Olympic Paris 2024 đã kết thúc, các hành động và truyền thông cho giảm thiểu phát thải carbon đã đi một bước dài và để lại cho chúng ta nhiều bài học, nhiều suy nghĩ, nhiều ý tưởng cho các hành động và truyền thông hướng tới Net Zero tại Việt Nam.
Quang cảnh từ trên cao nhìn về Nhà thờ Đức Bà Paris trong buổi lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024 tại Paris, hôm 26/07/2024. Có thể thấy thuyền của các đoàn thể thao di chuyển trên sông Seine qua Đảo Ile de la Cité (phía trước bên phải), Đảo Saint-Louis (phía sau bên phải) và bảo tàng Centre Pompidou (bên trái),đều là các thắng cảnh vô song của nước Pháp.
Ngay từ giai đoạn ứng cử, Paris 2024 đã cam kết rõ định hướng rằng sự kiện thể thao lớn phải có trách nhiệm với biến đổi khí hậu, và họ đặt mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải carbon của Thế vận hội Paris 2024 so với mức trung bình của Thế vận hội London 2012 và Rio 2016, tức là tương đương 3,5 triệu tấn CO2, một mục tiêu rất cụ thể nhưng cũng rất tham vọng. Thêm vào đó, Paris 2024 đã có cách tiếp cận khác biệt hoàn toàn so với các sự kiện thể thao lớn trước đó là chuyển từ đánh giá sau sự kiện về lượng khí thải carbon bằng các hoạt động bù đắp sang xác định ngay từ trước Thế vận hội một mục tiêu và chiến lược giảm tác động của sự kiện đến khí hậu – Bài học 1: Đặt mục tiêu cụ thể để định hướng hành động.
Để đo lường mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải CO2 như đã đặt ra, Paris 2024 đã chọn tính đến tất cả lượng khí thải CO2 của toàn bộ các sự kiện, trực tiếp và gián tiếp, bao gồm cả việc di chuyển của khán giả, để từ đó định hướng các phương án lựa chọn kể từ giai đoạn đấu thầu cho đến các bước triển khai trong suốt chu kỳ chuẩn bị tổ chức Thế vận hội. Lần đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội, Paris 2024 đã dự đoán lượng khí thải carbon của Thế vận hội và phát triển một công cụ giám sát trong suốt sự kiện, kết hợp gần 10.000 điểm dữ liệu – Bài học 2: Áp dụng công cụ giám sát báo cáo.
Toàn bộ hệ sinh thái của Paris 2024 đã tích hợp các hành động tránh, giảm thiểu và kiểm soát lượng khí thải carbon đã được xác định từ đầu vào tất cả các hoạt động và trong tất cả các lĩnh vực tổ chức Thế vận hội, cụ thể như Paris 2024 đã tận dụng tới 95% các cơ sở thi đấu từ các thắng cảnh và công trình mình đang có sẵn. Thành phố Paris diễm lệ đã biến những địa điểm với tuyệt tác kiến trúc của mình thành đấu trường cho các vận động viên, một cách làm vừa biểu tượng lòng hiếu khách vừa phô trương vẻ đẹp của nước Pháp, nhưng đằng sau đó là mục đích giảm thiểu xây dựng mới để giảm thiểu phát thải carbon. Danh sách các cơ sở thi đấu hùng hậu mà nước Pháp đang có sẵn bao gồm sông Seine ở Paris, sân vận động Stade de France ở Saint-Denis, khu phức hợp Roland-Garros ở Paris, nhà thi đấu xe đạp National Velodrome ở Saint-Quentin- en-Yvelines, Sân vận động Pierre Mauroy ở Lille và Nhà thi đấu Paris La Défense ở Nanterre – Bài học 3: Hạn chế xây dựng thêm.
Một điểm rất độc đáo của Paris 2024 là nước Pháp đã cho lắp đặt các công trình tạm thời ngay tại những điểm đẹp nhất của Paris cho các cuộc thi đấu thể thao, ví dụ như thi đấu Bắn cung cho người khuyết tật tại Invalides, Bóng chuyền bãi biển và Bóng đá dành cho người mù dưới chân Tháp Eiffel và Trượt ván tại quảng trường De la Concorde. Những địa điểm tạm thời này mang đến cơ hội đưa Thế vận hội ra khỏi sân vận động, quảng bá vẻ đẹp đất nước, đồng thời giảm thiểu tác động đến khí hậu và môi trường so với các cơ sở xây dựng mới. Các công trình tạm thời này đều sử dụng các vật liệu tái sử dụng hoặc có dấu chân carbon nhỏ, như gỗ, tạo cảnh quan bằng các không gian có sẵn, sử dụng thông gió tự nhiên, vv.., và sau Olympic, tất cả các công trình tạm thời sẽ được dùng lại ở chỗ khác, vật liệu được tái sử dụng hoặc tái chế, ít nhất một nửa là ở nước Pháp để giảm phát thải từ vận chuyển xa – Bài học 4: Công trình tạm thời thân thiện với 3R (Reduce – Reuse – Recycle).
Quang cảnh bên trong của Trung tâm thi đấu dưới nước tại Seine-Saint-Denis với nước được làm ấm từ nhiệt do trung tâm dữ liệu gần đó thải ra, mái lõm giảm thể tích không gian cần làm mát, mái có lắp các dàn quang điện, ghế được chế tạo tại địa phương từ vật liệu tái chế.
Có một công trình thi đấu duy nhất được xây dựng mới hoàn toàn phục vụ nhu cầu của Thế vận hội là Trung tâm thi đấu dưới nước và công trình này sẽ được để lại như một món quà cho người dân Seine-Saint-Denis, nơi còn đang thiếu các công trình thể thao công cộng. Sau thế vận hội, các thiết kế bên trong cho phép dễ dàng thay đổi để tăng công năng và phù hợp với nhu cầu của cộng đồng dân cư trong vùng. Công trình này cũng là một ví dụ nổi bật về xây dựng ít carbon. Tòa nhà có bộ khung mái có thiết kế dạng lõm bằng gỗ, cho phép giảm tới 30% thể tích sưởi ấm, mái có các tấm quang điện cung cấp khoảng 20% nhu cầu điện cho tòa nhà, nhiệt thu hồi từ trung tâm dữ liệu lân cận được dẫn về để giữ nhiệt độ nước trong bể bơi luôn ở mức 28oC, ghế được chế tạo ngay tại địa phương từ 30 tấn vật liệu tái chế – Bài học 5: Xây dựng công trình có ích cho cộng đồng và tiết kiệm năng lượng.
Một khu công nghiệp hết thời nằm giữa Saint-Denis, Saint-Ouen-sur-Seine và Île-Saint-Denis được biến thành Làng Olympic cho 15.000 vận động viên từ khắp nơi trên thế giới và được thiết kế để chuyển sang thành một khu đô thị bền vững với nhà ở, văn phòng và không gian bán lẻ vào năm 2025. Ngôi làng kết hợp các tiêu chuẩn môi trường tốt nhất nhằm giảm tác động môi trường từ xây dựng bằng cách tái sử dụng vật liệu, sử dụng bê tông carbon thấp và gỗ cho cả kết cấu và mặt tiền, lượng khí thải CO2 liên quan đến việc xây dựng có thể giảm 30% so với cách thông thường. Đây cũng là cơ hội để thử nghiệm các giải pháp sáng tạo và có trách nhiệm cho các thiết bị phụ trợ như hệ thống địa nhiệt để điều hòa không khí, thông gió tự nhiên, nước thải được xử lý để tái sử dụng cho tưới cây, mái nhà xanh, cảm biến giám sát chất lượng không khí, vv… Thiết kế cũng được tính toán để kết hợp các mục đích sử dụng trong tương lai, như phân vùng mô-đun để có thể cấu hình lại các không gian bên trong các tòa nhà phù hợp với công năng sử dụng mới. Còn có các giải pháp sáng tạo khác như bãi đậu xe quang điện có diện tích tấm quang điện tới 1.000m2 tại ga xe lửa Làng thế vận hội, một trang trại năng lượng mặt trời có diện tích tấm quang điện tới 400m2 nổi trên sông Seine do EDF lắp đặt cấp một phần lượng điện cho Làng – Bài học 6: tương lai bền vững bắt đầu ngay từ ý tưởng thết kế.
Thế vận hội là cơ hội để đổi mới và thử nghiệm các giải pháp sản xuất điện cho nhu cầu tự tiêu dùng tạm thời được thử nghiệm trong thời gian diễn ra sự kiện. Trong ảnh là các tấm pin mặt trời được lắp trên nóc các khối nhà của Làng Olympic
Nguyên tắc giảm thiểu mức sử dụng tài nguyên trong trang bị nội thất của khoảng 40 địa điểm của Paris 2024. Lều, vách ngăn, ghế, máy tính, thiết bị thể thao, bảng hiệu, và nhiều món đồ khác luôn được đặt câu hỏi liệu nó có thực sự cần thiết hay không hoặc có thể dùng chung được hay không. Cách đặt câu hỏi giúp giảm gần 25% số lượng mặt hàng nội thất, giảm từ 800.000 yêu cầu lúc đầu xuống còn khoảng 600.000. Không chỉ giảm về nhu cầu theo số lượng, Paris 2024 còn ưu tiên thuê hoặc xin dùng tới 90% mặt hàng thay vì mua mới. Ngoài ra, lường trước lượng rác thải liên quan đến sự kiện sẽ rất lớn từ số lượng khách đến trong suốt kỳ thế vận hội, nhất là từ bao bì đồ ăn và đồ uống, Paris 2024 cũng đã có các giải pháp khôn ngoan như lắp vòi nước uống công cộng, hay hệ thống thùng rác cho các loại bao bì khác nhau – Bài học 7: Tiết kiệm tối đa một cách thông minh.
Thế vận hội cũng là cơ hội để phát triển và thử nghiệm các giải pháp có trách nhiệm hơn trên quy mô lớn. Để đạt được điều này, Paris 2024 khuyến khích toàn bộ các bên liên quan trong hệ sinh thái của mình, đặc biệt là các đối tác và nhà thầu cung cấp, kết hợp thiết kế sinh thái vào các sản phẩm và dịch vụ của họ, ví dụ như lựa chọn nhiều vật liệu tự nhiên hoặc ít carbon hơn, như gỗ hoặc sản phẩm có thể tái sử dụng, tìm nguồn cung ứng tại địa phương nhiều hơn, sử dụng các mặt hàng made in France, hợp tác với các tổ chức thuộc nền kinh tế xã hội, hội đoàn, cộng đồng, vv.. – Bài học 8: Khuyến khích thiết kế sinh thái cho mọi sản phẩm.
Để phục vụ Thế vận hội, quảng trường Place de la Concorde đã được nhà thầu Enedis trang bị hệ thống thiết bị đầu cuối có thể thu vào được lắp đặt bên dưới mặt đường, cho phép kết nối trực tiếp với mạng lưới điện. Hệ thống sáng tạo và bền vững này cũng sẽ được lắp đặt tại các địa điểm tạm thời khác, chẳng hạn như Place du Trocadero và một số địa điểm tổ chức lễ kỷ niệm.
Paris 2024 cam kết là Thế vận hội có trách nhiệm hơn, giảm tác động và mức tiêu thụ carbon trong tất cả các khía cạnh của sự kiện. Các cơ sở của Paris 2024 sẽ hiệu quả hơn về mặt năng lượng,. Ở tất cả các công trình hiện có và địa điểm tạm thời, toàn bộ hệ thống chiếu sáng đều sử dụng công nghệ LED giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng tới 80% so với hệ thống chiếu sáng cũ. Các thiết bị điện cũng sẽ bị giới hạn ở những thứ thiết yếu, ít ổ cắm hơn, ít máy in hơn, màn hình nhỏ hơn, vv.. Một ý tưởng hay khác mà không phải ai cũng biết, đó là không có máy phát điện riêng cho một sự kiện hay địa điểm mới, thay vào đó, các thiết bị mới lắp đặt tại các điểm trong thành phố đều được đấu nối một cách chắc chắn và an toàn với lưới điện quốc gia, và sau Thế vận hội, các thiết bị đầu cuối sự kiện này sẽ trở thành di sản cho cộng đồng, thúc đẩy các sự kiện có trách nhiệm hơn tại địa điểm đó trong tương lai. Ngay các các máy phát điện dự phòng do nhà thầu GL Events – Loxam chuẩn bị cho các sự kiện quan trọng cũng được yêu cầu là loại chạy bằng nhiên liệu sinh học để giảm mức khí thải. Ngay cả lượng điện cung cấp theo lưới điện, Paris 2024 cũng chọn 100% điện tái tạo được tạo ra từ sáu trang trại gió và hai trang trại năng lượng mặt trời ở Pháp và đây cũng là cách làm đầu tiên thuộc loại này trong lịch sử Thế vận hội – Bài học 9: Những thay đổi nhỏ mang tính trách nhiệm sẽ tạo nên mức giảm tiêu thụ năng lượng lớn trên quy mô toàn thể.
Trong hai giai đoạn kéo dài mỗi đợt 15 ngày của Thế vận hội Olympic và Paralympic, Paris 2024 đã phục vụ hơn 13 triệu bữa ăn, từ bữa sáng đến bữa tối, từ bánh sandwich ăn nhanh đến tiệc buffet ăn chọn. Riêng về mảng này, Thế vận hội Paris 2024 đã sử dụng kiến thức và sự sáng tạo của ẩm thực Pháp để tạo thói quen ăn uống có trách nhiệm hơn trong các sân vận động và trong các sự kiện thể thao. Nước Pháp có một hệ sinh thái thực phẩm phong phú và các vị chủ nhà tận tâm, tất cả đều mong muốn biến Thế vận hội thành cơ hội để nêu bật những gì tốt nhất mà Pháp mang lại. Tổng cộng có 120 tổ chức và 200 vận động viên đã được tham vấn để đưa ra tài liệu hướng dẫn cho các đối tác và nhà cung cấp dịch vụ nhằm nâng cao ý thức về môi trường và xã hội và bám theo các cam kết cho từng loại sản phẩm hoặc dịch vụ, vì dụ như 100% thịt Pháp và bền vững, các sản phẩm sữa Pháp, 100% sản phẩm từ đánh bắt bền vững, 100% trứng từ gà thả rông tại Pháp, vv.. Mẫu số chung giữa tất cả các nỗ lực đó là thực phẩm lành mạnh, ngon miệng và sáng tạo, với nhiều lựa chọn địa phương và nhiều rau quả thực vật hơn với giá cả phải chăng. Công thức chung là lượng thực vật tăng gấp đôi trong suất ăn giúp giảm gấp đôi lượng phát thải CO2 – Bài học 10: Ẩm thực có trách nhiệm.
Sơ bộ điểm qua một vài ví dụ cụ thể từ cách nghĩ, cách làm sáng tạo độc đáo của Thế vận hội Mùa hè Paris 2024, từ cam kết, con người, hạ tầng, trang thiết bị, phương pháp tổ chức, sản phẩm phục vụ, ta thấy toát lên hình ảnh một Thế vận hội có trách nhiệm về mặt xã hội và môi trường, và hơn tất cả, đó là thông điệp giảm thiểu carbon được mọi người nhận thấy mọi lúc, mọi nơi. Cách làm này của nước Pháp là tấm gương mẫu mực của người dẫn đầu, bất chấp những nghị dị ban đầu, những hoài nghi từ nhóm bảo thủ. Đó cũng chính là thông điệp rút ra được cho các hành động truyền thông hướng tới Net Zero của chúng ta, đó là truyền thông rộng khắp, tỉ mỉ, liên tục, mọi lúc, mọi nơi, tới mọi người.
Lễ bế mạc Olympic Paris 2024 được Yseult, nữ danh ca Pháp 30 tuổi, “chốt lại” rất đẹp bằng hát bài “My way” của Frank Sinatra, với đoạn cuối như sau: “I faced it all, and I stood tall / And did it my way” – Tạm dịch: “Tôi đã đối mặt với tất cả, và tôi đã ngẩng cao đầu / Và tôi đã làm theo cách của tôi.” “Tôi đã làm theo cách của tôi” chính là thông điệp của nước Pháp thể hiện qua việc tổ chức Thế vận hội Paris 2024 hướng tới giảm phát thải và trách nhiệm cho một môi trường bền vững.
TS Phan Mạnh Tuấn - chuyên gia tại NetZero.VN
- Tuân thủ ESG, doanh nghiệp Singapore chọn văn phòng "xanh" để chuyển trụ sở
- Trung Quốc vẫn chưa tìm được lối ra cho các "căn hộ ế"
- Nghĩa trang phủ kín pin điện mặt trời, nơi an nghỉ thành trang trại điện sạch ở Valencia (Tây Ban Nha)
- Nguồn gốc bất ngờ của những trang trại điện mặt trời khổng lồ
- Trùng tu di tích - kinh nghiệm từ nước Pháp
- Các đô thị trên thế giới phát triển hệ thống giao thông bền vững
- Những quốc gia có nhiều cao ốc nhất thế giới - Trung Quốc vượt xa Mỹ
- Cách xử lý nước mưa của Berlin trong bối cảnh biến đổi khí hậu
- Thụy Điển và hành trình trở thành hình mẫu về kinh tế ít carbon
- Vì sao ý tưởng “Olympic xanh nhất” của Pháp bị phản đối dữ dội?