Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Cách Nhật Bản đổi mới hệ thống giao thông

Cách Nhật Bản đổi mới hệ thống giao thông

Viết email In

Từng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tai nạn giao thông cao chót vót vào thời điểm những năm 1970, Nhật Bản giờ đây tự hào vì có hệ thống đường bộ an toàn nhất thế giới.

Theo Bloomberg, trong quý I năm nay, đã có khoảng 9.560 người Mỹ thiệt mạng vì tai nạn giao thông, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là con số lớn nhất của nước Mỹ trong vòng 2 thập kỷ vừa qua.


Nhật Bản đã thay đổi rất nhiều để cải cách hệ thống giao thông đường bộ.
(Ảnh: NurPhoto)

Nếu tính trong cả năm 2021, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 43.000 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn giao thông, đồng nghĩa với việc cứ 100.000 người thì sẽ có 12,7 người chết vì tai nạn.

Trong khi đó, con số này ở Nhật Bản vào năm 2021 chỉ là 3.000 người, tương đương với tỷ lệ 2,24/100.000 cư dân - bằng 1/5 so với Mỹ. Tuy nhiên, ít người biết rằng vào những thập niên 60-70 của thế kỷ trước, số người thiệt mạng do tai nạn giao thông tại Nhật Bản đã từng cao gấp 7 lần hiện tại.

Nhật Bản sau đó đã trải qua giai đoạn cải cách hệ thống giao thông quy mô lớn để có được sự an toàn như hiện tại.

Hệ thống đường sắt tân tiến

Một trong những đặc trưng của văn hóa giao thông Nhật Bản là người dân rất ưa chuộng sử dụng phương tiện công cộng, đặc biệt là phương tiện đường sắt. Đối với người dân nước này, đi tàu cao tốc liên tỉnh còn nhanh và tiện lợi hơn tự lái ôtô.

Shinkansen - hệ thống đường sắt cao tốc lớn nhất Nhật Bản - thực hiện khoảng 32 chuyến tàu chạy giữa Osaka và Tokyo mỗi ngày, tương đương với cứ 45 phút thì sẽ có một chuyến tàu. Hơn nữa, các chuyến tàu này thường chỉ tốn hơn 2 tiếng để hoàn thành hành trình dài gần 550 km, trong khi sử dụng ôtô sẽ mất tới 6 tiếng đồng hồ.

Các tuyến đường sắt nội tỉnh tại Nhật Bản cũng rất ấn tượng khi có tới 285 nhà ga trên khắp cả nước. Số lượng hành khách của Tokyo Metro hiện đông gấp đôi New York Metro, còn Fukuoka thì có những chuyến tàu điện tới sân bay chỉ mất 6 phút.

Nhờ tính tiện lợi này, người Nhật Bản thường sử dụng kết hợp giữa tàu điện liên tỉnh và các tàu điện địa phương để di chuyển. Lái ôtô với họ đã trở thành một lựa chọn chứ không còn là điều cần thiết.


Hệ thống tàu điện siêu tốc tại Nhật Bản mang lại tiện ích lớn cho người dân.
(Ảnh: Noriko Hayashi)

Ông Takashi Oguchi, Giáo sư kỹ thuật tại Đại học Tokyo, cho biết dù chi phí di chuyển bằng Shinkansen thường cao hơn di chuyển bằng ôtô, rất nhiều người Nhật vẫn chọn đi tàu. Năm 2019, số người sử dụng tàu điện tại Nhật Bản cao gấp 13 lần so với số người dùng tại Mỹ, bất chấp dân số của Mỹ đông gấp 3 lần đất nước mặt trời mọc.

Đặc biệt, hệ thống đường sắt tại nước này cũng rất an toàn khi các chuyến tàu thuộc hệ thống Shinkansen chưa hề ghi nhận vụ tai nạn nào kể từ khi hoạt động. Có thể thấy rằng, hệ thống tàu cao tốc đã giúp giảm thiểu đáng kể tỷ lệ tai nạn giao thông ở nước này.

Cấm đỗ xe trên đường phố

Khác với nhiều thành phố và quốc gia khác, đường phố tại Nhật Bản không cho phép đỗ xe bên lề đường.

Tại quốc gia này, chủ xe bắt buộc phải để xe trong nhà hoặc gửi xe tại các bãi đỗ hợp pháp. Bên cạnh đó, chi phí gửi xe và bảo hiểm mỗi tháng cũng là một khoản phí không nhỏ, điều này khiến nhiều người Nhật Bản thích sử dụng xe đạp hoặc các phương tiện công cộng hơn ôtô.

Ngoài ra, việc cấm đỗ xe trên đường hay vỉa hè cũng giúp các tuyến phố tại Nhật trở nên thân thiện hơn với người đi bộ.

Chính sách này đã giúp đường phố trở nên thông thoáng, không bị tắc nghẽn, đồng thời giúp người điều khiển các phương tiện giao thông trên đường quan sát dễ dàng hơn, tránh va chạm gây tai nạn.

Chính phủ một số nước khác như Philippines hiện cũng cân nhắc ban hành một đạo luật tương tự để tránh tình trạng tắc đường tại nội đô.

Khuyến khích sử dụng minicar


Minicar (hay còn gọi là "kei car") là dòng xe rất phổ biến tại Nhật.
(Ảnh: Toshifumi Kitamura)

Một điểm đặc biệt khác trong hệ thống giao thông Nhật Bản là các hãng xe nội địa thường ưu tiên sản xuất dòng minicar - loại ôtô có kích thước nhỏ để phù hợp với cuộc sống đô thị.

Dù minicar bị hạn chế về kích thước và tốc độ so với dòng ôtô thông thường, những chiếc xe này lại dễ dàng di chuyển và dừng đỗ ở trên đường phố chật hẹp. Đồng thời, giá của các dòng minicar cũng thấp hơn, chỉ dao động trong khoảng 10.000-20.000 USD/chiếc.

Với lý do này, hiện có khoảng 35% số ôtô trên đường phố Nhật Bản thuộc phân khúc minicar và được người tiêu dùng nhận xét là tiện lợi hơn so với các dòng xe khác.

Về góc độ an toàn, những chiếc minicar thường có trọng lượng nhẹ hơn các dòng xe khác, chính vì vậy chúng sẽ tạo ra ít lực hơn khi va chạm, giảm thương vong cho người ngồi trong. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đầu xe ngắn và nhỏ sẽ giúp người lái có góc độ nhìn và điều khiển xe tốt hơn so với các xe lớn.

Trước đó, các dòng minicar chỉ lưu hành nội bộ trong nước Nhật, nhưng hiện tại, một số quốc gia như Mỹ hay Pháp cũng đã đồng ý cho nhập khẩu những mẫu xe này.
Thành phố an toàn vì trẻ em

Cuối cùng, ngoài việc nghiên cứu phát triển hệ thống giao thông, Nhật Bản còn rất chú trọng việc giáo dục an toàn đường bộ cho trẻ em ngay từ nhỏ.

Ở quốc gia này, học sinh từ tiểu học trở lên sẽ phải học cách tự lập và một mình đi đến trường. Tuy nhiên, ở thời gian đầu, phụ huynh vẫn sẽ hướng dẫn từng chi tiết nhỏ để đảm bảo an toàn cho con, sau đó sẽ có giáo viên hướng dẫn phụ trách từng lớp.

Ngoài ra, các trường học cũng sẽ cử người hướng dẫn đứng ở các ngã tư gần trường và sử dụng cờ hiệu để ra dấu cho trẻ sang đường an toàn. Một số trường còn có luật không được quay về nhà để lấy đồ bỏ quên một khi đã rời nhà đến trường để tránh đi lạc.

Thêm vào đó, các phương tiện di chuyển trong khu dân cư đông trẻ em đều phải giới hạn tốc độ dưới 30 km/h. Thậm chí, có những khu vực còn cấm xe đi ngược chiều hoặc cấm toàn bộ phương tiện giao thông để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Các quy định này ở Nhật Bản được nhiều người nhận xét là thiết thực và cần thiết cho mọi lứa tuổi.

Hằng Nga

(Zing.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo