản chịu các trách nhiệm toàn bộ sau đây: thuê toàn bộ nhân viên, kể cả những nhân viên chuyển công tác hoặc được bổ nhiệm làm việc dưới sự điều hành trực tiếp của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện công tác kiểm tra kiểm soát chung và quản lý hợp đồng, đảm bảo phù hợp chất lượng tất cả các dịch vụ cung cấp đã cam kết hợp lý và đạt được mục tiêu đề ra. Yếu tố quan trọng là phải đáp ứng được các nhu cầu vốn đầu tư theo yêu cầu của doanh nghiệp tư nhân, thí dụ yêu cầu vốn đầu tư để thay thế hoặc hiện đại hóa trang thiết bị máy móc v.v… lập kế hoạch chiến lược phát triển dài hạn, kể cả khi doanh nghiệp tư nhân phụ thuộc vào điều kiện cung cấp dịch vụ được quy định tại hợp đồng thuê chuyên gia bên ngoài để soạn thảo chiến lược trên.

Doanh nghiệp tư nhân chịu các trách nhiệm sau đây: quản lý tất cả các phòng ban liên quan đến vận hành khai thác, kiểm toán, tính toán giá thành, phục vụ khách hàng và sửa chữa kỹ thuật; đảm bảo đủ các nguồn lực cần thiết (thí dụ như đảm bảo đủ số lượng kỹ thuật viên và chuyên gia lành nghề trong lĩnh vực quản lý, sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên dụng). Nhà đầu tư tư nhân có thể chịu trách nhiệm xuất hóa đơn và thu tiền của người sử dụng dịch vụ. Mọi khoản thanh toán thu được sẽ chuyển vào tài khoản của doanh nghiệp chính quyền địa phương. 

Thực tế ở nước ngoài thì các hợp đồng quản lý thường ký kết với thời hạn từ 3 đến 5 năm, người ta thường coi đây là giai đoạn khởi đầu để hình thành các hình thức hợp tác công-tư mềm dẻo hơn. Thời hạn của hợp đồng quản lý ủy quyền theo Luật Nga chỉ có thời hạn tối đa là 5 năm. Thu nhập từ dịch vụ công cộng thuộc sở hữu của sang lập viên công ty quản lý. Nhà quản lý chỉ được nhận lương theo hợp đồng. Ngoài ra, chuyển tài sản bất động sản sang quản lý ủy quyền bắt buộc phải đăng ký quốc gia theo trình tự như là chuyển quyền sở hữu tài sản đó. Có nghĩa là hợp đồng quản lý ủy quyền bất động sản với bất kỳ thời hạn nào chỉ được ký kết với những bất động sản được phép đăng ký theo quy định của pháp luật. Nói cách khác thì quản lý ủy quyền có nhiều nhược điểm hơn là ưu điểm và kém hấp dẫn để hình thành mối quan hệ hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân hơn là hợp đồng thuê. 

Hợp đồng thuê. Xét trên góc độ pháp lý thì hợp đồng thuê khác với hợp đồng dịch vụ kể trên và hợp đồng quản lý vì nó liên quan đến loại hợp đồng chuyển giao tài sản. Trong khuôn khổ của loại hợp đồng này doanh nghiệp tư nhân “thuê” tài sản cố định từ chủ sở hữu (chính quyền địa phương) trong khoảng thời gian nhất định và trả tiền thuê sử dụng tài sản cố định cho chủ sở hữu theo thỏa thuận để cung cấp các dịch vụ cho người sử dụng. Kết quả là doanh nghiệp tư nhân chỉ chịu trách nhiệm sau: quản lý chung tài sản và cung cấp dịch vụ công cộng cho người sử dụng; vận hành, sửa chữa và dịch vụ kỹ thuật tài sản cố định, trong đó doanh nghiệp tư nhân chịu toàn bộ các chi phí thong dụng về vận hành, sửa chữa và dịch vụ kỹ thuật; quản lý, hành chính và phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp tư nhân của mình trong thời gian hợp đồng có hiệu lực. 

Thông thường thì doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm thu tiền của người sử dụng dịch vụ, từ đó suy ra là họ chịu rủi ro thu tiền dịch vụ. Doanh nghiệp tư nhân không chịu trách nhiệm v/v đảm bảo vốn đầu tư lớn nào đó có thể cần đến để mở rộng hay thay thế tài sản cố định đang thuê hay để xây dựng công trình mới. Trong khi đó doanh nghiệp tư nhân có thể chịu trách nhiệm theo các điều khoản hợp đồng bỏ vốn không lớn vào các tài sản cố định, thí dụ như phương tiên giao thông vận tải, hệ thống mạng, dụng cụ đo và v.v… 

Сần nhấn mạnh rằng, trong hợp đồng thuê tài sản thì chính quyền địa phương giữ toàn quyền sở hữu các công trình hiện có và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chịu trách nhiệm cấp nguồn vốn lớn để mua mới và sửa chữa lớn hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động công tác kế hoạch hóa và phát triển dài hạn. 

Lợi thế của hợp đồng thuê công trình hệ thống hạ tầng kỹ thuật là ở chỗ nó được triển khai với sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương, điều này dẫn đến cách tiếp cận mềm dẻo hơn cho hình thức quản lý tài sản của hệ thống hạ tầng kỹ thuật mới.

Rủi ro của hợp đồng thuê là khả năng tư nhân hóa ngầm cho doanh nghiệp tư nhân dựa hoàn toàn trên cơ sở pháp lý thông qua tỷ lệ sở hữu tài sản của công trình hạ tầng kỹ thuật, sửa chữa hay xây mới căn cứ và khoản đầu tư tư nhân. Điều này và nhiều thiếu sót khác nữa của hợp đồng thuê được khắc phục bằng cách ký kết hợp đồng hợp tác công-tư PPP. Loại biến thể của hợp đồng thuê là hợp đồng thuê-mua (leasing) hiện đang được sử dụng rất phổ biến.

Leasing là cho thuê trong thời gian dài máy móc, trang thiết bị, phương tiện vận tải, thiết bị công nghệ thông tin, nhà, công trình và các tài sản bất động sản  khác của công ty leasing. Công ty leasing là chủ sở hữu của tài sản này hoặc mua nó từ nhà sản xuất từ tín dung ngân hàng. Như vậy, chủ thể của hợp đồng leasing khác với hợp đồng thuê ở chỗ chúng gồm 3 thành phần: người cho thuê leasing, người thuê leasing và ngân hàng cấp tín dụng leasing. Phụ thuộc vào các đặc thù leasing số lượng các thành viên tham gia có thể tăng lên: các nhà sản xuất, công ty bảo hiểm, v.v… 

Trong các giao dịch leasing thì đối tượng thuê mua là công cụ sản xuất. Các giao dịch leasing thông thường do các doanh nghiệp chuyên ngành thực hiện. Mục đích của các giao dịch leasing là thúc đẩy sự phát triển cơ sở khoa học- công nghệ của doanh nghiệp, tái trang thiết bị kỹ thuật, mở rộng liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Leasing không loại bỏ các hình thức tín dụng truyền thống cho tài sản cố định mà chỉ bổ sung chúng.

Hợp đồng hợp tác công-tư PPP. Các Bên tham gia hợp đồng hợp tác công-tư PPP là Nhà nước- theo Luật Liên bang Nga là L.B.Nga mà đại diện là Chính phủ L.B.Nga hay Các cơ quan hành pháp Liên Bang, cũng như Tỉnh, thành phố mà đại diện là các cơ quan chức năng Nhà nước, Tỉnh. Chính quyền địa phương và tư nhân là các nhà đầu tư thể nhân, pháp nhân Nga hay nước ngoài, các thể nhân tham gia theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh nhưng không it hơn 2 người. 

Soạn thảo và ký kết hợp đồng hợp tác công-tư PPP trong lĩnh vực nhà ở-công trình công cộng tuân thủ Quy định do Chính phủ L.B.Nga ban hành «Mẫu hợp đồng hợp tác công-tư PPP sử dụng trong lĩnh vực hệ thống hạ tầng cơ sở và công trình công cộng, bao gồm các công trình liên quan đến nước, nhiệt, khí gaz, tiết kiệm năng lượng, cấp thoát nước, lọc nước, tái chế và xử lý chất thải sinh hoạt; các công trình chiếu sáng đô thị, nông thôn».

Hợp đồng hợp tác công-tư PPP trong lĩnh vực nhà ở-công trình công cộng được ký kết trên cơ sở đấu thầu công khai, trong đó bất kỳ ai cũng có quyền nộp đơn tham gia. Điều kiện quan trọng của Hợp đồng hợp tác công-tư PPP là trách nhiệm của nhà đầu tư tư nhân xây dựng hay sửa chữa công trình theo hợp đồng, các chỉ số hiệu quả kinh tế-kỹ thuật công trình, mục đích sử dụng công trình và thời hạn có hiệu lực của hợp đồng. Các điều khoản bổ sung là khối lượng sản xuất hàng hóa hay dịch vụ, trình tự thay đổi giá thành và đơn giá, tổng vốn đầu tư và v.v… Trong thời hạn có hiệu lực của hợp đồng hợp tác công-tư PPP, nhà đầu tư tư nhân được thuê hay được thuê lại khu vực đất mà công trình của Hợp đồng hợp tác công-tư PPP tồn tại.

Hợp đồng thuê khác với hợp đồng hợp tác công-tư PPP là cách thức chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Hợp đồng thuê chỉ có thể được chấm dứt trước thời hạn theo yêu cầu của một trong các bên theo quyết định của tòa án. Hợp đồng hợp tác công-tư PPP có thể được chấm dứt trước thời hạn theo quyết định đơn phương một bên của nhà đầu tư tư nhân. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn của nhà đầu tư tư nhân là một trong những điểm mấu chốt khác nhau căn bản của hợp đồng hợp tác công-tư PPP với không chỉ hợp đồng thuê mà còn đối với tất cả các hợp đồng dân sự nói chung. Tuy nhiên, đơn phương hủy hợp đồng hợp tác công-tư PPP chỉ được thực hiện khi quyền lợi tài chính của các bên được cân bằng- nhà đầu tư tư nhân có trách nhiệm bù đắp các thiệt hại cho Nhà nước do hủy hợp đồng.

Hợp đồng hợp tác công-tư PPP khác với các loại hợp đồng dân sự khác vì nó chứa đựng trong mình trước hết là lợi ích công cộng. Những dịch vụ xã hội quan trọng nhất, kể cả dịch vụ công cộng cho người dân, các công việc xã hội cần thiết khác, bao gồm xây dựng và đảm bảo vận hành ổn định các công trình hạ tầng kỹ thuật trong thực tế luôn luôn thuộc vào lĩnh vực lợi ích công cộng. Chính vì vậy trong những lĩnh vực này hợp đồng hợp tác công-tư PPP rất phát triển trên thế giới.

Các hình thức hợp đồng hợp tác công-tư PPP gồm các loại trách nhiệm khác nhau, căn cứ vào đó thông thường người ta chia ra các loại hình sau đây:

  • ВОТ – xây dựng, khai thác, chuyển giao; 
  • BOOT – xây dựng, sở hữu, khai thác, chuyển giao; 
  • BOO – xây dựng, khai thác, tư nhân hóa; 
  • ROT – sửa chữa, chiếm hữu, chuyển giao. 

Sự khác nhau giữa Hợp đồng hợp tác công-tư PPP với các loại hợp đồng khác chính là mục đích mà nhà nước (chính quyền địa phương) xác định trong đó. Mục đích cơ bản của chính quyền trong trường hợp này là kêu gọi đầu tư tư nhân để nâng cao chất lượng dịch vụ và sử dụng tài sản nhà nước (chính quyền địa phương) chưa hoạt động, cũng như để tạo lập tài sản mới. Điều kiện bắt buộc của Hợp đồng hợp tác công-tư PPP là nhà đầu tư tư nhân phải đầu tư vốn vào công trình hiện thực để nâng cao chất lượng và phù hợp với mục đích sử dụng của công trình đó.

Nhà đầu tư tư nhân trong thời gian hợp đồng có hiệu lực chịu trách nhiệm đảm bảo vốn cho mọi chi phí sản xuất, cũng như chi phí để hiện đại hóa may móc trang thiết bị và tăng công suất. Ngoài ra, nhà đầu tư tư nhân chịu trách nhiệm sử dụng đúng mục đích vốn đầu tư xaay dựng cơ bản để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng trong giai đoạn này. Hết thời hạn hợp đồng công-tư dạng ВОТ và BOOT, tài sản cố định do nhà đầu tư tư nhân tạo lập lên chuyển giao lại toàn bộ cho nhà nước hay chính quyền địa phương sở hữu. Hợp đồng công-tư PPP thường được ký kết với thời hạn từ 10 đến 30 năm. Trong đó, đơn giá được lập trên nguyên tắc phải bù đắp được toàn bộ chi phí vận hành, vốn đầu tư và trích khấu hao máy móc trang thiết bị các công trình và hệ thống hạ tầng kỹ thuật để vận hành và hiện đại hóa.

Như vậy, hợp đồng hợp tác công-tư tạo điều kiện để nhà đầu tư tư nhân khả năng hoàn vốn đầu tư. Hiện nay, hiệu quả hợp đồng hợp tác công-tư ở mức độ này hay mức độ khác phụ thuộc vào việc thiết lập các điều khoản hợp đồng công-tư PPP. Ý nghĩa cơ bản của các loại hợp đồng hợp tác công-tư PPP là tạo ra khả năng cho nhà đầu tư tư nhân hoàn lại vốn đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, cũng như có được lợi nhuận do khai thác công trình trong khoảng thời gian nhất định, hết thời hạn đó công trình buộc phải chuyển giao cho chủ sở hữu công cộng.

Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tư nhân là chất lượng cung cấp dịch vụ, mức độ duy trì hiện trạng kỹ thuật của tài sản chuyển giao để chúng hoạt động liên tục. Như vậy, hợp đồng hợp tác công-tư PPP là một trong những công cụ hiệu quả nhất để thu hút đầu tư tư nhân vào khu vực kinh tế địa phương để đổi mới và hiện đại hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Hợp đồng hợp tác công-tư dạng ВОТ - «Xây dựng, khai thác, chuyển giao» được áp dụng để xây dựng mới hay mở rộng công trình có sẵn. Nhà đầu tư tư nhân chịu trách nhiệm bù đắp chi phí vận hành và bảo dưỡng kỹ thuật công trình. Phụ thuộc vào điều kiện hợp đồng, nhà đầu tư tư nhân có thể chịu trách nhiệm thay thế bất kỳ máy móc trang thiết bị hay hiện đại hóa công trình. Trường hợp chung nhất khi ký hợp đồng dạng ВОТ là chính quyền địa phương có trách nhiệm trả cho nhà đầu tư tư nhân tiền cung cấp dịch vụ (có thể bao gồm cả tiền thưởng nếu tốt), nhưng trách nhiệm thu tiền của người sử dụng là của chính quyền địa phương. Trong lĩnh vực công trình công cộng sơ đồ ВОТ có thể được áp dụng để xây dựng và khai thác các khu xử lý chất thải rắn hay xây dựng các công trình cấp nước và khí gaz.

Hợp đồng hợp tác công-tư dạng BOOT - «xây dựng, sở hữu, khai thác, chuyển giao» thì thông thường nhà đầu tư tư nhân chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, sửa chữa, dịch vụ kỹ thuật, thay thế các công trình phụ trợ hiện có. Người khai thác - nhà đầu tư tư nhân chịu trách nhiệm thu phí dịch vụ và giữ lại tất cả các khoản thu phí, chịu rủi ro liên quan đến việc thu phí dịch vụ, và trả cho chính quyền địa phương một khoản phí cho thuê (có thể phụ thuộc vào doanh thu hay lợi nhuận). Trong đó, chính quyền địa phương vẫn là chủ sở hữu của tất cả các công trình mà nhà đầu tư tư nhân đang khai thác vận hành, cũng trong thời gian hợp đồng hợp tác công-tư còn hiệu lực nhà đầu tư tư nhân cũng sở hữu các công trình xây mới này.

Đối với nhà đầu tư tư nhân lợi ích kinh tế hấp dẫn của dự án công-tư trong lĩnh vực dịch vụ công cộng là ở chỗ nguồn tiền hoàn vốn đầu tư có thể tích lũy được do giảm giá thành sản xuất dịch vụ công cộng. Bằng tính toán đã chứng minh rằng cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật đưa đến giảm đáng kể giá thành sản xuất ra một đơn vị sản phẩm, có nghĩa là thu được hiệu quả kinh tế đáng kể từ vốn đầu tư.

Trong nền kinh tế thị trường đã xóa bỏ vốn ngân sách và nâng cao tính tự chủ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công cộng thì vấn đề nâng cao hiệu quả tài chính các hoạt động này đóng vai trò quan trọng trước tiên trong công tác quản lý tại các doanh nghiệp. Điều này càng quan trọng hơn nữa nếu như chúng ta biết rằng thực tế nhiều năm cấp vốn ngân sách và liên quan chặt chẽ với nó là những vấn đề hình thành giá đều động chạm đến quyền lợi của tất cả các chủ thể kinh tế tham gia trong quá trình sản xuất và tiêu thụ dịch vụ công cộng: chính quyền địa phương, các doanh nghiệp của tổ hợp dịch vụ công cộng, người dân, người sử dụng dịch vụ khác nữa (kể cả các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp).

Vận hành các công trình hệ thống hạ tầng kỹ thuật địa phương (hệ thống và các công trình nhiệt, nước, cấp điện) trong điều kiện hợp tác công- tư cho phép kết hợp quản lý tư nhân với sở hữu xã hội. Như vậy, chủ sở hữu mà thông thường là thành phố chuyển giao cho nhà đầu tư tư nhân quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật để sản xuất, phân phối và cung cấp các dịch vụ công cộng (thí dụ nhiệt để sưởi), cũng như thực hiện mọi giao dịch với người sử dụng. Nhà đầu tư tư nhân thường ký hợp đồng với thời hạn từ 10 đến 30 năm. Thời hạn của hợp đồng được tính toán như vậy do trách nhiệm của nhà đầu tư tư nhân đảm bảo hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoạt động ổn định đòi hỏi chi phí rất lớn (thí dụ, chi phí để cải tạo hệ thống cấp nhiệt) mà để hoàn vốn đầu tư thì phải có hợp đồng dài hạn. Nhà đầu tư tư nhân trực tiếp thu tiền, xuất hóa đơn và trả cho thành phố tiền thuê sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Theo nguyên tắc, hợp đồng quản lý hay hợp đồng hợp tác công-tư thì chủ sở hữu hệ thống hạ tầng kỹ thuật quy định trách nhiệm của doanh nghiệp-nhà đầu tư tư nhân hiện đại hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật (máy móc trang thiết bị, công trình, hệ thống và v.v…) bởi vì chỉ có nhà điều hành quản lý mới nắm vững những thông tin khách quan về hiện trạng của nó và nhu cầu của người sử dụng. Từ đó, suy ra rằng nhà điều hành quản lý đề xuất chủ sở hữu hệ thống hạ tầng kỹ thuật (thành phố) một số phương án tiết kiệm năng lượng để triển khai, thí dụ như:

  • Giảm tiêu hao trong hệ thống cấp nhiệt;
  • Đưa vào sử dụng hệ thống đồng hồ đo lường năng lượng tiêu thụ;
  • Nâng cao hiệu suất sử dụng của máy móc trang thiết bị;
  • Chuyển sang sử dụng loại năng lượng mới;
  • Giảm khí thải đọc hại ra môi trường bên ngoài và v.v…

Các dự án tiết kiệm năng lượng trên đây có thể là trách nhiệm bắt buộc và không thể tránh khỏi, thậm chí là chúng không có lãi đối với doanh nghiệp-nhà đầu tư tư nhân và người dân. Liên quan đến những dự án như vậy cũng bao gồm các khoản đầu tư cần thiết để bảo vệ môi trường hoặc tăng mức độ hoạt động ổn định bằng cách thay thế các bộ phận cũ, lạc hậu của máy móc trang thiết bị, của hệ thống.

Các dự án tiết kiệm năng lượng thường yêu cầu nguồn tài nguyên lớn vượt quá khả năng tài chính của doanh nghiệp-nhà đầu tư tư nhân và thành phố, mà thành phố là chủ sở hữu hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Để triển khai dự án mà không phải vay vốn thì thời gian hoàn vốn phải kéo dài tới 10 năm và lâu hơn nữa, xét theo khía cạnh kinh tế cũng như khoa học kỹ thuật là không khả thi. Trong thực tế triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng người ta giải quyết vấn đề này từ nhiều nguồn vốn khác nhau ngoài vốn ngân sách nhà nước hay ngân sách địa phương.

Nguồn vốn để trả nợ vay có thể lấy từ tiền thuê sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp-nhà đầu tư tư nhân. Thực chất người sử dụng dịch vụ công cộng tham gia trực tiếp vào quá trình đầu tư dự án tiết kiệm năng lượng thông qua tiền thuê sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật mà thành phố thu được, bởi vì doanh nghiệp-nhà đầu tư tư nhân đã gộp toàn bộ chi phí vào đơn giá dịch vụ công cộng để một mặt cân bằng quyền lợi tài chính, mặt khác đảm bảo duy trì vốn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trả cổ tức cho cổ đông. Chính quyền địa phương về phía mình phải giới hạn đơn giá dịch vụ công cộng trong phạm vi của hợp đồng hợp tác công-tư PPP.

Như đã nhấn mạnh trên đây để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng lớn thì vốn chủ sở hữu và vốn ngân sách không đủ. Ngoài ra, vay vốn cho dự án không có lãi cũng là vấn đề lớn. Trong bối cảnh như vậy cần thiết phải thành lập các tổ chức tài chính đặc biệt dưới dạng các quỹ, các trung tâm có chức năng điều hòa các nguồn lực tài chính để triển khai những dự án như vậy.

Trong đó, cần biết rằng thành lập những quỹ như vậy để tài trợ cho các dự án tiết kiệm năng lượng đòi hỏi chi phí lớn hơn là khi chính quyền địa phương hay doanh nghiệp-nhà đầu tư tư nhân vay thương mại thông thường. Chỉ có các chương trình tiết kiệm năng lượng rất lớn, hay vay vốn cho danh mục đầu tư các chương trình như vậy trong một vài thành phố, quận, huyện thì sử dụng phương án trên mới hiệu quả.

Những căn cứ trên và áp dụng kinh nghiệm trên thế giới và Nga người ta thành lập các quỹ đặc biệt để tài trợ vốn các dự án tiết kiệm năng lượng, là công cụ quan trọng để triển khai các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng rất lớn. Pháp lý của các quỹ này, thành phần cổ đông sáng lập và sơ đồ tài chính phụ thuộc vào điều kiện địa phương của từng nơi, mức độ quan tâm của chính quyền địa phương, của các tổ chức và người dân nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế vùng và địa phương.

Một ví dụ về Qũy như vậy ở cấp Liên bang là Qũy L.B.Nga để nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng được Chính phủ L.B.Nga thành lập vào giữa những năm 1990 của Thế kỷ trước để phát triển và hỗ trợ chính sách tiết kiệm năng lượng. Qũy này hỗ trợ tất cả các hình thức kinh doanh và hợp tác với các đối tác nước ngoài, kể cả các liên doanh; sản xuất các sản phẩm theo license; trực tiếp quản lý kỹ thuật và hỗ trợ phát triển hợp tác kỹ thuật. Qũy cũng có thể đóng vai trò như là tổ chức tài chính ký kết các hợp đồng tín dụng trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng tại L.B.Nga.

Nhiệm vụ thành lập quỹ tiết kiệm năng lượng quy mô vùng là tài trợ các dự án tiết kiệm năng lượng và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác tại một hoặc nhiều thành phố, quận, huyện phù hợp với chương trình phát triển kinh tế-xã hội và tiết kiệm năng lượng địa phương.

Quỹ tiết kiệm năng lượng được hình thành từ các nguồn vốn trên thị trường tài chính Nga và Quốc tế. Qũy cho các doanh nghiệp chính quyền địa phương và doanh nghiệp tư nhân vay vốn trên cơ sở hoàn lại. Tín dụng cấp cho dự án cụ thể trong lĩnh vực công trình công cộng. Vốn của Qũy để tại Ngân hàng thương mại hay tại các tổ chức tín dụng khác do Qũy quản lý.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn lớn của quỹ người ta hình thành nguồn vốn tập trung dưới dạng ngân hàng từ nhiều khoản tín dụng để triển khai các dự án quy mô vừa và nhỏ. Ngân hàng này đưa ra các bảo lãnh để hình thành quỹ tiết kiệm năng lượng. Tín dụng được cấp để triển khai các dự án cụ thể hiện đại hóa và cải tạo các công trình công cộng địa phương. Một số dạng dự án điển hình thí dụ như cải tạo và hiện đại hóa hệ thống cấp nước, cấp nhiệt hay thoát nước; lò hơi, nhà chung cư và v.v…

Trong cơ cấu quỹ tiết kiệm năng lượng người ta lập qũy dự phòng. Vốn của quỹ dự phòng về pháp lý là bất khả xâm phạm và chỉ được sử dụng để bảo lãnh các tín dụng thương mại trong khuôn khổ hệ thống tín dụng để hình thành qũy tiết kiệm năng lượng. Qũy dự phòng được hình thành từ vốn ngân sách, các tổ chức tài chính liên ngành hoặc từ các nguồn khác. Quỹ dự phòng là một quỹ ủy thác riêng biệt, có tính lãi trên vốn. Phần vốn chính của quỹ dự phòng và lãi của nó chính là để đảm bảo trả nợ cho các nhà đầu tư mà vốn của họ đã được sử dụng để hình thành nên qũy tài trợ tín dụng cho các dự án tiết kiệm năng lượng.

Kinh nghiệm tổ chức quỹ tiết kiệm năng lượng quy mô vùng chỉ ra rằng cơ sở để vận hành quỹ hiệu quả là cần phải thống nhất các công cụ tổ chức và tài chính để hỗ trợ triển khai các chương trình tiết kiệm năng lượng quy mô vùng và địa phương phù hợp với cơ cấu tổ chức của nhà nước hay tư nhân. 

Khánh Phương 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo