Hà Lan - “Vương quốc xe đạp” và những bài học thực tiễn đáng để tham khảo

Thứ tư, 30 Tháng 3 2022 08:02 Phụ nữ Online
In

Ngoài hoa tulip, Hà Lan còn có một biểu tượng khác được người dân đất nước này tự hào gọi là “ADN của người Hà Lan” - Đó là xe đạp.

Người dân Hà Lan đặc biệt yêu thích phương tiện giao thông cá nhân này. Và ngay cả Thủ tướng Hà Lan cũng thường xuyên sử dụng xe đạp để đi làm. Thế nhưng, điều thú vị là người Hà Lan lại không hề gắn bó với xe đạp trong quá khứ.

Ở thủ đô Amsterdam vào đầu những năm 1970, người ta thậm chí còn tôn vinh xe hơi như là biểu tượng của sự giàu có và sang trọng, kể cả khi những chiếc xe gắn động cơ này làm tắc nghẽn các đường phố chật hẹp cũng như liên tục gây tai nạn chết người và đáng buồn hơn, nạn nhân phần lớn là trẻ em.


Vào những năm 1970, chính quyền các đô thị ở Hà Lan xem trọng phát triển ô tô dẫn đến việc phá bỏ hàng loạt công trình dân sinh để xây dựng đường sá phục vụ giao thông (Ảnh: Fotocollectie Anefo/Society for the Nationaal Archief)

Vào năm 1971, lưu lượng giao thông ở Hà Lan tăng đột biến với hiện tượng xe hơi chiếm lĩnh mọi con đường, kèm theo đó là tỷ lệ tai nạn giao thông cũng tăng đột biến. Hơn 400 đứa trẻ chết vì tai nạn xe ô tô còn số lượng thương vong do tai nạn giao thông đạt mốc 3.300 ca chỉ trong vòng một năm. Đến lúc này thì người dân Hà Lan bắt đầu nhận ra rằng, xe đạp là phương tiện giao thông an toàn hơn cả.

Hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra trên khắp đất nước với mục đích giành lại những làn đường dành riêng cho xe đạp, nổi tiếng nhất là cuộc kêu gọi xuống đường mang tên “Hãy ngăn chặn thủ phạm giết trẻ em” (Stop the Child Murder) được hàng triệu người ủng hộ, trong đó có nhà báo nổi tiếng Vic Langenhoff khi đứa con của chính ông đã tử vong vì tai nạn xe hơi.

May mắn thay, nhiều chính trị gia thời ấy cũng đã nhìn thấy những vấn đề nghiêm trọng do xe ô tô gây ra không chỉ cho bây giờ mà cả trong tương lai. Sau rất nhiều tranh cãi và trì hoãn, cùng với tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, cuối cùng, chính phủ Hà Lan đã phải chấp thuận kế hoạch hạn chế xe ô tô, đồng thời đầu tư mở hàng loạt làn đường dành riêng cho người đi xe đạp.


Cuộc biểu tình quy mô lớn mang tên Stop de Kindermoord (Ngăn chặn thủ phạm giết trẻ em) đã góp phần làm giảm số lượng ô tô ở Hà Lan vào những năm 1970 (Ảnh: Dutch National Archive)

Giờ đây, Hà Lan đã trở thành một “Vương quốc xe đạp” khi quốc gia này chỉ có 17 triệu dân nhưng lại sở hữu hơn 20 triệu chiếc xe đạp. Chưa kể có tới 35.000km đường dành riêng cho những người đi xe đạp, nơi họ có thể thảnh thơi lưu thông một cách an toàn mà không hề lo lắng tai nạn giao thông bất ngờ ập đến với mình. Nếu chỉ phải di chuyển trong vòng 7,5km thì người dân Hà Lan không chọn phương tiện giao thông nào khác ngoài xe đạp.

Rõ ràng là để có được như ngày hôm nay, người dân Hà Lan cũng đã phải chịu nhiều mất mát để đấu tranh giành quyền được sống an toàn cùng với những chiếc xe đạp. Tất nhiên đất nước Hà Lan cũng có một lợi thế đặc thù, đó là địa hình bằng phẳng vốn rất phù hợp cho việc phát triển xe đạp. Thế nhưng, vẫn có nhiều điều đáng học hỏi từ Hà Lan để những quốc gia khác, cho dù có địa hình bằng phẳng hay không, cũng có thể áp dụng được nhằm tạo ra một môi trường giao thông an toàn, thoải mái và giúp con người thực hành thói quen vận động, vốn là điều xa xỉ trong cuộc sống hiện đại đầy bận rộn ngày nay.


Hà Lan giờ đây đã được định danh là một "Vương quốc xe đạp" (Ảnh: Timothy Clary/AFP via Getty Images)

Tách xe đạp ra khỏi “dòng chảy” của ô tô

Hầu như mọi thành phố trên Trái Đất này đều sơn kẻ các vạch màu trắng trên đường phố để dành cho xe đạp lưu thông. Thế nhưng, ở Hà Lan thì kẻ vẽ các vạch đường dành cho xe đạp chưa phải là điều quan trọng.

“Kẻ vạch trên đường là chưa đủ. Các tài xế ô tô sẽ cố tình bỏ lơ ngay”, Frans Jan van Rossem, một cán bộ phụ trách xây dựng chính sách cho xe đạp ở thành phố Utrecht cho biết. "Nếu chính quyền các đô thị muốn chọn để phát triển xe đạp thay vì ô tô, nhất là trong điều kiện việc di chuyển bị hạn chế do dịch bệnh hiện nay, thì bảo vệ người đi xe đạp khỏi những chiếc xe ô tô lao vùn vụt với tốc độ cao phải được xem là điều ưu tiên cao nhất”, Van Rossem nói.

Vì vậy, cơ quan quản lý đô thị Hà Lan đã thiết lập các “chướng ngại vật” gồm những hàng cột sơn trắng hay lề đường hẹp khiến xe ô tô không thể di chuyển trên đó. Những con đường nhỏ tách biệt hẳn khỏi đại lộ hay đường lớn đầy ô tô bằng những dải phân cách phủ đầy hoa, cây xanh, tác phẩm nghệ thuật đường phố... cũng là một giải pháp mà người Hà Lan đang áp dụng.

“Lý do chính khiến người dân không muốn sử dụng xe đạp chính là vì họ cảm thấy không an toàn”, Van Rossem dẫn kết quả khảo sát trên diện rộng mới đây. “Vì vậy, điều đầu tiên cần làm là tạo ra các con đường tách biệt dành riêng cho xe đạp”.


Những con đường dành riêng cho người đi xe đạp có thể được nhìn thấy ở mọi nơi trên đất nước Hà Lan (Ảnh: Modacity)

Biến các con đường riêng lẻ dành cho xe đạp thành một hệ thống kết nối với nhau

Ở nhiều thành phố trên thế giới, ta có thể dễ dàng nhìn thấy những con đường dành riêng cho xe đạp. Thế nhưng, vấn đề ở chỗ, đạp xe một lúc thì người ta thấy mình đang lạc vào một ma trận đầy ô tô xung quanh. Lúc này, sự an toàn dành cho người đi xe đạp hầu như không còn được tính đến.

“Không nên chỉ xây những làn đường đơn lẻ dành cho xe đạp. Hãy nghĩ rộng hơn, như tạo ra một mạng lưới kết nối giữa những làn đường dành cho xe đạp với nhau”, Lucas Harms, cố vấn cho các dự án phát triển xe đạp đô thị Hà Lan theo hình thức “đối tác công - tư” đưa ra lời khuyên.

Thành phố Utrecht đang đặt mục tiêu tạo ra mạng lưới như vậy với mỗi 200 đến 300 mét lại có một làn đường nhánh kết nối với các trục đường chính dành riêng cho người đi xe đạp, giúp họ có thể đi khắp thành phố một cách dễ dàng và an toàn bằng xe đạp.


Khả năng kết nối hoàn hảo giữa các làn đường dành riêng cho xe đạp với nhau khiến việc di chuyển bằng xe đạp trong nội ô các thành phố ở Hà Lan càng dễ dàng hơn bao giờ hết (Ảnh: Rick Nederstigt/AFP via Getty Images)

Những con đường nơi mà xe đạp được ưu tiên trước hết

Với người dân Hà Lan, mỗi khi ra đường bằng chiếc xe đạp của mình, họ luôn được ưu tiên bằng câu thần chú đầy quyền lực “xe đạp trước tiên” (fietsstraat).

Theo đó, ngoài những làn đường dành riêng cho xe đạp thì ở những nơi mà các loại phương tiện khác nhau phải chia sẻ không gian cùng nhau thì ưu tiên số 1 là dành cho xe đạp, được thể hiện rõ qua những tấm biển vẽ hình chiếc xe đạp choáng ngay phía trước một chiếc ô tô với dòng chữ bằng tiếng Hà Lan có nghĩa “Xe đạp là chủ - Xe hơi là khách” (Fietsstraat - Auto te gast). Ở những con đường như thế này, xe ô tô bị giới hạn tốc độ không được quá 30km/giờ, không được phép vượt xe đạp và yếu tố an toàn cho người đi xe đạp được đặt lên cao nhất.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thận trọng khi áp dụng mô hình này bởi có những đô thị có cấu trúc, cách thức tổ chức và văn hóa giao thông khác biệt với Hà Lan. “Chẳng hạn như ở New York (Mỹ), nơi mà tất cả mọi phương tiện đều có quyền ngang nhau trên cùng một con đường, và con đường đó lại luôn quá đông đúc, thì sẽ tốt hơn nếu tách bạch các làn đường dành cho ô tô và xe máy riêng theo kiểu "đường anh anh đi - đường tôi tôi đi”, Lucas lưu ý.


Trên những con đường dùng chung giữa xe đạp và ô tô có tấm biển như thế này thì có nghĩa là, xe đạp được ưu tiên hàng đầu
(Ảnh: Modacity)

Cấm, hoặc hạn chế xe ô tô

Phương pháp nhanh và hiệu quả nhất để biến một thành phố ngập xe hơi thành một nơi thân thiện với xe đạp chính là “cấm xe ô tô”, Ria Hilhorst, một nhà hoạch định chính sách thuộc thành phố Amsterdam chia sẻ các kinh nghiệm cụ thể mà thành phố này đã thực hiện thành công.

Thật ra, Amsterdam không hoàn toàn cấm ô tô, nhưng chính quyền ở đây lại tạo ra cho những người lái xe ô tô cảm giác không được chào đón. Giá vé cắt cổ cho những chỗ đậu xe ô tô là một giải pháp cực kỳ hiệu quả. Rất nhiều chủ xe ô tô đã đắn đo trước khi khởi động chiếc xe hơi của mình, và rồi cuối cùng, họ quyết định chọn xe đạp hoặc chỉ phải chi trả một khoản tiền vé nhỏ để di chuyển bằng các phương tiện công cộng.

Utrecht thì lại chọn cách biến thành phố của mình thành một gara để xe đạp lớn nhất thế giới với hơn 12.500 điểm gửi/cho thuê xe đạp ở khắp nơi giúp bất cứ một người dân nào cũng có thể có một chiếc xe đạp để di chuyển vào bất cứ thời gian nào.

Ngoài ra, Amsterdam còn đang có kế hoạch xóa bỏ hơn 10.000 điểm đậu xe ô tô trong nội đô - một “cơn ác mộng” đối với bất cứ tài xế lái xe ô tô nào khi muốn di chuyển ở trung tâm thành phố. “Ở Amsterdam, bạn sẽ dễ dàng đi khắp thành phố một cách tiện lợi, thoải mái, và an toàn chỉ bằng xe đạp”, Harms tuyên bố. “Và điều đó không hề tự nhiên mà có. Nó là kết quả của những chính sách được cân nhắc kỹ lưỡng và thận trọng”.


Giá vé đậu xe đắt đỏ cũng khiến nhiều tài xế ô tô e ngại
(Ảnh: Amsterdamtips)

Đẩy mạnh truyền thông một cách rõ ràng lợi ích của xe đạp

Nhiều người lo lắng rằng, ngăn cấm xe ô tô sẽ khiến cho việc kinh doanh buôn bán gặp khó khăn do khách hàng không thể tiếp cận được dịch vụ. “Đó là một giả thuyết hoàn toàn sai lầm”, Harms phản biện. “Hàng loạt công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở những nơi mà người đi bộ hoặc đi xe đạp dễ tiếp cận thì những khu vực đó càng thu hút được nhiều khách du lịch ghé đến và vì thế, sẽ bán được nhiều hàng hơn”.

“Ngoài ra, hãy thử nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thay thế mỗi khu đậu xe ô tô bằng một khoảnh không gian xanh như công viên chẳng hạn. Chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều hơn những cộng đồng xanh, tươi mát và trong lành”, Van Rossem gợi ý.

Những lợi ích khác của việc thúc đẩy thói quen sử dụng xe đạp như: giúp người dân tăng cường vận động thể chất, hạn chế ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn do động cơ gây ra... cũng được những nhà hoạch định chính sách công cộng Hà Lan nhắc đến.

“Tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa, rằng, trong quá khứ, Amsterdam cũng đã từng là một thành phố tràn ngập ô tô. Nhưng chúng tôi vẫn thay đổi được”, Van Rossem khẳng định.


Khuyến khích sử dụng xe đạp mang lại nhiều lợi ích cho con người (Ảnh: Modacity)

Nguyễn Thuận tổng hợp

(Phụ nữ Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: