Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Giá nhà ở toàn cầu tăng vọt

Giá nhà ở toàn cầu tăng vọt

Viết email In

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã đẩy giá nhà ở nhiều nơi trên thế giới tăng nhanh. Nhiều người trẻ ngày càng gặp khó khăn trong việc sở hữu nhà ở.

Giá bất động sản tăng vọt buộc người dân ở nhiều nước trên thế giới phải từ bỏ hy vọng sở hữu nhà. Theo Bloomberg, đó là hệ quả của đại dịch Covid-19. Không chỉ giá mua, giá thuê ở nhiều thành phố cũng tăng phi mã.

Ở một số nơi, chi phí nhà ở đắt đỏ, vốn đã là một vấn đề tồn tại từ nhiều năm qua, nay trở thành một trong những tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng.

"Chúng ta đang chứng kiến một phần của xã hội bị gạt bỏ khỏi thành phố, bởi không còn đủ khả năng mua nhà nữa", Thị trưởng Berlin (Đức) Michael Mueller bình luận.


Những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến thị trường nhà ở toàn cầu đạt những mức cao kỷ lục mới trong 18 tháng qua. (Ảnh: Bloomberg)

Bất bình đẳng nghiêm trọng

"Đó là vấn đề ở London, Paris, Rome và không may, tình trạng này đang ngày càng gia tăng tại Berlin", ông nói thêm. Trưởng công đoàn Ver.di của Đức mô tả tiền thuê nhà ở thế kỷ XXI cũng giống như giá bánh mì, nguyên nhân dẫn đến bất ổn xã hội trong lịch sử.

Các quan chức trên khắp thế giới đã đưa ra đủ biện pháp để giải quyết vấn đề này, từ giới hạn tiền thuê nhà, áp thuế đặc biệt lên chủ nhà, quốc hữu hóa tài sản tư nhân, biến những văn phòng trống thành nhà ở. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể tìm được các biện pháp khả thi hoặc bền vững.

Tại Hàn Quốc, đảng của Tổng thống Moon Jae-in đã thất bại trong cuộc bầu cử thị trưởng Seoul năm nay, sau khi không giải quyết được mức tăng giá trung bình 90% của một căn hộ ở thành phố này (tính từ khi ông nhậm chức vào tháng 5/2017).

Ứng cử viên hàng đầu cho cuộc bỏ phiếu tổng thống vào năm tới thuộc đảng đối lập đã cảnh báo về khả năng thị trường nhà ở sụp đổ khi lãi suất tăng.

Chính quyền Trung Quốc đã tăng cường các hạn chế đối với lĩnh vực bất động sản trong năm nay. Bắc Kinh cũng tìm cách tăng thuế bất động sản để hạ giá.

Tính đến tháng 7, giá một căn hộ ở Thâm Quyến - thành phố được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc - bằng 43,5 lần mức lương trung bình của một cư dân. Sự chênh lệch là một trong những nguyên nhân thúc đẩy chiến dịch "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình.


Đối với nhiều người trẻ, việc sở hữu nhà ngày càng khó khăn. (Ảnh: Bloomberg)

Đại dịch đã khiến thị trường nhà ở toàn cầu đạt những mức cao kỷ lục mới trong 18 tháng qua. Nguyên nhân là lãi suất cực thấp, hoạt động xây dựng gặp khó khăn, sự thay đổi trong chi tiêu của các hộ gia đình và ngày càng ít nhà được rao bán.

"Những gì chúng ta đang chứng kiến là một sự kiện lớn không nên bỏ qua hoặc xem nhẹ”, ông Don Layton - cựu Giám đốc điều hành của công ty cho vay thế chấp khổng lồ của Mỹ Freddie Mac - viết trong bài bình luận cho Trung tâm Nghiên cứu Nhà ở của Đại học Harvard.

Giấc mơ xa vời

Theo ông Layton, tại Mỹ, giá nhà danh nghĩa cao hơn 30% so với mức đỉnh trước đó vào giữa những năm 2000. "Các chính sách của Chính phủ Mỹ nhằm cải thiện khả năng chi trả và thúc đẩy quyền sở hữu nhà ở đã tạo ra nhu cầu mua nhà đầu cơ, khiến nhiều khách hàng mua nhà lần đầu mất đi cơ hội", ông giải thích.

Tại Mỹ và các nơi khác, khoảng cách thế hệ đối với khả năng mua nhà ở ngày càng gia tăng. Giấc mơ mua nhà của nhiều người thuộc thế hệ Millennials và thế hệ Z sẽ ngày càng khó khăn.

"Những gì chúng ta đang chứng kiến là một sự kiện lớn không nên bỏ qua hoặc xem nhẹ."

-Ông Don Layton, cựu Giám đốc điều hành Freddie Mac

Nợ nhà hiện tại có thể gieo mầm cho cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo nếu chi phí vay bắt đầu gia tăng. Chuyên gia Niraj Shah của Bloomberg Economics đã tổng hợp về các quốc gia có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản cao nhất.

Ông cho biết các chỉ số đo lường rủi ro đang “nhấp nháy cảnh báo” với mức độ chưa từng thấy kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trong quá trình tìm kiếm giải pháp, các chính phủ phải cố gắng và tránh phạt người thuê nhà hoặc chủ nhà. Bloomberg nhận định đó là một điều bất khả thi.

Ngày 21/6, truyền thông Thụy Điển đưa tin thủ tướng nước này đã không vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội và phải rời nhiệm sở.

Nguyên nhân là chính phủ cầm quyền bác yêu cầu của đảng cánh tả liên quan đến việc kiểm soát giá thuê bất động sản.

Ở Berlin, nỗ lực nhằm kiềm chế tăng giá thuê tan tành bởi một tòa án. Các nhà vận động đã thu thập đủ chữ ký để mở cuộc trưng cầu dân ý đối với việc thu giữ tài sản từ những chủ sở hữu nhà tư nhân lớn. Đề nghị được đưa ra bỏ phiếu vào ngày 26/9.

Hôm 17/9, chính quyền thành phố thông báo sẽ mua gần 15.000 căn hộ từ 2 công ty lớn với giá 2,46 tỷ euro (2,9 tỷ USD) để mở rộng nguồn cung.

Thảo Phương

(Zing.vn)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo