Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Nghĩ từ nơi không có rừng vàng biển bạc

Nghĩ từ nơi không có rừng vàng biển bạc

Viết email In

“Tồn tại hay không tồn tại”, câu nói nổi tiếng trong một tác phẩm của nhà soạn kịch Shakespeare không thể đúng hơn với trường hợp Singapore.

Bài học tự thân vận động của đảo quốc sư tử trên chặng đường vươn lên từ một nước thế giới thứ ba trở thành nước phát triển đã, đang và sẽ còn tốn không ít giấy mực của giới nghiên cứu chính trị, kinh tế thế giới.

Đất nước do con người tạo nên

Peter Ong, tài xế taxi tại Sân bay Quốc tế Changi, đón chúng tôi với phong cách điển hình Singapore. Ông vừa lái xe vừa tự hào tiếp thị những địa danh nổi tiếng của đất nước mình. Chẳng hạn nhà hát Esplanade, khu mua sắm Orchard Road (theo khảo sát của Tổng cục Du lịch Singapore, cứ 10 khách du lịch quốc tế đến Singapore thì có 7 người ghé thăm Orchard Road). Mới nhất là các tổ hợp nghỉ dưỡng trị giá hàng tỉ USD: Resorts World Sentosa và Marina Bay Sands. Theo ông, tất cả đều được tạo nên từ tri thức, óc sáng tạo và tầm nhìn xa của người Singapore.

Đối với Peter hay bất cứ người Singapore nào khác mà tôi gặp, có dịp là họ tranh thủ quảng bá về hình ảnh quốc gia. Đây là một thành công lớn của nước này về chiến lược tiếp thị hình ảnh quốc gia.

Niềm tự hào của công dân đảo quốc Singapore xuất phát từ lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất này. Tất nhiên, trong giai đoạn phát triển kéo dài 45 năm (từ 1965-2010) của Singapore có dấu ấn của nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu (ảnh bên), kể cả khi ông về hưu và giữ chức Cố vấn Cao cấp cho Chính phủ.

Dưới sự lãnh đạo của ông, năm 1999, khi thời điểm thế giới có nhiều xáo trộn lớn về chính trị và kinh tế, Singapore đã biết tận dụng thời cơ để nâng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người lên mức 22.000 USD/năm, đến năm 2007, đã tăng lên tới 49.900 USD.

Để đạt được những thành quả ấy, ông Lý quyết định chọn cho dân tộc ông một lối đi riêng. Đó là sự tự thân vận động, tính tự chủ và lòng ái quốc.

Mọi của cải ở đảo quốc này, thậm chí từ cây xanh, cũng được tạo nên từ bàn tay con người. Không cần những khẩu hiệu yêu nước ồn ào, người Singapore lặng lẽ cụ thể hóa tinh thần ái quốc bằng cách thực tế hơn nhiều. Họ đầu tư công sức, tiền của chăm chút cho không gian sống và cũng là bảo vệ cho lá phổi của mình.

Ở Singapore có 2 cơ quan gọi là Cơ quan Tái phát triển Đô thị và Ban quản lý các Vườn Quốc gia hợp tác chặt chẽ với nhau để lên kế hoạch phủ xanh toàn bộ đảo quốc. Việc quy hoạch các không gian công cộng, vườn hoa hay trồng cây trên đường phố và phủ xanh các công trình nhà ở và thương mại đều do 2 cơ quan này chịu trách nhiệm.

Chương trình giữ gìn và phát triển tổng thể cây xanh của Ban quản lý các Vườn Quốc gia cho thấy tính hiệu quả của cơ quan nhà nước này. Chỉ trong năm 2006 có tới 62.600 cây xanh được trồng thông qua chương trình.

Về khía cạnh kinh tế, Singapore có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao và theo đường lối kinh tế tư bản. Mọi sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế được hạn chế ở mức thấp nhất. Nhà nước chỉ đóng vai trò tạo lập môi trường vĩ mô ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làm giàu chính đáng và giám sát môi trường ấy.

Nhỏ nhưng không yếu

Trong một dịp ăn trưa với ông Kow Juan Tiang, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Cục Phát triển Doanh nghiệp Singapore (IE Singapore), hồi cuối tháng 10.2010 tại Hà Nội, người viết còn nhớ ông khái quát ngắn gọn về hình ảnh Singapore, đại ý là Singapore nhỏ chứ không yếu. Ông chia sẻ, nhờ chính sách trọng dụng nhân tài do Chính phủ dày công vun đắp, Singapore tuy không có trữ lượng dầu thô như Việt Nam nhưng ngành công nghiệp dầu khí của đảo quốc này rất phát triển. Trong chuỗi giá trị của ngành dầu khí, chỉ duy nhất công đoạn khai thác là người Singapore không làm được, các công đoạn còn lại như lọc dầu, xuất khẩu và thương mại người Singapore đều làm được và làm tốt.

Nếu biết rằng một đảo quốc bé nhỏ, không có nước ngọt, đất canh tác ít chỉ dành cho việc trồng rau, cây ăn quả và hằng năm vẫn phải bỏ tiền mua lương thực, thực phẩm từ nước ngoài để phục vụ nhu cầu trong nước thì mới thấm thía câu nói “một đất nước hoàn toàn do con người tạo nên” của ông Lý Quang Diệu.

Trời không cho sẵn cái ăn, cái mặc thì tự làm. Từ một làng chài nhỏ bé heo hút, luôn phải chèo chống với mối nguy thường trực mất đất, 45 năm sau Singapore đã xây dựng thành công nền kinh tế có trình độ phát triển cao với nhiều ngành công nghiệp đứng đầu châu Á và thế giới.



Ngoài cảng biển và dịch vụ hàng hải, hậu cần, đóng và sửa chữa tàu, lọc dầu, chế tạo và lắp ráp máy móc hiện đại, Singapore còn cung cấp cho thế giới ổ đĩa máy tính và hàng bán dẫn chất lượng cao. Đây cũng là trung tâm vận chuyển hàng hóa quá cảnh lớn của châu Á.

Khi đã vững mạnh về kinh tế, Chính phủ Singapore đầu tư nhiều cho hệ thống cơ sở hạ tầng cả phần cứng lẫn phần mềm để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Bộ Công Thương Singapore (MTI), nước này có 3.262 km đường bộ được thiết kế hiện đại, hệ thống đường ống dẫn khí dài 139 km và hệ thống ống dẫn sản phẩm lọc dầu dài 8 km. “Phần mềm” là một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh coi trọng tính minh bạch với những quy định rõ ràng, nhất quán. 

Sức mạnh từ nền thương mại mở

Ai cũng biết buôn bán và dịch vụ là mạch máu chính trong cơ thể kinh tế Singapore. Lĩnh vực dịch vụ đóng góp đến gần 70% GDP Singapore (số liệu năm 2007 của MTI). Người Singapore rất giỏi rao bán và xuất khẩu các giải pháp mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.

Nhờ nền kinh tế tri thức và nguồn chất xám dồi dào, người Singapore đã nghĩ ra đủ thứ giải pháp “mềm” để bán cho cả thế giới. Họ “bán” từ sự am hiểu văn hóa, mối quan hệ làm ăn và khả năng kết nối với thế giới cho đến các giải pháp phát triển và quản lý đô thị; quy hoạch hạ tầng hay xử lý nước thải.

Nhiều thỏa thuận liên doanh có giá trị lớn của các tập đoàn bất động sản hàng đầu Singapore bao gồm Keppel Land, CapitaLand hay phát triển khu công nghiệp như Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) với các đối tác Việt Nam và nước ngoài đều có bóng dáng của IE Singapore. Ông Kow thuộc IE Singapore cho biết, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của Việt Nam đã mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Singapore.

Ông không quên nói thêm: “Đổi lại, với năng lực phát triển và quy hoạch đô thị, các công ty Singapore sẽ rất vui mừng được chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc thực hiện những giải pháp quản lý đô thị với chi phí hiệu quả, chất lượng cao và bền vững tại Việt Nam”.

Bài học trọng dụng nhân tài

Ông Lý Quang Diệu từng đứng trước một thử thách lớn khi nạn thiếu hụt nhân tài ở Singapore ngày càng trầm trọng vào cuối những năm 1970. Lúc ấy, có 5% công dân Singapore có trình độ ra đi. Họ nghĩ mình sẽ không thành công với trình độ chuyên môn đạt được ở quê hương. Một số sinh viên tài năng ra nước ngoài lấy bằng tiến sĩ và đã định cư ở Canada, Úc, New Zealand. Con số 5% khiến ông trăn trở.

Ông bắt tay giải quyết vấn đề, bắt đầu bằng chiến dịch thu hút và giữ chân người giỏi trong mọi lĩnh vực (nghệ sĩ, giáo sư, doanh nhân...). Ông lập hai ủy ban vào năm 1980. Một ủy ban có nhiệm vụ hỗ trợ người giỏi làm đúng chuyên môn của họ. Ủy ban kia đứng ra tuyển dụng và kêu gọi nhân tài. Một nhóm nhân viên có nhiệm vụ đi mời gọi các sinh viên Singapore và các nước châu Á khác du học ở nước ngoài, sau khi tốt nghiệp thì về làm việc ở Singapore.

Nỗ lực tìm kiếm nhân tài trên quy mô toàn thế giới đã thành công. Hằng năm, Singapore thu hút được hàng trăm sinh viên tốt nghiệp đại học nước ngoài. Nguồn sinh viên này đã bù lại tỉ lệ 5-10% nguồn nhân sự Singapore có trình độ bỏ ra nước ngoài mỗi năm. 

Thành Trung

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo