Kiến trúc bản địa mới trong nhà ở cao tầng Singapore

Thứ ba, 25 Tháng 10 2011 00:01 KTVN
In

Singapore từ nhiều năm nay đã nổi tiếng trong việc giải quyết nhà ở cho người dân. Trong thời gian 40 năm qua, gần 90% người dân Singapore đã sống trong những tòa nhà ở cao tầng, phần lớn là từ 30 - 40 tầng của Cơ quan Phát triển Nhà ở (HDB) - là nhà cung cấp nhà ở lớn nhất của quốc đảo này. 

Nhà ở cao tầng của HDB hiện đang có xu hướng phát triển lên cao. Trong bối cảnh đó, một bộ phận người Singapore suy nghĩ rằng nhà ở cao tầng của HDB ở Singapore theo hình mẫu phương Tây, chẳng có chút liên hệ nào với kiến trúc bản địa của quốc đảo này cả. Thế nhưng lại có ý kiến cho rằng nhà ở cao tầng của HDB có nhiều yếu tố chứng tỏ là của kiến trúc bản địa và một kiến trúc bản địa mới đang được hình thành ở nhà ở cao tầng và ở các thành phố mới HDB.


Toàn cảnh Bukit Batok, một ví dụ về các thị trấn quy mô lớn mới được xây dựng bởi HDB

 

Kiến trúc bản địa

Trong bài viết gần đây với tựa đề “Một kiến trúc bản địa cao tầng trong nhà ở HDB của Singapore”, GS. Sishir Chang đã đưa ra kiến giải của mình về vấn đề đáng quan tâm này. Ông cho rằng: “Khi một ai đó nghĩ về kiến trúc bản địa thì hình ảnh của những tòa nhà cao tầng và những thành phố mới hiện đại hiếm xuất hiện trong đầu, nhưng ở đất nước Singapore thì những hình ảnh đó đang trở thành một thứ bản địa mới”... “Mặc dù nhiều người Singapore cho rằng những tòa nhà cao tầng là một loại hình nước ngoài, không có cơ sở trong bất cứ một truyền thống lâu dài nào ở Singapore, vẫn có nhiều yếu tố trong nhà ở cao tầng của nước này chứng tỏ là của kiến trúc bản địa”.

GS. Sishir Chang đã giới thiệu một kiến trúc bản địa điển hình có trước HDB ở Singapore là “kampong”, tiếng Mã Lai nghĩa là “làng” với những nhà của nó gọi là “attap”. Trong “kampong”, “attap” thuộc một loại hình được thừa nhận với những đặc điểm chung cho tất cả nhà ở bên trong “kampong”. Mỗi “attap” đều có một cái hiên làm cao bên trên mặt đất, có một phòng khách lớn cho đàn ông ở phía trước và một phòng bếp cho phụ nữ ở phía sau. Những “attap”này là nơi ăn ở, sinh hoạt, nấu nướng và giao tiếp xã hội, đặc biệt thích hợp với đời sống văn hóa của cư dân. Về mặt kiến trúc của “attap”, một số tiêu chuẩn hành vi cũng được cư dân tạo ra chẳng hạn như sử dụng hiên nhà như là một khu vực xã hội cho đàn ông trong khi khu vực phía sau nhà trở thành khu vực làm việc và xã hội không chính thức của phụ nữ. Những “attap” này đã phát triển qua nhiều thế hệ và gắn kết thực sự với xã hội, bản thân chúng dễ dàng bị thay đổi để đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình. Các phòng và không gian khác có thể được thêm vào nhưng không làm thay đổi tính chất cơ bản của cả ngôi nhà. Tính thẩm mỹ của những ngôi nhà cũng thể hiện văn hóa của “kampong” thông qua sử dụng các yếu tố nói lên địa vị xã hội và các giá trị của các hộ gia đình sống trong những ngôi nhà đó. Cư dân cũng đã trang trí phong phú các nhà của mình để gia tăng tính đồng nhất cho các hộ gia đình của họ. Tính bản địa “kampong” là một trong những sự biến thiên liên tục của cùng chung một loại nhà mà cư dân có thể hiểu như là những thành phần riêng lẻ và cũng là những bộ phận toàn vẹn của “kampong” đồng nhất. Bố cục của “kampong” cũng thể hiện giá trị xã hội và tổ chức văn hóa mà chúng được tạo ra. Trong “kampong” Mã Lai, mỗi ngôi nhà được bố trí với sự tôn trọng các nhà hiện có để không ngăn cản tầm nhìn và lưu không gian mở giữa các nhà. Sự bố trí đã phản ánh các mức độ khác nhau về tính chất lãnh thổ bên trong cộng đồng Mã Lai với sự nhấn mạnh các không gian công cộng phi chính thức. 

 

Một kiến trúc bản địa mới

GS. Sishir Chang nêu rõ: Cùng với quá trình hiện đại hóa nhanh của Singapore, “kampong” và các kiến trúc bản địa khác vốn có trước đây đã bị xóa bỏ và được thay thế bằng thành phố mới HDB. Đồng thời, nhiều tiêu chuẩn tương tự như tiêu chuẩn để đánh giá “kampong” là một kiến trúc bản địa đã xuất hiện ở các thành phố mới và các nhà cao tầng.

Tồn tại ở Singapore gần 40 năm có thể là ngắn so với tồn tại hàng trăm năm của “kampong”, nhưng nhà ở HDB và nhà ở cao tầng nói chung đã đủ dài để có ít nhất một thế hệ người Singapore trưởng thành và có những đứa con trong các nhà cao tầng. Trong suốt thời gian đó, một hệ thống giá trị chung hiệu quả và có sức lan tỏa đã phát triển trong những người Singapore sống trong nhà ở cao tầng. Hệ thống giá trị này dẫn đến một nền văn hóa Singapore khác biệt mà mặc dù được nhà nước ủng hộ, nó cũng được tăng cường nhờ các chuẩn mực xã hội trong bản thân những người Singapore. Nhà ở cao tầng và các thành phố mới HDB có thể không phải đầu tiên do hệ thống giá trị này tạo ra, nhưng chúng phản ánh và bắt buộc kiên trì thực hiện hệ thống giá trị đó. Kết cấu dọc và ngang dày đặc của nhà ở HDB cũng như sống bên dưới, bên trên và bên cạnh những người khác đòi hỏi sự khoan dung giữa những người láng giềng và sự tôn trọng đối với môi trường bất động sản nhà ở là điều tốt đối với mọi người. Và điều bó buộc nhất của một hệ thống giá trị mới có lẽ là những tiêu chuẩn mà cư dân tự bắt buộc thực hiện để duy trì một xã hội thuận hòa trong nhà cao tầng HDB. Các lĩnh vực quan trọng đặc biệt chẳng hạn như gia đình đã thay đổi để phù hợp với cuộc sống HDB.

 

Tính bản địa trong thành phố mới

Để minh họa những tính chất bản địa của nhà ở cao tầng Singapore, GS. Sishir Chang đã nêu một số không gian trong các thành phố mới:

- Ở phần nền của các nhà ở cao tầng HDB có các diện tích phô ra gọi là các bệ trống. Các bệ trống này đã trở thành địa điểm thích hợp cho các hoạt động xã hội của cư dân như các nghi lễ lớn, đám cưới Mã Lai, tang lễ Trung Quốc, nơi đợi xe để đi làm hoặc gửi con đến trường, nơi hội họp và hoạt động xã hội của những người cao tuổi, nhất là phụ nữ và những tiện dụng khác. Bệ trống là nơi mà văn hóa nhà ở cao tầng Singapore được nhìn thấy tốt nhất.

- Trong nhà ở cao tầng có một khu vực là không gian chung dọc theo hành lang, trước mặt và bên cạnh các căn hộ. Hầu hết cư dân đều muốn không gian này thuộc về mình và những tranh chấp giữa các cư dân thỉnh thoảng xẩy ra. Những tranh chấp này thường do bản thân cư dân tự giải quyết với một bên nhường cho phía bên kia sử dụng phần không gian của mình.

Quy hoạch thành phố mới HDB sử dụng bố cục hệ thống để đảm bảo các dịch vụ đều nằm trong những cự ly nhất định từ nhà ở. Một không gian quan trọng đặc biệt là chợ sản phẩm tươi gọi là chợ ướt. Các trường học địa phương, các sân chơi giữa các block nhà ở cũng là những nơi để phát triển các quan hệ cộng đồng vì các cháu tiếp xúc lẫn nhau sẽ giúp phát triển mối dây liên hệ giữa các gia đình, cha mẹ đưa con đến trường hoặc trông chừng con chơi là cơ hội để tiếp xúc, giao tiếp xã hội. Giống như các “kampong”, bố cục các cơ sở dịch vụ của thành phố mới sẽ tăng cường văn hóa bên trong thành phố.

Trung tâm hàng rong là một khu vực ăn uống đặt ở những sân lộ thiên hoặc nằm bên trong một khu vực riêng hoặc trong một bệ trống của một block nhà. Một trung tâm hàng rong điển hình thường có một vài quầy thực phẩm nhỏ với các quầy cà phê và đồ uống. Nằm gần các chợ ướt nên trung tâm cũng là nơi các bà nội trợ đi chợ ghé vào để ăn và giao tiếp xã hội. Nhiều quầy của trung tâm cũng sáng đèn vào ban đêm, nơi những người đàn ông thường đến uống bia và trò chuyện. Những hoạt động này làm cho trung tâm hội nhập với cộng đồng và văn hóa của các thành phố mới HDB. Hơn nữa, ở hầu hết các trung tâm hàng rong đều có các quầy bán thức ăn của các tộc người khác nhau như Mã Lai, Trung Quốc, Ấn Độ, kể cả người tộc này bán thức ăn của người tộc khác, thậm chí với những hạn chế ăn uống kiên cử tôn giáo, các tộc người khác nhau của Singapore có thể tìm thấy sự cùng tồn tại và hòa lẫn bên trong trung tâm này. Trung tâm hàng rong là một trong những ví dụ tốt nhất về đa văn hóa trong xã hội Singapore, nó cũng chỉ ra rằng, giống như tính bản địa của “kampong”, trong thành phố mới HDB có một mối quan hệ gần gũi và tăng cường lẫn nhau giữa văn hóa và môi trường được quy hoạch.

Nói về thiết kế và quy hoạch nhà ở HDB, Sishir Chang cho rằng: “Thiết kế và quy hoạch nhà ở HDB gia tăng phẩm chất của một kiến trúc bản địa. Nhà ở cao tầng HDB xuất hiện giúp xác định chúng như là một loại nhà ở được mọi người Singapore thừa nhận và hiểu rõ. Thậm chí sự phát triển của thiết kế HDB chia sẻ xu hướng với những thay đổi trong các loại kiến trúc bản địa khác. Cho nên, những nâng cấp và cải tiến của nhà ở HDB có thể được xem như phản ứng của kiến trúc đối với những thay đổi trong xã hội Singapore.

“Về câu hỏi, không biết một kiến trúc bản địa hiện đại có thể được hình thành hay không? Sự hình thành của một kiến trúc bản địa hiện đại không phải là một hiện tượng hoàn toàn độc nhất. Rapoport nêu ra những ví dụ về những kiến trúc bản địa gần đây ở Mỹ và ở Australia xuất hiện nhanh chóng so với những kiến trúc bản địa truyền thống hơn. Vì vậy, sự tồn tại của một kiến trúc bản địa cao tầng Singapore là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh đương đại”.

“Liên quan đến việc tạo ra một kiến trúc bản địa cao tầng ở Singapore. Vấn đề gay gắt nhất là tính chất thể chế rất cứng nhắc của nhà ở HDB. HDB là một hoạt động thuộc chính phủ và đó là đối tượng bị chỉ trích nhiều bởi cả cư dân lẫn những người bên ngoài. Thể chế hóa thường dẫn đến bảo thủ trong thiết kế và xử lý nặng tay với cư dân. Cũng có thể tin rằng, thể chế hóa sẽ dẫn đến mất dần văn hóa gốc và tạo thuận lợi cho việc xem nhẹ kiến trúc bản địa. Vấn đề thậm chí còn gay gắt hơn là tính chất thể chế của nhà ở và quy hoạch HDB có thể có những hậu quả tiêu cực đối với sự chấp nhận lâu dài của cư dân. Dù sao với những vấn đề này, nhà ở HDB vẫn là do những người Singapore tạo ra cho người Singapore. Sự chấp nhận và quốc tế hóa nhà ở HDB đã hoàn thành trong xã hội. Cho nên nó là đại diện của xã hội Singapore. Những vấn đề cứng nhắc về thể chế của nhà ở và quy hoạch HDB phản ánh những vấn đề bên trong nền văn hóa đã tạo ra chúng và không nhất thiết là một thất bại của ý tưởng bản địa. Đây là một vấn đề khác sẽ được giải quyết kịp thời khi những thế hệ của những người Singapore tương lai trưởng thành trong những thành phố mới HDB và họ chấp nhận cách sống đó như thế nào.”

“Một kiến trúc bản địa cao tầng là một cái gì đó mà thoạt tiên có thể như không chắc chắn nhưng ví dụ của Singapore chỉ ra là nó có thể. Bằng cách tạo ra một kiến trúc vừa phản ánh vừa tăng cường nền văn hóa đã sử dụng nó và được xã hội tạo ra nó cho là chính thống, một kiến trúc bản địa mới được hình thành”.

Như trên có thể thấy ở Singapore có những minh chứng cho thấy nhà ở cao tầng và những thành phố mới hiện đại đã trở thành một kiến trúc bản địa mới. Những yếu tố bênh vực quan điểm này là:

- Sự có mặt khắp nơi của cuộc sống trong nhà ở cao tầng và trong các thành phố mới;

- Một hệ thống giá trị và văn hóa chung bên trong các thành phố mới được hình thành và phản ánh trong kiến trúc và quy hoạch của các thành phố mới; 

- Tầm quan trọng của các mối quan hệ giữa các không gian trong thành phố mới;

- Khả năng của kiến trúc và quy hoạch để thích nghi với những thay đổi trong xã hội Singapore;

- Sự chấp nhận, tính chính thống và sự gắn bó của người Singapore về cuộc sống trong nhà cao tầng.

Những vấn đề nêu trên của nhà ở cao tầng và thành phố mới của Singapore thiết nghĩ cũng có thể là những vấn đề khiến giới kiến trúc nước ta quan tâm nghiên cứu.

ThS.KTS Trần Anh Đào - Trường ĐH Kiến trúc TPHCM
(Theo tạp chí Kiến trúc Việt Nam - 08/2011)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: