Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Cú “niêm phong” sống động một nơi chốn

Cú “niêm phong” sống động một nơi chốn

Viết email In

Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021, dân Paris xôn xao khi Khải Hoàn Môn xuất hiện với diện mạo khác lạ. Một tác phẩm điêu khắc đô thị (nếu có thể gọi như vậy) đến từ sáng tạo của cặp đôi nghệ sỹ Christo và Jean Claude. Dù được ấp ủ từ lâu nhưng đến khi cả hai đều qua đời thì tác phẩm mới được chính thức trình làng, trùng khớp thời điểm diễn ra Lễ hội Di Sản toàn nước Pháp, do đó trở thành một “ngôi sao” như cái tên của nó (Étoiles) trong hành trình tham quan của dân chúng và khách thập phương.


Sau một khoảng thời gian bị bao phủ bởi công trường, một Khải Hoàn Môn mới được trình làng với diện mạo và cách thức trình diễn ánh sang hoành tráng (Ảnh: Lê Khánh Vân)

Dành trọn  đời để “đóng gói” các công trình

Khải Hoàn Môn không chỉ là công trình duy nhất được cặp đôi nghệ sỹ này “chiếu cố”. Trước đây, Christo cũng đã tham gia tạo dựng các hình khối đương đại như “ băng bó” cho Pont Neuf ở Paris, hay cầu phao nổi trên mặt hồ Iseo ở Ý, và tác phẩm cuối cùng The London Mastaba, một chồng thùng màu sắc rực rỡ được đặt trên hồ Serpentine ở London…

Nếu thử tìm hiểu về triết lí để Christo tạo ra những tác phẩm này thì kết quả sẽ là con số zero tròn trĩnh! Trong nhiều trả lời phỏng vấn, Christo từng phát biểu “vẻ đẹp mang cá tính là yếu tố chính để sáng tạo” thay vì tính nhân văn, cảnh quan hay những con số về du lịch, kỷ lục nào đó.

Ông khao khát tạo ra những tác phẩm độc nhất vô nhị, không thể mua đi bán lại, cũng không khai thác về kinh tế hay du lịch một cách lâu dài. Và do đó, cũng không nằm trong các tiêu chuẩn về thẩm mỹ đô thị hay nghệ thuật đương đại thông thường. Chúng trở thành khác biệt, độc bản, và thậm chí phù du, mơ hồ, có đó rồi mất đó… như chưa từng tồn tại, khiến cho các “ thước đo” quen thuộc không thể áp đặt vào hay làm biến đổi bản chất của chúng.

Do chọn yếu tố “cộng sinh” vào môi trường tự nhiên hoặc đô thị sẵn có, tương tác chặt chẽ với cấu trúc công trình hiện hữu, nên cặp đôi nghệ sỹ này đã chọn vải polystyrene làm chất liệu chính nhờ đặc tính dễ che phủ, ít gây tổn hại cho môi trường cũng như công trình cổ, dễ tháo gỡ cũng như tạo hiệu ứng chuyển động mượt mà theo gió.

Đồng thời, lối triển lãm ngắn hạn, chỉ vỏn vẹn hai tuần cho mỗi tác phẩm, khiến không gian và thời gian cộng hưởng cùng nhau như một dạng “doping thị giác và thụ cảm” với thời lượng và bối cảnh nhất định. Điều này kích thích du khách thưởng ngoạn, dù mua vé hay không, dù trực tiếp đến hay nhìn qua mạng xã hội, cũng đều có thể tiếp cận và chiêm ngưỡng, dĩ nhiên là tùy mức độ.

Với Christo, sự tự do trong sáng tác và cách thức trưng bày là yếu tố quan trọng kế tiếp để nâng cao tính thẩm mĩ.

Từ Khải Hoàn Môn của thói quen, đến khung cửa của sự thay thế

“L’Arc de Triomphe, empaqueté” của Christo là một hình khối che phủ biểu tượng trứ danh Khải Hoàn Môn ở quảng trường Charles de Gaules Étoiles, Paris, với 23.000m2 vải và 3.000m dây sợi thừng bằng vải đỏ. Để tạo thành tác phẩm “trùm mền” này, hàng chục người thợ phải chế tạo bộ khung sao cho đảm bảo chính xác với thiết kế, an toàn cho công trình cũng như các bức phù điêu di sản từ thời Napoleon(*).


Christo-Jeanne Claude và những ấp ủ về tác phầm “L’Arc de Triomphe”.
(Ảnh: AP và André Grossmann)

Tôi ghé thăm công trình vào sáng thứ bảy, 18 tháng 9 vừa qua, ngày bắt đầu lễ hội Di Sản. Từ phía xa của đại lộ Champs-Elysees, chiếc cổng màu trắng xuất hiện vừa đột ngột vừa mơ hồ, thay thế cho chiếc cổng bằng đá vàng với phù điêu cổ điển quen thuộc.

Nó kỳ lạ đến mức nhiều người kêu phi lý. Nó choáng ngợp nhưng lại không rõ ràng khiến người ta bắt buộc phải săm soi ngó nghiêng từ xa đến gần, xem nó thực sự là gì, làm như thế nào và… để làm gì. Đó cũng là một điều phi lý, vì nó chẳng để làm gì cả, vâng, đơn giản chỉ khiến tôi cũng theo quán tính như mọi du khách khác: bắt đầu đi một vòng lần lượt quanh các đại lộ có hướng đồng tâm quanh Khải Hoàn Môn (cũ) để chiêm ngưỡng các góc khác nhau của một Khung Cửa (mới).

Sự kỳ lạ do chưa quen mắt từ cái nhìn trục phố khác nhau, các góc khối vải bọc kín này chịu tác động bởi ánh nắng, cây xanh, các công trình lân cận… được phô bày ra thế nào, là các trải nghiệm khó quên.

Tôi nghe nói ở quê nhà, Sài Gòn thân thương của tôi, những ngày giãn cách xã hội do đại dịch Covid cũng đang bộc lộ ra các khoảng trống và dung mạo đô thị theo kiểu “quen mà lạ” như thế này. Còn nơi đây, giữa Paris vào thu rực rỡ, có gì đó “rất gần và rất xa” hiện hữu nơi giao điểm những trục lộ lịch sử lâu đời. Quảng trường này cũng diễn ra các cuộc tuần hành mỗi sáng thứ bảy nên hầu hết các chuyến xe bus sẽ không đi sâu vào, toàn bộ khu vực trở thành một không gian đi bộ rộng lớn với hàng chục ngàn người tham gia cùng nhiều mục đích. Có người đến vì chiêm ngưỡng tác phẩm của Christo như tôi, có người đi biểu tình về một số chính sách xã hội, cũng có người tập thể dục và mua sắm, dạo chơi quanh các khu thương mại lân cận.

Nhịp đời hối hả trôi theo những bước chân, nhưng dù đi đâu, thì khối màu trắng bạc ấy vẫn xuất hiện ở phía giao lộ quen thuộc, như một chỉ dấu về đóng mở, kín hở, hay gợi sự tò mò khó cưỡng.

Nhìn lại quy hoạch Paris với các biểu tượng của nơi chốn

Trên đường về, tôi ngẫm nghĩ nhiều về sự thành công của “Empaqueté, l’Arc de Triomphe”, lý do về lịch sử và nghệ thuật tạo nên tính liên kết trong bối cảnh đô thị và văn hóa của việc “đóng gói” công trình di sản như vậy.

Trước tiên, dễ thấy rằng nếu đối tượng được “bọc lại” không phải là những di sản nổi tiếng, những điểm đến lừng danh, thì tác phẩm của cặp đôi nghệ sỹ đã không thành công đến vậy. Việc “làm mới cái cũ” các đối tượng là “hàng khủng” đã chạm vào vấn đề hồn nơi chốn (genius loci) trong xây dựng- kiến trúc là vô giá, bởi về mặt địa điểm sẽ không bao giờ có tháp Eiffel thứ hai hoặc tượng Nữ thần tự do nào khác sánh bằng so với “chính chủ” tại địa điểm gốc. Thử tưởng tượng nếu nghệ sỹ còn sống và có cơ duyên với Việt Nam, biết đâu ông có thể bọc kín… Tháp Rùa giữa Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, hay bọc lại tháp đồng hồ chợ Bến Thành… thì quả là thú vị và đặc biệt!


Giá trị quy hoạch các trục lịch sử ở Paris dẫn đến mối quan hệ của Khải Hoàn Môn với không gian cảnh quan làm nên thành công cho tác phẩm Christo (Ảnh: Tư liệu Laurent VDBK và Wiki)

Thứ hai, nghệ thuật chọn đối tượng để “chơi đùa” thật sự quá thượng thừa, khi Khải Hoàn Môn nằm trên giao điểm của 12 đại lộ lớn nhỏ khác nhau được xây dựng lan toả như một mặt trời tí hon của kinh đô Lutèce (Ánh Sáng). Trên tất cả các trục đường tỏa ra từ tâm điểm này, dù đứng ở đâu cũng đều thấy rõ Khải Hoàn Môn bởi vị trí đỉnh đồi của điều kiện địa hình Paris bên bờ sông Seine.

Đồng thời, trục Champs Elysees, Grand Armee đóng vai trò trục lịch sử khi nối liền cung điện Tuileries, quảng trường Concorde, với Khải Hoàn Môn và cổng lớn La Defense, biểu tượng của đô thị mới ở ngoại ô Paris. Tất cả các công trình biểu tượng này đều nằm trên một trục và quan sát (đồng nghĩa với liên hệ, kết nối) lẫn nhau.

Nếu không có hệ thống quy hoạch không gian đô thị sâu sắc và sự giữ gìn, tiếp nối hình thái- cảnh quan chặt chẽ đến từng chi tiết như độ cao hàng cây, đường chân trời hoàn hảo hay khống chế nhà cao tầng chặt chẽ, thì có lẽ một kiến trúc cổ điển như Khải Hoàn Môn được bọc lại cũng chẳng khác gì mọi kiến trúc khác, có khi lại gây phản cảm, trở thành một hình ảnh… băng bó công trình thời dịch bệnh, hay là cái gì đó được suy diễn lung tung, phản cảm nào đó mà người ta có thể nghĩ ra tùy theo bối cảnh người ta cảm nhận(**)

Thứ ba, bản sắc không gian đô thị có thể không gắn mãi với một hình ảnh công trình cố định, duy nhất nào, mà luôn thay đổi, thích ứng với thời cuộc. Nhưng bản sắc đó không thể một sớm một chiều được áp đặt vào chỉ nhờ tác động duy ý chí của giới quản lý hay ngẫu hứng nhất thời của người nghệ sỹ. Dù “anh” là ai, anh vẫn phải hiểu và tuân thủ những quy luật phát triển của địa điểm, biết thụ cảm sâu sắc về “mã gène văn hóa” của cư dân và vùng đất đó, cũng như trải nghiệm đủ lâu và tương tác đủ sâu với cá tính nghệ thuật vốn có của anh, để có thủ pháp xử lý với đặc thù của địa điểm mà anh chọn.


Pont Neuf ở trung tâm Paris là một trong số những công trình đã qua tay “phù thuỷ đóng gói” Christo. (Ảnh: Wolfgang Volz)


Một số tác phẩm của Christo và Jean Claude , từ trên xuống, trái qua phải: Wrapped Trees, Fondation Bayeler & Berower Park ở Riehen, Thụy Sĩ; Valley Curtain ở Rifle, Colorado; Surrounded Island ở vịnh Biscayner, Miami, bang Florida; The London Mastaba, Serpentine Lake, Hyde Park, Anh. (Ảnh tư liệu của Wolfgang Volz)

Và cuối cùng, việc “đóng gói” Khải Hoàn Môn Paris dường như đã xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật và đời thường, theo hướng tư duy “không thể và có thể” rất tự do nhưng cũng rất khuôn khổ. Con người có thể tác động vào môi trường đến mức độ nào? Đâu là ranh giới giữa tham vọng chiếm lĩnh không gian và thái độ nhường nhịn môi trường? Chúng ta tạo ra bối cảnh, hay chúng ta tận dụng và điểm xuyết, nương nhờ vào bối cảnh? Rất nhiều câu hỏi còn ở phía trước chờ lời giải đáp tùy thuộc tri thức, nhận thức và sự tỉnh thức của mỗi người.

Điểm nhấn 200 tuổi giữa Paris phồn hoa sẽ còn được bọc trong vải trắng bạc thêm vài ngày nữa như ghi nhận một biến cố, một thời khắc nhất định nào đó. Và tôi tin rằng những ai mê đắm vẻ đẹp cổ điển của nó sẽ xoa tay hài lòng không phải vì tác phẩm “trùm mền” kia được mở lợp bọc ra, mà bởi vì như chính Christo từng chia sẻ: “Nhiều người cảm thấy các tác phẩm của chúng tôi khó hiểu, đơn giản vì chúng không phải là những tác phẩm điêu khắc hay bức tranh bình thường. Chúng là rất nhiều thứ, chúng thuộc về cảm nhận chiêm ngưỡng”

Đúng vậy. Chị thấy ở đó điều gì nào, khi hình ảnh thân quen đột nhiên bị thay thế? Anh có ngạc nhiên khi kiểm kê lại toàn bộ bối cảnh chung quanh, và giật mình vì chúng ta đáng tận hưởng nhiều thứ hơn là một không gian vài chục mét vuông được gọi là “nhà” hay không? Với những ai ít nhiều quan tâm, trăn trở về quan hệ môi trường- công trình- văn hóa và con người, sẽ nhận ra giá trị của một nơi chốn đơn giản chỉ ở 2 chữ đóng - mở, được - mất, vô thường.

Merci Christo et Jeanne Claude! Xin cảm ơn những cú “ niêm phong ngắn hạn” giúp làm sống lại nơi chốn của chúng ta!

KTS Lê Khánh Vân

_____

Tài liệu tham khảo:
(*) Từ 1833, Khải Hoàn Môn Ngôi Sao được trang trí bởi các điêu khắc gia lững lẫy đương thời, như Rude với tác phẩm Marseillaisse, Cortot với Vinh quan 1810 về chủ để quân sự. Đi cùng 128 chiến trận và tên 660 nhân vật tướng lĩnh khắc chung quanh, nơi đây từ năm 1920 còn là “Đài tưởng niệm chiến sỹ vô danh”, nơi quàn thi hài khi cử hành tang lễ của các nhân vật quan trọng. Nhóm thi công tác phẩm cũng đặt hoa tưởng niệm 2 tác giả trong thời gian thi công và trưng bày tác phẩm.
(**) Theo Bernard Marchand: Paris, histoire d’une ville XIX-XX secle: Thực ra Khải Hoàn Môn đã từng xuất hiện dưới hình hài… bọc vải, khi công trình chưa xây xong, nhưng để đón tiếp Napoleon tiến vào thủ đô vào năm 1810, người ta đã… làm giả hệ khung bọc vải rồi sơn lên để mô phỏng công trình, và kết quả là dân chúng quá thích thú và ấn tượng, nên công trình được cấp kinh phí hoàn thành tiếp, cho dù sau khi Napoleon bị đi đày và qua đời, đến khi vua Louis XVIII tiếp tục và vào năm 1823 mới hoàn thành Khải Hoàn Môn.

(Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống - số 186)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo