Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu lẫn cảnh quan cùng những công trình độc đáo, Côte d’Azur là điểm đến hấp dẫn để du lịch và nghỉ dưỡng.
Cùng với Paris, Côte d’Azur (Bờ Biển Xanh) là vùng du lịch nổi tiếng nhất của Pháp, nhờ được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu cũng như cảnh quan. Côte d’Azur có tổng diện tích khoảng 10.000 km2 với 2 triệu dân.
Khí hậu lý tưởng
Bình quân mỗi năm Côte d’Azur chỉ có 86 ngày mưa, tức chỉ bằng một nửa so với Paris (162 ngày).
Nhờ có Địa Trung Hải điều hòa nhiệt độ ở phía Nam và các dãy núi ngăn gió lạnh từ phương Bắc đến, mùa đông ở đây khá ấm áp. Nhiệt độ trung bình của tháng Giêng ở Nice, tỉnh Alpes-Maritimes thuộc vùng hành chính Côte d’Azur, là 80C (Paris: 30C). Có nhiều ngày, nhiệt độ lên đến 220C vào buổi chiều, nên có thể đánh quần vợt, chay bộ ngoài trời mà không cần mặc áo ấm.
Nhưng ban đêm nhiệt độ thường giảm xuống rất nhanh. Những vùng đồi núi cách thành phố Cannes hay Nice khoảng 40 km về phía Bắc thì lạnh hơn nhiều và có tuyết nhưng vẫn nắng đẹp. Nhờ có khí hậu ấm áp như thế, nên từ năm 1830, người Anh đến nghỉ dưỡng ở đây đã trồng ở vùng này nhiều loại cây nhiệt đới như chà là, chanh, cam, quýt, hoa giấy…, khiến cho phong cảnh, nhất là vào mùa hè, có dáng dấp nhiệt đới.
Vào mùa xuân, thỉnh thoảng có mưa lớn, nhưng không kéo dài. Đó là mùa của muôn hoa, nhất là hoa mimosa, nở rộ vào cuối tháng 2.
Mùa hè, khí hậu ở Côte d’Azur chẳng những không nóng mà còn dễ chịu. Nhiệt độ trung bình vào tháng 7 và 8 là 260C. Những ngày có gió sirocco từ Sahara thổi đến thường khá oi bức.
Mùa thu, thỉnh thoảng có các trận mưa dông, nhưng sau đó trời lại nắng đẹp.
Núi và biển
Trong khi Paris chỉ có cảnh quan của vùng đồng bằng, thì Côte d’Azur có cả núi lẫn biển quấn quýt lấy nhau.
Nếu ở tỉnh Var có một số thung lũng và các đồng bằng nhỏ phì nhiêu chủ yếu trồng lúa mì, nho và ô liu, nằm giữa những nhánh núi đá vôi mấp mô và khô cằn, cao từ 400 đến 1.400 m, thì Alpes Maritimes (ở phía Tây, từ Cannes đến Menton) hầu như chỉ có toàn núi đồi thuộc dãy Préalpes với nhiều ngọn cao hơn 3.000 m.
Điểm khác nữa của tỉnh này là có nhiều “villages perchés” (làng xây trên đỉnh núi). Từ thế kỷ XI-XV, để chống lại cướp biển và các cuộc cướp bóc trong chiến tranh, dân vùng này đã phải xây làng mạc trên các sườn núi hay bên cạnh các chỏm núi đá để thuận lợi cho việc phòng thủ. Có những “villages perchés” được xây trên độ cao đến cả ngàn mét (như Rimplas). Chúng là vết tích sống động của một nền văn minh, trong đó đá đóng vai trò quan trọng. Đá được dùng để lợp nhà, xây các bức tường dày và kiên cố… Những “villages perchés” nổi tiếng gồm có Eze, Saorge, Saint-Paul, Peillon, Gourdon…
Tuy không cao lắm, nhưng với màu đỏ sẫm và nhất là đứng sừng sững trên biển xanh, dãy núi đá Estérel thật nổi bật.
Không chỉ có núi non hùng vĩ, Alpes Maritimes còn có Bờ Biển Xanh rất đa dạng, dài khoảng 300 km, với nhiều vịnh, đảo nhỏ, ghềnh đá và mô đất nhô xa ra biển. Nếu từ Menton đến Antibes, tất cả các bãi tắm đều là bãi đá cuội, thì từ Antibes đến Saint-Cyr-sur-Mer có nhiều bãi cát trắng đôi khi dài tới 3,4 km.
Chính nhờ các đặc điểm trên, Côte d’Azur có nhiều loại hình giải trí, từ lái thuyền buồm, bơi lội, trượt ván có buồm... hay đi ngựa trên núi vào mùa hè đến trượt tuyết vào mùa đông.
Hình thành thương hiệu Côte d’Azur
Do có mùa đông tương đối ấm áp, từ cuối thế kỷ XVIII, Nice đã lôi cuốn giới quý tộc và thượng lưu Anh, Nga đến trốn lạnh hay nghỉ dưỡng. Từ năm 1834, giới quý tộc Anh (mà người đầu tiên là Lord Brougham) đã đóng vai trò quan trọng trong việc biến Cannes, vốn là một làng chài nhỏ, thành đô thị biển nổi tiếng.
Nhưng sở dĩ Côte d’Azur trở thành một thương hiệu du lịch nổi tiếng trên thế giới từ gần 1 thế kỷ nay, chủ yếu là nhờ các nhà văn, danh họa và các nghệ sĩ, đặc biệt trong ngành điện ảnh.
Năm 1887, chính nhà văn Stéphen Liégeard đã tạo nên tên gọi Côte d’Azur để thay cho tên “Riviera”, vì tên này vốn chỉ bờ biển của Ý (từ Ventimiglia đến Genova). Nhưng nhà văn đến Cannes sớm nhất là Prosper Mérimée. Trong một tác phẩm viết năm 1870, ông đã hết lời ca ngợi màu biển và màu trời của vùng này. Côte d’Azur còn lôi cuốn và tạo cảm hứng sáng tạo cho nhiều nhà văn, nhà thơ khác như Guillaume Apollinaire, Katherine Mansfield, Arthur Miller, Enest Hemingway…
Từ những năm 1880, Côte d’Azur ngày càng thu hút nhiều họa sĩ. Nó đã xuất hiện trong tranh của Monet vào khoảng năm 1888, rồi đến Renoir và nhiều danh họa khác như Signac, Bonnard, Matisse, Picasso…
Sau cuốn phim Côte d’Azur nhìn từ xe lửa do anh em Lumières quay vào năm 1903, vùng này đã xuất hiện trong các phim của nhiều nhà đạo diễn nổi tiếng như Sacha Guitry, Marcel Carné, Alfred Hitchock, François Truffaut…
Sau Thế chiến thứ hai, Liên hoan phim Quốc tế ở Cannes, các hội diễn jazz ở Juan-les-Pins, Nice, các cuộc đua ôtô, lối sống thác loạn của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ Pháp và quốc tế ở Saint-Tropez đã khiến báo chí nói nhiều đến Côte d’Azur.
Và cũng kể từ đó, mùa hè ngày càng trở thành mùa du lịch chính của vùng này.
Một chút Ý ở Nice
Được sáp nhập vào Pháp năm 1860, Nice (500.000 dân) vẫn còn giữ phong cách kiến trúc rất giống với các thành phố Ý dọc theo duyên hải Riviera, nhất là khu phố cổ. Có sông Var chảy ở phía Tây, Nice nhìn ra Vịnh Thiên Thần (baie des Anges) rất rộng ở phía Nam và dựa mình vào các núi đồi của dãy Alpes ở phía Bắc.
Nice được người Hy Lạp xây vào khoảng thế kỷ IV trước Công nguyên nên có tên phái sinh từ tên Hy Lạp là Nikaïa, có nghĩa là Nữ thần Chiến thắng.
Con đường nổi tiếng nhất của Nice là Promenade des Anglais (đường đi dạo của người Anh) dài khoảng 6 km dọc theo bờ biển. Nice còn giữ được khu phố cổ khá nguyên vẹn nằm dưới ngọn đồi Pháo đài (cao 93 m), với những con đường hẹp lót đá và nhiều nhà thờ cổ kính. Từ trên đỉnh đồi Pháo đài, du khách sẽ có được cái nhìn bao quát khung cảnh tuyệt đẹp của Nice và cả các vùng lân cận.
Từ Nice, du khách có thể đi thăm núi Alban (222 m) và núi Chauve d’Aspremont (854 m) để có được cái nhìn tuyệt vời xuống cả vùng.
Hoặc du khách có thể đi xe lửa đến Tende (cách Nice 85 km). Là một kỳ công về kỹ thuật (với nhiều cầu băng qua các vực thẳm), xe lửa du lịch này leo từ mực nước biển lên đến độ cao 1.279 m (ở Tende) và dừng lại ở nhiều điểm du lịch thú vị như Peillon, Peille, Sospel, Saorge (đều là những “village perché” - làng xây trên núi cao - độc đáo). Du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều cảnh quan ngoạn mục, đặc biệt là các hẻm núi hoang dại ở sông Roya.
Từ Tende, nếu thích phiêu lưu, du khách có thể tham quan Thung lũng Kỳ quan (Vallée des Merveilles) nằm trong vườn Quốc gia Mercantour ở độ cao trên 2.000 m. Thung lũng này nổi tiếng nhờ các bức tranh được khắc vào các khối đá to, cách đây khoảng ba, bốn ngàn năm.
Trù phú Monaco
Cách Nice 22 km về phía Đông, công quốc Monaco chỉ rộng 1,5 km2 và có khoảng 30.000 dân, nhưng trong đó chỉ có 5.000 người là thần dân của ông hoàng Albert hiện nay. Do dòng họ Grimaldi cai trị từ năm 1308, Monaco chỉ bắt đầu phát đạt từ năm 1866 trở đi nhờ tài kinh doanh sòng bạc của François Blanc (1806-1877), được mệnh danh là “nhà phù thủy của Monte-Carlo”.
Từ khoảng năm 1965 trở đi, Monaco phát triển nhanh đến mức phải xây thêm nhiều nhà cao tầng và phải lấn biển để tăng thêm diện tích, đến 22%.
Tại khu phố cổ nằm trên đỉnh bằng của núi đá Monaco, du khách nên đi dạo trong vườn Saint-Martin để chiêm ngưỡng phong cảnh vùng duyên hải. Monaco cũng nổi tiếng nhờ các khu vườn như Vườn cây cỏ xứ lạ (Jardin exotique), Vườn Nhật Bản, Vườn Saint-Martin (thực vật của vùng Địa Trung Hải)…
Dạo phố Cannes
Cách Nice 34 km về phía Tây, Cannes (67.000 dân) có địa thế gần giống như Nha Trang. Đó là nhờ có bãi cát mịn dài hàng chục km cùng đồi núi và hải đảo. Là một làng chài, nhưng từ khi các nhà quý tộc Anh, rồi Nga bắt đầu đến nghỉ dưỡng vào những năm 1840, Cannes đã trở thành đô thị biển sáng giá vào đầu thế kỷ XX. Nhưng nó chỉ thực sự nổi tiếng từ năm 1946 nhờ Liên hoan Phim Quốc tế Cannes.
Khi đến Cannes, cái thú lớn nhất đối với nhiều người là đi dạo trên đại lộ Croisette chạy dọc theo bãi biển, với những cây chà là cao to, những khách sạn sang trọng…
Từ Cannes, du khách có thể đi tàu ra thăm hai đảo Sainte-Marguerte và Saint-Honorat với các rừng thông, bạch đàn, bách... trong khung cảnh trong lành và hoang vắng. Du khách cũng nên đi thăm bờ biển tuyệt đẹp chạy dài từ Cannes đến Saint-Raphael (40 km về phía Tây), dưới chân dãy núi đá đỏ Estérel lừng danh.
Tận hưởng Antibes
Từ ngoài khơi nhìn vào đất liền, Antibes (72.000 dân, cách Cannes 10 km về phía Đông) có dáng dấp cổ kính với chiến lũy Vuông (fort Carré) được xây năm 1550 trên đỉnh của một núi đá đứng trơ trọi, có thành đá ven biển và tháp đá La Mã hình vuông của lâu đài Grimaldi. Hiện nay, lâu đài này đã trở thành bảo tàng Picasso, chủ yếu trưng bày tranh và đồ gốm do danh họa này tặng.
Antibes còn có khu phố cổ nhộn nhịp quanh năm. Thị trấn Juan-les-Pins, thuộc Antibes, luôn thu hút được nhiều du khách chủ yếu nhờ các sinh hoạt về đêm như sòng bạc, các vũ trường… Từ sau Thế chiến Thứ hai, Juan-les-Pins còn nổi tiếng nhờ Hội diễn Jazz quốc tế được tổ chức vào hai tuần cuối của tháng 7.
Độc đáo làng cổ Saint-Paul
Nằm trên một ngọn đồi và có thành lũy đá bao quanh, Saint-Paul (3.000 dân) là một trong những làng cổ của Pháp được viếng thăm nhiều nhất. Từ năm 1967, với bảo tàng nghệ thuật hiện đại của Foundation Maeght, Saint-Paul đã thu hút được khách hâm mộ nghệ thuật hiện đại.
“Tắm tiên” ở Saint-Tropez
Từ cuối thế kỷ XIX, đô thị biển Saint-Tropez (cách Cannes 73 km về phía Tây) đã lôi cuốn nhiều họa sĩ và nhà văn. Nhưng phải đợi đến sau Thế chiến Thứ hai, nó mới thu hút được nhiều nghệ sĩ lừng danh thế giới (như Errol Flynn, Brigitte Bardot…). Tuy nhiên, hậu quả đáng tiếc là chỉ trong vòng 10 năm, cảng cá xinh xắn của nó đã biến thành một cảng lớn cho các du thuyền.
Cách cảng vài trăm mét về phía Nam là bảo tàng Saint-Tropez, nơi trưng bày các bức tranh vẽ về đô thị biển này vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX (Signac, Matisse, Braque, Vlaminck, Derain, Bonnard, Rouault, Utrillo…).
Về phía Tây của Saint-Tropez có nhiều bãi biển nổi tiếng trải dài trên 10 km, trong đó có cả bãi biển dành cho những người thích tắm khỏa thân (bãi Pampelonne). Khi đi vào khu vực này mà vẫn mặc áo tắm, ta bỗng nhiên cảm thấy xấu hổ.
Nguyễn Đan Tâm (Paris)
- Xây dựng cầu kết nối Trung Quốc với Hongkong
- Nhà đất ở Úc: bong bóng có vỡ?
- Nhà chọc trời giúp cải tạo sông ô nhiễm Ciliwung
- Câu chuyện ánh sáng và kiến trúc ở Lyon
- Chiêm ngưỡng vẻ đẹp các “sân khấu” World Cup 2010
- Vấn nạn của các đại đô thị
- Những lâu đài cổ kính nổi tiếng nhất của châu Âu
- Hậu quả của bong bóng bất động sản ở Ireland: Cứ 5 nhà thì 1 bỏ hoang
- Bangalore (Ấn Độ) – thung lũng Silicon của châu Á
- Tranh cãi về kiến trúc thời hậu chiến ở Đức