Diễn đàn thế giới về vấn đề đô thị hóa vừa kết thúc ở Rio de Janeiro (Brazil) đưa ra dự báo rằng trong 40 – 50 năm tới sẽ xuất hiện những “siêu khu vực” với số dân trên 100 triệu người. Những tập hợp các thành phố trải dài đến mức có thể gọi là “không đầu không cuối” sẽ mọc lên tại Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và khu vực Tây Phi. Tây Âu đứng ngoài tiến trình này.
Tokyo (Nhật Bản)
Các chuyên gia của LHQ nêu rõ rằng nhiều người dân thành thị ở các nước chẳng thích thú gì với quá trình đô thị hóa và cố thoát ra ngoài thiên nhiên. Ngược lại, dân nông thôn lại muốn lao vào thành phố. Các cuộc điều tra xã hội học cho thấy số lượng người nông thôn về thành thị đông hơn hẳn dòng chảy ngược lại. Đô thị hóa trở thành hiện tượng dân số chủ chốt của thế kỷ 21. Các thành phố lớn dần lên, nối kết với nhau và tạo ra các “siêu khu vực” mà theo cách gọi của các chuyên gia LHQ là “bất tận”, dài hàng trăm cây số với số dân nhiều chục triệu người.
Mumbai (Ấn Độ)
New Delhi (Ấn Độ)
Tờ Newizv dẫn báo cáo của LHQ cho biết, năm 2009 nhân loại đã bước qua một giới hạn rất quan trọng là dân thành thị trên hành tinh chúng ta đã vượt số dân nông thôn. 60 năm trước dân số trên thế giới phân bố như sau: 70% ở nông thôn, 30% ở thành thị. Tới giữa thế kỷ 21 tỷ lệ có thể đổi ngược - ở thành thị có tới 70% số dân toàn cầu và đạt con số 5,3 tỷ người. Trong đó châu Á chiếm 63% (3,3 tỷ người), châu Phi – gần 25% (1,2 tỷ người). Riêng số người thành thị ở châu Âu tăng không đáng kể, từ trên 900 triệu hiện nay lên 1,1 tỷ người vào năm 2050. Sự sáp nhập Hong Kong với Thâm Quyến và Quảng Đông ở phía Nam Trung Quốc sẽ tạo ra “siêu khu vực” lớn nhất hành tinh với 120 triệu dân. Tại Nhật Bản “siêu khu vực” lớn nhất do Nagoia, Osaka, Kioto và Kobe tạo nên với số dân lên tới 60 triệu người. Người em của nó ở Brazil dựa trên hai thành phố Rio de Janeiro và San Paolo có số dân 43 triệu. Sự nối kết các siêu thành phố ở Tây Phi sẽ làm nên một “siêu khu vực” dài 600 km bao gồm lãnh thổ của bốn quốc gia là Nigeria, Benin, Togo và Ghana.
Dhaka (Bangladesh)
Trong tương lai “siêu khu vực” lớn nhất sẽ là “hành lang biển” nối bốn siêu thành phố là Bình Nhưỡng, Seoul và Tokio thông qua 77 thành phố. Công bằng mà nói, tính tới sự chênh lệch về mức độ phát triển kinh tế - xã hội ở các siêu thành phố nói trên thì sẽ nảy sinh nguy cơ thảm họa công nghệ và các cuộc xung đột sắc tộc trong khu vực này. Mặc dù vậy các chuyên gia LHQ coi việc hình thành các “siêu khu vực” là điều tích cực. Các cuộc điều tra cho thấy 40 “siêu khu vực” lớn nhất chiếm không quá nhiều diện tích của hành tinh nhưng có tới 18% dân số thế giới sống ở đó. Chúng chiếm 66% tài lực kinh tế của thế giới và gần 85% phát minh công nghệ và khoa học. 25 thành phố lớn nhất của thế giới tập hợp hơn một nửa tài sản của hành tinh. Sư tập trung tài sản lớn hơn diễn ra ở Ấn Độ và Trung Quốc - ở đó một nửa tài sản thuộc về 5 thành phố lớn nhất.
Sao Paulo (Brazil)
Việc đô thị hóa “vô tận” khiến diện tích của các thành phố mở rộng chưa từng có. Chẳng hạn, mặt bằng của thành phố Los Angeles (Mỹ) tăng ba lần từ năm 1975 đến năm 1990, còn dân số tăng 45%. Nhiều chuyên gia cho rằng sự trải rộng các siêu đô thị là triệu chứng của các căn bệnh của tương lai bởi vì điều này sẽ làm tăng chi phí đi lại, tiêu thụ năng lượng… và gây hại không nhỏ cho môi trường.
Dự báo các “siêu đô thị” thế giới Tạp chí Forces đã công bố danh sách dự kiến các siêu thành phố của thế giới năm 2025. Dưới đây là 5 vị trí đầu: 1. Tokyo (Nhật Bản): Đứng đầu danh sách với dân số hơn 35,2 triệu người, ước tính năm 2025 sẽ tăng lên 36,4 triệu. Tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 2007-2025: 0,11%. 2. Mumbai (Ấn Độ): Dân số hơn 18,2 triệu, ước tính đến năm 2025 tăng lên 26,4 triệu người. Tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 2007-2025: 1,83%. Mumbai có tên cũ là Bombay. 3. New Delhi (Ấn Độ): Dân số hơn 15 triệu người, ước tính đến năm 2025 tăng lên 22,5 triệu người. Tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 2007-2025 là 1,92%. 4. Dhaka (Bangladesh): Dân số hiện tại 11,9 triệu, ước tính đến 2025 tăng lên 22 triệu người. Tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 2007-2025 là 2,72%. 5. Sao Paulo (Brazil): Dân số hiện tại 18,3 triệu, ước tính đến 2025 tăng lên 21,4 triệu người. Tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 2007-2025 là 0,71%. |
Trần Quang Vinh
- Hậu quả của bong bóng bất động sản ở Ireland: Cứ 5 nhà thì 1 bỏ hoang
- Bangalore (Ấn Độ) – thung lũng Silicon của châu Á
- Tranh cãi về kiến trúc thời hậu chiến ở Đức
- Seoul sẽ là đô thị hấp dẫn nhất thế giới?
- Tháng tư về ở Amsterdam
- Darwin – đi lên từ đổ nát
- Maldives với giải pháp xây đảo nổi
- Nóng rẫy địa ốc Trung Quốc
- Meissen - Thành phố của những vận may
- Những hòn đảo nhân tạo nổi tiếng trên thế giới