Đô thị sinh thái ở Trung Quốc chật vật thu hút cư dân

Thứ hai, 28 Tháng 9 2020 00:18 Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Bloomberg
In

Trung Quốc đang triển khai hàng trăm dự án đô thị sinh thái nhưng những nơi này chưa thu hút lượng cư dân đến sinh sống và làm việc như kỳ vọng một phần là vì chúng chưa đủ nhộn nhịp để tạo ra môi trường kinh doanh và làm việc năng động.

Phát triển thành phố xanh để giải quyết vấn đề môi trường

Nằm ở vùng ngoại ô TP. Thành Đô, một "thiên đường đô thị" đang mọc lên. Khi đến đây, du khách được chào đón bởi thảm cỏ được cắt tỉa cẩn thận bao quanh một hồ nhân tạo khổng lồ với mặt nước được điểm xuyết bởi những cụm hoa súng. Đây là Thành phố Công viên Thiên Phú (Tianfu Park City), một trong hàng trăm dự án đô thị sinh thái được xây dựng trên đất nông thôn và các trang trại ở Trung Quốc giữa lúc Trung Quốc đặt mục tiêu đưa 100 triệu dân từ các vùng nông thôn vào các khu vực đô thị vào năm 2020.


Hồ nhân tạo ở trung tâm của Thành phố Công viên Thiên Phú ở ngoại ô TP. Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Thành phố này được xem là hình mẫu cho các đô thị sinh thái khác ở Trung Quốc.
(Ảnh: Bloomberg)

Sau nhiều thập kỷ đô thị hóa bát nháo, cho phép các khu ngoại ô bê tông cao tầng mọc lên xung quanh các thành phố lớn, lấn đất nông nghiệp và gây ô nhiễm, Trung Quốc đang cố gắng tìm ra một phương thức bền vững để phát triển và cung cấp cho người dân một lối sống tốt hơn.

Fan nói: “Không khí ở đây thực sự tốt và màu xanh ở trong tầm mắt ở bất cứ nơi nào bạn đến”, một cư dân 56 tuổi họ Fan, người đã chuyển đến Thiên Phú vào năm 2013 khi nó vẫn còn là một vùng ngoại ô không ai ngó ngàng”, Fan quả quyết: “Tôi không hối hận về quyết định của mình, giá trị căn hộ của tôi đã tăng gấp đôi”.

Dự án Thành phố Công viên Thiên Phú đã được phê duyệt một năm sau khi Fan đến, mang lại làn sóng chính sách hỗ trợ của chính phủ, giúp bất động sản tăng giá. Chỉ trong nửa đầu năm 2019, thành phố Thiên Phú đã ký hợp đồng đầu tư hơn 300 tỉ nhân dân tệ (44 tỉ đô la Mỹ).

Khi các hoạt động xây dựng lớn hoàn tất trong năm nay, gần 60% diện tích của thành phố này sẽ được dành cho sáu hồ nhân tạo, 30 công viên và các không gian xanh khác. Dân số của nó sẽ giới hạn ở 6,3 triệu người vào năm 2030, chỉ bằng 25% quy mô dân số của các thành phố lớn nhất Trung Quốc, chẳng hạn như Thượng Hải.

Cách tiếp cạnh xanh hóa đô thị của Trung Quốc được thiết kế để giải quyết hai vấn đề môi trường cấp bách. Hoạt động xây dựng hạ tầng đô thị nhà ở cho người dân đã trở thành một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất của nước này.

Nếu Trung Quốc  thực mục tiêu độ thị hóa, điều này có thể sản xuất thêm 1 gigaton (1 tỉ tấn) khí CO2, theo một nghiên cứu của các nhà nhà nghiên cứu ở Đại học Maryland (Mỹ). Đồng thời, môi trường ở vùng nông thôn và đô thị của Trung Quốc cũng sẽ bị xói mòn thêm. Hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc đều bị tình trạng không khí bẩn và nguồn nước kém chất lượng. Khoảng 90% đất đồng cỏ và 40% đất ngập nước ở Trung Quốc bị thoái hóa, theo Bộ Môi trường và Sinh thái Trung Quốc.

Năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình bắt đầu nhấn mạnh lập trường của ông về một “nền văn minh sinh thái”, theo đó, phát triển đô thị phải tính toán đến các tổn thất môi trường. Tuy nhiên, không phải lúc nào khát vọng đó  cũng được chuyển hóa thành các chính sách cụ thể. Hướng dẫn của Bắc Kinh về việc xây dựng các thành phố mới có các từ ngữ đang thịnh hành như "carbon thấp" và "bảo vệ môi trường", nhưng có rất ít yêu cầu cụ thể về tiết kiệm năng lượng và vật liệu xây dựng.

Mang "mác sinh thái" nhưng không tiết kiệm năng lượng

Thiên Phú phát triển mạnh mẽ nhờ ủng hộ cá nhân của ông Tập Cận Bình. Năm 2018, ông đã đến thăm Thành Đô và nhấn mạnh rằng sự phát triển của khu đô thi Thiên Phú phải làm nổi bật các đặc điểm của một thành phố công viên.

Các cán bộ địa phương nhanh chóng thêm cụm từ "thành phố công viên" vào tên chính thức của nó và treo các băng-rôn trên đường phố để quảng bá uy danh "thành phố công viên" của nó. Một viện nghiên cứu thành phố công viên cũng được thành lập để giúp dự án trở thành "một mô hình thành công và nổi tiếng toàn cầu” về đô thị hóa.


Dù có hàng trăm hecta công viên và cây xanh, nhiều khu vực của Thành phố Công viên Thiên Phú vẫn chật vật tìm kiếm khách thuê.
(Ảnh: Bloomberg)

Wu Changhua, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết các chính sách của Trung Quốc cho thấy giới lãnh đạo cao nhất của nước này quyết tâm khôi phục môi trường, nhưng điều đó không phải lúc nào động lực thúc đẩy các quan chức địa phương hành động. Bà nói: “Một động lực mạnh hơn đối với họ có thể là các khoản trợ cấp hào phóng và chương trình kích thích để tăng trưởng kinh tế”.

Deng Wu, phó giáo sư tại Khoa Kiến trúc và Môi trường xây dựng tại Đại học Nottingham Ninhbo China ở tỉnh Chiết Giang, cho biết trong số hàng trăm dự án được phân loại "thành phố sinh thái" ở Trung Quốc, nhiều dự án không sử dụng các chiến lược bền vững như tòa nhà tiết kiệm năng lượng, sắp xếp giao thông thông minh và năng lượng tái tạo.

Ông nói các chủ đầu tư bất động sản thường quảng cáo các tòa nhà của họ là "thân thiện với môi trường" vì chúng duy trì mức nhiệt độ, độ ẩm và oxy ổn định trong nhà nhưng để đạt được điều này đòi hỏi tiêu thụ một lượng điện năng lớn.

Ông cho biết: “Họ đánh đồng thân thiện môi trường với sự thoải mái nhưng những dự án này không liên quan gì đến thân thiện môi trường và thậm chí là ngược lại”.

Đối với nhiều cư dân, cảnh quan tuyệt đẹp và các tòa nhà hiện đại ở Thiên Phú là hiện thân của đặc tính "thành phố sinh thái" và là một sự cải thiện lớn so với những thành phố được xây dựng xấu xí trước đây. Theo quan điểm của họ, không khí trong lành, nước sạch và đường phố đẹp là những thước đo quan trọng của "nền văn minh sinh thái" hơn là những tòa nhà tiết kiệm năng lượng.

Thành phố công viên vẫn còn hiu hắt

Nhưng những thành phố công viên và sinh thái này cần các doanh nghiệp và việc làm để phát triển, chứ không chỉ là những công viên xinh đẹp. Bị thu hút bởi chính sách trợ cấp và giảm thuế của chính phủ, một số công ty địa phương đã chuyển đến các tòa nhà chọc trời mới tại khu thương mại trung tâm ở Thiên Phú dù khu vực này chưa nhộn nhịp.

Các chuỗi nhà hàng và đồ uống toàn cầu như Starbucks và Pizza Hut đã mở các cửa hàng trên bến tàu ở Thiên Phú, nơi các nhân viên môi giới bất động sản bán chào mời những người khách đi bộ mua căn hộ. Tuy nhiên, nhiều khu vực khác của Thiên Phú vẫn hiu hắt do chưa có nhiều người thuê.

Theo Zheng Siqi, Trưởng khoa Phòng thí nghiệm Đô thị hóa Bền vững của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), còn quá sớm để nói liệu Thiên Phú có thu hút đủ cư dân hay không. “Có thể có nhiều cung hơn cầu nếu mọi người thấy rằng không cần phải di chuyển đến một thành phố mới xây dựng, đặc biệt khi mà thành phố hiện tại chưa được sử dụng hết,” bà nói khi  đề cập đến TP Thành Đô, vốn đã trở thành một điểm đến phổ biến cho những người trẻ tuổi muốn thoát khỏi giá thuê căn hộ cao ở những nơi như Bắc Kinh và Thượng Hải trong những năm gần đây.

Đó là câu chuyện đã từng xảy ra ở Trung Quốc. Khu đô thị mới Tân Hải ở Thiên Tân, nằm dọc bờ biển phía đông Trung Quốc, được đặt mục tiêu trở thành một trung tâm tài chính mới khi Thủ tướng Trung Quốc, Ôn Gia Bảo, phát động dự án này cách đây hơn 10 năm.

Nhưng đến năm 2019, chỉ có 100.000 người sống và làm việc tại Thành phố sinh thái Trung Quốc-Singapore, dự án hàng đầu của khu đô thị Tân Hải, kém xa với mục tiêu thu hút 350.000 cư dân đến đây vào năm 2020.

Cách Thiên Phú 15 phút lái xe, người dân của một ngôi làng đang chơi mạt chược vào một buổi chiều chủ nhật gần đây và bàn luận về khu đô thị đang mọc lên gần đó. Họ tự hỏi không biết khi nào ngôi làng của họ, vốn được bao quanh bởi các cánh đồng lúa và rừng tre, sẽ bị san ủi để mở rộng dự án Thành phố Công viên Thiên Phú và liệu họ có được bồi thường cho nhà cửa bị giải tỏa hay không.

Wang Xuelian, một người mẹ hai con, 33 tuổi, cảm thấy khó hiểu với khái niệm thành phố sinh thái.  “Mỗi ngày, khi mở cửa sổ, tôi có thể nhìn thấy thiên nhiên. Tôi không biết tại sao họ muốn phá bỏ nó để xây dựng một số màu xanh giả tạo, ”cô nói.

Khánh Lan

(TBKTSG /Theo Bloomberg)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: