Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng nghiêm trọng, các đô thị trên thế giới đang có định hướng phát triển bền vững, trong đó tiến hành sửa chữa và nâng cấp hệ thống giao thông công cộng, hướng đến phát triển các loại hình giao thông, thân thiện với môi trường.
Singapore thúc đẩy các phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường
Singapore thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông bền vững. (Ảnh: Getty image)
Trong những năm qua, Singapore luôn kiên trì với mục tiêu phát triển bền vững, trong đó hướng trọng tâm vào xây dựng hệ thống giao thông công cộng, thúc đẩy các phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường.
Nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chính quyền “Đảo quốc sư tử” đã tập trung đầu tư cho hệ thống tàu điện ngầm MRT với chiều dài lên đến 130km, gồm 84 ga, phục vụ trung bình 2 triệu lượt khách/ngày. Các tuyến đường sắt được phân bố hợp lý nhằm rút ngắn thời gian di chuyển cho người dân.
Ngoài đường sắt, quốc đảo Đông Nam Á cũng được bao phủ bởi hệ thống xe buýt rộng khắp với khoảng 5.800 chiếc với độ tuổi trung bình lên đến 8 năm. Năm 2023, hệ thống xe buýt phục vụ trung bình khoảng 3,75 triệu lượt hành khách mỗi ngày. Singapore đang đặt mục tiêu thay thế dần tất cả các xe buýt chạy bằng dầu diesel hiện có bằng xe buýt năng lượng sạch hơn vào năm 2040.
Xe đạp cũng là phương tiện được khuyến khích sử dụng nhằm hướng đến các mục tiêu bền vững. Theo chương trình mạng lưới xe đạp toàn diện, Singapore đặt mục tiêu mở rộng hệ thống đường dành cho xe đạp lên khoảng 1.300km trên toàn quốc vào năm 2030. Bên cạnh đó, kế hoạch biến một số tuyến đường thành lối dành cho người đi bộ, đường dành cho xe đạp hoặc làn xe buýt đang được triển khai.
Nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ hành khách, Singapore đã tăng cường tích hợp công nghệ tiên tiến vào hệ thống xe buýt, tàu hỏa, như: hệ thống bán vé điện tử hay các ứng dụng theo dõi lịch trình chuyến đi… Chính phủ cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho đối tượng hành khách cao tuổi với nhiều cải tiến giúp người dân tiếp cận giao thông công cộng dễ dàng hơn như: xây nhiều thang máy tại các cầu vượt đi bộ trên cao, đầu tư thêm nhiều chỗ ngồi ở trạm chờ xe buýt và ga tàu điện, sàn chống trơn trượt...
Các chuyên gia của McKinsey nhận định: “Singapore tạo ra một hệ thống giao thông công cộng tốt nhất vừa dễ tiếp cận, hiệu quả, thuận tiện, bền vững đồng thời vừa túi tiền. Vì những yếu tố này mà hệ thống giao thông công cộng của đảo quốc sư tử rất được lòng người dân”.
Không chỉ cơ sở hạ tầng giao thông, Chính phủ Singapore cũng phát triển cơ sở hạ tầng xanh, hướng đến xây dựng một quốc gia bền vững và giảm thiểu lượng khí C02 thải ra. Sau nhiều thập kỷ, Singapore đã đạt tỷ lệ phủ xanh hơn 50% diện tích mặt đất theo chiều ngang và hơn 75% cả chiều dọc theo chính sách phát triển "vườn thẳng đứng". Quốc gia này cũng đặt mục tiêu phủ xanh ít nhất 80% số tòa nhà cho đến năm 2030.
Nhiều công trình xanh được tạo nên đã gây ấn tượng với bạn bè quốc tế. Dự án sân bay quốc tế Changi, cùng với khu phức hợp Jewel mang đến cho du khách, người tham quan trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên khi sở hữu thác nước trong nhà cao nhất thế giới, công viên nhiệt đới 14.000m2 và 60.000 cây xanh…
Các hệ thống xử lý nước thải cũng được phát triển nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước nghiêm trọng cũng như hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường do xả nước thải sinh hoạt bừa bãi.
Bắc Kinh xem phát triển hệ thống tàu điện ngầm là ưu tiên hàng đầu
Bắc Kinh là trung tâm giao thông hàng đầu ở Trung Quốc với hệ thống vận tải hàng không, đường sắt và đường bộ hiện đại bậc nhất. Thủ đô của quốc gia tỷ dân sở hữu sân bay lớn nhất cũng như mạng lưới đường sắt dày đặc, góp phần đáp ứng nhu cầu di chuyển ngày càng tăng.
Chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm áp lực giao thông, bao gồm khuyến khích di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng, phân bổ đăng ký ô tô theo hệ thống xổ số biển số và kiểm soát giao thông bằng biển số chẵn lẻ...
Một khách du lịch đến từ Việt Nam nhận định: “Đến Bắc Kinh lần này, tôi ngạc nhiên khi chứng kiến một TP hơn 20 triệu dân nhưng đường phố khá thoáng, không mấy khi thấy kẹt xe. Trên các đại lộ phần lớn là xe chạy điện do Trung Quốc sản xuất”.
Trong suốt những năm qua, chính quyền Bắc Kinh không ngừng cải thiện, tu bổ và nâng cấp hệ thống tàu điện ngầm nhằm vừa giúp giảm áp lực giao thông vào giờ cao điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách cũng như hạn chế lượng khí CO2 thải vào không khí.
Tàu điện ngầm Bắc Kinh gồm 27 tuyến với 22 tuyến vận chuyển nhanh, hai tuyến đường sắt sân bay, một tuyến đệm từ, hai tuyến đường sắt nhẹ, với tổng chiều dài lên đến 836km trải dài 12 quận. Tổng cộng có 490 nhà ga được xây dựng. Thủ đô Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng hệ thống tàu điện ngầm lên 1.000km, phục vụ 18,5 triệu chuyến mỗi ngày vào năm 2025.
Theo Hiệp hội Vận tải Đường sắt Đô thị Trung Quốc, xây dựng tàu điện ngầm đang bùng nổ và là xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai của ngành vận tải đường sắt đô thị ở Trung Quốc. Hiệp hội này cho biết so với các phương tiện giao thông khác, tàu điện ngầm có nhiều lợi thế về xanh và sạch môi trường, tiêu thụ năng lượng đơn vị thấp nhất, tiết kiệm tài nguyên đất và không chiếm diện tích mặt bằng.
Bên cạnh đó, một hệ thống xe buýt xanh tiện lợi được vận hành chủ yếu bởi Tập đoàn Giao thông công cộng Bắc Kinh đang góp phần giúp TP này đạt được mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu tối đa lượng carbon thải ra. Hiện tại, với sự hỗ trợ từ Chính phủ Trung Quốc, TP này đã hoàn thành hơn 90% mục tiêu chuyển đổi xe buýt chạy bằng xăng thành xe buýt điện.
Stockholm tiếp tục thúc đẩy hệ thống giao thông thân thiện với môi trường
Không chỉ nổi tiếng bởi cảnh quan tuyệt vời, những công viên xanh hay những con đường dành cho xe đẹp, Thủ đô Stockholm của Thụy Điển còn gây ấn tượng với khách du lịch bởi mạng lưới giao thông tiện lợi, chất lượng cao và đa dạng về loại hình. TP này sở hữu hệ thống tàu điện ngầm gồm 100 trạm và mạng lưới xe điện, xe buýt, và tàu hỏa với chi phí rẻ.
Điều giúp hệ thống giao thông công cộng của Stockholm đặc biệt ấn tượng là tính liền mạch, tức là hành khách có thể dễ dàng chuyển từ tàu điện ngầm sang xe điện hoặc tàu hỏa với cùng một thẻ vé và ít phải đi bộ hoặc tốn thời gian chờ đợi.
Stockholm đang đạt được tiến bộ lớn trong việc xây dựng mạng lưới giao thông xanh và sạch. Chẳng hạn như, phần lớn giao thông đường thủy địa phương đều vận hành bằng nhiên liệu tái tạo. TP này đặt mục tiêu 100% phương tiện di chuyển bằng năng lượng bền vững vào năm 2030.
Trong những năm tiếp theo, chính quyền TP này tiếp tục đẩy mạnh các mục tiêu bền vững như, đảm bảo tất cả người dân đều có thể đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng, tiếp cận với không gian công cộng như: Quảng trường, công viên, không gian xanh, dịch vụ công cộng và thương mại, tăng cường thêm nhiều không gian dành cho người đi bộ cũng như cơ sở hạ tầng xanh.
Stockholm có kế hoạch triển khai hai khu vực không phát thải vào năm 2026. Tại những khu vực này, chỉ những xe không phát thải mới được phép hoạt động. Ngoài ra, TP này đang hướng đến việc xây dựng các trạm sạc cho xe điện, trong đó đặt mục tiêu tất cả các bãi đỗ xe tại khu vực nội thành phải có trạm sạc điện vào năm 2028.
Tùng Lâm
(KT&ĐT)
- Trung Quốc vẫn chưa tìm được lối ra cho các "căn hộ ế"
- Nghĩa trang phủ kín pin điện mặt trời, nơi an nghỉ thành trang trại điện sạch ở Valencia (Tây Ban Nha)
- Nguồn gốc bất ngờ của những trang trại điện mặt trời khổng lồ
- Trùng tu di tích - kinh nghiệm từ nước Pháp
- Olympic Paris 2024 đã thực hiện giảm phát thải như thế nào
- Những quốc gia có nhiều cao ốc nhất thế giới - Trung Quốc vượt xa Mỹ
- Cách xử lý nước mưa của Berlin trong bối cảnh biến đổi khí hậu
- Thụy Điển và hành trình trở thành hình mẫu về kinh tế ít carbon
- Vì sao ý tưởng “Olympic xanh nhất” của Pháp bị phản đối dữ dội?
- Giấc mơ nông nghiệp đô thị của Singapore trở nên xa vời