Ấn tượng từ một số thành phố Tây Âu

Chủ nhật, 20 Tháng 2 2011 08:49 Người Đô thị
In

Nhìn vào bức tranh tổng thể của các đô thị Tây Âu ngày nay, người ta không còn thấy hình ảnh của các đô thị thời trung cổ với những thành quách và lâu đài nằm rải rác trên những quả đồi hay giữa những vùng nông thôn rộng lớn mà các bộ phim lịch sử thường gợi lại mà là những tập hợp các đô thị liên tục  kết nối với nhau thành những «đại đô thị» hay «siêu đô thị» bởi các đại lộ hay những con đường cao tốc.

Những ấn tượng đầu tiên về các thành phố châu Âu, đối với những người có dịp đi thăm hay sống ở đó một quãng thời gian, là sự kết hợp hài hòa giữa tính lịch sử và tính hiện đại.


Paris, Pháp cổ kính và hiện đại

Kim cổ giao hòa

Trong cái không gian đô thị mênh mông như vô tận đó, người ta vẫn thấy hình bóng các đô thị cổ với những công trình cổ kính hiện lên trên các khu đồi cao như những cái mốc không gian và thời gian của cái đô thị hiện đại đang hàng ngày hàng giờ chuyển dịch. Đó là những cung điện, nay đã trở thành các công trình biểu tượng cho quyền lực của nhà nước hiện đại, vườn hoa, tu viện hay nhà thờ cổ kính trở thành các trung tâm văn hóa và du lịch của thành phố.

Cùng với sự lưu giữ các công trình hay những khu đô thị lịch sử này, các đô thị Tây Âu hiện đại cũng rất chú ý đến việc tạo ra và lưu giữ những khu đô thị mang bản sắc của thời hiện đại. Các khu đô thị hiện đại thường xa các trung tâm đô thị cổ kính để tránh những xung đột về cảnh quan kiến trúc hay làm tổn hại đến sự bền vững của các công trình đó. Gắn với các khu đô thị hiện đại là các hoạt động đô thị cũng mang tính hiện đại như các khu công nghệ cao, các trung tâm thương mại, các khu vui chơi, giải trí, các nhà ga, bến tàu, sân bay nội địa hay quốc tế. Với sự trân trọng những dấu ấn không chỉ của hiện tại mà của cả quá khứ  các đô thị Tây Âu dường như luôn thu hút người tham quan trên cả hai chiều thời gian của chúng.

Một ấn tượng cũng mạnh mẽ không kém là sự kết nối hài hòa giữa tự nhiên và văn hóa thông qua giữ gìn hình thể vật chất và cảnh quan thiên nhiên. Từ thời trung cổ, vì lý do quân sự, các đô thị thường được xây trên các vùng đồi núi cao để tạo ra vị thế phòng thủ. Nhưng khi bước vào thời kỳ hiện đại, người ta vẫn dựa vào hình thể tự nhiên của không gian vật chất thay vì san lấp hay tạo ra các mặt bằng như ở Việt Nam để xây dựng các đô thị. Vì thế mà trong các đô thị u hiện đại như Paris, London hay nhiều đô thị Tây Âu khác, người ta vẫn thường thấy các khu đô thị trên những quả đồi, những sườn núi hay cả các khu rừng mang ấn tượng rất tự nhiên. Các quả đồi ở Paris đã trở thành các khu đô thị nổi tiếng như Montparnasse, Montreuil, Montmartre và Montsouris mà ngày nay người ta chỉ còn nhận ra chúng nhờ tên gọi của các quả đồi đó. Cũng chính từ truyền thống kiến trúc cảnh quan này mà xung quanh các đô thị này, người ta thường thấy có rất nhiều công viên, rừng cây hay thảm cỏ là nơi người dân có thể ra đó ngắm cảnh, thư giãn hay cắm trại nhân các dịp nghỉ cuối tuần. Khi đô thị phát triển mà không tàn phá các khu rừng hay địa hình đồi núi, nó vẫn giữ được các nguồn nước cho các con sông chảy qua thành phố không bị ứ đọng hay ô nhiễm, sự thoát nước của các khu đô thị thêm thuận lợi và các vùng nông thôn nông nghiệp ven đô hay các thảm thực vật của các thành phố cũng  ít bị những tác động tiêu cực. Tuy nhiên, để có được những không gian xanh hay cảnh quan thiên nhiên ở  trong lòng thành phố, các đô thị này đã phải có những chính sách bảo vệ nghiêm ngặt các không gian công cộng trước mọi nguy cơ xâm lấn của cả các cá nhân lẫn các thực thể xã hội luôn tìm được những lý do hợp thức để thôn tính chúng.

Đa văn hóa

Trên bình diện xã hội và văn hóa, ấn tượng về các đô thị Tây Âu là bản sắc đa văn hóa trong các không gian đô thị và nhất là các không gian công cộng của chúng. Trong các không gian đô thị người ta thường gặp sự chung sống gần như của mọi tầng lớp, mọi tộc người đến từ  mọi châu lục trên thế giới. Sự giao lưu kinh tế và văn hóa toàn cầu làm cho chúng trở thành các đô thị quốc tế. Nhưng sự cộng sinh này chỉ trở thành hiện thực khi người dân cùng chia sẻ một bản sắc xã hội đa văn hóa. Điều này có nghĩa người ta không chỉ chấp nhận những khác biệt về xã hội, tôn giáo, sắc tộc của những người dân đô thị bản địa hay nhập cư mà còn coi chúng như là sự đa dạng văn hóa của chính họ.

Bản sắc đa văn hóa đó cũng tạo ra sự giao tiếp cởi mở và bình đẳng giữa các nhóm xã hội khác nhau về nghề nghiệp, vị trí xã hội hay đến từ các vùng miền khác nhau trên đất nước của họ. Đây đó trên các đại lộ xa hoa tráng lệ của thủ đô Paris, người ta vẫn thấy các chợ vỉa hè của những người dân thuộc mọi tầng lớp đến để mua bán các sản phẩm tự nhiên đến từ các vùng nông thôn mặc dù các siêu thị vẫn đầy ắp các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, hay những chợ trời để mọi người gặp gỡ trao đổi những kỷ vật hay sở thích của một thời đã qua. Tính đa văn hóa này không chỉ làm cho đời sống đô thị hiện đại thêm nhiều màu sắc, âm thanh và hương vị của các vùng miền và châu lục khác nhau mà còn làm cho  các  các khu đô thị vốn chỉ là các «khu phố ngủ» (vì mọi người  chỉ về nhà để ngủ sau một ngày làm việc ở công sở) thức dậy với những sinh hoạt và hơi thở của cuộc sống hàng ngày.

Những ấn tượng đô thị này không chỉ làm cho người ta bất kể là ai hay đến từ đâu thấy gần gũi hơn với đời sống của các đô thị hiện đại mà còn lôi cuốn họ trải nghiệm những khám phá đời sống bên trong của chúng.

TS Nguyễn Đức Truyến - Viện nghiên cứu Định cư


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: