Mỹ học đô thị Tokyo - Hỗn loạn và trật tự

Thứ bảy, 30 Tháng 8 2008 16:24 Yoshinobu Ashihara / Lý Thế Dân dịch
In

Cảnh quan thành phố Tokyo

Cảnh quan của các thành phố Nhật Bản có cấu trúc chỉ hơi giống nhau ở các đường thẳng và thậm chí còn ít giống hơn ở sự cân xứng và mặt đứng của các công trình dọc những đường thẳng đó, do đó khu đất xây dựng của các công trình đó không cần phải vuông vức hay có hình chữ nhật. Đó là kết quả hiển nhiên của tập quán cổ xưa cho phép người chủ đất tự phân chia khu đất của mình theo bất cứ cách nào mà họ thích, và đất đai thì được chia nhỏ thỏa theo những yêu cầu về thừa kế mỗi khi người chủ của nó qua đời. Hình dáng của đô thị, do đó, được quyết định không phải bởi quy hoạch tổng thể đô thị, mà bởi những ý nguyện bừa bãi và thiếu mạch lạc cùng những hành động của các chủ đất tư. Điều này quả thực đã tạo ra cảnh quan có vẻ hỗn loạn của Tokyo.

Tiến thẳng về thành phố sau chuyến bay từ Châu Âu tới sân bay Narita, tôi chu du trên một xa lộ sáu làn đường, qua những khoảnh rừng và cánh đồng xanh tươi sum suê, và rồi đi vào vùng ven của thủ đô Tokyo. Thời tiết đang khá đẹp, quần áo và chăn đệm được treo đầy ngoài những mặt hiên quay hướng Nam của những chung cư trung tầng và cao tầng. Tất nhiên, đối với một người Nhật như tôi, đấy là một cảnh quen thuộc. Nhưng do vừa trở về từ Paris, tôi có một cảm giác không dễ chịu khi thấy mình bị ép phải liếc nhìn vào cái thế giới riêng tư mang tính gia đình của những người xa lạ. Trong nhà tắm của các khách sạn Châu Âu, ta hay nhìn thấy những giá treo khăn tắm được sưởi ấm bằng điện để hong khô khăn và đồ lót trong chỉ vài giờ đồng hồ. Những giá hong khăn có lẽ là chuyện cần thiết bắt buộc, do tại những nơi như London, đồ giặt phơi ngòai hiên không thể khô ráo được, nhưng chúng cũng là kết quả của việc tôn trọng vẻ bề ngoài của cảnh quan đô thị.


Đường phố bên trong khu ở tại Tokyo.

Những quần áo vừa giặt treo ngoài nhà để phơi khô xuất hiện khắp nơi trên các phố vắng của thành phố tại nhiều nước phát triển cho thấy trong một thoáng nếp sống thực tế của con người và điều này có thể đem lại một cảm giác gần gũi thân mật. Tuy nhiên, những khối chung cư mà ta thấy ngày nay tại Nhật Bản lại là những công trình mới xây và khá hiện đại, làm cho những quần áo và khăn trải giường dường như trở nên lạc lõng với cảnh quan.

Việc sử dụng đất thiếu phối hợp

Một yếu tố đặc biệt khác của cảnh quan đô thị Nhật cần được đề cập tới là sự thiếu vắng tính phối hợp và mạch lạc, thiếu tôn trọng bề ngoài và hình thức của công trình, cùng với sự thiếu vắng bất cứ chỉ dẫn hành chính nào từ phía chính quyền hoặc có sự phối hợp trong cộng đồng cư dân nhằm bố cục hài hòa mặt tiền của công trình này với công trình khác.  

Tôi hiện sống ở Tokyo, gần một nhà ga trên tuyến tàu điện ngoại ô. Do phải đi làm hàng ngày, tôi có thể trông thấy một kiểu giống như cách mạng đô thị dần dần thay thế trong những con phố mua sắm phía trước nhà ga. Từng bước một, những cửa hàng nhỏ có kết cấu gỗ như tiệm giặt ủi, tiệm bán đồ uống, tiệm bán rau và tiệm cắt tóc bị phá huỷ dần và thay vào bằng những cửa hàng xây kết cấu bê tông cốt thép kết hợp với khối các căn hộ ở phía trên. Mỗi khối nhà ở này lại có thiết kế và hình thức khác nhau, đồng thời việc các khu đất bị chia nhỏ một cách không đều lại càng bộc lộ rõ khi những công trình thấp bằng gỗ được chuyển thành những khối kết cấu trung tầng. Tôi cảm thấy mình càng trở nên khó chịu bứt rứt với những khoảng không sót lại, chỉ còn không đầy một mét rộng, há hoác giữa các khối công trình.

Chẳng lẽ những người chủ cửa hàng không thể cùng nhau kết hợp để xây chung một công trình và sử dụng những khoảng không còn lại để tạo ra một khoảng sân hay quảng trường nhỏ phía trước nhà ga hay sao? Đáng lẽ nó có thể được trang trí thêm bằng một đài phun nước, một nhóm tượng hay những băng ghế, trang bị thêm những trụ đèn đường duyên dáng, trạm điện thoại công cộng và một bảng thông tin ngoài trời. Chẳng lẽ cư dân và nhà quản lý không thể cùng nhau làm việc để khu vực này trở nên gọn gàng ngăn nắp và có tổ chức hơn sao?


Cảnh quan đô thị tại Tokyo.

Ở đây, chỉ một phần nhỏ trong những thứ nêu trên là có thể thực hiện được trừ khi hình thức của quyền sử hữu đất đai tại Nhật Bản, hoặc cách nhìn nhận của chúng ta về giá trị của bản thân bất động sản, có thay đổi. Lấy ví dụ, có bốn người con thừa kế của cha mẹ 660 mét vuông đất. Do là mặt hàng có thể trao đổi buôn bán, đất đai có thể bị chia ra theo bất cứ cách nào họ muốn, bằng những đường thẳng hay đường dích dắc. Cái cách mà thuế thừa kế tài sản đánh lên đất đai cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa. Nếu có nhiều người được hưởng quyền thừa kế một tác phẩm của Picasso hay Matisse, chẳng lẽ họ lại cắt nó thành nhiều mảnh theo ý họ và rồi chia ra? Không thể quên được rằng cũng như một tác phẩm, đất đai có lẽ có một giá trị hiển nhiên chỉ khi nó còn nguyên vẹn. Mảnh đất phía trước nhà ga là một ví dụ đặc biệt cụ thể, và chúng ta hy vọng rằng việc cấm chia nhỏ quá mức đất đai sẽ có hiệu lực càng sớm càng tốt.

Vấn đề tái phát triển đô thị

Trong những quy hoạch tổng thể tái phát triển đô thị, ưu tiên hàng đầu phải là phúc lợi cho người dân chứ không chỉ đơn giản theo đuổi lợi nhuận thông qua việc thành lập những khu thương mại. Tái phát triển đô thị ở Mỹ khởi đầu cùng với việc cải tạo nâng cấp những khu dân cư cấp thấp - nghĩa là xóa bỏ những khu ổ chuột-và dù các khu thương mại vẫn được bố trí cho mỗi quận, mục tiêu chính vẫn là xây dựng và nâng cấp nhà ở. Nhiều năm trước, khi tới thăm Nhật ngay sau Thế Chiến Thứ Hai, Justin Hermann, một chuyên gia và là người tiên phong trong lĩnh vực tái phát triển đô thị trong nội đô San Francisco, đã nhấn mạnh đến điểm này. Hermann vốn nổi tiếng vì một loạt các dự án như Dự án Embarcadero, đã trở thành một hình mẫu cho các dự án tái phát triển đô thị sau này.

Tại Nhật Bản, tái phát triển đô thị hầu như bị giới hạn trong các khu vực phía trước các nhà ga và các trung tâm quận, và hầu như tất cả các dự án đều có mục tiêu trên hết là nâng cao lợi nhuận thương mại. Dù các không gian trống công cộng và những yếu tố khác để làm tăng chất lượng của không gian tất nhiên là cũng có mặt trong các dự án này, yếu tố quyết định trong dự án vẫn là khả năng dự án sản sinh ra lợi nhuận thông qua mục đích sử dụng đất. Chỉ có một cố gắng cho đủ lệ bộ được thực hiện nằm ở chất lượng xây dựng tốt và sự nâng cấp nhà ở, còn thì rất ít điều được thực hiện nhằm giảm bớt khoảng cách giữa nơi làm việc và nơi ở.


Vòm trần cao của Nhà ga Trung tâm Philadelphia, với chi tiết nội thất đơn giản.

Một vài năm trước, một nhóm quan sát viên đi thu thập số liệu về để liên hệ với việc xây dựng một khu siêu thị ngầm ở Les Halles tại Paris đã tới thăm Nhật Bản, và tôi đã dẫn họ đi tham quan một khu siêu thị ngầm ở Tokyo. Tại Nhật Bản, các siêu thị ngầm dưới đất được xây dựng để sử dụng đất hiệu quả hơn, và luôn có những công trình thương mại cao tầng mọc lên từ phía trên. Tại Les Halles, người ta cho tôi biết, họ đã quyết định chỉ đặt những công trình thương mại trong những siêu thị ngầm dưới đất bởi nếu đặt chúng trên những khu cao tầng của dự án sẽ làm nhòa đi sự khác biệt giữa chúng (giữa các khu cao tầng) và làm cảnh quan đô thị trở nên đơn điệu. Một cửa hàng khổng lồ đứng phía trên cái siêu thị Nhật Bản mà chúng tôi đã tới, và tôi còn nhớ một cách sống động lời chỉ trích của những nhà quan sát đến từ Paris khi họ ra về, rằng công năng của các không gian ở Nhật Bản dường như dựa trên một lập luận hoàn toàn khác biệt.

 



Hai kiểu mẫu của sự hình thành đô thị


Tôi tin rằng kiến trúc và đô thị có thể được hình thành theo hai cách khác nhau: cách thứ nhất thực hiện theo kiểu mà tôi gọi là “tiếp cận từng phần” và khởi đầu từ từng bộ phận, còn cách thứ hai thực hiện theo kiểu “tiếp cận toàn thể” và khởi đầu từ một khái niệm tổng quan. Với cách tiếp cận đầu tiên, một đô thị được hình thành dần dần, mỗi lần một hoặc hai ngôi nhà; không ai có được một hình dung cụ thể trước đó xem đô thị cuối cùng sẽ như thế nào. Tuy nhiên, với cách tiếp cận sau, ta có thể ngay từ đầu đã xây dựng được một quan niệm rõ ràng một đô thị với dân số và quy hoạch xác định. Từng công trình riêng biệt sẽ được xây dựng nối tiếp trên cơ sở của quy hoạch đó.

Tôi đã từng tranh luận ở đâu đó về hai cách để thiết lập trật tự kiến trúc và không gian đô thị: bằng cách cộng thêm vào và bằng cách loại bớt đi. Trong điêu khắc, một số tác phẩm được tạo ra bằng cách đắp thêm vật liệu vào những chỗ còn trống rồi nối kết chúng lại để biến thành một tác phẩm nghệ thuật, trong khi một số tác phẩm khác lại được tạo hình bằng cách bào tiện hoặc đục chạm bớt những phần không cần thiết từ khối đá hay gỗ thô. Cùng cách đó, kiến trúc hoặc không gian đô thị cũng được sinh ra theo cách cộng thêm, khởi đầu là hình thành một luật lệ nội tại có giá trị bên trong ranh giới không gian đó; hoặc hình thành theo cách loại bớt đi, khởi đầu là xác định rõ ràng ranh giới ngoại vi của không gian đó và rồi tiến hành các công tác bên trong. Cách đầu tiên phù hợp với lối tiếp cận từng phần, còn cách sau phù hợp với lối tiếp cận toàn thể.

Chúng ta hãy cùng xem xét sự tương phản này qua việc so sánh cách tiếp cận của người Nhật với hình thức của kiến trúc, được hình thành bởi khí hậu và điều kiện tự nhiên Nhật Bản, với cách tiếp cận tại Ai Cập và Hy Lạp, những nơi được xem là cái nôi của lịch sử kiến trúc thế giới.

Trong những vùng mà mùa hè có khí hậu nóng khô, ít cây cao hoặc bụi rậm che khuất tầm nhìn, ánh nắng xoi xuống khiến các vật thể có bóng đổ sắc nét. Về mặt lịch sử, chúng ta có thể tìm thấy tại những vùng này rất nhiều công trình đặc trưng bởi sự đăng đối qua trục và tập trung chú trọng mặt tiền, tiêu biểu cho lối tiếp cận toàn thể. Ngược lại, tại những vùng có mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, thực vật sum suê với nhiều cây cao và hình dáng cùng bóng đổ của các vật thể có khuynh hướng bị nhòa đi. Các công trình ở đây đặc trưng bởi việc tránh đối xứng và phô bày toàn mặt đứng, và được tạo thành qua lối tiếp cận từng phần.

Các thành phố và kiến trúc hình thành qua lối tiếp cận toàn thể

Các kim tự tháp được xây dựng giữa sa mạc Ai Cập hơn 4.500 năm về trước là ví dụ tiêu biểu nhất của một không gian được hình thành từ toàn thể.

Sự xem xét cẩn trọng cách một vật thể xuất hiện từ đằng xa là một tiêu chuẩn xác định của lối tiếp cận toàn thể. Trong trường hợp này, việc tính toán toàn thể là hiển nhiên với các cạnh của kim tự tháp, tạo thành một tam giác cân trên mặt cắt, nghiêng đi chính xác 510 50’ 35”, sao cho người xem luôn thấy trước mắt mình là một hình tam giác đều. Nó cũng thể hiện trong kỹ năng mà theo đó 146m chiều cao của kim tự tháp được chia thành 210 bậc, bằng những khối đá lớn chồng từng lớp lên nhau để tạo ra được góc nghiêng đó. Kiến thức về thiên văn học vào thời kỳ này tiến bộ tới mức cho phép định vị chính xác bốn hướng địa dư đông, tây, nam, bắc.

Một ví dụ khác là đền thờ Parthenon, sừng sững trên Acropolis của Hy Lạp từ suốt hơn 2.000 năm qua. Hy lạp có khí hậu mùa hè rất nóng và khô, và mặt trời vùng biển Aegean xoi chiếu xuống mặt đất, cắt xẻ mọi vật thể thành hai phe riêng biệt bóng tối và ánh sáng.


Đền thờ Parthenon, Athens.

Bắt đầu từ trên tầng nền của Acropolis, ta leo lên theo cái lối mòn bằng đá đã bị hơn hai thiên niên kỷ bào mòn. Đột nhiên ngôi đền hiện ra ngay trước mắt. Cái công trình nổi tiếng này, khi tiếp cận từ phía đầu hồi, có hình dáng hòan tòan đối xứng theo trục. Mặt đứng có 8 hàng cột Doric, vẻ đẹp tột cùng của sự cân xứng hài hòa này không thể đạt được mà không tính đến việc thiết kế dựa trên nguyên tắc tiếp cận toàn thể.

Tuy nhiên, khi ta từ từ tiến tới trước các kim tự tháp ở Cairo hay đền Parthenon tại Acropolis và quan sát cận cảnh bề mặt kết cấu, hình ảnh toàn thể, vốn rất ấn tượng nếu nhìn từ xa, trở nên kém rõ ràng và ta sẽ phải đối diện với cảnh mặt ngoài phủ đầy những khối đá xù xì kém hấp dẫn.

Lối tiếp cận toàn thể đòi hỏi sự phối hợp của các thành phần khi người quan sát đứng từ khoảng xa, còn góc nhìn cận cảnh thì có thể không cần phải đẹp mắt hay trau chuốt. Cũng cần lưu ý rằng các công trình và thành phố đã nổi tiếng toàn thế giới và để lại ảnh hưởng lên lịch sử hầu hết đều là ví dụ của lối tiếp cận toàn thể, và chúng biểu lộ bốn đặc tính thông thường: đối xứng qua trục, tập trung chú trọng mặt tiền, tính biểu tượng và tính hoành tráng.

Lối tiếp cận từng phần của Nhật Bản

Nếu chúng ta xem xét lại kiến trúc gỗ cổ truyền Nhật Bản, chúng ta nhận thấy rằng trước tiên, những công trình này có kích thước nhỏ hơn so với kiến trúc Ai Cập hay Hy Lạp. Hơn nữa, chúng được bao quanh bằng rừng cây xanh và không bật trội lên trên phong cảnh thiên nhiên. Không chỉ có thế, chúng có mặt bằng bất đối xứng, và hiếm khi có thể cùng lúc quan sát một cách toàn thể. Chúng không được thiết kế từ đầu để được chiêm ngưỡng toàn thể, do đó không có gì cản trở việc thêm thành phần vào quần thể, từng chút từng chút một, khi người ta thấy thế là cần thiết.

Đứng phía trước lối vào của Biệt Cung Katsura, công trình được xem là tác phẩm xuất sắc nhất của của phong cách kiến trúc sukiya của Nhật Bản, ta sẽ thấy phía bên trái có một chiếc cổng nhỏ dẫn vào khu vườn. Kiến trúc này dường như được thiết kế hoàn toàn có chủ ý, nhằm tránh tập trung vào mặt tiền, và thực ra, từ nơi quan sát, không thể thấy rõ hình dáng toàn thể của công trình. Sự sắp xếp như ngày nay được xem là kết quả của việc xây dựng chia thành từng giai đoạn của Shoin Cổ kỳ, Shoin Trung kỳ và Tân Cung, và không có cách nào để phán xét rằng vào giai đoạn nào thì công trình có bố cục quần thể đẹp nhất.


Biệt cung Katsura, Kyoto.

Tới thăm Biệt Cung Katsura và chiêm ngưỡng các chi tiết của nó, ta sẽ nhận thấy rằng tay nắm của các tấm cửa kéo fusuma và phần trang trí kim loại bản thân chúng là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt diệu, và rằng hướng của các vân gỗ, các món đồ gỗ và lối hoàn thiện sản phẩm đã được tính toán và thực hiện với độ cẩn trọng chăm chút vô cùng tinh vi. Cung điện này tiêu biểu cho một lối tiếp cận hoàn toàn đối lập với với các hình mẫu kim tự tháp hay đền Parthenon. Nó được bao quanh bởi cây cối và khó có thể chiêm ngưỡng tất cả cùng một lúc, nhưng khi quan sát cận cảnh, những chi tiết của nó thật sự hoàn hảo và tuyệt đẹp. Không thể nói dứt khoát rằng Biệt Cung Katsura hình thành từ lối tiếp cận từng phần tới bố cục tổng thể kiến trúc, nhưng rõ ràng một kiểu kết hợp bố cục đã hình thành thông qua việc hoàn thiện và trau chuốt từng thành phần riêng biệt.



Cá tính của đô thị


Vậy thì, cái gì là cá tính? Cá tính là tài sản sở hữu của một đất nước như Nhật hay Đức về những thuộc tính riêng biệt.

Tại Nhật, có những đường phố với cảnh quan tổng thể rất sạch sẽ quang đãng, ví dụ như các thị trấn cũ ven đường được phát triển từ những nhà ga dọc những trục giao thông chính trong thời trung cổ, như Tsumago (Tỉnh Nagano) và Ôuchi (Tỉnh Fukushima) và những quận tại Kyoto với những ngôi nhà machiya làm bằng gỗ đặc trưng bởi những hàng lam gỗ và cửa chính sơn đỏ nằm trên mặt hông nhà trải dài.

Tuy nhiên, những công trình bằng gỗ cổ truyền có lối vào bên hông như vậy là ngoại lệ. Các công trình bằng bê tông cốt thép chịu lửa được nghiêm túc giới thiệu sau trận động đất khủng khiếp Kanto và những đợt hỏa hoạn do nó gây ra năm 1923. Trong cuộc tái thiết sau Thế Chiến II, tất nhiên có rất nhiều nhà ở một gia đình làm bằng gỗ được xây dựng, nhưng đồng thời những khối nhà chung cư trung tầng và cao tầng làm bằng bê tông cốt thép chịu được lửa cũng được xây với số lượng lớn nhằm tăng hệ số sử dụng đất.

Cuộc tái thiết vĩ đại đó được thực hiện mà không có quy hoạch đô thị tổng thể dựa trên việc tiếp cận toàn thể hoặc những quy định giới hạn về mặt hình thức kiến trúc như cách đã được thực hiện ở Paris, New York hay Washington. Khái niệm kiểu Phương Tây về giới hạn quyền cá nhân do nhu cầu cộng đồng đã không được chấp nhận, bởi ảnh hưởng của những lý tưởng dân chủ thời hậu chiến và sự tôn trọng hệ thống quyền sở hữu đất đai tư nhân. Kết quả là, cảnh quan đô thị Nhật Bản ngày nay đã trở thành một mớ lộn xộn các công trình bằng bê tông chịu lửa cao thấp khác nhau.

Cảnh quan đô thị Tokyo hiển nhiên có thể trội hơn về mặt nào đó so với cảnh quan đô thị của một số nước phát triển ở Phương Tây, nhưng nhìn chung thì nó khá lộn xộn và không thể bì kịp. Tuy nhiên, 12 triệu cư dân của nó không chỉ đơn giản là sống trong một môi trường hỗn loạn. Thực ra họ đang sắp xếp cuộc sống theo cách thỏa mãn văn hóa của riêng mình, nhờ có cái “trật tự ẩn giấu” của Tokyo.

Chạy xe trên một xa lộ ngầm hay đi bộ về nhà vào ban đêm có thể là nguy hiểm tại những thành phố lớn của Mỹ, nhưng cho tới giờ ta vẫn rất an toàn khi làm chuyện đó ở Tokyo. Không có nhiều thành phố trên thế giới mà nước sạch sử dụng cho vòi nước sinh hoạt và nước xả bồn cầu vệ sinh lại cấp từ cùng một hệ thống đường ống cấp nước, đồng thời lại có thể ăn sống trực tiếp mọi thứ ta gặp mà không sợ tiêu chảy. Thậm chí với một hệ thống địa chỉ chỉ dẫn khá phức tạp, thư tín và bưu kiện vẫn đến nơi an toàn và nhanh chóng. Các ngôi nhà được trang bị đầy đủ không chỉ với điện thoại mà cả hệ thống TV vệ tinh tiên tiến (Xin lưu ý tác giả viết sách này vào thời điểm năm 1998 – N.D.).

Đô thị được chia nhỏ

Những ý tưởng của Benoit Mandelbrot được vạch ra trong cuốn “The Fractal Geometry of Nature” (Benoit B. Mandelbrot, The Fractal Geometry of Nature, New York: W. H. Freeman and Company, 1977) giúp giải thích cách thức Tokyo đang được tổ chức. Theo giả thuyết của ông, một trật tự mềm dẻo bao gồm một hệ thống các con số ngẫu nhiên tồn tại trong sự hỗn loạn của tự nhiên. Khi chú ý tới những hình vẽ rời rạc trong đồ họa máy tính, ta thấy hình dáng và thái độ không được định trước nhưng đang hình thành tuỳ theo sự thay đổi đã định trước.

Những thành phố dường như mất trật tự như Tokyo đang hình thành thông qua sự hội tụ của những yếu tố không đồng nhất và phát sinh tự nhiên. Chúng không được hoạch định để thành gì ngay từ đầu nhưng vẫn phát triển một cách ngẫu nhiên. Chất lượng ngẫu nhiên là nguồn gốc của cá tính Tokyo, có khuynh hướng bị bỏ sót bởi, theo một cách rời rạc, nó chỉ đơn giản là sự vật biến đổi hơn là sự vật được định trước từ đầu. Ở đây có “cái đẹp của sự hỗn loạn”, một thẩm mỹ thích hợp với thế kỷ 21. Như tôi đã nói từ đầu, nguyên tắc và đặc tính này của Tokyo liên quan chặt chẽ với sự ưu tiên dành cho quyền sở hữu tư nhân đất đai, điều này có thể truy về cái tập tục cởi giày khi vào nhà.

Nếu, dù xấu hoặc tốt, chúng ta muốn Tokyo chấp nhận cá tính của một thành phố dựa trên một sự tiếp cận toàn thể, vậy thì việc cải cách cơ bản về hệ thống quyền sở hữu đất đai sẽ là cần thiết. Nếu không, chúng ta phải sử dụng những thành quả của lối tiếp cận từng phần và thực hiện từ những tiểu tiết, bắt đầu từ việc làm sạch đường phố phía trước nhà mình, làm cho các cửa sổ bày hàng trong cửa hàng của mình trở nên độc đáo hơn nữa, gỡ bỏ những bảng hiệu và những quảng cáo khác trong các quận buôn bán đồng thời cải tiến các bảng chỉ đường và việc chiếu sáng. Đã tới lúc mỗi người chúng ta phải xem xét và hiểu rõ các đô thị Nhật Bản đã phát triển như thế nào.



Chức năng của các nhà ga


Các nhà ga đường sắt hay tàu điện ngầm chính tại Nhật hầu như luôn nằm ở ngay trung tâm thành phố, và do đó đứng trên khu đất vô cùng đắt giá, cho nên hiển nhiên là những người phát triển các công trình đó mong muốn sử dụng đất đai hiệu quả hơn, với mật độ cao hơn để tăng lợi nhuận. Ngược lại, nhà ga đường sắt ở Châu Âu có trần rất cao và thiết kế thoáng rộng, một số có mái vòm cong để dẫn ánh sáng từ ngoài vào nội thất. Nhà ga cao rộng của Rome đã trở thành cảnh nền đáng nhớ cho một số bộ phim có cảnh chia tay sầu thảm.

Các nhà ga tại Nhật, mặc dù có tính công cộng, thường có phần trần khá thấp, bởi luôn có các khách sạn hay cửa hàng được xây phía trên nhằm tăng mật độ sử dụng đất. Do đó, ngoài những bảng ký hiệu cung cấp thông tin về các chuyến tàu, gần như mỗi bức tường đều phủ đầy những bảng hiệu và bảng quảng cáo của các cửa hàng hay tiệm ăn, bao lấy người khách bằng hàng núi thông tin và khiến họ càng khó định hướng hơn so với các nhà ga ở Mỹ hay Châu Âu. Đối với khách du lịch nước ngoài đặt chân lên một vùng đất xa lạ, những bảng hiệu nhiều quá mức ấy là vô ích và làm cho họ rất khó khăn khi tìm kiếm tới đúng sân chờ chuyến tàu của mình.


Vòm trần thấp tại nhà ga chính ở Nhật Bản, với vô số bảng quảng cáo.

Một lần nữa, dù mang tính chất công cộng, các nhà ga vẫn đúng là được phủ đầy những quảng cáo thương mại đến nỗi thật khó để nhận ra chúng là nhà ga hay công trình thương mại. Những hành động để phản đối lại việc xây dựng những nhà ga - cao ốc đã xuất hiện ở một vài nơi, và chúng ta cần phải xem xét lại từ góc độ quy hoạch đô thị tính đúng đắn của việc đưa cả hai chức năng công cộng là nhà ga tập trung và chức năng thương mại của cửa hàng và tiệm ăn vào cùng một công trình. Ở vùng ngoại ô, có thể là tiện lợi cho mọi người khi dừng chân tại nhà ga, đồng thời là đi mua sắm, và rồi quay lại và đi về nhà, nhưng việc kết hợp một nhà ga trung tâm với một cửa hàng lớn tại trung tâm thành phố khó có tính thuyết phục nếu xét trên góc độ phân khu chức năng đô thị.

Do tuần làm việc năm ngày đã thành lệ thường ở Nhật Bản, người lao động có thêm nhiều thời gian ở nhà hơn, và trong buổi chiều tối số lượng người của Quận Marunouchi nằm giữa Ga Tokyo, đã giảm đáng kể. Những cửa hàng lớn trong các khu trung tâm này đã buộc phải cắt bớt thời gian buôn bán của mình. Chắc chắn sẽ có lúc các cửa hàng lớn ở ven các ga trung tâm ở Tokyo sẽ phải chịu sự suy thoái và phải trả giá vì đã bố trí quá gần nhà ga trung tâm.

Việc đậu xe trái phép và đô thị

Trong những đô thị lớn như Tokyo, những ôtô đậu trái phép đầy chật các con phố và gây ùn tắc giao thông là một vấn đề thường xuất hiện trên mặt báo. Chỗ đậu xe là rất cần thiết, tuy nhiên, chỉ khi chúng ta sử dụng xe hơi. Phạt thẳng tay những vụ đậu xe trái phép tự nó không giải quyết được vấn đề, nguyên nhân sâu xa của chúng là ở sự thiếu hụt trầm trọng không gian đường phố tại các đô thị Nhật Bản. Mọi cố gắng trong bản quy hoạch đô thị của Tokyo sẽ bị dập tắt trừ khi một trần giới hạn được áp dụng lên tổng sản lượng xe hơi tương ứng với diện tích đường ôtô xây mới hay mở rộng.

Tại một hội nghị nào đó, tôi đã đề nghị rằng nếu việc giới hạn sản lượng xe hơi không thể thực hiện được, chúng ta cần xây dựng một hệ thống chỉ cho phép sử dụng ôtô có biển số chẵn trong những ngày chẵn và ôtô biển số lẻ chỉ trong những ngày lẻ. Tuy nhiên, tôi được phản hồi rằng một hệ thống như vậy sẽ có tác dụng ngược so với dự định. Trong thời kỳ thịnh vượng như hiện nay, điều đó chỉ dẫn tới việc cứ mỗi người lại sở hữu hai ôtô, một biển số chẵn và một biển số lẻ, điều này còn làm trầm trọng hơn vấn đề chỗ đậu xe và ùn tắc giao thông. Những nhà sản xuất xe hơi hẳn không dám mong điều gì tốt hơn thế. Thật đáng sợ khi nền kinh tế lại có thể có một ảnh hưởng xấu đến thế lên các đô thị.

Và rồi tôi nghĩ tới ý tưởng sáng tạo ra một “công ty cưỡng chế các vụ đậu xe trái phép”, với một cảnh sát về hưu làm chủ tịch. Những xe hơi đậu trái phép sẽ bị kéo đi khắp mọi nơi, những món tiền phạt rất lớn được thu, và tiền này sẽ được chia một phần cho chính quyền. Tuy nhiên, khi suy nghĩ sâu hơn tôi nhận ra tính bất khả thi của đề xuất này. Không có đủ không gian trống trong Tokyo để giam giữ tất cả những xe hơi bị kéo đi. Thử nhìn xem trong chớp nhoáng một dự án lấp kín đất như Yumenoshima đạt hết công suất chứa rác thải như thế nào. Một nơi giam giữ xe có thể sẽ được xây dựng, nhưng nếu chúng ta có điều kiện làm điều đó, thà mở rộng không gian đường phố còn dễ hiểu hơn. Tôi đành buộc phải kết luận rằng, dù những đề xuất như vậy đều có ưu điểm của mình, một giải pháp khả thi trong điều kiện hiện tại rất khó tìm và do là, sau những chuyện đã được bàn đến và thực hiện, gốc rễ của mọi điều tồi tệ là ở vấn đề đất đai.

Rắc rối với những tuyến xa lộ

Nếu có ai khảo sát những tuyến cao tốc quanh thủ đô Tokyo, họ sẽ thấy chúng khác với đường cao tốc ở những quốc gia khác. Sự khác biệt dường như nằm ở thực tế rằng các xe tải có số lượng vượt trội so với xe hơi cá nhân. Bản thân tôi đã quan sát kỹ lưỡng tình trạng giao thông trên tuyến cao tốc thủ đô Số 3 dẫn về trung tâm thành phố. Dù tỷ lệ phần trăm xe tải có thay đổi theo thời gian trong ngày, nó đạt tối đa gần 70 phần trăm tổng số lượng xe tham gia giao thông, và phần lớn trong số đó là xe tải cỡ lớn.

Theo số liệu năm 1992, trong số 940.000 phương tiện chạy trên mạng lưới cao tốc thủ đô, 450.000 tức phân nửa số phương tiện đã sử dụng các tuyến cao tốc vòng quanh trung tâm thành phố. Hơn nữa, 240.000 hay phân nửa số phương tiện nói trên đã chạy xuyên qua trung tâm của Tokyo.

Nguyên nhân ở đây là ở sự thiếu hụt của hệ thống xa lộ Tokyo. Tình trạng chưa hoàn thiện của mạng xa lộ vành đai Tokyo, những con đường chính bốn làn xe bao quanh thành phố thành những vòng tròn đồng tâm, gây ra những vấn đề giao thông nghiêm trọng. Những xe tải lớn chạy vào từ khắp đất nước cần phải được hướng ra tuyến vành đai ngoài cùng càng nhanh càng tốt và đi thẳng tới nơi đến của chúng. Tuy nhiên, thậm chí những tuyến giao thông huyết mạch quan trọng như Kanjô Hachigô hay Tuyến vành đai Số 8, cũng vẫn chưa đáp ứng được chức năng bởi những khó khăn vướng mắc trong việc giao nhận quyền sử dụng bất động sản cần thiết để tiến hành nâng cấp xa lộ và những trì hoãn trong những hạng mục xây dựng trên cao hoặc những đoạn xây trong tunnel ngầm. Thậm chí hiện nay, chỉ có một nửa của Gaikan, tức đường Vành đai ngoại vi, được mở cửa thông xe, còn thì toàn bộ quãng đường vòng sẽ vẫn chưa được hoàn thành cho tới thế kỷ sau (tức thế kỷ 21 – N.D.). Một đường vành đai chỉ có thể đáp ứng thỏa đáng yêu cầu chức năng nếu toàn bộ đoạn vòng đai đều được thông xe. Nó sẽ không có lý do tồn tại chừng nào mà một phần của nó vẫn còn phải đóng cửa.

Có đôi điều cần bàn về những ý kiến trao đổi trong một buổi truyền hình về chủ đề Tokyo có thực sự cần các đường cao tốc không. Hiển nhiên, nếu các đường cao tốc chỉ cho phép xe được chạy với tốc độ thấp như chúng đang chạy hiện nay, thà loại bỏ chúng đi còn đáng hơn là dùng phí khoảng đất hiện dành cho các cột trụ đỡ các làn đường phụ. Trong bất cứ trường hợp nào, một con đường chỉ có giá trị khi nó hiệu quả trong toàn bộ hệ thống. Chỉ cần xuất hiện một nhược điểm tại đâu đó là đã khiến một con đường không đáp ứng được nhiệm vụ. Cần phải nói rằng tình trạng hiện thời chính là kết quả của thực tế là Nhật Bản không chấp nhận cách tiếp cận toàn thể với bản quy hoạch đô thị như Châu Âu và Hoa Kỳ đang làm. Ngoài ra, ta cũng còn phải đối phó nhiều với các thiếu sót của hệ thống sở hữu đất đai tại Nhật Bản.



Đáng báo động về vấn đề đất đai


Khó khăn lớn nhất tại Tokyo ngày nay là vấn đề đất đai, giá cả đã tăng vọt lên những mức cao khó hiểu.

Nhờ sự phát triển kinh tế của Nhật Bản, Tokyo không chỉ là thủ đô của nước Nhật, mà còn là trung tâm của các hoạt động kinh tế chính trị toàn cầu, tương tự như Paris, London, New York và Washington D.C., rất nhiều người cho rằng thành phố này cần phải được cải thiện hơn nữa và nâng lên cho xứng đáng với tầm mức của một đại đô thị - thủ đô. Nhiều người khác tin rằng do sự tập trung quá mức của các hoạt động chính trị, tập đoàn kinh tế, tài chính thương mại và văn hóa tại Tokyo, Nhật Bản cần được tái tổ chức quanh những đa trung tâm, như đã được phác thảo trong bản Quy hoạch Phát triển tổng thể Đất đai Lần 4 của Chính phủ.

Vấn đề không phải ở chỗ sự thay đổi nào là đúng đắn hoặc đáng ao ước, cái thực tế vẫn tồn tại ở đây là sự tập trung quá mức tại Tokyo. Giá đất quá cao tại những quận thương mại trung tâm Tokyo là chuyện không hay ho gì mà lý do thì ai cũng biết. Giá đất cao ở khắp thành phố khiến việc thu hồi đất cho những tiện ích công cộng như sân bay hay đường xá trở nên rất khó khăn, và trừ phi có thay đổi, vấn đề này sẽ mau chóng trở nên không giải quyết được.

Chúng ta cần phải xem xét tới bản chất thực của đất đai. Giá đất của những vùng hoang dã không có người ở có lẽ gần như bằng không. Trong các vùng đô thị ngày nay, giá của chúng tăng lên do sự nâng cấp cơ sở hạ tầng, tức là do những yếu tố kinh tế nằm ngòai đất đai. Giá đất tại bất cứ quận nào cũng tùy thuộc vào không chỉ những đặc điểm của quy họach đô thị của quận, khả năng tiếp cận với hệ thống giao thông và phân vùng chức năng (thương mại, công nghiệp hay khu ở) mà còn vào việc khu đất có dễ tiếp cận với một tuyến phố thương mại và có hệ thống cấp thoát nước cùng mạng lưới năng lượng và thông tin liên lạc hoàn hảo thuận tiện. Do đó giá đất được quyết định bởi lượng tài chính công đầu tư vào để nâng cấp, nguồn vốn này hiển nhiên lấy từ các loại thuế giúp duy trì những tiện ích và dịch vụ này. Vì thế, nếu sử dụng đất chỉ giành cho lợi ích tư của chủ đất là sai. Đất đai phải được sử dụng nhiều hơn cho mục đích công cộng để phù hợp với các quyết định của quy hoạch đô thị, giống như tại Phương Tây.

Khái niệm kiểu Nhật về quyền sở hữu đất đai

Chúng ta không thể chỉ dựa trên những nguyên tắc kinh tế để giải quyết vấn đề giá đất cao quá mức trừ khi khái niệm của Nhật Bản về quyền sở hữu đất đai được thay đổi cơ bản và chúng ta bắt đầu ưu tiên cho những nhu cầu cộng đồng.

Trong trường hợp xây dựng đường xá, chỉ cần một chủ đất từ chối giao đất của mình là đã khiến việc làm đường phải chựng hẳn lại. Những kỳ nèo như vậy thường có động cơ là tình cảm sở hữu mãnh liệt với bất động sản. Đối với nhiều người, đất đai là một tài sản để lại của tổ tiên mà gia đình không thể bán đi, và trong một số trường hợp người chủ đất dường như bị chi phối bởi lòng ham muốn chiếm hữu cổ sơ có sức mạnh hơn nhiều bất kỳ một nguyên tắc kinh tế nào.

Tại nơi những con phố chật chội giao nhau, vạt chéo góc đường và mở rộng chiều rộng đường có thể giúp giảm ách tắc giao thông, nhưng tại những đô thị Nhật Bản, các góc đường như vậy thường có cắm một cọc sắt. Đây là một loại mốc đánh dấu ranh đất, đặc điểm của cộng đồng nông nghiệp, trái ngược với những cư dân du mục.

Ý thức sở hữu mạnh mẽ này thường được nhấn mạnh bằng những bức tường xây quanh khu đất ở. Thậm chí nó còn có thể được rào thêm trên đỉnh tường bằng dây kẽm gai hay trong một số trường hợp là những mảnh chai lọ thủy tinh cắm lên trên.

Hiện tượng này không chỉ giới hạn trong khu đất ở. Ví dụ như người ta sẽ tự hỏi, tại sao bức tường xung quanh Đại học Tokyo, cơ sở giáo dục cao cấp nhất Nhật Bản, lại cao đến thế. Nếu bức tường đó hạ xuống ngang với gờ của con đường bên trong trường, con đường boulevard với vỉa hè rất rộng chạy phía trước cổng chính và chiếc cổng nổi tiếng Akamon sẽ trở thành một đường đi dạo tuyệt vời chẳng kém gì khu rừng Bois de Boulogne ở Paris. Khu vườn Thực vật của đại học Koishikawa thậm chí còn tệ hơn. Bao quanh bởi một bức tường dài như vô tận bằng bê tông đúc sẵn, nó như một trong những vườn thực vật được bao bọc nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Điều này làm ta tự hỏi phải chăng đấy chính là vườn thực vật của một trường đại học.

Tôi không biết một môi trường như vậy có phải là kết quả của sự hẹp hòi thiển cận của Đại học Tokyo hay không, do những cảm xúc mãnh liệt về quyền sở hữu đất hay do tinh thần trách nhiệm quá mức của những nhà quản lý, nhưng không khí mà nó tạo ra cho cảnh quan đô thị thật không hay chút nào. Ít nhất những rào chắn cũng nên hạ xuống hẳn vài mét và, nếu thật sự cần thiết, xin hãy thay chúng bằng một hàng rào song sắt có thể nhìn xuyên qua được.

Hướng tới một cách nhìn mới về quyền sở hữu đất đai

Lượng thời gian quý báu mất đi hàng ngày của rất nhiều công dân đô thị, kết quả của sự tôn trọng của chúng ta đối với quyền sở hữu đất đai, cho thấy sự thay đổi trong lối tư duy là rất cần thiết. Việc đầu tiên chúng ta nên cân nhắc là những cách tiếp cận mới đối với những người được đền bù đang bị cưỡng chế phải rời khỏi đất của mình. Đã tới lúc để nghiên cứu các khả năng, lấy ví dụ, như đề nghị trao đổi những khu đất tốt hơn do nhà nước sở hữu lấy những khu cần cho việc xây dựng những tiện ích công cộng, và thiết lập một hệ thống giải thưởng cho việc hiến tặng những miếng đất như vậy, hoặc một hệ thống đền bù dài hạn trả góp hàng năm. Những công trình sang trọng do công cộng quản lý, hoặc những khu nhà ở do chính phủ đầu tư, hoặc những mảnh đất trước kia của tập đoàn hỏa xa quốc gia có thể được xây dựng và bán với thời hạn ưu đãi cho những người đề nghị hiến đất của mình. Thậm chí còn khả thi hơn là giải pháp tiếp cận dây chuyền đối với việc tiến hành mua khu đất trống nằm cạnh quận đang được phát triển hoặc nâng cấp, xây dựng ở đấy những khu nhà hiện đại và những tiện ích khác để đáp ứng đòi hỏi của những người đề nghị được chuyển đi, v.v.

Trong bất cứ trường hợp nào, thậm chí cả khi có những kiềm chế trên giá cả đất đai, việc mở rộng hệ thống giao thông hay nâng cấp các sân bay vẫn không thể làm được trừ phi tìm ra cách cư xử với những người vốn phải được di dời công bằng và thuận tiện trong trình tự dài hạn. Trong khi đó, những chủ đất ngắn hạn chờ được lợi do đầu cơ phải không được cho phép thâu lợi. Tất nhiên, trong những trường hợp như vậy, việc cưỡng chế là chấp nhận được. Những vấn đề giao thông của đại đô thị là đủ mức nghiêm trọng để tiến hành những biện pháp như vậy.

Cách tiếp cận này có thể kỳ cục đối với lối suy nghĩ của ông bộ trưởng tài chính, nhưng số tiền đền bù thỏa đáng cho những người bị di dời hiển nhiên là cần thiết đế khiến họ bán mảnh đất phục vụ nhu cầu của cộng đồng. Đô thị về cơ bản là một nơi tập hợp con người tham gia các hoạt động kinh tế, nhưng những khía cạnh dân cư và văn hóa của đô thị phải được cân nhắc kỹ càng hơn so với cách làm hiện giờ trong bản quy hoạch đô thị.

 

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: