Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Bảo tàng Neues ở Berlin làm bực mình những người nệ cổ

Bảo tàng Neues ở Berlin làm bực mình những người nệ cổ

Viết email In

Sau khi bị tổn hại nặng nề trong Thế chiến II, Bảo tàng Neues (Mới) ở Berlin chỉ còn là đống đổ nát trong hơn 60 năm. Giờ đây, công trình này được mở cửa trở lại với hình dáng khỏe khoắn và hiện đại. Tuy nhiên, nhiều người lại không ủng hộ với kiểu “cách tân” này.

Đang trong dịp khai trương chính thức, Bảo tàng Neues trưng bày nhiều cổ vật quý của nhân loại như bức tượng bán thân Hoàng hậu Nefertiti nổi tiếng 3.300 năm tuổi và nhiều di tích từ thời Ai Cập cổ đại. Sau hàng thập kỷ chỉ là một tàn tích thời hậu chiến, công trình này được kiến trúc sư nổi tiếng người Anh David Chipperfield và cố vấn của ông là Julian Harap phục dựng với sự hòa trộn các yếu tố hiện đại và truyền thống. Bảo tàng Neues khiến không ít người Đức ngưỡng mộ.

  • Ảnh bên ; Kiến trúc sư Anh David Chipperfield cho rằng kiến trúc là một phương pháp kể chuyện

Thế nhưng, nhiều người dân ở Berlin lại thích bảo tàng như khi nó được khai trương trên Đảo Bảo tàng hồi giữa thế kỷ 19. Đảo Bảo tàng chiếm toàn bộ nửa Bắc của Spreeinsel, hòn đảo ở sông Spree, trung tâm thành phố Berlin. Hòn đảo này có nhiều bảo tàng nổi tiếng thế giới, trong đó có Bảo tàng Neues.

Những quan điểm xung đột đã dẫn tới một cuộc chiến văn hóa dữ dội và không có dấu hiệu suy giảm ngay cả khi việc xây lại bảo tàng đã được hoàn tất.



Trở lại với cuộc sống

Sau khi bị bom tàn phá nặng hồi năm 1945, Bảo tàng Neues chỉ còn là đống đổ nát. Đến năm 1986 Chính phủ CHDC Đức mới bắt đầu xây dựng lại bảo tàng với mục tiêu là tạo nên một bản sao hoàn hảo của thiết kế gốc. Năm 1990, sau khi nước Đức thống nhất, công trình bị đình lại chờ kết quả cuộc thi thiết kế bảo tàng. Nhiều kiến trúc sư nổi tiếng đã đưa ra những ý tưởng độc đáo, nhưng Tổ chức Di sản Văn hóa Phổ và Chính quyền thành phố Berlin không thấy hài lòng với bất cứ sự đề xuất nào.

  • Ảnh bên : Bảo tàng Neues là nơi lưu giữ nhiều cổ vật quý

Tiếp sau đó là một “cuộc thi kín” với sự tham gia của một số công ty kiến trúc được lựa chọn, trong số các chuyên gia có David Chipperfield ở London, và ông chính thức được giao thực hiện dự án vào năm 1997.

Chipperfield đã gây được tiếng vang ở Đức với bản thiết kế Bảo tàng Văn học Hiện đại ở Marbach và khách sạn Riverside ở Hamburg. Ông Klaus Dieter Lehmann, cựu Chủ tịch Tổ chức Di sản Văn hóa Phổ, đánh giá bản thiết kế bảo tàng Neues của Chipperfield là một sự hòa trộn hoàn hảo giữa cái cũ và cái mới: “Tôi thấy bản thiết kế mới rất hấp dẫn. Nó kết hợp được những khía cạnh cũ, nhưng lại được thể hiện với một dáng vẻ đương đại”.

Người nệ cổ không chấp nhận

Nhưng ý tưởng của kiến trúc sư Anh Chipperfield lại khiến những người nệ cổ ở Đức thấy như cái gai trước mắt và họ có bản kiến kiến nghị mang tiêu đề “Hãy cứu Hòn đảo Bảo tàng”. Song những nỗ lực của họ đã thất bại vì chỉ có thể thu thập được 6.000 chữ ký trong khi cần tới 20.000 chữ ký. Sau đó, xung đột trở nên căng thẳng hơn khi các thành viên của Hội Berlin cổ đã chỉ trích kiến trúc sư Chipperfield rằng ông muốn phá hủy Đảo Bảo tàng lần thứ hai. Họ nhìn nhận quan điểm kiến trúc của ông là một sự phá hủy văn hóa và so sánh nó với cuộc dội bom lên đảo hồi năm 1945.

  • Ảnh bên : Chiến tranh đã gây tổn hại nặng nề tới bảo tàng Neues 

Tuy nhiên, Chipperfield đã bỏ ngoài tai tất cả những lời chỉ trích đó. Đối với ông, kiến trúc là một phương pháp kể chuyện và việc tạo nên bản sao của các công trình từng tồn tại trong quá khứ là đi ngược lại nguyên tắc của ông. Song Hội Berlin cổ không đồng tình với quan điểm này và vẫn tiếp tục chiến dịch của mình. Hội đã gửi đơn lên Hội đồng Kiến nghị Đức và hồi tháng 12/2008 họ đã đề nghị UNESCO đưa Đảo Bảo tàng vào Danh sách Di sản Thế giới đang có nguy cơ bị mất tên. Tổ chức này còn phản đối việc xây dựng một tòa nhà mới trên Đảo Bảo tàng cũng do Chipperfield thiết kế. Đối với kiến trúc sư người Anh này, điều quan trọng là phiên bản mới của Bảo tàng Neues không che đậy những tai họa mà nó phải gánh chịu trong Thế chiến II, trong khi vẫn thể hiện được vẻ đẹp trước đây. Nhưng dường như quan niệm đó không bao giờ được những người nệ cổ ở Đức chấp nhận.

Lương Tuấn Vĩ

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo