Ashui.com

Wednesday
Dec 04th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Jakarta - thành phố đứng bên bờ thảm họa bị nhấn chìm

Jakarta - thành phố đứng bên bờ thảm họa bị nhấn chìm

Viết email In

Thủ đô của Indonesia là một trong những thành phố sụt lún nhanh nhất thế giới với một phần ba diện tích có thể ngập dưới nước năm 2050.

Nhiều thập kỷ không kiểm soát và khai thác quá mức nước ngầm, mực nước biển dâng cao và thời tiết biến động khắc nghiệt khiến nhiều vùng đất ở Jakarta bắt đầu biến mất. Các giải pháp môi trường hiện tại không hữu hiệu, vì vậy, chính quyền quyết định dời đô sang vị trí mới.

"Thủ đô của chúng ta sẽ chuyển tới đảo Borneo", Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói.

Di dời trung tâm hành chính và chính trị của đất nước có thể là hành động mang tính bảo tồn, nhưng nó cũng là hồi chuông báo tử cho Jakarta, nơi nhiều người trong số 10 triệu dân có rất ít lựa chọn rời đi.

"Mỗi khi có lũ, tôi rất sợ", Rasdi, chủ một quầy hàng thực phẩm, cho hay. "Tôi suýt chết chìm năm 2007, tất cả đồ đạc bị cuốn trôi và phải bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng".

Nhà của Rasdi ở gần cảng phía bắc Jakarta, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất do đất đai sụt lún. Xây dựng trong khu vực hay xảy ra động đất, trên vùng đầm lầy và gần ngã ba sông, nền móng của Jakarta càng bất ổn bởi phát triển thiếu kiểm soát, giao thông đông đúc và quy hoạch đô thị kém.


Nhà cửa chìm dưới mực nước biển ở phía bắc Jakarta hôm 12/6.
 

Jakarta không có hệ thống cung cấp nước máy ở vùng phía bắc. Do đó, các ngành nghề kinh doanh và người dân ở khu vực này sống nhờ khai thác nước ngầm.

Khai thác tràn lan gây sụt lún đất, khiến Jakarta chìm tới 25 cm mỗi năm ở một số vùng, gấp đôi mức trung bình toàn cầu của các thành phố lớn ven biển. Ngày nay, vài phần của nó chìm sâu 4 mét dưới mực nước biển, làm thay đổi cảnh quan và khiến hàng triệu người dễ bị thiên tai ảnh hưởng.

Vào mùa mưa, Indonesia rất dễ gặp lũ lụt. Tình trạng này dự kiến tồi tệ hơn vì mực nước biển đang tăng lên do sự nóng lên toàn cầu. Một phần của kiến trúc nhà thờ Hồi giáo bị bỏ hoang bên bờ sông nhấn mạnh tầm nghiêm trọng của vấn đề, trong khi những vùng nước lớn ảnh hưởng tới đường phố, một số ngôi nhà không thể ở nổi tầng trệt.

Dòng nước xanh đục chảy vào sàn một tòa nhà bỏ hoang, dọc bờ sông đầy rác là những căn nhà lán nhỏ xíu.

"Anh thấy đấy", Andri, 42 tuổi, nói. "Khi còn nhỏ, tôi hay bơi lội ở đó. Thời gian trôi qua, nước ngày càng dâng cao hơn".

Dù Tổng thống Widodo đã nhấn mạnh kế hoạch dời thủ đô sang đảo Borneo, chính quyền địa phương vẫn đang tuyệt vọng tìm kiếm giải pháp cứu Jakarta. Kế hoạch xây các đảo nhân tạo trong vịnh Jakarta, nơi đóng vai trò vùng đệm trước biển Java, cũng như kế hoạch xây đê chắn biển, đã được phê duyệt.


Người dân địa phương đi sát bức tường chắn biển khổng lồ, tránh chỗ đường ngập nước bên cạnh dãy nhà kho bỏ hoang ở phía bắc Jakarta hôm 12/6.

Nhưng không có gì đảm bảo dự án 40 tỷ USD bị trì hoãn nhiều năm nay sẽ giải quyết được nguy cơ bị nhấn chìm của thành phố. Tường chắn từng được thử nghiệm. Một bức tường bê tông dọc bờ biển quận Rasdi và các khu phố có nguy cơ ngập cao đã bị nứt và đang có dấu hiệu chìm xuống. Nước thấm qua đê, chảy vào các con phố chật hẹp và tấn công những khu dân cư nghèo trong thành phố.

"Xây tường chắn biển không phải giải pháp lâu dài", Heri Andreas, khoa học gia ngành Trái Đất, Viện công nghệ Bandung, nói. "Chúng tôi cần phải tiến xa hơn và thay đổi hệ thống quản lý nước".

Trung tâm của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã phát triển vượt bậc trong những năm qua. Các cao ốc, nhà chọc trời mới xây tạo sức nén lên nền đất, làm vấn đề sụt lún nghiêm trọng hơn.

Nhưng thủ phạm lớn nhất là khai thác nước ngầm quá mức, mà thành phố không có cách nào đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân bởi thiếu các công trình trữ nước hoặc mạng lưới đường ống phân phối, Andreas nói.

 

Jakarta không phải đô thị duy nhất đang chìm dần. Venice, Thượng Hải, New Orleans và Bangkok cũng gặp nguy cơ tương tự, nhưng Jakarta có rất ít biện pháp hữu hiệu giải quyết thực trạng này, Andreas nói.

"Những thành phố khác đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm tác động sụt lún", ông nói. "Tuy tốn kém, nhưng nếu nhìn vào hệ quả trong tương lai, ta sẽ thấy nó đáng giá. Khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt là nên bắt đầu từ đâu".

Nhiều người sinh nhai tại những khu vực nguy hiểm nhất tại Jakarta không có thời gian chờ chính quyền đưa ra giải pháp. Trong lúc đó, các chuyên gia cảnh báo một phần ba diện tích thủ đô có thể chìm dưới mặt nước vào năm 2050.

"Tất nhiên là tôi lo lắng, nhưng tôi chẳng làm được gì", Rastini, 40 tuổi, nói. "Tôi đã ở đây từ bé và tôi vẫn sẽ ở lại đây".

Hồng Hạnh

(VnExpress /Theo AFP)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo